Đại sứ Lithuania Darius Gaidys: Việt Nam - đối tác quan trọng trong việc củng cố trật tự dựa trên luật lệ trong khu vực và toàn cầu
Nhân chuyến thăm chính thức của Bộ trưởng Ngoại giao Lithuania Gabrielius Landsbergis tới Việt Nam, Đại sứ Lithuania tại Việt Nam Darius Gaidys đã chia sẻ về ý nghĩa chuyến thăm, vai trò của Việt Nam trong hợp tác khu vực, thúc đẩy hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Xin Đại sứ chia sẻ về tầm ý nghĩa và những trọng tâm trong chuyến thăm Việt Nam lần này của Bộ trưởng Ngoại giao Lithuania Gabrielius Landsbergis?
Thời điểm diễn ra chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Gabrielius Landsbergis cho thấy rõ tầm quan trọng của chuyến thăm. Không còn nghi ngờ gì nữa, khu vực châu Âu-Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đều là những khu vực địa chính trị quan trọng với mối quan hệ an ninh đan xen chặt chẽ. Một vấn đề nếu xảy ra ở một khu vực này có tác động trực tiếp đến an ninh của khu vực kia.
Chúng tôi coi Việt Nam là một đối tác quan trọng trong việc củng cố trật tự dựa trên luật lệ ở khu vực cũng như quốc tế với việc cùng tham gia vào nhiều sáng kiến khác nhau ở các diễn đàn quốc tế, bao gồm cả Liên hợp quốc.
"Liên quan đến Biển Đông, Lithuania và Việt Nam tuân thủ các nguyên tắc giống nhau về tự do hàng hải và hàng không, đồng thời chúng tôi hoàn toàn ủng hộ những nỗ lực của ASEAN nhằm đạt được Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) với Trung Quốc".
Đây là chìa khóa cho cả hai nước và có thể đạt được bằng cách tham gia vào đối thoại chính trị và hợp tác kinh tế song phương một cách tích cực hơn. Về điều này, trong khuôn khổ chuyến thăm, chúng tôi vui mừng ký Bản ghi nhớ cập nhật giữa Bộ Ngoại giao Lithuania và Việt Nam về tham vấn song phương, cũng như Bản ghi nhớ mới với Học viện Ngoại giao Việt Nam (DAV).
Việc tham gia vào các diễn đàn khu vực cũng có ý nghĩa rất lớn. Nhân dịp chuyến thăm lần này, Bộ trưởng Gabrielius Landsbergis sẽ tham gia Diễn đàn Bộ trưởng OECD-Đông Nam Á.
Trong một chia sẻ gần đây, Đại sứ đã nói rằng chính phủ Lithuania đang thực hiện một chiến lược phát triển mới, tạo điều kiện cho việc tăng cường quan hệ với Việt Nam. Đại sứ có thể chia sẻ nhiều hơn về chính sách này?
Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Lithuania đã được thông qua vào tháng 7 này. Chiến lược xác định ưu tiên chính trong chính sách đối ngoại của Lithuania là tăng cường lợi ích của Lithuania trong khu vực. Chiến lược này bao gồm 3 trụ cột – chính sách an ninh, chính sách kinh tế, quyền lực mềm và mạng lưới – tất cả đều có mối liên hệ với nhau.
Chiến lược này cam kết hỗ trợ các khía cạnh dân chủ, quản trị tốt và pháp quyền ở các khu vực, đặc biệt là ASEAN, đồng thời phát triển quan hệ đối tác với các nền kinh tế đang phát triển nhanh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong các lĩnh vực công nghệ, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin và truyền thông.
Trụ cột an ninh tập trung vào phát triển năng lực khu vực, chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực như hợp tác quốc phòng, xây dựng khả năng phục hồi, an ninh mạng... Trụ cột kinh tế tập trung vào việc đảm bảo quan hệ đối tác cùng có lợi và thúc đẩy đa dạng hóa chiến lược.
