Đại sứ Campuchia Chay Navuth: Tình cảm dành cho Việt Nam không thể diễn tả bằng lời
Khẳng định Việt Nam là ngôi nhà thứ hai trong trái tim mình, Đại sứ Campuchia tại Việt Nam Chay Navuth mong muốn thiết lập nhiều nhà hàng Campuchia tại Việt Nam trong năm 2023 như một cách làm gần gũi hơn mối quan hệ hữu nghị hai nước.
Bước qua mốc kỷ niệm đặc biệt 50 năm quan hệ ngoại giao, Việt Nam – Campuchia đã có nhiều hoạt động ghi dấu ấn. Trước thềm năm mới 2023, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Campuchia ở Việt Nam Chay Navuth đã có những chia sẻ với Mekong ASEAN về ấn tượng của mốc son đã qua và mong muốn thúc đẩy quan hệ hai nước trên các lĩnh vực, đặc biệt là trụ cột văn hóa.
Mekong ASEAN: Năm 2022 đã lưu lại nhiều dấu ấn mốc 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Campuchia. Ngài Đại sứ có thể nêu cảm nhận về hiệu ứng của các hoạt động này?
Đại sứ Campuchia Chay Navuth: Hoạt động kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao của Việt Nam và Campuchia nhận được sự chú ý của nhiều nước trên thế giới và đặc biệt là người dân của hai quốc gia.
Tôi vẫn nhớ lễ kỷ niệm do chính phủ Việt Nam tổ chức và ông Võ Văn Thưởng được Tổng Bí thư giao trách nhiệm tổ chức. Tham dự chương trình có một nhóm các nhà lãnh đạo Campuchia đại diện cho thủ tướng Hun Sen tới Việt Nam, đặc biệt là bà Men Sam An, Phó Thủ tướng Campuchia.
Vào lễ kỷ niệm hôm đó, nhiều con đường tại Hà Nội ngập tràn cờ hoa cùng sự tham gia của rất nhiều người dân Việt Nam từ khắp mọi nơi cũng như các nhà lãnh đạo hàng đầu của hai nước. Tại sự kiện, các nghệ sĩ đã biểu diễn và hát cả các bài hát Campuchia cũng như Việt Nam. Đây là một trải nghiệm tuyệt vời.
Thêm vào đó, tại tỉnh Bình Phước và tỉnh Tbong Khnum, hai nước cũng đã tổ chức buổi gặp mặt, sự kiện này diễn ra song song với lễ kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và đánh dấu 45 năm ngày nhà lãnh đạo Campuchia là ông Hun Sen tới Việt Nam để tìm kiếm sự trợ giúp đánh đuổi chế độ diệt chủng Pol Pot.
Ngoài hai lễ kỷ niệm trên, lãnh đạo các địa phương của Việt Nam và Campuchia cũng đã gặp mặt để chúc mừng 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Tôi muốn thông qua bài phỏng vấn này để cảm ơn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Võ Văn Thưởng và các nhà lãnh đạo Việt Nam vì sự thành công của những sự kiện kỷ niệm trọng thể nói trên.
Mekong ASEAN: Từ cảm nhận cá nhân, xin Ngài chia sẻ tình cảm của mình sau thời gian đảm nhiệm vai trò Đại sứ đặc mệnh toàn quyền ở Việt Nam?
Đại sứ Campuchia Chay Navuth: Việt Nam đã trở thành ngôi nhà thứ hai của tôi. Sau khoảng thời gian sinh sống và làm việc ở Việt Nam, tôi nhận thấy người dân nơi đây rất thân thiện, hiếu khách và họ rất chăm chỉ làm việc. Mỗi khi có công việc gì đó cần hoàn thành, họ đều làm nó một cách nhanh chóng, quyết tâm và họ quan tâm tới những chi tiết nhỏ.
Tôi cũng yêu Hà Nội và những mùa của Hà Nội. Tôi yêu thích việc đạp xe đạp quanh Hồ Tây mỗi sáng và nó đã trở thành một thói quen trong cuộc sống của tôi. Tôi không có nhiều cơ hội để đi khắp Việt Nam nữa vì trong 2 năm đầu công tác tại đây là thời gian đại dịch xảy ra.
Mekong ASEAN: Một trong những trụ cột quan trọng trong tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, góp phần phát triển các mối quan hệ hợp tác giữa hai nước là văn hóa. Đại sứ cho rằng Việt Nam – Campuchia có thể làm sâu sắc thêm trụ cột này như thế nào trong năm 2023?
Đại sứ Campuchia Chay Navuth: Yếu tố văn hóa đóng vai trò vô cùng quan trọng trong mọi lĩnh vực khác nhau. Các nhà lãnh đạo của 2 quốc gia đã thiết lập một cơ chế để khuyến khích hợp tác văn hóa thông qua Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia.
Trong năm 2022, tôi nhận được nhiều phản hồi từ lãnh đạo các địa phương về việc cần phải củng cố Hội Hữu nghị không chỉ ở cấp độ quốc gia mà còn ở cấp độ tỉnh, thành và thậm chí là nhỏ hơn. Bằng cách này, mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước sẽ càng thêm sâu sắc và có thể tiến lên một tầm cao mới.
