Đại sứ Đoàn Thanh Song: Việt Nam-Tây Ban Nha hướng tới tương lai toàn diện
Phóng viên TTXVN phỏng vấn Đại sứ Đoàn Thanh Song về ý nghĩa chuyến thăm của Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez cũng như những điểm nhấn nổi bật trong quan hệ Việt Nam-Tây Ban Nha gần 50 năm qua.

Đại sứ Đoàn Thanh Song. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, từ ngày 8/4 đến ngày 10/4/2025, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez sẽ thăm chính thức Việt Nam.
Trước thềm chuyến thăm quan trọng này, phóng viên TTXVN có mặt tại Tây Ban Nha và có cuộc phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Tây Ban Nha Đoàn Thanh Song về ý nghĩa của chuyến thăm cũng như những điểm nhấn nổi bật trong quan hệ Việt Nam-Tây Ban Nha trong gần 50 năm qua.
- Hai nước Việt Nam và Tây Ban Nha vừa kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược và hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2027? Theo Đại sứ, đâu là những lĩnh vực hợp tác nổi bật của hai nước trong gần nửa thế kỷ qua, đặc biệt sau khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược năm 2009?
Đại sứ Đoàn Thanh Song: Nhìn lại mối quan hệ giữa Việt Nam và Tây Ban Nha trong gần 50 năm qua, nhất là kể từ khi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Thủ tướng Jose Luis Rodriguez Zapatero quyết định nâng tầm quan hệ song phương lên tầm “đối tác chiến lược hướng tới tương lai” vào ngày 15/12/2009, mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và Tây Ban Nha đã ngày càng phát triển bền chặt và toàn diện.
Có thể thấy rằng, hợp tác kinh tế vẫn luôn là trụ cột quan trọng cho mối quan hệ đối tác giữa hai nước. Thực chất, mối quan hệ giữa Việt Nam và Tây Ban Nha đã bắt nguồn từ 5 thế kỷ trước bằng quan hệ thương mại khi những thương nhân Tây Ban Nha đầu tiên đến bến Hội An để xây dựng nền thương mại phát triển thịnh vượng ở khu vực...
Đến nay, kể từ khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, quan hệ kinh tế, thương mại song phương đã có nhiều bước phát triển mạnh mẽ: Tây Ban Nha trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Tây Ban Nha trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Kim ngạch thương mại song phương tăng đều từ 15% đến 20% mỗi năm, từ 1,2 tỷ USD vào những năm 2010 lên 4,7 tỷ USD vào năm 2024 (xuất khẩu đạt 4 tỷ USD, nhập khẩu khoảng 700 triệu USD).
Việt Nam chủ yếu xuất khẩu điện thoại và linh kiện, sắt thép, dệt may, giày dép sang Tây Ban Nha, đồng thời nhập khẩu dược phẩm, máy móc, hóa chất và nguyên liệu nhựa phục vụ ngành chế biến, sản xuất trong nước.
Trong 15 năm qua, hợp tác chính trị và ngoại giao giữa hai nước đã tạo nền tảng vững chắc để phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược.
Việt Nam và Tây Ban Nha đã xây dựng mối quan hệ bền chặt, hợp tác sâu rộng với sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau thông qua trao đổi đoàn và hợp tác thường xuyên ở các cấp.
Kết quả tốt đẹp của chuyến thăm của Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trong năm 2023 đến Tây Ban Nha đã tạo ra các cơ chế hợp tác mới trong các lĩnh vực ưu tiên như cơ sở hạ tầng, năng lượng xanh, biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên nước...
Năm ngoái, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng và Ngoại trưởng Tây Ban Nha Diego Martínez Belío cũng đã đồng chủ trì Cuộc tham vấn chính trị lần thứ 5 giữa hai Bộ Ngoại giao tại Hà Nội, đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm phát triển quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước ngày càng mạnh mẽ và thực chất hơn trong thời gian tới.
