Bộ Nội vụ khẳng định cân đối được tiền chi trả các trường hợp nghỉ hưu, thôi việc khi thực hiện sắp xếp

Chiều 5/2, văn phòng Chính phủ tổ chức buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025 dưới sự chủ trì bởi Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn. Tại đây, đại diện Bộ Nội vụ thông tin liên quan đến nguồn kinh phí để thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Trả lời câu hỏi của báo chí, ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng kiêm Người phát ngôn Bộ Nội vụ thông tin, ngay từ khi xây dựng dự thảo Nghị định 178, Bộ Nội vụ đã xin ý kiến của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết 18, xin ý kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm về các phương án.

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025.

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025.

Người phát ngôn Bộ Nội vụ cho biết, đánh giá tác động Bộ Nội vụ thấy rằng, trong 5 năm, dự kiến nguồn kinh phí do ngân sách Nhà nước chi trả chính sách, chế độ đối với các trường hợp nghỉ hưu và thôi việc vẫn thấp hơn nguồn kinh phí do ngân sách Nhà nước chi trả tiền lương và các khoản chi khác nếu họ tiếp tục làm việc. Ông Vũ Đăng Minh nhấn mạnh: “Như vậy chúng ta vẫn đảm bảo cân đối được nguồn để chi trả”.

Trước một số ý kiến “có người nhận hỗ trợ cao, thấp khác nhau”, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ cho rằng: Đã có quy định rất cụ thể tại Nghị định 178 của Chính phủ và Thông tư 01/2025 của Bộ Nội vụ hướng dẫn chính sách trong sắp xếp tổ chức bộ máy. Ông Minh giải thích thêm, số tiền trợ cấp được hưởng khi nghỉ hưu, thôi việc của mỗi người sẽ khác nhau bởi phụ thuộc vào tiền lương tháng hiện hưởng, thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội và thời gian nghỉ sớm của mỗi người.

Ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng kiêm Người phát ngôn Bộ Nội vụ.

Ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng kiêm Người phát ngôn Bộ Nội vụ.

Để triển khai chế độ, chính sách đối với cán bộ khi tinh gọn bộ máy, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 có văn bản đề nghị các bộ, ban, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng và ban hành các tiêu chí cụ thể phù hợp với đặc điểm, tình hình và thực tiễn, gắn với đánh giá cán bộ, công chức, viên chức.

Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ nói: “Các bộ, ban, ngành, địa phương cần giao trách nhiệm cho cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý quyết định đối tượng phải nghỉ việc do sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giảm biên chế, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức”.

Hiện nay, các bộ, ngành, địa phương đã có phương án cụ thể về sắp xếp, tổ chức bộ máy và số lượng rất cụ thể. Riêng về việc tính toán nhân sự vào vị trí nào, Người phát ngôn Bộ Nội vụ cho rằng, cần chờ Quốc hội thông qua cơ cấu tổ chức thì Chính phủ mới ban hành nghị định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ ngành.

Ông Minh giải thích thêm, các bộ, ngành không thuộc diện hợp nhất cũng cần có nghị định mới để quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn vì cũng phải điều chỉnh bộ máy bên trong. Bộ Nội vụ sẽ chờ quyết định của cơ quan có thẩm quyền mới có báo cáo số lượng người tinh giản chính xác.

Quỳnh Hoa

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/sac-mau-cuoc-song/bo-noi-vu-khang-dinh-can-doi-duoc-tien-chi-tra-cac-truong-hop-nghi-huu-202502051936505688.html