Đại sứ Nga: Sẵn sàng đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng lâu dài cho Việt Nam

Nhân dịp bước vào năm mới Ất Tỵ và kỷ niệm 75 năm quan hệ Việt-Nga (30/1/1950), Tuần Việt Nam có cuộc trò chuyện với Đại sứ Nga tại Việt Nam, ông Gennady S. Bezdetko.

Đại sứ Nga, ông Gennady S. Bezdetko. Ảnh: Nguyễn Công Huân

Đại sứ Nga, ông Gennady S. Bezdetko. Ảnh: Nguyễn Công Huân

Thưa Đại sứ, ông có thể đánh giá như thế nào về những thành tựu chính trong quan hệ Nga - Việt Nam năm 2024? Ông có thể chia sẻ về những dấu mốc hoặc dự án cụ thể nào mà ông cho là đặc biệt ý nghĩa trong nhiệm kỳ Đại sứ của mình không?

Đại sứ Bezdetko: Năm nay, hai nước kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, một cột mốc quan trọng đánh dấu những thành quả hợp tác vững chắc.

Năm 2024 là một năm ghi nhận nhiều thành tựu trong quan hệ song phương, hai nước vẫn tiếp tục tăng cường và mở rộng hợp tác cùng có lợi.

Đối thoại chính trị tích cực, đặc biệt là ở cấp cao nhất, đóng vai trò then chốt. Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Việt Nam (ngày 19-20/6/2024) đã tạo động lực quan trọng cho quan hệ song phương. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã có chuyến thăm Nga trong năm qua.

Một sự kiện đáng chú ý khác là kỳ họp lần thứ 25 Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Nga về Hợp tác Kinh tế - Thương mại và Khoa học - Kỹ thuật, do Phó Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga D.N. Chernyshenko và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đồng chủ trì (Moscow, ngày 11/9/2024).

Chuyến thăm Việt Nam gần đây của Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt-Nga. Ông có thể chia sẻ thêm về những gì đã đạt được trong chuyến thăm này?

Đại sứ Bezdetko: Năm 2025 tiếp tục chứng kiến xu hướng tăng cường hợp tác toàn diện giữa Nga và Việt Nam. Tháng 1 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Mikhail Mishustin đã có chuyến thăm chính thức Hà Nội (ngày 14-15/1/2025). Trong chuyến thăm, ông đã hội đàm với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và có các cuộc gặp gỡ với Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Điều đáng chú ý là chuyến thăm diễn ra ngay trước thềm kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (30/1/1950 - 30/1/2025). Hơn nữa, đây cũng là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một đoàn đại biểu nước ngoài tới Việt Nam trong năm 2025.

Kết quả của các cuộc gặp gỡ và đàm phán là một tuyên bố chung đã được thông qua và một số văn kiện quan trọng đã được ký kết, trong đó có thỏa thuận về Kế hoạch Toàn diện Hợp tác Việt Nam-Nga giai đoạn đến năm 2030, bao gồm 13 "lộ trình" ngành với các nhiệm vụ cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác trong trung hạn.

Trong số các lĩnh vực ưu tiên, hai bên tập trung vào việc tăng kim ngạch thương mại thông qua Hiệp định Thương mại Tự do giữa các quốc gia thành viên Liên minh Kinh tế Á - Âu và Việt Nam. Trong 11 tháng của năm 2024, kim ngạch thương mại song phương đã tăng 27,4% và đạt hơn 4,1 tỷ USD.

Hợp tác năng lượng, đặc biệt là trong lĩnh vực dầu khí, vẫn là trọng tâm. Các dự án chung đang được triển khai trên lãnh thổ Nga và thềm lục địa Việt Nam với sự tham gia của các tập đoàn hàng đầu của hai nước, bao gồm Zarubezhneft, Gazprom và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam).

Như đã đề cập trong chuyến thăm, Nga sẵn sàng đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng lâu dài cho Việt Nam, bao gồm dầu mỏ, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và các sản phẩm dầu khí khác, tham gia xây dựng và hiện đại hóa các nhà máy điện, đồng thời hợp tác phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng sạch, bao gồm cả năng lượng hạt nhân.

