Đại sứ Đan Mạch: Ngoại giao Việt Nam khéo léo và kiên cường với trọng trách 'kép'
Trong bài viết dành riêng cho TG&VN nhân dịp Tết Tân Sửu 2021, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Kim Højlund Christensen chia sẻ về những ấn tượng đối với ngoại giao Việt Nam trong năm 2020 và những kỳ vọng trong năm 2021.
Năm 2020 là một năm thật sự khó khăn, khi đại dịch Covid-19 mang đến những thách thức nghiêm trọng và chưa từng có trong lịch sử. Tuy nhiên, trong bối cảnh chưa từng có tiền lệ này, Việt Nam đã nỗ lực tốt nhất để thực hiện một cách khéo léo và kiên cường nhiệm vụ kép là Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đã nỗ lực để duy trì và củng cố vai trò trung tâm và kết nối của ASEAN trong một thế giới đầy bất định với đại dịch trăm năm mới có một lần cùng với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các cường quốc.
Hơn thế nữa, Việt Nam cũng đã thúc đẩy hợp tác với các nước đối tác khu vực ASEAN nhằm chống lại đại dịch. Các sáng kiến như thành lập Quỹ Ứng phó Covid-19 và thiết lập diễn đàn để chia sẻ kinh nghiệm, chiến lược và cách thức nhằm giảm bớt tác động của cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu đã được ủng hộ rộng rãi.
Việt Nam cũng đã làm rất tốt vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việt Nam đã tích cực nâng tầm vị thế và tiếng nói của ASEAN tại Liên hợp quốc, bao gồm thúc đẩy hợp tác ASEAN-Liên hợp quốc, phát huy hiệu quả việc đảm nhận vai trò kép tại hai tổ chức này trong năm 2020.
Trong tháng đầu tiên của một năm đầy biến động, Việt Nam đã thực hiện thành công vai trò chủ tịch luân phiên tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, điều phối hiệu quả các chương trình nghị sự và nghị quyết quan trọng, nhằm giảm căng thẳng ở Trung Đông và giúp đỡ người dân ở Syria...
Tôi xin chúc mừng Việt Nam, và đặc biệt là Bộ Ngoại giao, đã hoàn thành rất tốt trọng trách của mình trong năm 2020. Là một nhà ngoại giao, tôi hoàn toàn ý thức được việc phải nỗ lực như thế nào khi đảm nhận hai vai trò quan trọng như vậy. Bên cạnh đó, việc xử lý thành công Covid-19 là một thành tựu lớn trong năm 2020 mà Việt Nam nên cảm thấy tự hào.
Khi chúng ta bước vào năm 2021, tôi tin rằng Việt Nam sẽ có thể tận dụng tối đa năm cuối cùng của mình tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và tăng cường lợi ích cũng như vị thế của Việt Nam và ASEAN, đồng thời đóng góp vào hòa bình và phát triển toàn cầu.
Covid-19 sẽ tiếp tục là một thách thức trong năm 2021. Tuy nhiên, tôi hy vọng rằng những tiến triển tích cực cũng như việc sử dụng rộng rãi vaccine trên phạm vi quốc tế sẽ cho phép Việt Nam từng bước mở cửa biên giới một cách an toàn.
Việc đó chắc chắn sẽ giúp cho hoạt động ngoại giao trở nên dễ dàng hơn khi chúng ta có thể tiến hành các chuyến thăm cấp cao quan trọng và các cuộc gặp mặt trực tiếp.
Chúng tôi đặc biệt mong chờ viễn cảnh tươi sáng đó vì năm 2021 là năm Việt Nam và Đan Mạch kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, nên chúng tôi hy vọng hai nước sẽ có các hoạt động chung và các chuyến thăm cấp cao vào cuối năm nay.
Một sự kiện quan trọng khác trong năm 2021 là COP-26, một sự kiện mà tất cả chúng ta đều phải sẵn sàng cho những đóng góp đáng kể. Việt Nam đã phải gánh chịu những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, như xâm nhập mặn đồng bằng sông Cửu Long và những cơn bão tàn phá miền Trung vào năm 2020 mà qua đó, chúng ta hẳn đã nhận thức rất rõ về mức độ nghiêm trọng và sự cần thiết phải hành động để chống lại biến đổi khí hậu.
Đan Mạch là một trong những đối tác phát triển đầu tiên hỗ trợ Việt Nam về thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu, và chúng tôi sẽ tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt cho chương trình nghị sự xanh trong khuôn khổ hợp tác với Việt Nam trong những năm tới.