Đại sứ Nguyễn Huy Dũng: Chuyến thăm của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang sẽ thúc đẩy quan hệ mọi mặt Việt Nam-Ai Cập trong thời kỳ mới
Theo Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Nguyễn Huy Dũng, chuyến thăm chính thức Ai Cập của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang là cột mốc quan trọng, góp phần tạo xung lực mới, thúc đẩy hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực tiềm năng.
Nhân dịp Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang sắp thăm chính thức Ai Cập, Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Nguyễn Huy Dũng đã trả lời phỏng vấn Báo Thế giới & Việt Nam, nêu bật ý nghĩa chuyến thăm và những lĩnh vực tiềm năng mà hai nước cần tận dụng dư địa phát triển trong tương lai.
Diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1/9/1963-1/9/2023), chuyến thăm Ai Cập sắp tới của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang có ý nghĩa như thế nào, thưa Đại sứ?
Năm 2023, Việt Nam và Ai Cập long trọng kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1963-2023). Đây là cột mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hai nước.
Cách đây 112 năm, vào tháng 6/1911, nhà cách mạng Nguyễn Tất Thành từng đặt chân lên mảnh đất Ai Cập lần đầu tiên và tận mắt chứng kiến cuộc sống gian khó của người dân thuộc địa ở châu Phi. Sau đó 35 năm, khi trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người có dịp trở lại mảnh đất khai sinh ra một trong những nền văn minh cổ đại rực rỡ nhất hành tinh vào tháng 6/1946 trên đường đi dự Hội nghị Fontainebleau tại Pháp. Sau khi kết thúc hội nghị, lúc trở về, Người lại chọn ghé qua Ai Cập vào tháng 9/1946.
"Tôi tin tưởng chắc chắn rằng với mong muốn và quyết tâm của hai bên, chuyến thăm đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao này sẽ là cột mốc quan trọng, góp phần tạo xung lực mới, thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Ai Cập trên các lĩnh vực nhiều tiềm năng như kinh tế, thương mại, logistic, văn hóa, giáo dục… tương xứng với tiềm năng sẵn có và mong muốn của Lãnh đạo và nhân dân hai nước" - Đại sứ Nguyễn Huy Dũng.
Việt Nam và Ai Cập có quan hệ truyền thống, hữu nghị, hai dân tộc đều khao khát tự do, độc lập và là biểu tượng kiên cường, bất khuất trong đấu tranh giải phóng dân tộc. Mối quan hệ Việt Nam-Ai Cập được xây dựng trên nền móng vững chắc là khát vọng chung giành độc lập, tự do, không ngừng được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước vun đắp trong suốt 60 năm qua tiếp tục phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực.
Trong những năm 1950, 1960 của thế kỷ trước, Ai Cập là một trong những thành viên sáng lập Phong trào Không liên kết và đã từng ủng hộ sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước chính nghĩa của chúng ta. Cá nhân Tổng thống Gamal Abdel Nasser đã dành nhiều tình cảm và sự nể phục đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1958, Việt Nam mở văn phòng đại diện thương mại tại thủ đô Cairo. Đến năm 1963, Ai Cập trở thành nước Arab và châu Phi đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cuối những năm 1960, Ai Cập tiếp tục cho phép mở văn phòng đại diện của Mặt trân dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại thủ đô Cairo.
Gần đây nhất, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi đã có chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Việt Nam vào năm 2017 và ngay sau đó, cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã thăm chính thức Ai Cập vào năm 2018. Hai chuyến thăm cấp cao liên tiếp đánh dấu bước phát triển mới, quan trọng trong quan hệ hai nước.
Đến nay, hai bên đã ký kết và triển khai thực hiện 19 hiệp định, bản ghi nhớ trong nhiều lĩnh vực và sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cần thiết cho việc tiếp tục phát triển hơn nữa mối quan hệ toàn diện, đặc biệt là về kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch… Hai bên tích cực trao đổi đoàn cấp cao, thường xuyên ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn khu vực và quốc tế như Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, ASEAN, Liên minh châu Phi (AU)...
Ai Cập hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam ở khu vực Bắc Phi, giao lưu và hợp tác văn hóa, giáo dục giữa hai nền văn hóa có bề dày lịch sử, giàu bản sắc đã và đang góp phần đưa người dân Việt Nam và Ai Cập xích lại gần nhau hơn, đặc biệt, nhiều sinh viên và cán bộ ngoại giao Việt Nam đã được đào tạo tiếng Arab tại Ai Cập đóng vai trò là cầu nối hữu nghị giữa hai nước.
Trong tháng 7/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Trần Lưu Quang có chuyến thăm quan trọng tới Ai Cập. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, với mong muốn và quyết tâm của hai bên, chuyến thăm đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao sẽ là cột mốc quan trọng, góp phần tạo xung lực mới, thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Ai Cập trên các lĩnh vực nhiều tiềm năng như kinh tế, thương mại, logistic, văn hóa, giáo dục… tương xứng với tiềm năng sẵn có và mong muốn của Lãnh đạo và nhân dân hai nước. Các văn kiện được ký kết nhân dịp chuyến thăm này sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho sự hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.
