Đại sứ chào xã giao, thăm địa phương cần lưu ý những gì?
Sau khi trình Quốc thư, Đại sứ tiến hành các cuộc chào xã giao (courtesy calls) lãnh đạo nước tiếp nhận và Đại sứ các nước có nhiều quan hệ.
Nhìn chung, các nước đều có quy định về việc Đại sứ chào xã giao những vị lãnh đạo cấp cao nào và các đầu mối thu xếp.
Ngoài các vị lãnh đạo cấp cao mà nước sở tại quy định, Đại sứ chú ý xin chào Bộ trưởng Ngoại giao, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách khu vực, Thứ trưởng Ngoại giao khác nếu thấy cần thiết, Vụ trưởng Vụ khu vực, các Bộ trưởng, Thứ trưởng các cơ quan khác có nhiều quan hệ.
Đây là những cuộc chào xã giao để thiết lập mối quan hệ công tác. Đại sứ cần chuẩn bị một số nội dung quan trọng về quan hệ, hợp tác hai bên.
Đối với Đoàn Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam thu xếp sớm chào xã giao Trưởng đoàn Ngoại giao, Đại sứ các nước ASEAN, Đại sứ các nước bạn bè truyền thống khác.
Sau khi trình Quốc thư, Đại sứ nên đi thăm chính thức những địa phương (bang, thành phố, tỉnh) có nhiều quan hệ với Việt Nam, có đông Việt kiều, sinh viên Việt Nam để chào lãnh đạo địa phương, thúc đẩy quan hệ và tiếp xúc với đại diện cộng đồng.
Tùy thông lệ từng địa bàn, Đại sứ quán có thể tổ chức tiệc chiêu đãi (nên là tiệc Reception hoặc buffet) mời một số bạn bè thân thiết, đại diện Việt kiều, sinh viên để giới thiệu Đại sứ mới.
(theo Cục Lễ tân Nhà nước)
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dai-su-chao-xa-giao-tham-dia-phuong-can-luu-y-nhung-gi-146941.html