Chiều 14/1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có buổi tiếp Thủ tướng Liên bang Nga Mikhail Mishustin trong chuyến thăm chính thức Việt Nam. Ảnh: Báo Điện tử Chính phủ

Chiều 14/1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có buổi tiếp Thủ tướng Liên bang Nga Mikhail Mishustin trong chuyến thăm chính thức Việt Nam. Ảnh: Báo Điện tử Chính phủ

Thưa Đại sứ, triển vọng phát triển hợp tác song phương trong năm 2025 giữa Việt Nam và Liên bang Nga như thế nào?

Đại sứ Bezdetko: Năm 2025, xu hướng tăng cường hợp tác toàn diện giữa Nga và Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triến. Các lĩnh vực ưu tiên để phát triển quan hệ song phương vẫn là hợp tác thương mại, đặc biệt là thông qua Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) và Việt Nam.

Hợp tác năng lượng, nhất là trong lĩnh vực dầu khí, tiếp tục là trọng tâm, với nhiều dự án chung đang được triển khai. Nga sẵn sàng đảm bảo nguồn cung năng lượng lâu dài cho Việt Nam và tham gia xây dựng các nhà máy điện mới, bao gồm cả các dự án năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân.

Hợp tác song phương không chỉ giới hạn trong những lĩnh vực truyền thống. Trong những năm gần đây, một đơn vị liên doanh lắp ráp ô tô Nga đã hoạt động rất hiệu quả tại Việt Nam. Như vậy, năm 2025 hứa hẹn sẽ có nhiều hoạt động và sáng kiến mới, góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Nga.

Việt Nam và Nga tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt cho hợp tác trong lĩnh vực nhân đạo. Hai bên đang hợp tác chặt chẽ trong khuôn khổ Trung tâm Nghiên cứu và Công nghệ Nhiệt đới Việt Nam - Nga. Hợp tác y tế cũng được đẩy mạnh, với việc xem xét cung cấp thiết bị y tế và dược phẩm cho Việt Nam. Chúng tôi ghi nhận sự quan tâm của Việt Nam trong việc phát triển y học hạt nhân.

Hàng nghìn sinh viên Việt Nam lựa chọn các trường đại học Nga để theo đuổi bậc học đại học. Hàng năm, Chính phủ Nga cấp 1.000 suất học bổng cho sinh viên Việt Nam. Chúng tôi hỗ trợ việc giảng dạy tiếng Nga và tiếng Việt, đồng thời đang xem xét khả năng triển khai dự án xây dựng một "trường học Nga" tại Hà Nội và nâng cấp chi nhánh Hà Nội của Viện Ngôn ngữ Nga Pushkin thành trung tâm nghiên cứu Nga học khu vực.

Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch Nga. Từ tháng 1 đến tháng 11 năm 2024, hơn 203.000 lượt khách Nga đã đến thăm Việt Nam (tăng 82,4% so với cùng kỳ năm trước). Chúng tôi tin rằng việc khôi phục hoàn toàn các chuyến bay thẳng sẽ góp phần đáng kể vào việc gia tăng lượng khách du lịch giữa hai nước.

Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến hợp tác liên vùng, một lĩnh vực có tiềm năng rất lớn. Tuy nhiên, tiềm năng này vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Theo chúng tôi, nguyên nhân chính là do sự thiếu hiểu biết lẫn nhau giữa các địa phương. Việc tăng cường trao đổi đoàn giữa các bộ, ngành và doanh nghiệp sẽ giúp khắc phục hạn chế này.

Năm 2024, các đoàn đại biểu từ Moscow, St. Petersburg, các vùng Ulyanovsk, Yaroslavl, Yakutia và Okrug tự trị Yamalo-Nenets đã đến thăm Việt Nam. Ngược lại, lãnh đạo các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ, Quảng Trị, Thái Bình và thành phố Hải Phòng cũng đã có chuyến thăm Nga.