Tuy nhiên một cơ chế này là không đủ mà chúng ta cũng cần thêm các hoạt động khác đi kèm. Từ trước đó và ngay ở hiện tại, hai quốc gia đã và đang thực hiện tốt công tác giáo dục. Có nhiều sinh viên người Việt Nam tới Campuchia để học tập và ngược lại, có nhiều người Campuchia trẻ tuổi cũng tới Việt Nam để theo học. Đây là cơ hội để họ khám phá và hiểu biết hơn về văn hóa hai nước.
Mekong ASEAN: Nếu chọn chủ đề hợp tác văn hóa - du lịch của hai nước cho năm tới, Ngài nghĩ đến những từ khóa gì?
Đại sứ Campuchia Chay Navuth: Theo tôi, chủ đề cho hợp tác văn hóa - du lịch Việt Nam – Campuchia năm 2023 sẽ là khám phá văn hóa sau đại dịch.
Do quãng thời gian 2 năm Covid-19 hoành hành, hai nước đã không thể tổ chức nhiều hoạt động hợp tác theo kế hoạch đề ra. Tuy nhiên tới năm 2022, Covid-19 hiện đã nằm trong tầm kiểm soát, Việt Nam – Campuchia có thể bắt đầu nối lại việc thảo luận các các hoạt động kết nối.
Một điều tôi chưa từng nhắc tới chính là tôi muốn có thêm những nhà hàng Campuchia tại Hà Nội cũng như tại các thành phố lớn. Nguyên nhân là vì mỗi khi người dân Việt Nam muốn nếm thử ẩm thực Campuchia, họ không biết phải tới nơi nào.
Vậy nên tôi đang có kế hoạch thiết lập các nhà hàng tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM và Nha Trang. Thay vì tới tận Campuchia để nếm các món ăn bản địa, người Việt Nam có thể trải nghiệm hương vị ẩm thực đất nước chúng tôi tại chính địa phương của mình.
Mekong ASEAN: Kim ngạch thương mại song phương hai nước trong năm 2022 đã vượt kỳ vọng đặt ra. Theo Đại sứ, những nguyên nhân nào đã tạo ra kết quả đáng mừng này?
Đại sứ Campuchia Chay Navuth: Biên giới giữa Việt Nam và Campuchia sẽ sớm trở thành biên giới của sự hợp tác và phát triển. Hai quốc gia có chung đường biên giới tương đối dài. Hơn nữa theo như tôi quan sát, ngày càng nhiều các khu công nghiệp được xây dựng, đặc biệt là trên lãnh thổ Việt Nam.
Hai quốc gia có thị trường lớn, đặc biệt là Việt Nam với 15 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA). Đối tác của Việt Nam là nhiều thị trường lớn trên khắp thế giới nhờ vào các thỏa thuận đã ký kết.
Tận dụng cơ hội này, hai nước nên tập trung vào lĩnh vực thương mại. Chúng ta nên xem xét thêm chi tiết về những mặt hàng hai quốc gia có thể trao đổi với nhau như nông sản và các sản phẩm dịch vụ khác.
Việt Nam cần rất nhiều nguyên liệu thô trong khi Campuchia có thể đáp ứng được nhu cầu này. Vì vậy, đây chính là cơ hội cho các nhà đầu tư để khám phá cũng như xem xét tận dụng. Các nhà đầu tư có thể mua nguyên liệu từ Campuchia, sản xuất, chế biến, đóng gói và xuất khẩu nó tới các thị trường khác.
Nguyên nhân khiến thương mại song phương hai quốc gia vượt quá kỳ vọng chính là do đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát. Mọi người đã có thể giao thương mà không cảm thấy lo ngại nữa. Trong điều kiện “bình thường mới” sau đại dịch, khối lượng thương mại đã có thể cải thiện đáng kể.
Nguyên nhân khác là hai quốc gia có những chính sách hỗ trợ đầu tư đúng đắn, đặc biệt là chính sách cũng như cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư. Một yếu tố quan trọng chính là yếu tố nhân lực.
Mekong ASEAN: Theo Đại sứ, Việt Nam và Campuchia có thể làm gì để Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV DTA) được gắn kết, bền vững, thịnh vượng và đóng góp vào Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025?
Đại sứ Campuchia Chay Navuth: Câu hỏi này tới vào đúng thời điểm. Trước khi hội nghị thượng đỉnh ASEAN - EU được tổ chức tại Brussels, lãnh đạo các nước cùng gặp mặt nhau, trong đó có Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen và Thủ tướng Phankham Viphavanh. Sự kiện gặp mặt riêng này giúp các quốc gia đưa ra kế hoạch chiến lược, từ đó thắt chặt hợp tác trong khối ASEAN.
Tôi cũng muốn nói thêm về việc Quốc hội của ba nước Việt Nam, Campuchia và Lào quyết định tổ chức các cuộc gặp mặt hàng năm để đưa ra các kế hoạch mới từ năm 2022 trở đi nhằm học hỏi kinh nghiệm từ nhau. Việc này có nghĩa là sự chuẩn bị và các kế hoạch để tiến về phía trước đã được các nhà lãnh đạo của ba nước bàn luận với nhau.
Khu vực tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia có đóng góp quan trọng vào việc xây dựng một cộng đồng ASEAN chung. Các nhà lãnh đạo các quốc gia trong khối luôn luôn có mong muốn huy động nguồn lực từ bên ngoài để giúp phát triển khu vực, kể cả khu vực tam giác phát triển.
Mekong ASEAN: Xin trân trọng cảm ơn Ngài Đại sứ!