Đại sứ Israel kỳ vọng về bước tiến xa khi Hiệp định tự do thương mại Việt Nam-Israel (VIFTA) được ký kết
Theo Đại sứ Israel tại Việt Nam Yaron Mayer, việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Israel (VIFTA) dự kiến trong chuyến thăm Israel của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, sẽ là bước tiến quan trọng, mang theo tiềm năng to lớn cho thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Nhân dịp Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang sẽ thăm chính thức Nhà nước Israel, Đại sứ Israel tại Việt Nam Yaron Mayer đã trả lời phỏng vấn Báo Thế giới & Việt Nam về sự kiện quan trọng này.
Đại sứ đánh giá thế nào về ý nghĩa chuyến thăm chính thức Israel của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, đặc biệt khi hai nước chúng ta đang kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (12/7/1993 – 12/7/2023)?
Chúng tôi rất vui mừng chào đón Phó Thủ tướng Việt Nam Trần Lưu Quang đến thăm nhằm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước chúng ta.
Chuyến thăm này mang ý nghĩa chính trị và kinh tế quan trọng. Lịch trình của Phó Thủ tướng phản ánh tầm quan trọng của sự kiện này. Bộ trưởng Ngoại giao Israel Eli Cohen sẽ đón chính thức Phó Thủ tướng, và ông Trần Lưu Quang cũng sẽ gặp Tổng thống Israel Isaac Herzog, Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Chủ tịch Quốc hội Amir Ohana.
"Tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc VIFTA được ký kết giữa hai nước chúng ta như một bước ngoặt mang theo tiềm năng to lớn cho thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Israel và xa hơn nữa", Đại sứ Yaron Mayer nhận định.
Kết quả quan trọng của chuyến thăm này là việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Israel (VIFTA) giữa Bộ trưởng Kinh tế và công nghiệp Israel Nir Barkat và Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên. Hiệp định này đã được đàm phán trong nhiều năm và sẽ được ký kết dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Netanyahu và Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang.
Chúng tôi cũng kỳ vọng chuyến thăm này sẽ là biểu tượng cho một bước tiến xa hơn tiến tới nâng cấp quan hệ ngoại giao và hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Cá nhân tôi, cùng với Đại sứ Việt Nam tại Israel Lý Đức Trung, sẽ tháp tùng trong chuyến thăm này và cam kết sẽ tiếp tục triển khai kết quả của chuyến thăm.
Chúng tôi cũng mong đợi các chuyến thăm cấp cao trong tương lai, bao gồm chuyến thăm của Bộ trưởng Nir Barkat và đoàn doanh nghiệp Israel sẽ đến Việt Nam trong thời gian tới.
Đâu là những lĩnh vực hợp tác nổi bật giữa Việt Nam và Israel trong 3 thập kỷ qua, thưa Đại sứ?
Trong 30 năm qua, quan hệ ngoại giao giữa hai nước chúng ta đã phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Nhìn lại các lĩnh vực hợp tác thành công nhất, tôi muốn nhấn mạnh đến thương mại, nông nghiệp và giáo dục.
Thương mại giữa hai nước đã có sự tăng trưởng đáng kể, tiến triển từ gần như chưa có gì đến hơn 2 tỷ USD kim ngạch song phương hiện tại. Điều này đã thúc đẩy các cuộc đàm phán thành công và việc ký kết VIFTA sắp tới, một thành tựu quan trọng. VIFTA không chỉ mở ra nhiều cơ hội để tăng cường thương mại cả về số lượng và chất lượng mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty Israel làm ăn với Việt Nam.
Kinh tế của hai nước bổ sung cho nhau, đóng vai trò như một cầu nối đối với các quốc gia láng giềng. Do đó, Israel có cơ hội tiếp cận thị trường châu Á, trong khi Việt Nam có cơ hội tiến vào thị trường Trung Đông.
Về nông nghiệp, cả hai bên đã cùng nhau hợp tác trong việc áp dụng các công nghệ và hệ thống hiệu quả từ Israel để phù hợp với điều kiện Việt Nam. Sự hợp tác này bao gồm các chương trình đào tạo, thu hút hàng nghìn sinh viên Việt Nam đến học tập tại Israel.
