Đại sứ Lê Thị Hồng Vân: Luôn tâm niệm phải phát huy sức mạnh mềm Việt Nam
'Là đại diện của Việt Nam tại tổ chức UNESCO, nơi có nhiều đối tác với các lợi ích phức tạp, chúng tôi luôn tâm niệm càng phải phát huy sức mạnh mềm của Việt Nam, từ uy tín quốc gia, khả năng nắm bắt tâm tư chung, năng lực hài hòa sự khác biệt lợi ích giữa các thành viên, khả năng thương lượng, điều hành, dẫn dắt, đề xuất sáng kiến….'
Đại sứ, Trưởng đại diện phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Thị Hồng Vân chia sẻ trước thềm Hội nghị Đối ngoại Toàn quốc, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31.
Theo Đại sứ, trong bối cảnh kỷ nguyên số, hoạt động ngoại giao cần “đổi mới”?
Thời đại công nghệ số đã và đang làm thay đổi căn bản phương thức phát triển, kết nối, tương tác và tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Đại dịch Covid-19 càng đẩy nhanh những chuyển dịch đó. Ngoại giao đang chuyển đổi rất sâu sắc, đặt ra những đòi hỏi mới về tư duy, cách tiếp cận, phương thức triển khai… Tại các diễn đàn đa phương tầm toàn cầu như UNESCO, chúng tôi càng cảm nhận rõ điều này.
Nhu cầu hợp tác quốc tế trong thời đại công nghệ số rất khác trước, nên nội hàm hợp tác gắn với phát triển bền vững - bao trùm, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, quá trình số hóa, tận dụng cơ hội của kỷ nguyên số, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, thách thức của công nghệ số.
Hoạt động đối ngoại mở rộng không gian, số lượng chủ thể gia tăng, phương thức linh hoạt và minh bạch, sự tương tác và kết nối chặt chẽ hơn, tốc độ nhanh hơn trước rất nhiều. Hình thái ngoại giao thay đổi căn bản, tận dụng nền tảng số và truyền thông đa phương tiện.
Để thích ứng với nhu cầu mới của quá trình số hóa và các nội hàm mới của ngoại giao thời kỳ số, các quốc gia (như Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Australia, Singapore, Nhật Bản…) cũng đẩy mạnh điều chỉnh, cải cách, đổi mới bộ máy, cơ quan đại diện, chú trọng đào tạo lại, nâng cao kiến thức, kỹ năng của đội ngũ cán bộ gắn với các yêu cầu của thời đại số, như đề cao bản lĩnh, tính chủ động, năng lực thích ứng, tinh thần sáng tạo, sẵn sàng cho sự thay đổi, tính chuyên nghiệp và đa năng, để mọi vấn đề đều có phương án xử lý chủ động và nhanh nhất có thể.
Có thể thấy, việc chúng ta đang đẩy mạnh triển khai chiến lược Quản lý tri thức của Bộ Ngoại giao, xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại là chủ trương đúng đắn đáp ứng những đòi hỏi của ngoại giao kỷ nguyên số nhằm ngang tầm với thời đại.
Nhiều người cho rằng, các nhà ngoại giao nữ có một “sức mạnh mềm”, là một lợi thế trong các hoạt động đối ngoại, ý kiến của Đại sứ?
Tôi cho rằng, các nhà ngoại giao nữ Việt Nam có “sức mạnh mềm” rất riêng, với điểm tựa vững chắc từ “sức mạnh mềm” của đất nước và từ truyền thống của ngành Ngoại giao.
Sức mạnh mềm Việt Nam chính là sự vun đắp trên nền tảng vốn có của lịch sử dân tộc hào hùng, nền văn hiến, chính sách đối ngoại hòa bình, hòa hiếu, nhân nghĩa, gắn với sự phát triển năng động trong đổi mới và hội nhập quốc tế.
Việc ta đảm nhận thành công các trọng trách quốc tế lớn như chủ nhà Năm APEC 2017, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên 2019 và đặc biệt là “vai trò kép” tại ASEAN và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tiếp tục thu phục trái tim, tình cảm, tranh thủ ủng hộ, hợp tác của bè bạn, đối tác trong công cuộc đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế.
Sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi của Lãnh đạo Bộ, sự chia sẻ của những cán bộ nam cũng như các cán bộ đi trước luôn sẵn sàng “truyền lửa” cho thế hệ sau là những động lực quan trọng để cán bộ nữ ngoại giao hiện nay tiếp nối truyền thống vẻ vang “tận tụy, sắc sảo, quyết đoán, nhân hậu, giỏi giang” của các thế hệ cán bộ nữ trong suốt chặng đường lịch sử hơn 75 năm của Ngành.
Để rồi chúng ta thật tự hào khi nhìn thấy những tà áo dài trên trường quốc tế vô cùng đẹp, duyên dáng, phong thái của các nhà ngoại giao nữ Việt Nam tự tin, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, không thua kém các đồng nghiệp quốc tế, nhưng lại vô cùng nhân hậu, nhân văn.
Chúng tôi rất tâm đắc với nhận định: nghề ngoại giao là nghề quan hệ giữa con người với con người, từ trái tim đến trái tim. Nên mỗi nữ cán bộ ngoại giao cần phát huy sức mạnh của nữ tính, sự tinh tế, mềm mại, tỉ mỉ và cận thận trong từng cái bắt tay hay món quà tặng thể hiện được sự quý trọng với bạn bè, nhưng cũng vững vàng, kiên định và khôn khéo, xử lý linh hoạt, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc.