Đặc biệt, Việt Nam luôn là một trong số các nước ưu tiên trong chính sách hợp tác phát triển của Tây Ban Nha. Hai bên đã thông qua 6 Chương trình hợp tác cho các chương trình xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, y tế, cung cấp nước sạch, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.
Một điểm rất nổi bật trong quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước thời gian qua là giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân ngày càng sôi động, tạo cơ sở tăng cường hiểu biết, tin cậy giữa Việt Nam và Tây Ban Nha.
Như Hoàng hậu Sofia đã nói với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết năm 2009, “Gia đình tôi yêu Việt Nam bằng cả trái tim,” từ một đất nước xa xôi, ngày nay Việt Nam đã thành điểm đến của hơn 85.000 khách du lịch Tây Ban Nha vào năm 2024.
Văn hóa, ẩm thực và nghệ thuật Việt Nam được đông đảo người dân Tây Ban Nha đón nhận nồng nhiệt. Hiện có khoảng 1.000 trẻ em Việt Nam được các gia đình người Tây Ban Nha nhận làm con nuôi, hòa nhập tốt trong cộng đồng sở tại và vẫn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
- Tây Ban Nha là quốc gia đầu tiên phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư EU-Việt Nam (EVIPA). Hai nước đang tận dụng khuôn khổ này để thúc đẩy đầu tư ra sao? Đại sứ quán Việt Nam tại Tây Ban Nha đã và đang triển khai những biện pháp, kế hoạch gì để xúc tiến thương mại, kết nối đầu tư giữa hai nước?
Đại sứ Đoàn Thanh Song: Việt Nam và Tây Ban Nha đang ở giai đoạn chia sẻ nhiều lợi ích chung nhất từ trước đến nay để có thể làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác chiến lược.
Cả Tây Ban Nha và Việt Nam đang mong muốn tìm kiếm, mở rộng, phát triển các thị trường và đối tác mới. Tây Ban Nha có vị thế, tầm ảnh hưởng quan trọng không chỉ tại châu Âu, nhất là phía Nam châu Âu, mà còn tại các nước nói tiếng Tây Ban Nha, khu vực Mỹ Latinh và Bắc Phi, là điểm kết nối chiến lược giữa các khu vực này.
Việc Việt Nam tăng cường quan hệ với Tây Ban Nha cũng sẽ giúp đất nước mở rộng hợp tác cũng như vai trò và uy tín của Việt Nam tới các khu vực này.
Là quốc gia đầu tiên phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư EU-Việt Nam (EVIPA), Tây Ban Nha ngày càng coi Việt Nam là thị trường đầy hứa hẹn cho các công ty Tây Ban Nha.
Phòng Thương mại Tây Ban Nha mới thành lập tại Hà Nội là một ví dụ sinh động về quyết tâm tăng cường quan hệ kinh tế với Việt Nam của phía bạn. Tây Ban Nha hiện có trên 96 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư gần 144 triệu USD.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Các khoản đầu tư đáng chú ý gần đây của Tây Ban Nha vào Việt Nam là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng gió, năng lượng Mặt Trời và số hóa; là những lĩnh vực mà nước ta đang mong muốn thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) công nghệ cao.
Ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng muốn thâm nhập vào thị trường Tây Ban Nha. Tuy nhiên, con số này vẫn rất khiêm tốn so với tiềm năng hợp tác giữa hai nước.
Đó có thể là một trong những nguyên nhân mà Thủ tướng Pedro Sanchez đã quyết tâm đưa nhiều tập đoàn hàng đầu của Tây Ban Nha sang Việt Nam dịp này.
Có thể thấy rằng, thời gian gần đây, Tây Ban Nha không chỉ còn tập trung vào Mỹ Latinh, các nước nói tiếng Tây Ban Nha mà ngày càng quan tâm nhiều hơn tới cơ hội hợp tác làm ăn tại châu Á, trong đó Việt Nam được coi là một điểm đến ngày càng hấp dẫn.