Trong hơn 15 năm qua, Cơ quan Hợp tác phát triển Israel Mashav đã tạo điều kiện cho du học sinh Việt Nam thực tập tại các cơ sở đào tạo và nông trại, cho phép họ thu nhận kiến thức và kinh nghiệm vô cùng quý giá. Những cách làm này đã được áp dụng thành công cả trong khu vực công và tư tại Việt Nam và nhiều chuyên gia nông nghiệp Việt Nam bày tỏ sự tự hào vì đã được đào tạo tại Israel.
Cuối cùng, lĩnh vực giáo dục và đào tạo xứng đáng được đề cập. Mặc dù đã có sự hợp tác trong giáo dục sau đại học và trung học, cũng như các chương trình đào tạo nông nghiệp, nhưng vẫn cần có thêm sự hợp tác trong lĩnh vực này.
Tiềm năng của thanh niên Việt Nam trong việc thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của đất nước là rất rõ ràng, và cả hai bên đều mong muốn đóng góp vào quá trình này thông qua hợp tác giáo dục, đặc biệt là trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo.
Israel đã khởi xướng các dự án cụ thể với các viện, trường đại học và cơ quan chính phủ để thành lập và thúc đẩy các chương trình đào tạo cho thanh niên. Ví dụ như việc ứng dụng robot trong trường học đã ngày càng được chú trọng, kéo theo các chuyến thăm, giao lưu và gặp gỡ lẫn nhau của các đoàn Israel và Việt Nam, cho thấy triển vọng hứa hẹn cho việc mở rộng hợp tác trong tương lai.
Và mới đây, chúng tôi đã tổ chức Hội thảo "Việt Nam và Israel phòng chống bắt nạt trên môi trường mạng" tại Hà Nội.
Như Đại sứ vừa chia sẻ việc Việt Nam và Israel sẽ ký kết VIFTA trong chuyến thăm sắp tới. Ông kỳ vọng gì về FTA này và những cơ hội mà nó mang lại cho doanh nghiệp hai nước?
Tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc VIFTA được ký kết giữa hai nước chúng ta như một bước ngoặt mang theo tiềm năng to lớn cho thương mại và đầu tư và xa hơn nữa. Chúng ta chỉ mới bắt đầu khám phá những cơ hội nó mang lại.
Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến tất cả những người đã nỗ lực hết mình trong suốt 8 năm đàm phán qua để biến thành tựu này thành hiện thực.
Liên quan đến các nỗ lực hợp tác cụ thể, tôi tin rằng điều cần thiết là phải ưu tiên tăng cường trao đổi thông qua các đoàn doanh nghiệp hoặc giao lưu nhân dân. Những trao đổi này sẽ tạo điều kiện cho chúng ta học hỏi lẫn nhau, khám phá các cơ hội và hiểu sâu hơn về các nguyên tắc đầu tư và cơ sở hạ tầng. Việc thực hiện đầy đủ những lợi ích của VIFTA sẽ cần một số giai đoạn nữa để đảm bảo kết quả tối ưu.
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ song phương, Đại sứ quán Israel tại Việt Nam đã và sẽ tổ chức những sự kiện gì nhằm tăng cường sự hiểu biết và tình hữu nghị giữa hai nước?
Tăng cường quan hệ nhân dân là một yếu tố quan trọng trong quan hệ song phương của chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta giới thiệu cho nhau văn hóa và cách tư duy ở mỗi nước.
Khái niệm về một "quốc gia khởi nghiệp" có vẻ đơn giản, thực tế thì nó bắt đầu từ giáo dục từ khi còn nhỏ, nuôi dưỡng sự phát triển ý tưởng theo cách hiệu quả nhất. Đây là một thực tiễn chúng tôi đã thực hiện tại Israel và hiện đang hướng tới điều chỉnh cho phù hợp với Việt Nam.
Chúng tôi sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các đoàn thăm lẫn nhau, bao gồm cả các đoàn cấp cao. Các chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau của Israel sẽ đến Việt Nam để thực hiện các dự án hợp tác và chúng tôi chào đón các đồng nghiệp Việt Nam đến trao đổi công việc và ý tưởng tại Israel.
Về các hoạt động văn hóa, trong dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước chúng ta, chúng tôi khuyến khích các hoạt động giao lưu văn hóa quan trọng giữa hai quốc gia.
Vào cuối năm nay, chúng tôi mong đợi một sự kiện âm nhạc lớn, trong đó Dàn nhạc giao hưởng Israel sẽ biểu diễn cùng với Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam để tôn vinh cột mốc quan trọng này trong quan hệ của chúng ta.
Xin cảm ơn Đại sứ!