Đại sứ Ả-rập Xê-út: 'Việt Nam vươn lên như một đóa sen'
Ả-rập Xê-út đang nỗ lực hiện thực hóa ước mơ thoát khỏi phụ thuộc vào dầu mỏ. Quyết tâm này cũng giống như việc Việt Nam biến ước mơ của mình trở thành hiện thực, vươn lên như một đóa sen từ trong gian khó.
Đó là so sánh của Đại sứ Ả-rập Xê-út tại Việt Nam Mohammed Ismaeil A. Dahlwy trong bài phát biểu tại tiệc chiêu đãi kỷ niệm Quốc khánh Vương quốc Ả-rập Xê-út lần thứ 93, diễn ra tối 22/9 tại Hà Nội.
Quốc khánh Ả-rập Xê-út năm nay mang chủ đề “Chúng ta mơ và hiện thực hóa ước mơ”, khi Ả-rập Xê-út đang nỗ lực thực hiện kế hoạch mang tên Tầm nhìn 2030.
Đại sứ Mohammed Ismaeil A. Dahlwy cho rằng, xuyên suốt quá trình lịch sử của mình, Ả-rập Xê-út và Việt Nam đều chứng tỏ được sự kiên định để hiện thực hóa ước mơ, vượt qua thử thách và đạt được kỳ tích.
Ông cho biết, Ả-rập Xê-út đang mơ về tương lai thoát khỏi phụ thuộc vào dầu mỏ, một nền kinh tế đa dạng và bền vững, theo đuổi sự đổi mới và tiến bộ.
Hiện nay, Ả-rập Xê-út đang triển khai các siêu dự án và thành phố tương lai, đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng sạch và thể thao, ở cả trong nước và quốc tế, đồng thời chuẩn bị cơ sở để đăng cai Triển lãm thế giới World Expo 2030 tại Riyadh, với chủ đề “Kỷ nguyên của sự thay đổi: Dẫn lối hành tinh thấy trước tương lai”.
Đại sứ cho biết, chính sách đối ngoại của Ả-rập Xê-út hướng đến mục tiêu xoa dịu các căng thẳng, thúc đẩy đối thoại và ổn định trong khu vực và thế giới. Tất cả những nỗ lực này đều có liên hệ với nhau và phù hợp với Tầm nhìn 2030 của vương quốc, sẽ mang lại những ảnh hưởng tích cực không chỉ ở Ả-rập Xê-út mà trên toàn khu vực.
Năm 2022, Ả-rập Xê-út là nền kinh tế có tốc độ nhanh nhất nhóm G20 với mức tăng trưởng 8,7%. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, đặc biệt của phụ nữ, tăng lên, với mục tiêu 36% được đề ra trong Tầm nhìn 2030. Dù nền kinh tế tăng trưởng cao nhưng lạm phát vẫn ở mức thấp và giảm xuống.
Đại sứ cho rằng Việt Nam cũng đã biến ước mơ của mình trở thành hiện thực, và đang hiện thực hóa ước mơ lớn lao hơn. “Từ một đất nước sinh ra trong gian khó, Việt Nam vươn lên như một đóa hoa sen và trở thành một trong 5 nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với GDP đạt 409 tỷ USD”, ông nói.
Đại sứ cho rằng quan hệ giữa Việt Nam và Ả-rập Xê-út đạt được những bước tiến quan trọng trong 24 năm qua. Quan hệ này đã và đang phát triển ngày càng mạnh hơn thông qua việc tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau và phối hợp hiệu quả tại các diễn đàn quốc tế.
Kim ngạch thương mại song phương đạt 2,7 tỷ USD trong năm 2022, tăng 32,4% so với năm trước đó. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Ả-rập Xê-út quan tâm đến thị trường Việt Nam và ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam tìm cơ hội mở rộng kinh doanh sang Ả-rập Xê-út, ông cho biết.
Gần đây, một đoàn doanh nghiệp Ả-rập Xê-út lớn nhất từ trước đến nay, từ nhiều ngành nghề khác nhau, sang thăm Việt Nam.
Đại sứ Mohammed Ismaeil A. Dahlwy cho rằng Việt Nam và Ả-rập Xê-út còn nhiều tiềm năng và triển vọng hợp tác to lớn có thể được khai thác trong tương lai không xa để tương xứng với quan hệ giữa hai nước.
Trong bài phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc bày tỏ tin tưởng rằng, với ý chí và quyết tâm của mình, nhân dân Ả-rập Xê-út sẽ sớm hoàn thành những ước mơ của mình, hoàn thành những dự án quan trọng, mở ra một kỷ nguyên mới đầy hứa hẹn trong kỷ nguyên hậu dầu mỏ, thực hiện thành công Tầm nhìn 2030, đưa Ả-rập Xê-út trở thành trái tim của thế giới Ả-rập và Hồi giáo, trung tâm đầu tư toàn cầu, kết nối lục địa Á-Âu.
Thứ trưởng hoàn toàn nhất trí với đánh giá của Đại sứ Mohammed Ismaeil A. Dahlwy về những bước phát triển rất tích cực trong quan hệ giữa Việt Nam và Ả-rập Xê-út thời gian qua. Ông cho biết, sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, các hoạt động trao đổi đoàn đã diễn rất sôi động.
Trong tháng 10 tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN – Hội đồng Hợp tác các nước Ả-rập Vùng Vịnh, được tổ chức lần đầu tiên tại Ả-rập Xê-út. Sự kiện này sẽ góp phần củng cố hợp tác giữa hai tổ chức quan trọng hàng đầu ở Đông Nam Á và Vùng Vịnh, cũng như thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa các quốc gia của hai tổ chức, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cho biết.