ĐÀI MINH NGỮ BAN TUYÊN HUẤN TỈNH TRÀ VINH - 15 NĂM VỮNG VÀNG CÁNH SÓNG KHÁNG CHIẾN

Trong lúc tiếng mỏ đồng khởi của quân và dân miền Nam vẫn còn hừng hực khí thế nổi dậy và tiến công, vào lúc 19 giờ ngày 12/10/1960, tại khu rừng Chàng Riệc, căn cứ Trung ương cục miền Nam tại tỉnh Tây Ninh, Thông tấn xã giải phóng, bộ phận miền Nam của Việt Nam Thông tấn xã có trụ sở tại thủ đô Hà Nội, đã phát đi bản tin đầu tiên, trịnh trọng thông báo với thế giới về sự ra đời hãng thông tấn chính thức của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Được sự chỉ đạo theo hệ thống dọc của Ban Tuyên huấn Trung ương cục, từ cuối năm 1960, Tiểu ban Báo chí, Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh được Ban Tuyên huấn tỉnh giao thêm nhiệm vụ công tác Phân xã, Thông tấn xã giải phóng tại Trà Vinh với tên gọi chung là Tiểu ban Thông tấn báo chí trong hệ thống Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh.

Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh lúc này do đồng chí Phạm Văn Kiết (Năm Vận; 1929 - 1996), quê quán xã Long Điền, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, Phó Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh kiêm chức Trưởng Ban, đồng chí Lê Thanh Nhàn (Ba Râu, 1932 - 2014) quê quán xã Nhị Long, huyện Càng Long, Trà Vinh, giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên huấn, kiêm chức Trưởng Tiểu ban Huấn học và Trưởng Tiểu ban Thông tấn báo chí.

Từ cuối năm 1960, sau khi Ban Tuyên huấn tỉnh được Ban Tuyên huấn Trung ương cục phân công đảm trách công tác Phân xã, Thông tấn xã giải phóng tại tỉnh Trà Vinh, Tỉnh ủy Trà Vinh chỉ đạo Ban Thông tin vô tuyến, cơ quan điện đài “Mật ngữ” của Tỉnh ủy, do đồng chí Nguyễn Văn Diệu làm Trưởng Ban, cử 02 nhân sự gồm 01 điện báo viên (báo vụ), 01 cơ công và thiết bị vô tuyến điện, thành lập tại Ban Tuyên huấn tỉnh Đài Minh Ngữ.

Sở dĩ gọi đài Minh Ngữ là vì đài vô tuyến điện phục vụ công tác lãnh đạo của Thường trực Tỉnh ủy, thu, phát văn bản được mã hóa bằng tín hiệu Morse (Moóc-xơ), trên sóng vô tuyến điện có âm thanh “tịt tè…(tít, te)…” là một phương pháp thông dụng quốc tế được sử dụng trong viễn thông để mã hóa ký tự văn bản; Đối với hoạt động đài vô tuyến của Tỉnh ủy, văn bản phát, thu đã được mã hóa ký tự thông qua công tác cơ yếu, do đó, tín hiệu văn bản phát đi trên sóng hoàn toàn bảo mật; Đài Minh ngữ Ban Tuyên huấn tỉnh, thu, phát văn bản bằng tín hiệu Morse, mã hóa ký tự văn bản bằng âm thanh “tit, te…” công khai theo mã hóa thông dụng quốc tế, không qua hoạt động cơ yếu mật mã văn bản nên gọi là minh ngữ.

Đài Minh ngữ Ban Tuyên huấn tỉnh sau khi đi vào hoạt động ổn định, do đồng chí Trầm Hồng Sang (Quốc Tịch - sinh năm 1935), quê quán ấp Kinh Đào, xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải, điện báo viên Ban Thông tin vô tuyến Tỉnh ủy, được đào tạo bài bản từ Ban Thông tin vô tuyến Khu ủy Khu 9, phụ trách với vai trò Trưởng Đài Minh Ngữ. Đến năm 1973, đồng chí Trầm Hồng Sang được Tỉnh ủy bổ nhiệm giữ chức Trưởng Ban Thông tin vô tuyến Tỉnh ủy, thay đồng chí Trưởng Ban Nguyễn Hồng Phan, được Tỉnh ủy điều động sang công tác khác.

15 năm (1960 -1975) tham gia hoạt động báo chí kháng chiến, Đài Minh ngữ Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh có nhiệm vụ chuyển tin tức, các tác phẩm báo chí từ Tiểu ban Thông tấn báo chí, Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh về Thông tấn xã giải phóng, Đài Phát thanh giải phóng và Phân xã - Thông tấn xã giải phóng Tây Nam Bộ. Do yêu cầu phục vụ công tác thông tin, báo chí, tuyên truyền ngày càng cao của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Ban Thông tin vô tuyến Tỉnh ủy hỗ trợ Đài Minh Ngữ, Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh phát triển thành 03 bộ đài - 01 bộ đài chủ đặt tại Tiểu ban Thông tấn báo chí, phục vụ yêu cầu chỉ đạo hoạt động thông tấn, báo chí của Thường trực Ban Tuyên huấn tỉnh; 01 bộ đài đặt bên cạnh Thường trực Tỉnh ủy, phục vụ yêu cầu chỉ đạo hoạt động thông tấn, báo chí của Thường trực Tỉnh ủy.

