Đài Loan diễn tập bắn đạn thật mô phỏng đẩy lùi cuộc tấn công tiềm tàng
Theo báo South China Morning Postngày 3/6, Đài Loan sẽ tiến hành một loạt cuộc diễn tập bắn đạn thật dọc bờ biển và tiền đồn Matsu trong suốt tháng 6, mô phỏng việc đẩy lùi các cuộc tấn công đổ bộ và tấn công hải quân của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).
Cơ quan nghề cá của hòn đảo cho biết Đài Loan tổ chức một loạt cuộc diễn tập để "tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của hòn đảo và chuẩn bị đẩy lùi các cuộc tấn công tiềm tàng từ trên biển của PLA".
Mở màn là cuộc diễn tập bắn đạn thật chống đổ bộ trên bãi biển Xishu gần thành phố Đài Nam vào ngày 5/6, sau đó là trên bãi biển Zhongfu ở thành phố Tân Bắc vào ngày 18/6, bãi biển Caocuo gần Đài Trung vào ngày 26/6.
Tiếp đó là 10 cuộc diễn tập bắn đạn thật gần hai hòn đảo nhỏ Beigan và Gaodeng thuộc quần đảo Matsu từ ngày 26 đến 29/6.
Đài Loan cảnh báo tàu thuyền và máy bay không được tiếp cận khu vực diễn tập.
Các cuộc diễn tập này đều có sự tham gia của vũ khí trên bộ, bao gồm xe bọc thép, rocket chống tăng và súng máy, nhằm vào mục tiêu trên biển.
Lực lượng hải quân Đài Loan cũng sẽ tiến hành 4 cuộc diễn tập bắn đạn thật với vũ khí phóng từ tàu ở vùng biển ngoài khơi thành phố Cao Hùng vào các ngày 12, 13 và 25, 26/6.
Động thái diễn tập quân sự của Đài Loan diễn ra chỉ hai tuần sau khi PLA tiến hành cuộc tập trận "Liên hợp lợi kiếm - 2024A" quy mô lớn xung quanh hòn đảo, như một động thái răn đe trước bài phát biểu nhậm chức của tân lãnh đạo Đài Loan Lại Thanh Đức.
Trong bài phát biểu nhậm chức ngày 20/5, ông Lại Thanh Đức tuyên bố Đài Loan và Trung Quốc đại lục "không phụ thuộc lẫn nhau". Bắc Kinh - vốn thường xuyên gọi ông Lại là "kẻ ly khai" - cho rằng bài phát biểu nhậm chức của ông đã vượt lằn ranh đỏ.
Tại tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân cũng những phát biểu cứng rắn về vấn đề Đài Loan.
Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và không loại trừ dùng vũ lực để thống nhất. Tiêm kích và chiến hạm Trung Quốc hiện diện gần như hàng ngày quanh đảo Đài Loan, hoạt động mà các chuyên gia phương Tây gọi là "chiến thuật vùng xám" nhằm gây sức ép và tránh tạo ra xung đột trực tiếp.