Dự kiến Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang sẽ có những hoạt động gì trong chuyến thăm? Đại sứ kỳ vọng thế nào vào chuyến thăm này?
Đây là chuyến thăm có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quan hệ hai nước và được phía Ai Cập hết sức coi trọng, đánh giá cao.
Vì vậy, trong chuyến thăm này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang sẽ có các buổi gặp gỡ, làm việc với các quan chức hàng đầu trong chính phủ, quốc hội và hiệp hội doanh nghiệp Ai Cập cũng như một số tổ chức quốc tế có trụ sở tại Ai Cập. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng sẽ tới thăm và tìm hiểu về nền văn minh cổ đại Ai Cập và một số công trình văn hóa, kiến trúc hiện đại của nước Ai Cập mới.
Qua các cuộc tiếp xúc, làm việc, chúng tôi mong rằng hai bên sẽ có điều kiện trao đổi thẳng thắn, chân tình để tìm ra những biện pháp hiệu quả, thực chất thúc đẩy quan hệ mọi mặt giữa hai nước trong thời kỳ mới, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang tích cực thực hiện Chiến lược phát triển quan hệ giữa Việt Nam với các nước Trung Đông, châu Phi giai đoạn 2016-2026.
Ai Cập hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Bắc Phi với kim ngạch thương mại tăng trưởng đều hàng năm, đạt gần 600 triệu USD năm 2022 và đang phấn đấu đưa kim ngạch song phương đạt 1 tỷ USD. Theo Đại sứ, hai nước cần làm gì để đạt được mục tiêu này?
Sau đại dịch Covid-19, tất cả các nước trên thế giới đều gặp phải những khó khăn chưa từng có trong quan hệ thương mại, đầu tư. Việt Nam và Ai Cập đều không phải ngoại lệ. Mặc dù kim ngạch thương mại hai chiều trong năm 2022 đạt hơn 600 triệu USD, giao thương năm 2023 gặp phải nhiều thách thức to lớn do hậu quả dịch bệnh, xung đột quốc tế, tình hình an ninh bất ổn ở khu vực Bắc Phi và những khó khăn nội tại của mỗi nền kinh tế.
Để vượt qua những thách thức đó, đưa trao đổi thương mại, đầu tư song phương thực sự đi lên, hai nước đều phải chủ động, tích cực nỗ lực hơn nữa; cùng nhau tháo gỡ những vướng mắc về quy trình, thủ tục, quy định... để tạo thuận lợi cho luồng hàng hóa, dịch vụ của nhau. Chúng ta cần triển khai thực hiện một cách thực chất, hiệu quả các văn bản pháp lý và hợp tác đã có, để đem lại kết quả cụ thể hơn trong từng lĩnh vực hợp tác.
Đại sứ hãy cho biết một số lĩnh vực tiềm năng hợp tác mà hai nước cần tận dụng dư địa phát triển trong tương lai?
Có thể nói cả hai nước Việt Nam và Ai Cập đều còn rất nhiều tiềm năng để phát triển hợp tác song phương trong những năm tới. Thị trường nội địa mỗi nước đều có hơn 100 triệu dân còn chưa được mỗi bên khai phá hết.
Nếu các ngành sản xuất trong nước của chúng ta có thể chuyển đổi và khai thác thành công các sản phẩm Halal với sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước thì không chỉ Ai Cập mà cả các quốc gia Hồi giáo khác cũng sẽ mở ra cho chúng ta một thị trường xấp xỉ 1,8 tỷ người trên khắp thế giới.
Ai Cập đang nhập khẩu số lượng lớn cá ngừ đóng hộp, tôm và cá basa đông lạnh có nguồn gốc từ Việt Nam và đây là những mặt hàng hết sức tiềm năng. Ngoài ra, các loại hải sản khác mà Việt Nam có thế mạnh cũng rất được ưa chuộng ở thị trường này.
Đều là những nước có ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, hai nước có nhiều thế mạnh có thể trao đổi với nhau (ví dụ như phân bón, giống cây trồng/vật nuôi, chế biến nông sản/hải sản...). Bên cạnh đó, khai thác khí đốt tự nhiên, phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt, năng lượng Mặt trời là những lĩnh vực có nhiều tiềm năng khác chúng ta có thể khai thác.
Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng, nếu có thể tháo gỡ được hai nút thắt quan trọng là cơ chế thanh toán song phương và tiêu chuẩn Halal thì chúng ta có thể giải phóng được rất nhiều tiềm năng hợp tác trong hàng loạt lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch; hỗ trợ lẫn nhau đi vào các thị trường khu vực tương ứng.