Tại UNESCO, sức mạnh riêng, lồng ghép trong sức mạnh chung ấy đã được lan tỏa như thế nào?
Là đại diện của Việt Nam tại tổ chức UNESCO, nơi có nhiều đối tác với các lợi ích phức tạp, chúng tôi luôn tâm niệm càng phải phát huy sức mạnh mềm của Việt Nam, từ uy tín quốc gia, khả năng nắm bắt tâm tư chung, năng lực hài hòa sự khác biệt lợi ích giữa các thành viên, khả năng thương lượng, điều hành, dẫn dắt, đề xuất sáng kiến….
Với tư cách là Chủ tịch của Nhóm châu Á – Thái Bình Dương tại UNESCO, Nhóm có đặc thù số lượng thành viên đông, mức độ đa dạng hàng đầu về trình độ phát triển, chính trị, văn hóa, quy mô (nhiều nước lớn, song lại nhiều quốc gia đảo nhỏ) với quan tâm và ưu tiên khác nhau, vừa qua, Việt Nam đã tích cực điều phối, thúc đẩy đồng thuận cao trong Nhóm tại gần 20 cuộc bầu cử tại Kỳ họp 41 của Đại hội đồng UNESCO (tháng 11), thể hiện vai trò nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải, hình ảnh một Việt Nam trách nhiệm, đề cao luật pháp quốc tế, nỗ lực xây dựng đồng thuận, tìm kiếm giải pháp thỏa đáng cho các vấn đề quan tâm chung.
Có thể nói, cùng với việc Việt Nam nằm trong số nước được tín nhiệm cao nhất bầu vào Hội đồng chấp hành UNESCO giai đoạn 2021-2025, những nỗ lực và vai trò đóng góp của ta tại UNESCO thời gian qua được bè bạn, đối tác đánh giá cao, không chỉ khẳng định năng lực dẫn dắt của ngoại giao Việt Nam mà còn tiếp tục thể hiện sức mạnh mềm mới, vị thế mới của đất nước.
Sức mạnh mềm Việt Nam chính là sự vun đắp trên nền tảng vốn có của lịch sử dân tộc hào hùng, nền văn hiến, chính sách đối ngoại hòa bình, hòa hiếu, nhân nghĩa, gắn với sự phát triển năng động trong đổi mới và hội nhập quốc tế.
Đường lối đối ngoại của Việt Nam ta nhấn mạnh vai trò “tiên phong” của đối ngoại. Tinh thần “tiên phong” đó đã được thể hiện trong hoạt động của phái đoàn tại UNESCO như thế nào, thưa Đại sứ?
Điểm mới nổi bật trong đường lối đối ngoại Đại hội XIII là lần đầu tiên Đảng xác định rõ vị trí, vai trò tiên phong của đối ngoại trong “tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”.
Quán triệt sâu sắc tinh thần đó, Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO đã luôn nỗ lực, chủ động và sáng tạo triển khai chỉ đạo của Bộ trưởng và Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, phối hợp hiệu quả với Ban Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO và các Tiểu ban trong Ủy ban thúc đẩy đóng góp trên bốn phương diện:
Thứ nhất, phát huy vai trò tiên phong trong tham mưu, đề xuất chính sách, tận dụng những ý tưởng, sáng kiến của UNESCO hỗ trợ thực hiện các mục tiêu quốc gia, góp phần phát triển bền vững đất nước. Tiêu biểu như tranh thủ các sáng kiến mới của UNESCO để nắm bắt các xu thế hợp tác, phát triển mới toàn cầu; tham gia xây dựng Bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam - UNESCO giai đoạn 2021-2025 tạo khuôn khổ thúc đẩy hợp tác phù hợp với Chiến lược trung hạn của UNESCO và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam thập kỷ tới...
Thứ hai, góp phần vào việc tham gia xây dựng, vận động, bảo vệ các hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận danh hiệu, thiết thực tạo thêm nguồn lực, thúc đẩy mô hình phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở các địa phương. Việc đến nay 45 danh hiệu, di sản của Việt Nam được ghi danh, vừa đóng góp cho việc bảo vệ các giá trị của nhân loại, vừa tạo nguồn lực cho phát triển ở nhiều địa phương, tạo cơ hội tốt để thúc đẩy hợp tác quốc tế...
Thứ ba, tiên phong trong quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam ra thế giới. Các danh hiệu ở tầm cỡ quốc tế mà UNESCO dành cho Việt Nam cũng là cách thức hữu hiệu giúp bạn bè quốc tế hiểu biết hơn về đất nước, con người Việt Nam.
Thứ tư, tiên phong nâng cao vị thế và uy tín đất nước thông qua nâng tầm đóng góp vào quan tâm chung, tăng cường đảm nhận trọng trách quốc tế, vai trò điều hành tại các cơ chế của UNESCO như Chủ tịch Nhóm châu Á - Thái Bình Dương ở UNESCO, Chủ tịch Chương trình hải dương học Tây Á – Thái Bình Dương, Phó Chủ tịch Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương… được bạn bè và UNESCO đánh giá cao, làm cho các nước thêm tin cậy vào năng lực và khả năng đóng góp của chúng ta vào các công việc chung của khu vực và trên thế giới.