Đại sứ Nguyễn Minh Tâm: Quyết tâm và ưu tiên cao nhất thúc đẩy hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào

Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Minh Tâm nhấn mạnh, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn là Lãnh đạo cấp cao nước ngoài đầu tiên Bộ trưởng Ngoại giao Lào Thongsavanh Phomvihane tiếp đón...

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hội đàm trực tuyến với Bộ trưởng Ngoại giao Lào Thongsavanh Phomvihane ngày 27/11. (Ảnh: Anh Sơn)

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hội đàm trực tuyến với Bộ trưởng Ngoại giao Lào Thongsavanh Phomvihane ngày 27/11. (Ảnh: Anh Sơn)

Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Lào Thongsavanh Phomvihane và Phu nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Phu nhân sẽ thăm Lào và đồng chủ trì Tham vấn chính trị cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam-Lào lần thứ 11 từ ngày 16-18/12. Chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam trước thềm sự kiện, Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Minh Tâm nêu bật ý nghĩa chuyến thăm cũng như những điểm nhấn của quan hệ song phương thời gian qua.

Xin Đại sứ cho biết mục đích và ý nghĩa chuyến công tác sắp tới của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đối với quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào?

Đây là chuyến thăm Lào đầu tiên của đồng chí Bùi Thanh Sơn trên cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao và cũng là Lãnh đạo cấp cao nước ngoài đầu tiên Bộ trưởng Ngoại giao Lào Thongsavanh Phomvihane tiếp đón sau khi được bổ nhiệm vào ngày 26/11.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước đang đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc triển khai nghị quyết Đại hội của mỗi Đảng, khẩn trương thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước, cũng như các thỏa thuận cấp cao, tuyên bố chung, hiệp định hợp tác giữa hai Đảng, hai Chính phủ đang đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực.

Do đó, chuyến thăm lần này mang ý nghĩa hết sức quan trọng trong tổng thể quan hệ hai nước Việt Nam-Lào. Chuyến thăm tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại nhất quán, quyết tâm và ưu tiên cao nhất của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào anh em; thắt chặt gắn bó tin cậy giữa hai Chính phủ nói chung và cá nhân hai đồng chí Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nói riêng, góp phần tăng cường, vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào phát triển lên tầm cao mới.

Bên cạnh sự phát triển rất tốt đẹp của quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, tham vấn cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam-Lào là cơ chế thường niên rất quan trọng giữa hai Bộ Ngoại giao. Đây là dịp để hai bên tổng kết, đánh giá các kết quả hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao cũng như các đơn vị trong việc thực hiện Thỏa thuận hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao giai đoạn 2021-2025, Chương trình hành động tăng cường hợp tác ngoại giao kinh tế giai đoạn 2020-2025; rà soát, đánh giá kết quả triển khai các thỏa thuận cấp cao, các hiệp định hợp tác giữa hai Chính phủ đạt được tại Kỳ họp lần thứ 46 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào tháng 1/2024, chuẩn bị cho Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào sắp tới; tham vấn, chia sẻ về tình hình và các vấn đề quốc tế, khu vực mà hai bên cùng quan tâm.

Đây cũng là dịp để hai bên thảo luận, thống nhất về phương hướng, các biện pháp triển khai để phục vụ tốt cho các chuyến thăm và tiếp xúc của lãnh đạo cấp cao, các cơ chế hợp tác hai nước cũng như tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả tại các diễn đàn quốc tế và khu vực trong thời gian tới.

Đồng thời, hai Bộ Ngoại giao sẽ cùng nghiên cứu, đánh giá, tham mưu cho Lãnh đạo cấp cao hai nước về những định hướng lớn trong quan hệ và hợp tác hai nước trong năm 2025, góp phần vào việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hợp tác song phương; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, địa phương hai nước; triển khai thiết thực các thỏa thuận cấp cao hai nước, nhất là Thỏa thuận chiến lược hợp tác Việt Nam-Lào giai đoạn 2021-2030 và Hiệp định về hợp tác song phương Việt Nam-Lào giai đoạn 2021-2025.

Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Minh Tâm. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Lào)

Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Minh Tâm. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Lào)

Hợp tác song phương có những điểm nhấn gì nổi bật kể từ kỳ họp Tham vấn chính trị cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam-Lào lần thứ 10 vào tháng 11/2023, thưa Đại sứ?

Mặc dù tình hình thế giới đang có những biến động phức tạp, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, chính trị cường quyền và sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, xung đột gia tăng ở nhiều khu vực trên thế giới, song nhìn chung quan hệ Việt Nam-Lào tiếp tục được tăng cường, đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả.

Quan hệ chính trị tiếp tục phát triển vững chắc, tin cậy ở mức cao, tiếp tục giữ vai trò nòng cốt định hướng tổng thể quan hệ hai nước, phối hợp chặt chẽ trong vấn đề chiến lược; tích cực phối hợp, hỗ trợ Lào đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2024. Hai bên duy trì tốt các cơ chế hợp tác song phương, trao đổi đoàn tiếp tục được duy trì thường xuyên đã góp phần tăng cường tin cậy, gắn bó giữa lãnh đạo hai Đảng, hai nước; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hợp tác song phương. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến hết tháng 11/2024, hai bên đã trao đổi khoảng 180 đoàn các cấp. Đặc biệt hầu hết Lãnh đạo chủ chốt hai nước đều đã sang thăm lẫn nhau.

