Đại sứ Nga tại Mỹ nêu lý do khiến khủng hoảng lương thực thế giới tồi tệ hơn
Ông Antonov gọi những nỗ lực của Mỹ đổ lỗi cho Nga về cuộc khủng hoảng lương thực là hoàn toàn vô căn cứ.
Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov ngày 27-5 cho biết cuộc khủng hoảng lương thực, vốn xuất hiện trong vài năm qua, đã trở nên tồi tệ hơn do các lệnh trừng phạt của Mỹ và các vệ tinh của họ nhằm vào Nga.
“Cuộc khủng hoảng càng trở nên trầm trọng hơn do việc Washington và các vệ tinh của họ đưa ra các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp chống lại Nga” – hãng thông tấn Nga TASS dẫn lời ông Antonov nói trong một tuyên bố do Đại sứ quán Nga tại Washington công bố.
“Dù các quan chức Mỹ có nói đến việc miễn trừ các hạn chế, vốn được cho là tạo cơ hội cho đất nước chúng tôi buôn bán hàng nông sản, các nhà xuất khẩu trong nước thường không có cơ hội thực hiện các chuyến hàng” – ông nhấn mạnh.
“Họ phải đối mặt các khoản thanh toán bị chặn, việc từ chối các khoản vay và bảo hiểm, các vấn đề với việc đặt tàu chở hàng, mua thiết bị nông nghiệp và thậm chí hạt giống. Thêm vào đó, Mỹ tiếp tục tăng thuế nhập khẩu đối với phân bón của chúng tôi” – ông nói tiếp.
Đại sứ Antonov mô tả những hành động như vậy là “hành động đạo đức giả tột cùng” và gọi những nỗ lực của Mỹ đổ lỗi cho Nga về cuộc khủng hoảng lương thực là hoàn toàn vô căn cứ.
“Chúng tôi kêu gọi ngừng đổ lỗi. Nga cam kết thực hiện các nghĩa vụ xuất khẩu của mình và sẵn sàng cho các cuộc đàm phán để giải quyết vấn đề nghiêm trọng nhất này, kể cả thông qua Liên Hợp Quốc” – nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh.
Đại sứ Nga cũng cho biết những khó khăn trên thị trường lương thực đã hình thành từ lâu, ít nhất là trong hơn hai năm qua. Ông nói: “Chúng có liên quan đến những tính toán sai lầm và sai sót hệ thống trong chính sách kinh tế vĩ mô - chủ yếu là các chính sách tài chính và ngoại thương - và các chính sách năng lượng và lương thực của các nước phương Tây. Đồng thời, đại dịch COVID-19 đã dẫn đến sự gián đoạn đáng kể của chuỗi cung ứng”.
“Chi phí vận chuyển gần như đã tăng gấp đôi. Đương nhiên, tất cả những điều này không thể không xảy ra nhưng dẫn đến giá lương thực tăng mạnh. Giá lúa mì tăng hơn một phần tư so với năm 2021”.
Tờ The Wall Street Journal trước đó đưa tin Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đang đàm phán với Nga và Ukraine nhằm dỡ bỏ cấm xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen để đổi lấy việc tháo gỡ một số lệnh trừng phạt vốn cản trở xuất khẩu phân bón của Nga.
Đại diện thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc - ông Vasily Nebenzya và Đại diện thường trực của Mỹ Linda Thomas-Greenfield xác nhận đang có các cuộc đàm phán về việc nối lại xuất khẩu ngũ cốc Ukraine và phân bón của Nga ra thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, các bên khẳng định rằng các vấn đề này được thảo luận riêng biệt với nhau và không có bất kỳ sự trao đổi nào.
Theo hãng tin Reuters, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Ý Mario Draghi hôm 27-5, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Nga sẽ giúp khắc phục cuộc khủng hoảng lương thực nếu các lệnh trừng phạt của phương Tây được dỡ bỏ.