Đại lễ Phật đản 2023: Phật giáo tiếp tục chung tay xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Ngày lễ Phật đản là đại lễ Phật giáo lớn trên toàn thế giới. Dịp này kéo dài trong khoảng 1 tuần, từ ngày 8 - 15/4 (âm lịch), nhằm ngày 26/5 - 2/6/2023. Cùng hòa chung niềm vui của phật tử cả nước, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh vừa tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2567 - Dương lịch năm 2023 tại chùa Hòa Bình Phật Quang (TP Hòa Bình). Hàng nghìn tăng ni, phật tử trên khắp các địa phương của tỉnh đã hân hoan tụ về đây tham dự sự kiện lớn nhất năm của Phật giáo Hòa Bình.
Các tăng ni, phật tử tham gia Đại lễ Phật đản 2023 tại chùa Hòa Bình Phật Quang (TP Hòa Bình).
Bà Bùi Thị Hằng, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) chia sẻ: Tôi cùng các chị em trong tổ phật tử thường xuyên lên chùa Hòa Bình Phật Quang giúp những phần việc hàng ngày. Chúng tôi đến chùa dự Đại lễ Phật đản thâm tâm mong quốc thái dân an, mọi thành viên trong gia đình mạnh khỏe, thân tâm an lạc...
Đại lễ Phật đản đã diễn ra trang trọng với các nghi lễ niệm Phật cầu gia hộ; các đại biểu cùng tăng ni, phật tử hát vang Quốc ca và Đạo ca. Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tuyên đọc Thông điệp của Đức pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, diễn văn Đại lễ Phật đản của Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi đến tăng ni, chư vị phật tử trong mùa Phật đản Phật lịch 2567; nghi thức tụng niệm kính mừng Phật đản; dâng hương, tuyên trạng và nghi thức được các phật tử trông mong nhất là tắm Phật. Trong đó, Thông điệp của Đức pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhấn mạnh nội dung: Mùa Phật đản Phật lịch 2567 trở về, người con Phật khắp năm châu lại được hân hoan đón mừng ngày Đấng đạo sư thị hiện ở đời vì hạnh phúc, vì an lạc cho số đông, vì lợi ích cho chư Thiên và loài người. Đây là dịp cho tất cả chúng ta cùng ôn lại lịch sử của Đức Phật Bản sư Thích Ca Mâu Ni, là cơ hội để mọi người chiêm nghiệm, sống theo lời dạy chân thực, có giá trị vượt thời gian của Ngài. Những lời dạy đó gợi ý các giải pháp xây dựng nền hòa bình thế giới, hạnh phúc thực sự cho con người và sự phát triển bền vững cho xã hội...
Đại đức Thích Đức Nguyên, Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, Trụ trì chùa Hòa Bình Phật Quang chia sẻ: Đại lễ Phật đản là đại lễ quan trọng nhất của Phật giáo chào mừng 3 sự kiện quan trọng của đức Phật cũng như Phật giáo thế giới là ngày Đức Phật đản sinh, thành đạo và nhập niết bàn. Đại lễ Phật đản trở về với những người con Phật tiếp tục mở ra cơ hội để chiêm nghiệm sự xuất hiện hy hữu của Đức Thế tôn "đã bật đèn soi chiếu bóng tối vô minh, dựng lại những gì đã đổ vỡ, mang lại cho nhân loại ánh sáng của niềm tin, hy vọng và giải thoát; đồng thời, hướng đến nếp sống hạnh phúc và hòa bình, giữ gìn và phát triển các giá trị văn hóa, đạo đức, góp phần xây dựng xã hội bình an, thế giới vĩnh thịnh”. Thông qua các nghi thức ở Đại lễ Phật đản đã truyền đi thông điệp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”...
Đồng chí Bùi Tiến Lực, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UB MTTQ tỉnh cho biết: Năm 1999, lễ Phật đản đã được Liên hiệp quốc chính thức công nhận là một trong những hoạt động văn hóa quốc tế toàn cầu - gọi là Đại lễ Vesak. Với hơn 2.000 năm gắn bó và đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo Việt Nam đã trải qua những thăng trầm cùng lịch sử đất nước. Song, thời kỳ nào, Phật giáo cũng lấy đức từ bi hỷ xả, chân - thiện - mỹ để giáo hóa chúng sinh. Phật giáo có những đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần "Hộ quốc, an dân”. Nối tiếp truyền thống tốt đẹp của Phật giáo Việt Nam, Phật giáo tỉnh Hòa Bình luôn phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng đời sống văn hóa, tổ chức nhiều hoạt động từ thiện, an sinh xã hội. Trọng tâm là cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", phong trào "Tỉnh Hòa Bình chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau". Các phật tử đã luôn nêu cao tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, truyền thống và đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc... Đặc biệt, Phật giáo đóng góp tích cực trong phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH, đảm bảo AN-QP, xây dựng tỉnh Hòa Bình ngày càng phát triển bền vững, văn minh, giàu đẹp.