Đại sứ Đinh Toàn Thắng: Việt Nam khẳng định cam kết cao nhất đối với sự phát triển của cộng đồng Pháp ngữ
Nhân dịp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 tại thủ đô Paris của Pháp từ ngày 4-5/10, phóng viên TTXVN tại Paris đã phỏng vấn Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp, Đinh Toàn Thắng, về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF). Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:
Hội nghị cấp cao Pháp ngữ sẽ diễn ra vào đầu tháng 10 tại Pháp. Xin Đại sứ đánh giá về vai trò của Việt Nam trong OIF, đặc biệt trong giảng dạy tiếng Pháp và phát triển hợp tác kinh tế?
Từ nhiều năm qua, Việt Nam luôn tham gia đầy đủ và thực chất trong hầu hết các vấn đề ưu tiên của cộng đồng Pháp ngữ, từ hoạch định chiến lược hợp tác, thúc đẩy cải cách, vì vậy Việt Nam được coi thuộc nhóm nước đang phát triển có vai trò nòng cốt và tiếng nói quan trọng của OIF tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Điều này được thể hiện qua việc Việt Nam nhiều lần được các nước thành viên OIF tín nhiệm bầu vào các cương vị quan trọng của tổ chức này, tiêu biểu là Chủ tịch rồi Phó Chủ tịch Ủy ban Kinh tế của Hội đồng Thường trực Pháp ngữ từ năm 2019, thành viên Hội đồng quản trị Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) từ năm 2013, Phó Chủ tịch Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF) từ 2019-2021. OIF và AUF đều đặt văn phòng đại diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Hà Nội.
Về giảng dạy tiếng Pháp, Việt Nam đã triển khai được nhiều sáng kiến, dự án ủng hộ từ các nước thành viên cộng đồng Pháp ngữ, nhất là các nước Pháp, Canada, Bỉ, Thụy Sĩ. Các dự án này bao gồm tài trợ các lớp song ngữ dạy tiếng Pháp, đào tạo tăng cường nghiệp vụ cho giáo viên, cán bộ, xây dựng không gian sách tiếng Pháp tại các trường đại học. Từ năm 2014, Việt Nam chủ động đóng góp tự nguyện cho AUF, qua đó góp phần cải thiện giáo dục tiếng Pháp tại 47 trường đại học Việt Nam là thành viên AUF. Vừa qua, Việt Nam là một trong 4 nước đi đầu tham gia khảo sát năm 2023 của OIF về tiếng Pháp trong đa dạng ngôn ngữ, cho thấy sự tiên phong của Việt Nam về đánh giá thực trạng tiếng Pháp và tìm kiếm giải pháp nâng cao giáo dục tiếng Pháp.
Về hợp tác kinh tế, Việt Nam chính là nước đã khởi xướng mảng hợp tác kinh tế trong Pháp ngữ ngay tại Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 7 được tổ chức vào năm 1997 tại Hà Nội. Trên cương vị Chủ tịch Ủy ban Kinh tế, Việt Nam đã điều hành soạn thảo Chiến lược kinh tế Pháp ngữ 2021-2025 và Chiến lược hợp tác số 2022-2026, và là nước đầu tiên đón Đoàn xúc tiến kinh tế và thương mại Pháp ngữ vào tháng 3/2022 để triển khai định hướng hợp tác kinh tế mới trong cộng đồng Pháp ngữ, tạo ra cơ hội cho hơn 500 doanh nghiệp quốc tế và Việt Nam gặp gỡ, trao đổi và xây dựng đối tác. Đối với Việt Nam, việc nâng tầm hợp tác kinh tế cũng là điều kiện thuận lợi thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác mà ta có thế mạnh như nông nghiệp, viễn thông, dịch vụ số và mở ra nhiều đối tác thương mại mới, đặc biệt tại châu Phi.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 tại Pháp và đây là lần đầu tiên lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam tham dự sự kiện này. Có ý kiến cho rằng đây có thể sẽ là bước ngoặt lớn trong quan hệ hợp tác của Việt Nam với OIF. Đại sứ đánh giá như thế nào về nhận xét này?