Trong Tầm nhìn chiến lược ở châu Á được Chính phủ Tây Ban Nha thông qua, sự hiện diện mạnh mẽ ở châu Á là một mục tiêu liên tục của Tây Ban Nha trong thời gian tới.
Hiểu được tiềm năng hợp tác to lớn giữa hai nước trong bối cảnh quan hệ song phương đang phát triển hết sức tốt đẹp cũng như vai trò và vị thế đang lên của nước ta, Đại sứ quán đã ráo riết triển khai nhiều biện pháp để xúc tiến thương mại, kết nối đầu tư giữa hai nước.
Thứ nhất, Sứ quán đã tổ chức nhiều buổi trao đổi với các doanh nghiệp Tây Ban Nha về triển vọng, cơ hội tăng cường hợp tác, đầu tư, kinh doanh với Việt Nam với các quy định đầu tư, kinh doanh với mong muốn để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư hai nước xích lại gần nhau hơn.
Đại sứ quán cũng đã tích cực thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư, kết nối các doanh nghiệp Việt Nam và Tây Ban Nha trên những lĩnh vực bạn có thế mạnh như cơ sở hạ tầng, điện gió, năng lượng xanh, cảng biển, công nghiệp chế biến thực phẩm...
Thứ hai, Sứ quán cũng đã chủ động triển khai các hoạt động quảng bá hình ảnh đất nước, cơ hội đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam thông qua các buổi trả lời phỏng vấn, viết bài cho các tờ báo hàng đầu Tây Ban Nha như El Pais, El Mundo...
Thứ ba, với việc Tây Ban Nha có chất lượng giáo dục và nghiên cứu hàng đầu thế giới; hợp tác giáo dục, khoa học, công nghệ, nghiên cứu và đổi mới là lĩnh vực quan trọng và có tiềm năng để phát triển hơn nữa trong quan hệ hai nước; Đại sứ quán đã đặt ưu tiên hàng đầu trong đẩy mạnh hợp tác giáo dục - đào tạo thiết thực, hiệu quả, toàn diện giữa hai nước.
Sứ quán đã liên tiếp gặp gỡ lãnh đạo Bộ Giáo dục, lãnh đạo các trường Đại học và một số trường phổ thông trung học, trong đó có các trường lớn và có nhiều thế mạnh về công nghệ và kỹ thuật như Đại học Bách khoa Madrid, Đại học Tổng hợp Complutense, Đại học Alcala,... để kết nối, thúc đẩy ký kết thỏa thuận hợp tác trong đó có việc trao đổi chuyên gia, kỹ sư, cung cấp học bổng và tổ chức chương trình trao đổi với các trường Việt Nam.
Thứ tư, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, giao lưu nhân dân thiết thực giữa hai nước cũng được đẩy mạnh với nhiều dấu ấn nhằm lan tỏa vẻ đẹp của đất nước và con người Việt, tăng cường sự hiểu biết của người dân Tây Ban Nha về nền văn hóa Việt Nam, góp phần đẩy mạnh xúc tiến thương mại đầu tư, du lịch, tăng cường tình hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa hai quốc gia để qua đó tạo thêm bước chuyển mới trong quan hệ hai nước.
- Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez sẽ tới thăm chính thức Việt Nam từ ngày 8-10/4. Xin Đại sứ chia sẻ về ý nghĩa chuyến thăm này?
Đại sứ Đoàn Thanh Song: Thứ nhất, đây là lần đầu tiên Thủ tướng Tây Ban Nha thăm chính thức Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1977 và cũng là chuyến thăm chính thức Việt Nam của Lãnh đạo cấp cao nhà nước Tây Ban Nha kể từ chuyến thăm của Nhà vua Juan Carlos và Hoàng hậu Sofia vào năm 2006.
Điều này cùng với việc Thủ tướng Tây Ban Nha chọn Việt Nam và Trung Quốc là hai nước châu Á đi thăm đầu tiên trong năm 2025 thể hiện sự coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn với Việt Nam của Tây Ban Nha; đồng thời khẳng định vị thế và vai trò ngày càng gia tăng của nước ta trên khu vực và thế giới.
