Đại sứ Nam Phi tại Việt Nam: 'Cần vượt khỏi thị trường truyền thống'

Trong giai đoạn toàn cầu hóa, theo Đại sứ Nam Phi tại Việt Nam Mpetjane Kgaogelo Lekgoro, các quốc gia phát triển như Việt Nam và Nam Phi khi mở cửa thị trường cần vượt ra khỏi thị trường truyền thống.

Đại sứ Nam Phi tại Việt Nam Mpetjane Kgaogelo Lekgoro.

Sau hơn 2 năm gắn bó với mảnh đất hình chữ S, Đại sứ có thể chia sẻ ấn tượng về cuộc sống của mình tại đây?

Trước khi tới đây, Việt Nam trong ấn tượng của tôi là quốc gia đang đấu tranh giành độc lập và nơi Nam Phi có thể học hỏi về cuộc kháng chiến anh hùng chống chủ nghĩa thực dân. Quan hệ hai nước chớm nở năm 1978, khi Việt Nam mời các đại biểu Đại hội Dân tộc Phi (ANC) do cố Chủ tịch Oliver Reginal Tambo làm trưởng đoàn tới thăm. Sau khi học hỏi, họ đã tổng hợp kinh nghiệm về hành trình đấu tranh giành độc lập của Việt Nam thành báo cáo “Sách Xanh”, nhấn mạnh vào vận động quần chúng trong “chiến tranh nhân dân” chống lại chế độ Apartheid.

Giờ đây, ấn tượng ấy đã rộng mở, sâu sắc hơn khi tôi hiểu thêm về bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa từ ngàn đời, hay trải nghiệm vẻ đẹp thiên nhiên hoang dã, đầy huyền bí của Việt Nam. Nơi đây có nhiều điều khiến tôi ưa thích: Tinh thần lạc quan, tầm quan trọng của gia đình và bạn bè, nền ẩm thực tuyệt vời, hình ảnh vô vàn xe máy trên phố như đàn cá lội sông hay tín ngưỡng gìn giữ tại ngôi chùa, đền thờ cổ kính. Tôi may mắn vì có thể chứng kiến quá trình phát triển, hiện đại hóa của đất nước, con người Việt Nam đầy ấn tượng, song song với giữ gìn, tiếp nối truyền thống, phong tục tập quán từ ngàn xưa.

Ông có nhận định gì về sự phát triển quan hệ Việt Nam-Nam Phi qua thời gian?

Trước khi được thiết lập ngày 22/12/1993 tại New York (Mỹ), quan hệ Nam Phi – Việt Nam đã được gieo hạt giống đầu tiên tại Hội nghị Á – Phi, hay Hội nghị Bandung năm 1955 tại Indonesia, nơi phong trào giải phóng của hai nước được biết tới. Tại đây, hạt giống tình đoàn kết, hợp tác giữa phong trào giải phóng Nam Phi và Việt Nam đã nảy mầm, trưởng thành và đơm hoa qua sóng gió: Với Nam Phi, đó là hàng thập kỷ chống nạn phân biệt chủng tộc Apartheid còn với Việt Nam, đó là cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Sau hơn hai thập kỷ hình thành, quan hệ song phương đã phát triển vượt bậc, với nhiều chuyến thăm cấp cao, hiệp định hợp tác song phương cùng cơ chế chính thức quản lý quan hệ như Diễn đàn đối tác kinh tế, thương mại, khoa học, kỹ thuật và văn hóa; Ủy ban hỗn hợp thương mại để giám sát triển khai Hiệp định Thương mại Việt Nam – Nam Phi và trao đổi về tình hình kinh tế; Đối thoại chính sách quốc phòng nhằm xây dựng diễn đàn nhận diện, xác định lĩnh vực hợp tác trong quốc phòng và công nghiệp quốc phòng.

Năm 2019 chứng kiến sự tăng tốc rõ rệt trong quan hệ song phương. Tháng Ba, Diễn đàn Đối tác Kinh tế, Thương mại, Khoa học, Kỹ thuật và Văn hóa lần thứ tư diễn ra tại Pretoria dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Ngoại giao hai nước. Tháng Bảy, đoàn đại biểu 12 người của Đảng Cộng sản Việt Nam do Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Minh Chính dẫn đầu sang thăm Nam Phi. Tháng Tám, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng & Cựu Chiến binh Nam Phi thăm chính thức Việt Nam. Tháng Mười là Phiên họp thứ tư của Ủy ban hỗn hợp thương mại Nam Phi – Việt Nam, đồng chủ trì bởi Thứ trưởng Bộ Công Thương hai nước tại Hà Nội. Mới đây, Phó Thủ tướng Việt Nam Vương Đình Huệ đã thăm chính thức Nam Phi từ ngày 4–5/11 theo lời mời của Phó Tổng thống David Mabuza.

Phó Tổng thống Nam Phi David Mabuza và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong chuyến thăm Nam Phi tháng 11/2019.

hiều điểm tương đồng và lịch sử phát triển lâu dài, theo ông, đâu là thách thức lớn nhất trong quan hệ Việt Nam-Nam Phi? Với tư cách bạn bè đối tác, hai nước cần làm gì để vượt qua thách thức đó?

Hai nước nhất trí rằng, thách thức lớn nhất hiện nay là thiết lập quan hệ thương mại, kinh tế tương xứng, phản ánh liên kết chính trị chặt chẽ. Năm 2018, kim ngạch hai chiều đạt hơn

1 tỷ USD, thặng dư thương mại nghiêng về Việt Nam: kim ngạch xuất khẩu Việt Nam – Nam Phi đạt 768,3 triệu USD; xuất khẩu Nam Phi – Việt Nam đạt 325,5 triệu USD. Con số này chưa phản ánh chính xác tiềm năng thương mại song phương và hai nước có thể làm tốt hơn thế.