Đến năm 1971, do địa bàn trong tỉnh bị đồn bót địch đóng dày đặc chia cắt, Ban Tuyên huấn tỉnh thành lập thêm 01 bộ đài đặt tại cơ quan Chi bộ xã Ngũ Lạc, huyện Cầu Ngang, đưa tin phong trào kháng chiến chống Mỹ của quân và dân hai huyện Cầu Ngang, Duyên Hải đồng thời làm nhiệm vụ chính là hỗ trợ giữ mối liên lạc bằng vô tuyến điện giữa Phân ban Tuyên huấn khu Tây Nam Bộ tại Trà Vinh với Thường trực Ban Tuyên huấn khu Tây Nam Bộ tại căn cứ kháng chiến tỉnh Cà Mau.

Có lần (khoảng cuối năm 1973), Đài Minh Ngữ cùng nhóm phóng viên tiền phương Ban Tuyên huấn tỉnh đi đưa tin chiến dịch Tỉnh đội Trà Vinh chỉ huy dàn trận đánh 03 tiểu đoàn bảo an địch can viện giải tỏa Chi khu quân sự Tiểu Cần đang bị quân, dân ta bao vây cô lập, tại khu vực ấp Te Te, Từ Ô, xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần vào mùa gió chướng, nước rong, đường đi nước sông ngập lênh láng; Khi Đài Minh Ngữ cùng nhóm phóng viên tiền phương đến nơi đóng quân đã gần nửa đêm, gặp bộ đội đóng quân kín hết các khu vườn.

Nhóm phóng viên tiền phương cùng với các đồng chí Nguyễn Bá Tâm, Bùi Chí Hùng (điện báo viên), Lê Tấn Lực, Bí Hiền Sĩ (cơ công), ban ngày cùng bộ đội chống địch càn quét, tối đến lặng lẽ giăng dây ăng-ten, kê thùng đạn làm bàn, gõ “ma nip” chuyển tin tức chiến sự trong ngày về Thông tấn xã giải phóng, Phân xã - Thông tấn xã giải phóng Tây Nam Bộ, Đài Phát thanh giải phóng, Thường trực Ban Tuyên huấn tỉnh, bên công sự bộ đội. Mỗi lần được lãnh đạo Ban Tuyên huấn tỉnh phân công tham gia hoạt động báo chí phục vụ chiến dịch, những chàng trai, cô gái, phóng viên, điện báo viên, cơ công tuổi đôi mươi Đài Minh Ngữ, Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh luôn tùy theo hoàn cảnh thực tế của địa hình và chiến sự mà khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ công tác thông tấn báo chí của mình ngoài mặt trận.

Chỉ với 02 âm thanh “tit, te”, Morse đã tài tình cấu tạo, phối hợp, buộc người điện báo viên phải thuộc lòng không trùng lấp đối với 27 chữ cái và 10 chữ số, thành thạo đến mức rất cao trong việc nghe tin tường trong tai và khéo léo đến thành thục bàn tay đánh tín hiệu trên “ma nip”, thông thường phải từ 25 đến 30 nhóm chữ số trong vòng một phút mới làm việc được với đối tác trên sóng.

Ngoài ra, người điện báo viên còn phải bình tĩnh, linh hoạt, sáng tạo trong những tình huống khách quan, chủ quan có thể xảy ra như: thời tiết xấu, máy móc gặp sự cố về kỹ thuật, máy lạ phát trùng sóng gây nhiễu, hay bom, đạn nổ gần khi làm việc ngoài mặt trận… có như vậy, người điện báo viên mới hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong phiên làm việc với đối tác trên sóng.

Để có nguồn điện hoạt động, cán bộ cơ công, điện báo viên Đài Minh Ngữ đóng quân đâu, phải dựa vào Nhân dân, nhờ Nhân dân nơi đó, vào chợ hoặc các vùng địch kiểm soát, len lõi qua mắt địch, nhiệt tình và can đảm, mua cho đài một khối lượng lớn pin đèn (loại pin đại 1.5vol), đem về, các đồng chí cơ công dùng mỏ hàn đốt củi, hàn nối tiếp các viên pin lại để có nguồn hiệu điện thế ổn định 180vol cho cả hai máy thu, phát sóng của Đài Minh Ngữ hoạt

Người viết bài này đã từng cùng đồng nghiệp làm việc tại 03 bộ Đài Minh ngữ Ban Tuyên huấn tỉnh với nhiệm vụ phóng viên báo chí từ năm 1969 - 1975.

Đài Minh ngữ Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh đặt dưới sự quản lý kỹ thuật và tần số của Ban Thông tin vô tuyến Tỉnh ủy, trở thành bộ phận chính thức trong hệ thống Ban Tuyên huấn tỉnh, có tổng số 16 đồng chí điện báo viên, cơ công, được đào tạo căn bản trong kháng chiến(*), tham gia hoạt động nghiệp vụ thông tấn, báo chí cho đến ngày cách mạng thành công 30/4/1975. Có 02 đồng chí điện báo viên hy sinh trong lúc chiến đấu bảo vệ căn cứ của đài, được công nhận liệt sĩ.

Sau năm 1975, cán bộ điện báo viên, cơ công Đài Minh ngữ, Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh được Nhà nước tặng, truy tặng Huân, Huy chương các hạng.

Thông tấn xã Việt Nam “còn thiếu” những người làm công tác thông tấn xã kháng chiến, Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh chiếc kỷ niệm chương!

Bài, ảnh: TRẦN ĐIỀN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/xa-hoi/dai-minh-ngu-ban-tuyen-huan-tinh-tra-vinh-15-nam-vung-vang-canh-song-khang-chien-32801.html