Trong năm 2025, hai nước có những nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện. Trước hết là việc triển khai các thỏa thuận đạt được trong các chuyến thăm cấp cao.

Năm nay, bên cạnh việc kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước sẽ cùng nhau kỷ niệm một số ngày lễ và ngày kỷ niệm quan trọng, bao gồm: 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975); 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (9/5/1945); Ngày Quốc khánh nước Việt Nam (2/9/1945); 10 năm ngày ký Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) và Việt Nam (29/5/2015).

Ông đánh giá như thế nào về những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, cũng như vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong năm qua? Điều gì khiến ông ấn tượng nhất?

Đại sứ Bezdetko: Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng về phát triển kinh tế-xã hội trong những năm gần đây. Theo tôi được biết, năm 2024, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt mức kỷ lục 7%, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế.

Kim ngạch thương mại quốc tế hàng năm cũng rất ấn tượng, đạt 780 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước. Việt Nam đã phục hồi nhanh chóng sau đại dịch COVID-19 và đang ứng phó hiệu quả với những thách thức từ tình hình địa chính trị toàn cầu.

Hiện nay, Việt Nam đang trở thành một trong những trung tâm tăng trưởng kinh tế chính trong khu vực. Phần lớn thành công này đến từ chính sách nhất quán của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài và hoàn thiện khung pháp lý. Chúng tôi ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc ứng dụng công nghệ mới và phương pháp tiếp cận sáng tạo trong các lĩnh vực kinh tế.

Những thành tựu của Việt Nam trên trường quốc tế cũng rất đáng ghi nhận, thể hiện qua việc củng cố vị thế và uy tín của Việt Nam tại các tổ chức và diễn đàn đa phương. Chúng tôi tin tưởng rằng sự hợp tác chặt chẽ sẽ tiếp tục trong tương lai.

Tóm lại, Việt Nam không chỉ đạt được thành công về kinh tế mà còn thể hiện khả năng thích ứng với những biến động toàn cầu và tận dụng lợi thế chiến lược để phát triển.

Liên quan đến kỳ nghỉ Tết vừa qua, là người đã sống ở Việt Nam nhiều năm, ông muốn gửi gắm điều gì đến những người bạn Việt Nam?

Đại sứ Bezdetko: Đây không phải là lần đầu tiên tôi đón Tết Nguyên đán ở Việt Nam, nhưng mỗi dịp Tết đều mang đến những cảm xúc đặc biệt. Tết là thời khắc giao mùa, đón chào mùa xuân với những hy vọng mới, những dự định và mục tiêu mới.

Trong những năm sống và làm việc tại Việt Nam, Tết đã trở thành cái Tết thứ hai của tôi, cái Tết mà tôi luôn có dịp đón cùng những người bạn Việt Nam. Vô số những phong tục tập quán độc đáo đã tô điểm cho ngày Tết cổ truyền, khiến nó trở nên sinh động và hấp dẫn. Không khí trang hoàng rực rỡ và những hoạt động lễ hội tạo nên một bầu không khí đặc biệt, không nơi nào có được.

Điều quan trọng là Tết là dịp lễ sum vầy. Gia đình đoàn tụ, sum họp bên nhau trong dịp Tết càng làm nổi bật giá trị thiêng liêng và sức mạnh của tình thân.

Trong những ngày này, mọi người xích lại gần nhau hơn, cùng nhau nhìn lại một năm đã qua và hướng tới tương lai.

Nhân dịp năm mới Ất Tỵ, tôi xin gửi lời chúc mừng năm mới tới quý độc giả, gia đình và người dân Việt Nam. Chúc mọi người một năm mới dồi dào sức khỏe, hạnh phúc, may mắn và thành công!.

Phạm Vũ Thiều Quang

Phạm Vũ Thiều Quang

Công Huân

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dai-su-nga-san-sang-dam-bao-nguon-cung-cap-nang-luong-lau-dai-cho-viet-nam-2367654.html