Rất đúng như Thủ tướng Pedro Sánchez vừa mới đây tuyên bố trong một thông điệp trên mạng xã hội rằng cả hai nước đều có chung "mong muốn tăng cường quan hệ chính trị, thương mại và đầu tư."
Thứ hai, chuyến thăm chính là minh chứng sinh động cho kết quả hợp tác tốt đẹp giữa hai nước trong thời gian qua, từ chính trị tới kinh tế, thương mại đầu tư, văn hóa, quốc phòng, an ninh, giáo dục-đào tạo và giao thông vận tải…
Hợp tác chính trị và ngoại giao giữa hai nước đã tạo nền tảng vững chắc để phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược. Việt Nam và Tây Ban Nha đã xây dựng mối quan hệ bền chặt, hợp tác sâu rộng với sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau thông qua trao đổi đoàn và hợp tác thường xuyên ở các cấp. Tây Ban Nha là nước EU đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.
Thứ ba, chuyến thăm diễn ra vào thời điểm rất có ý nghĩa là ngay sau khi hai nước vừa kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trong năm 2024 và trước thềm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2027.
Chuyến thăm có ý nghĩa rất quan trọng trong tăng cường, thúc đẩy quan hệ ngoại giao và kinh tế, thương mại giữa hai nước; sẽ tạo xung lực lớn, bàn đẩy để hai nước tiếp tục nỗ lực phát triển mối quan hệ hướng tới tầm cao mới, thực chất và hiệu quả hơn.
- Dự kiến trong thời gian ở Việt Nam, Thủ tướng Pedro Sanchez sẽ có những hoạt động điểm nhấn gì? Đại sứ kỳ vọng gì về chuyến thăm này?
Đại sứ Đoàn Thanh Song: Chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Pedro Sanchez tới Việt Nam rất đặc biệt, dự kiến kéo dài 3 ngày và sẽ có chuỗi các hoạt động ở cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Điều này thể hiện rõ Tây Ban Nha đặc biệt coi trọng quan hệ với Việt Nam và mong muốn phát triển mối quan hệ song phương này.
Hai bên sẽ tập trung trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác để tăng cường sự tin cậy chính trị, làm sâu sắc hơn nền tảng quan hệ hiện có và mở ra các cơ hội mới trong các lĩnh vực tiềm năng, nhất là trong chính trị-ngoại giao, kinh tế-thương mại-ầu tư, khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng, giao thông đô thị, phát triển bền vững, năng lượng tái tạo... Hai bên cũng dự kiến sẽ ký kết một số văn kiện thúc đẩy hợp tác song phương.
Ngay trước chuyến thăm, Thủ tướng Pedro Sánchez đã nhấn mạnh rằng "Việt Nam đã trở thành nam châm thu hút đầu tư nước ngoài" và khẳng định rằng "nhờ Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu, các công ty Tây Ban Nha, những nhà lãnh đạo trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng và năng lượng tái tạo, sẽ có thể phát triển các cơ hội kinh doanh quan trọng tại Việt Nam.”
Tuyên bố này, cùng với chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng, sẽ giúp định hướng quan tâm, ưu tiên của người dân, cộng đồng doanh nghiệp Tây Ban Nha vào Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội hợp tác khác.
Những cam kết, quyết tâm, tin tưởng về mặt chính trị giữa hai nước, cùng với việc các lãnh đạo của gần 20 tập đoàn hàng đầu Tây Ban Nha tháp tùng Thủ tướng, quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước thời gian tới hứa hẹn sẽ có nhiều chuyển biến mạnh, tích cực và năng động hơn, đặc biệt trong các lĩnh vực mà Tây Ban Nha có thế mạnh và ta hiện rất quan tâm như xây dựng cơ sở giao thông, quản trị hệ thống giao thông, đô thị thông minh, năng lượng tái tạo, đồ gia dụng…
- Trân trọng cảm ơn Đại sứ./.