Đại sứ Ito Naoki: Nhật Bản sẽ tiếp tục đồng hành với Việt Nam trong kỷ nguyên mới
Đại sứ Nhật Bản Ito Naoki tin tưởng Việt Nam là một trong số ít quốc gia có tiềm năng đạt GDP bình quân đầu người trên 10.000 USD trong khối ASEAN.
Ngày 21-9-1973, Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao trong lễ ký kết tại Paris, Pháp. Hơn 50 năm qua, mối quan hệ hai nước phát triển không ngừng, trở thành những đối tác rất quan trọng của nhau trong nhiều lĩnh vực.
Những thành quả này là sự nỗ lực bền bỉ của lãnh đạo và nhân dân hai nước qua nhiều giai đoạn lịch sử, vượt qua nhiều khác biệt, bước qua những thăng trầm, cùng chung tay vun đắp, xây dựng.
Nhân dịp năm mới 2025, đại sứ Nhật Bản Ito Naoki đã có những trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về tiềm năng hợp tác to lớn giữa Việt Nam và Nhật bản cũng như cam kết của Nhật với Việt Nam.
. Phóng viên: Nhìn lại tình hình phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 của Việt Nam, ông ấn tượng về điều gì nhất?
+ Đại sứ Nhật Bản Ito Naoki: Tôi được biết dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Việt Nam có định hướng tập trung phát triển các lĩnh vực cơ sở hạ tầng chiến lược như giao thông vận tải, kỹ thuật số và năng lượng nhằm tạo ra bước chuyển vượt bậc, đưa đất nước tiến vào “kỷ nguyên mới”.
Nhật Bản hoan nghênh những động thái mới này và sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Dù phải đương đầu với bão Yagi nhưng tác động của cơn bão cũng không kéo dài khi kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm của Việt Nam thuộc hàng cao nhất trong số các nước ASEAN.
Trong thời gian hơn nửa năm kể từ khi nhận nhiệm vụ tại Việt Nam, tôi đã trao đổi với nhiều người và ghé thăm nhiều địa phương, trong đó có năm lần đến thăm TP.HCM. Từ những kinh nghiệm đó, tôi nhận thấy Việt Nam là một trong số ít quốc gia có tiềm năng đạt GDP bình quân đầu người trên 10.000 USD trong khối ASEAN.
. Ông kỳ vọng gì về Việt Nam trong việc tăng cường quan hệ song phương năm 2025, nhất là những cải cách đổi mới để phát triển mạnh mẽ hơn?
+ Năm 2023, nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Nhật Bản - Việt Nam đã được nâng cấp lên “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á và trên thế giới”.
Một dự án hợp tác mang tính biểu tượng trong khuôn khổ quan hệ đối tác mới giữa Nhật Bản và Việt Nam là Tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM được vận hành vào tháng 12-2024. Tuyến đường sắt này sẽ mang đến cho người dân TP sự tiện lợi, đồng thời cũng thân thiện với môi trường. Tôi cũng hết sức vui mừng khi tuyến đường sắt này được khánh thành.
Trong thời gian tới, Chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản sẽ cùng chung tay mở rộng hợp tác với Việt Nam - quốc gia đang vươn mình tiến tới “kỷ nguyên mới” - trong lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn hay các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…
Để Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045, Chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản sẽ cung cấp sự hỗ trợ cần thiết nhằm thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam thông qua các chương trình như “Sáng kiến chung Nhật Bản - Việt Nam trong kỷ nguyên mới”.
Để phát triển hơn nữa quan hệ đối tác Nhật Bản - Việt Nam, tôi nghĩ rằng điều quan trọng là hai nước cần đẩy nhanh tiến độ các dự án. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư sang Việt Nam rất mong muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam, nhưng họ nhận thấy rõ những trở ngại trong môi trường đầu tư liên quan đến thủ tục hành chính và tốc độ ra quyết định, quyết sách.
Tôi tin tưởng rằng nếu giải quyết được những vấn đề này, sẽ có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản muốn xem xét lập kế hoạch cho các dự án ODA mới và tham gia vào dự án ODA viện trợ cho Việt Nam hơn.
Giữa tháng 10 năm ngoái, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có một bài viết với nhan đề “Chống lãng phí”, trong đó Tổng Bí thư kêu gọi “đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật” và “giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí của người dân, doanh nghiệp, chống bệnh quan liêu”.
Tôi rất kỳ vọng rằng trên cơ sở đường lối chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, luật pháp và thủ tục hành chính của Việt Nam sẽ giúp cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài bao gồm doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam, cũng như tạo điều kiện cho việc triển khai dự án ODA của các nước.
Tôi xin cam kết rằng trong tương lai, Nhật Bản sẽ tiếp tục là người bạn thân thiết của Việt Nam khi Việt Nam bước vào “kỷ nguyên mới”.