Trụ cột cuối cùng – sức mạnh mềm không chỉ tập trung vào các lĩnh vực như du lịch, hợp tác văn hóa hoặc khoa học mà còn thảo luận về việc mở rộng đại diện ngoại giao trong khu vực. Lithuania gần đây đã mở Đại sứ quán tại Australia, Hàn Quốc, Singapore và việc mở rộng thêm các cơ quan đại diện ngoại giao đang được xem xét.
Đại sứ đánh giá như thế nào về triển vọng hợp tác kinh tế song phương trong thời gian tới?
Thật tuyệt vời khi quan hệ thương mại giữa Lithuania và Việt Nam ngày càng sôi động. Năm ngoái, kim ngạch thương mại song phương đã tăng 20%.
Nhưng chắc chắn tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn nhiều hơn nữa. Chúng tôi mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong các ngành công nghệ cao như khoa học đời sống, công nghệ thông tin và truyền thông, năng lượng tái tạo, công nghệ vũ trụ, kỹ thuật cũng như các ngành công nghiệp truyền thống như công nghiệp thực phẩm, dệt may hoặc hóa chất.
Với việc Việt Nam vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tôi thấy rõ tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực năng lượng. Sự phát triển của ngành năng lượng tái tạo (thủy điện, gió, sinh khối và năng lượng mặt trời) ở Lithuania đang tăng tốc nhanh chóng. Trong số các công ty đang kinh doanh ở châu Á, chúng tôi có một nhà sản xuất tấm pin mặt trời đã lắp đặt các nhà máy điện mặt trời ở Indonesia và Malaysia - họ cũng sẵn sàng tham gia vào các dự án nhà máy điện mặt trời ở Việt Nam.
Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) là lĩnh vực năng lượng cũng rất có triển vọng. Chúng tôi biết Việt Nam có ý định phát triển hơn 10 dự án LNG mới. Klaipėdos Nafta, nhà điều hành kho cảng LNG của Lithuania, đã tham gia triển khai, vận hành 7 kho cảng FSRU (đơn vị lưu trữ và tái hóa khí nổi) trên toàn thế giới.
Là một công ty toàn cầu có kinh nghiệm, công ty có thể hỗ trợ các đối tác Việt Nam phát triển và vận hành các dự án FSRU. Klaipėdos Nafta là một công ty do nhà nước kiểm soát, có tầm quan trọng chiến lược, đảm bảo an ninh khí đốt tự nhiên ở Lithuania kể từ năm 2014 và có thể chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam. Chúng tôi mời các công ty Việt Nam đến thăm Lithuania và kho cảng LNG đang hoạt động của chúng tôi để tìm hiểu những lợi thế và đặc điểm quan trọng của các loại dự án này.
Các công ty của chúng tôi cũng quan tâm đến việc mua nguyên liệu thô từ Việt Nam, chẳng hạn như nhập khẩu các nguyên liệu khác nhau để sản xuất dược phẩm và thực phẩm bổ sung, hoặc thép cho lĩnh vực sản xuất và xây dựng.
Theo Đại sứ, Việt Nam có vai trò như thế nào trong ASEAN, Việt Nam có thể hỗ trợ Lithuania như thế nào trong kết nối với các thành viên và hợp tác với ASEAN?
Chúng tôi hiểu rằng tư cách thành viên đã mang lại lợi ích cho cả Việt Nam và chính ASEAN về mặt hội nhập khu vực.
Có thể thấy rõ vai trò tích cực của Việt Nam trong việc tăng cường hợp tác, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, dịch vụ và công nghệ xanh. Liên quan đến Biển Đông, Lithuania và Việt Nam tuân thủ các nguyên tắc giống nhau về tự do hàng hải và hàng không, đồng thời chúng tôi hoàn toàn ủng hộ những nỗ lực của ASEAN nhằm đạt được Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) với Trung Quốc.
Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ sự hợp tác giữa Việt Nam và EU và hoan nghênh Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng đã được ký kết giữa Việt Nam và EU. Việt Nam trở thành quốc gia thứ ba ký kết với EU một chương trình như vậy sau Nam Phi và Indonesia. Tôi tin rằng trong tương lai sẽ có cơ hội cho các doanh nghiệp của chúng tôi tham gia và hợp tác vào quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam với mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.