Đại sứ Mỹ và đại sứ Triều Tiên 'khẩu chiến' tại Liên Hiệp Quốc
Các đại sứ Mỹ và đại sứ Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc ngày 27-11 tranh cãi trong cuộc họp Hội đồng Bảo an về vụ Bình Nhưỡng phóng vệ tinh do thám đầu tiên.
Theo hãng tin Reuters, đây là một cuộc "khẩu chiến" công khai, trực tiếp, hiếm thấy giữa hai bên.
Sau gần 6 năm vắng bóng, Triều Tiên bắt đầu cử đại sứ tại Liên Hiệp Quốc tới các cuộc họp của Hội đồng Bảo an bàn về chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Bình Nhưỡng từ tháng 7 năm nay.
Hội đồng Bảo an gồm 15 nước thành viên đã họp vào ngày 27-11 về vụ phóng vệ tinh do thám ngày 21-11 của Triều Tiên.
Vào cuối cuộc họp, Đại sứ Mỹ Linda Thomas-Greenfield và Đại sứ Triều Tiên Kim Song đã đưa ra những bình luận bất ngờ, tham gia vào cuộc đấu tay đôi về quyền trả lời, mỗi người đều cho rằng nước của mình đang hành động phòng thủ.
Ông Kim nói trước hội đồng: "Một bên hiếu chiến là Mỹ đang đe dọa chúng tôi bằng vũ khí hạt nhân".
Ông nói tiếp: "Triều Tiên - là một bên đối nghịch - có quyền hợp pháp phát triển, thử nghiệm, sản xuất và sở hữu các hệ thống vũ khí tương đương với những hệ thống mà Mỹ đã sở hữu và (đang) phát triển ngay bây giờ".
Trong khi đó, Đại sứ Mỹ Thomas-Greenfield nói: "Chúng tôi bác bỏ mạnh mẽ tuyên bố thiếu trung thực của Triều Tiên rằng các vụ phóng tên lửa của nước này chỉ mang tính chất phòng thủ, nhằm đáp trả các cuộc tập trận song phương và ba bên của chúng tôi".
Bà Thomas-Greenfield nhấn mạnh: "Một lần nữa, tôi muốn bày tỏ một cách chân thành lời đề nghị đối thoại vô điều kiện của chúng tôi và Triều Tiên chỉ cần chấp nhận".
Reuters cho biết Triều Tiên chịu các chế tài của Liên Hiệp Quốc vì các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân kể từ năm 2006. Điều này bao gồm lệnh cấm phát triển tên lửa đạn đạo.
Công nghệ như vậy đã được sử dụng để phóng vệ tinh vào tuần trước và diễn ra sau vụ thử nghiệm hàng chục tên lửa đạn đạo trong 20 tháng qua. Mỹ từ lâu cảnh báo rằng Bình Nhưỡng đã sẵn sàng thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ 7.
Các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Nga và Nhật Bản bị đình trệ vào năm 2009. Các cuộc đàm phán giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump năm 2018 và 2019 cũng thất bại.
Ông Kim khẳng định cho đến khi "mối đe dọa quân sự dai dẳng" được loại bỏ, Triều Tiên vẫn sẽ tiếp tục tăng cường năng lực của mình.
Bà Thomas-Greenfield nói hành động của Triều Tiên dựa trên sự hoang tưởng về một cuộc tấn công có thể xảy ra của Mỹ. Bà Thomas-Greenfield nêu rõ: "Nếu có bất cứ thứ gì Mỹ muốn cung cấp cho Triều Tiên thì đó là hỗ trợ nhân đạo cho người dân Triều Tiên, chứ không phải vũ khí để tiêu diệt người dân".
Nhiều năm qua, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bị chia rẽ về cách ứng phó với Bình Nhưỡng. Nga và Trung Quốc, các cường quốc có quyền phủ quyết cùng với Mỹ, Anh và Pháp, cho rằng bổ sung các biện pháp trừng phạt sẽ không giúp ích gì và muốn các biện pháp đó được nới lỏng.
Trung Quốc và Nga cho rằng các cuộc tập trận chung của Mỹ và Hàn Quốc đã khiêu khích Bình Nhưỡng, trong khi Washington cáo buộc Bắc Kinh và Moscow khuyến khích Triều Tiên bằng cách bảo vệ nước này khỏi nhiều lệnh trừng phạt hơn.