Có nhiều yếu tố phức tạp lý giải cho thực trạng này như khoảng cách địa lý, khác biệt về ngôn ngữ văn hóa, song chúng đều có thể được giải quyết, thậm chí còn mang tới cơ hội. Trong giai đoạn toàn cầu hóa, khi mở cửa thị trường, quốc gia phát triển như Việt Nam và Nam Phi cần vượt ra khỏi thị trường truyền thống. Hợp tác Nam – Nam sẽ có vai trò then chốt trong các mối quan hệ kinh doanh quốc tế mới này. Khi đó, bước đi cần thiết là xây dựng lòng tin, bồi dưỡng kiến thức trong cộng đồng doanh nghiệp hai nước, thông qua tăng cường số lượng đoàn doanh nghiệp và chuyến thăm thời gian tới.

Nam Phi là Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU) 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2019-2020. Ưu tiên của Nam Phi khi thực hiện hai nhiệm vụ lớn này?

Nam Phi hiện là Ủy viên không thường trực của HĐBA và sẽ chia sẻ phần còn lại của nhiệm kỳ với Việt Nam. Chủ đề nhiệm kỳ chúng tôi là “Tiếp nối di sản: Vì một thế giới công bằng và hòa bình”. Đây là hiện thân di sản từ cố Chủ tịch Nelson Mandela, củng cố mục tiêu chấm dứt tiếng súng tại châu Phi năm 2020. Nam Phi đang dùng nhiệm kỳ HĐBA để thúc đẩy duy trì hòa bình, an ninh quốc tế thông qua đối thoại bao trùm và kêu gọi giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Chúng tôi cũng ủng hộ tổ chức khu vực và tiểu khu vực, đặc biệt là AU, hợp tác chặt chẽ hơn với HĐBA. Cương vị Chủ tịch AU năm 2020 sẽ phần nào củng cố nỗ lực của Nam Phi trong vấn đề này.

Nam Phi cũng nhấn mạnh vai trò phụ nữ trong giải quyết xung đột – đánh giá vấn đề dưới góc nhìn giới tính cần được đưa vào nghị quyết HĐBA, tuân thủ tinh thần Nghị quyết HĐBA 1325 (năm 2000) về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh do Namibia khởi động. Bất chấp Nghị quyết 1325, phụ nữ vẫn đứng ngoài lề tiến trình hòa bình và có vai trò hạn chế trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; đóng góp của họ không được quan tâm đúng mức và thường bị đánh giá thấp. Ngoài ra, phụ nữ thường bị ảnh hưởng bởi xung đột, đặc biệt là xâm hại tình dục và bạo lực. Tháng Mười vừa qua, Nam Phi đã chủ trì phiên thảo luận HĐBA về vấn đề này.

Về ưu tiên của Nam Phi khi làm Chủ tịch AU, Tổng thống Ramaphosa nhấn mạnh sẽ chủ động giải quyết xung đột khu vực, tăng tốc thực hiện nhiệm vụ “Chấm dứt Tiếng súng năm 2020”. Tổng thống Ramaphosa tái khẳng định cam kết Nam Phi với Hiệp định thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA) và tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng, hiện thực hóa AfCFTA; quyết tâm vun đắp, duy trì và triển khai cải cách thể chế và tài chính đang triển khai của AU.

Thành phố Cape Town, Nam Phi.

Tương tự, Việt Nam đảm trách vai trò “kép” khi là Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực của HĐBA Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Liệu Đại sứ có thể chia sẻ kinh nghiệm, lời khuyên cho Việt Nam khi cả hai nước sẽ đảm nhiệm vai trò quốc tế quan trọng thời gian tới?

Một lý do khiến Việt Nam đắc cử Ủy viên không thường trực của HĐBA vào tháng Sáu vừa qua với số phiếu kỷ lục và nhận được sự ủng hộ hết mình của Nam Phi đến từ sự tín nhiệm của quốc tế với Lãnh đạo và Bộ Ngoại giao Việt Nam, vốn sở hữu bề dày kinh nghiệm, chuyên môn khi từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng tại thể chế quản trị quốc tế.

Nam Phi sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Việt Nam nhằm thúc đẩy ưu tiên, mục tiêu chung tại HĐBA như: Duy trì chính sách đối ngoại độc lập; Thúc đẩy đa phương; Thúc đẩy tinh thần thượng tôn Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; Tính trung tâm của Liên hợp quốc nói chung và HĐBA nói riêng; Đóng góp tích cực vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế vì hòa bình, hợp tác và phát triển; Đối tác vì hòa bình bền vững; Giải quyết vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em ảnh hưởng bởi xung đột; Thúc đẩy hợp tác giữa Liên hợp quốc và tổ chức khu vực, tiểu khu vực. Nền tảng vững chắc cho hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa hai nước tại HĐBA sẽ phục vụ lợi ích song phương và đóng góp vào sự phát triển của khu vực và cộng đồng quốc tế.

Về ASEAN, Nam Phi đang phê chuẩn Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) và mong sớm đồng hành với ASEAN trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Việt Nam năm 2020. Khi ấy, với tư cách người mới, Nam Phi rất mong được Việt Nam ủng hộ và hợp tác chặt chẽ hơn trong quá trình mở rộng hợp tác với Đông Nam Á.

(thực hiện)

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dai-su-nam-phi-tai-viet-nam-can-vuot-khoi-thi-truong-truyen-thong-108150.html