Trong 30 năm qua, lãnh đạo cấp cao Việt Nam luôn tham dự các Hội nghị cấp cao Pháp ngữ, thể hiện sự coi trọng của Việt Nam trong hợp tác với OIF và các nước thành viên. Việc lần đầu tiên lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam tham dự hội nghị là một cột mốc mới, khẳng định cam kết ở cấp cao nhất của Việt Nam vào sự phát triển của cộng đồng Pháp ngữ, cũng như thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong việc tăng cường hình ảnh, sự hiện diện của cộng đồng Pháp ngữ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho thấy Việt Nam sẵn sàng là cầu nối thúc đẩy quan hệ của cộng đồng Pháp ngữ với khu vực, qua đó nâng tầm cả vị thế quốc gia và vị thế cộng đồng trên trường quốc tế.
Hoạt động đối ngoại cấp cao này sẽ góp phần quan trọng vào việc triển khai đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, coi trọng chủ nghĩa đa phương và thể hiện vai trò thành viên tích cực, trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế nói chung cũng như trong cộng đồng Pháp ngữ nói riêng. Qua tiếp xúc, trao đổi với các cấp lãnh đạo của OIF và các nước thành viên, các đối tác đều ghi nhận cam kết, đóng góp của Việt Nam trong quá trình chuẩn bị hội nghị lần này, đồng thời kỳ vọng trên cơ sở nền tảng vững chắc mà OIF và Việt Nam đã cùng nhau xây dựng, Việt Nam và cộng đồng Pháp ngữ sẽ tiếp tục vun đắp, nâng tầm hơn nữa quan hệ hợp tác, đối tác lâu dài và bền vững trong thời gian tới.
Theo Đại sứ, Việt Nam và OIF cần làm gì để mối quan hệ hợp tác này được thực chất và hiệu quả hơn?
Tham gia cộng đồng Pháp ngữ không chỉ là sự chia sẻ về các nét văn hóa, ngôn ngữ, mà còn là sự chia sẻ các giá trị và lợi ích hợp tác. Để nâng cao hợp tác giữa Việt Nam và OIF, trước hết cần tạo chuyển biến mạnh trong những lĩnh vực then chốt đáp ứng yêu cầu phát triển của cả cộng đồng và từng nước. Trên tinh thần đó, Việt Nam và OIF cần có chính sách tổng thể về định hướng hợp tác hướng tới nhóm thành viên đang phát triển, kết hợp tốt với sự tham gia của các nước phát triển.
Việt Nam đã có nhiều mối quan hệ sâu rộng với các nước Pháp ngữ phát triển, chúng ta cần thúc đẩy OIF hỗ trợ xây dựng một kế hoạch toàn diện hơn hướng tới tất cả các khu vực của không gian Pháp ngữ đang phát triển, trong đó có châu Phi, trong bối cảnh các nước này đang rất quan tâm đến mô hình phát triển thành công của Việt Nam, muốn tăng cường kết nối nhiều hơn nữa trong các lĩnh vực mà châu lục này đang cần và hai bên đã có được những kinh nghiệm tốt, như nông nghiệp, chế biến nông sản, truyền thông, công nghệ số, đào tạo nguồn nhân lực…
Bên cạnh đó, để hợp tác với cộng đồng Pháp ngữ nói chung và các nước thành viên nói riêng đi vào chiều sâu, Việt Nam cần chú trọng việc giáo dục tiếng Pháp có chất lượng; đảm bảo có đội ngũ nguồn nhân lực nói tiếng Pháp tại các lĩnh vực, chuyên ngành liên quan. Ví dụ khi triển khai dự án hợp tác Pháp ngữ mà thiếu nguồn nhân lực biết ngôn ngữ Pháp, thì Việt Nam có thể sẽ gặp khó khăn, thậm chí bỏ lỡ các cơ hội hợp tác. Nếu Việt Nam có thể đảm bảo được điều này, hợp tác với cộng đồng Pháp ngữ trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, giáo dục, chuyển đổi số, văn hóa… sẽ đi vào hiệu quả hơn.
Cuối cùng, chia sẻ những ước vọng chung về hòa bình, an ninh, ổn định và mong muốn thúc đẩy hợp tác để phục vụ phát triển và thịnh vượng, Việt Nam và cộng đồng Pháp ngữ sẽ cần phối hợp mạnh mẽ hơn trên nhiều lĩnh vực cũng như đối với các vấn đề toàn cầu. Các nước Pháp ngữ cũng luôn mong muốn Việt Nam, một nước đã có lịch sử hào hùng trong đấu tranh vì giải phóng dân tộc, là nguồn động viên lớn lao cho nhiều nước châu Phi, tiếp tục là một ngọn cờ của hòa bình và phát triển cho cộng đồng.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!