Đại sứ Myanmar tại LHQ kêu gọi lập vùng cấm bay với quân đội

Ông Kyaw Moe Tun - đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc - kêu gọi Hội đồng Bảo an thiết lập vùng cấm bay đối với chính quyền quân sự Myanmar.

Hãng thông tấn Anadolu đưa tin ông Kyaw Moe Tun - đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc (LHQ) - ngày 9-4 đã kêu gọi Hội đồng Bảo an thiết lập vùng cấm bay đối với chính quyền quân sự Myanmar.

Lời kêu gọi trên được đưa ra khi số người thiệt mạng tại Myanmar ngày càng gia tăng trong bối cảnh chính quyền quân sự tăng cường đối phó người biểu tình phản đối chính biến.

Ông Kyaw Moe Tun - đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc. Ảnh: REUTERS

Ông Kyaw Moe Tun - đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc. Ảnh: REUTERS

Phát biểu trước Hội đồng Bảo an hôm 9-4, ông Tun bày tỏ niềm tin mạnh mẽ rằng cộng đồng quốc tế sẽ không cho phép những hành động tàn bạo này tiếp tục diễn ra ở Myanmar, đồng thời kêu gọi thiết lập vùng cấm bay, áp đặt lệnh cấm vận vũ khí và các biện pháp trừng phạt đối với chính quyền quân sự Myanmar.

"Hành động khẩp cấp và mạnh mẽ của mọi người là điều vô cùng cần thiết lúc này. Thời gian là thứ quan trọng với chúng tôi. Làm ơn hãy hành động" - ông Tun kêu gọi.

"Các tài khoản ngân hàng liên quan các thành viên và quân đội Myanmar cần bị phong tỏa, và các nguồn tài chính đổ vào chế độ quân sự cần bị cắt ngay lập tức" - ông Tun nói thêm.

Ông Tun cũng kêu gọi ngừng nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài cho đến khi "chính quyền dân cử ở Myanmar được khôi phục".

Trước đó, ông Tun ngày 27-2 đã bị cách chức vì “phản bội đất nước”, một ngày sau khi ông thúc giục LHQ sử dụng "bất kỳ phương tiện cần thiết nào" để đảo ngược cuộc chính biến hôm 1-2 tại nước này.

Phát biểu trước Đại hội đồng LHQ hôm 26-2, ông Tun đã kêu gọi cộng đồng quốc tế "hành động mạnh mẽ nhất có thể để chấm dứt ngay lập tức cuộc chính biến, ngăn chặn việc đàn áp người dân vô tội, trả lại quyền lực nhà nước cho nhân dân và khôi phục nền dân chủ".

Đài truyền hình nhà nước Myanmar MRTV cho rằng Đại sứ Tun đã "phản bội đất nước và lên tiếng cho một tổ chức không chính thức, không đại diện cho đất nước cũng như đã lạm dụng quyền lực và trách nhiệm của một đại sứ".

Tuy nhiên, bà Linda Thomas-Greenfield - Đại sứ Mỹ tại LHQ - tuyên bố vẫn công nhận ông Tun. LHQ cũng có lập trường tương tự, khẳng định mọi thách thức nhằm vào vị trí của ông Tun phải được giải quyết tại ủy ban chứng nhận của cơ quan này.

Theo Anadolu, ông Tun cảnh báo tình trạng bạo lực của quân đội Myanmar sẽ càng tiếp diễn "nếu bạn chờ đợi thêm một ngày nữa" và kêu gọi "hành động mạnh nhất có thể".

Theo thống kê của một tổ chức độc lập chuyên theo dõi tình hình Myanmar, tính đến ngày 9-4, ít nhất 600 dân thường đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình phản đối chính biến.

Quân đội Myanmar thì báo cáo 248 người đã thiệt mạng liên quan các cuộc biểu tình trong hai tháng qua, bao gồm 10 cảnh sát và sáu binh sĩ.

Khoảng 3.000 người đã bị chính quyền quân sự Myanmar bắt giữ. Gia đình nhiều người trong số này không biết được nơi giam giữ hay tình trạng sức khỏe của người bị bắt giữ, cũng như không liên lạc được với người thân.

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/dai-su-myanmar-tai-lhq-keu-goi-lap-vung-cam-bay-voi-quan-doi-978041.html