Hợp tác quốc phòng-an ninh tiếp tục phát triển sâu rộng, là một trong những trụ cột quan trọng nhất, góp phần tạo sự gắn kết và củng cố lòng tin chiến lược trong quan hệ giữa hai nước; tăng cường trao đổi thông tin, hợp tác chặt chẽ trong phòng chống “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ”, không để các thế lực thù địch lợi dụng lãnh thổ của nước này để chống phá nước kia, góp phần giữ vững ổn định chính trị, an ninh, trật tự, an toàn xã hội chung cũng như ở mỗi nước.

Hai bên phối hợp tổ chức thực hiện tốt các Nghị định thư, kế hoạch hợp tác hàng năm giữa hai nước trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh; phối hợp chặt chẽ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của Lào, an ninh biên giới hai nước, phòng chống các loại tội phạm, nhất là tội phạm xuyên biên giới, buôn bán ma túy, buôn bán người, buôn lậu; triển khai Dự án xây dựng hệ thống dữ liệu dân cư và căn cước công dân tại Lào và Dự án Trung tâm cai nghiện ma túy tại tỉnh Vientiane.

Hợp tác đầu tư, phát triển và thương mại tiếp tục duy trì đạt được kết quả tích cực. Việt Nam duy trì vị trí thứ 3 trong số các nước có đầu tư tại Lào với 256 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 5,5 tỷ USD, vốn thực hiện lũy kế đạt khoảng 2,8 tỷ USD.

Nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước Lào, nhất là trong các lĩnh vực viễn thông, ngân hàng, sản xuất và chế biến cao su, lương thực, thực phẩm, sữa… Hai bên đang tiếp tục nỗ lực thúc đẩy triển khai một số dự án trọng điểm chiến lược, kết nối chặt chẽ hơn hai nền kinh tế, hạ tầng giao thông vận tải.

Trong 10 tháng đầu năm 2024, Lào đã cấp phép đầu tư cho các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện 6 dự án với tổng giá trị 339 triệu USD. Kim ngạch thương mại Việt Nam-Lào đạt 1,7 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Hợp tác văn hóa, giáo dục có tiến triển tốt đáng ghi nhận. Công tác đào tạo nguồn nhân lực được quan tâm đề cao, không chỉ ở cấp Trung ương mà còn được triển khai mạnh mẽ ở cấp địa phương.

Hai bên tiếp tục phối hợp triển khai Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả của hợp tác về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2030, Nghị định thư về hợp tác đào tạo giữa hai Chính phủ giai đoạn 2022-2027; hỗ trợ xây dựng Chiến lược phát triển thể thao Lào giai đoạn 2023-2030.

Thêm vào đó, hai nước tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống về quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước, đưa các nội dung của Bộ Lịch sử quan hệ Việt Nam-Lào vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục của hai nước.

Về văn hóa, Việt Nam tích cực hỗ trợ Bạn trong việc trình hồ sơ Vườn quốc gia Hin Namno lên UNESCO để công nhận là di sản thiên nhiên thế giới kết nối với Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng; tiếp tục phối hợp thúc đẩy triển khai Dự án công trình Công viên Hữu nghị Việt-Lào tại thủ đô Vientiane. Hai bên thống nhất sớm khởi công xây dựng một số công trình di tích lịch sử có ý nghĩa trong quan hệ Việt Nam-Lào, phối hợp tổ chức tốt kỷ niệm các sự kiện trọng đại của hai Đảng, hai nước trong thời gian tới.

Hợp tác địa phương hai nước tiếp tục được tăng cường, nội dung hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu, cụ thể, thiết thực, nhất là giữa các tỉnh kết nghĩa chung biên giới trong các lĩnh vực kinh tế - thương mại, phần nào đáp ứng được nhu cầu phát triển của các địa phương và triển khai được tiềm năng và thế mạnh sẵn có về đất đai, tài nguyên, nhân lực của mỗi bên, giúp bảo đảm an ninh xã hội vùng biên, giải quyết tốt những vụ việc phát sinh nhằm xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định và phát triển.

Tại các diễn đàn đa phương, quốc tế và khu vực, hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin kịp thời, tham vấn, phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau hiệu quả. Lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc nhân dịp tham dự các sự kiện quốc tế đa phương, góp phần tăng cường sự tin cậy, thân thiết giữa hai bên.

Đại sứ Nguyễn Minh Tâm tặng hoa chúc mừng Bộ trưởng Ngoại giao Lào Thongsavanh Phomvihane nhân dịp kỷ niệm 49 năm Quốc khánh Lào. (Nguồn: TTXVN)

Đại sứ Nguyễn Minh Tâm tặng hoa chúc mừng Bộ trưởng Ngoại giao Lào Thongsavanh Phomvihane nhân dịp kỷ niệm 49 năm Quốc khánh Lào. (Nguồn: TTXVN)

Đại sứ quán Việt Nam tại Lào có kế hoạch, phương hướng gì nhằm thúc đẩy hợp tác, đưa quan hệ hai nước phát triển đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả trên các lĩnh vực trong kỷ nguyên mới?

Trong bối cảnh mới hiện nay, để củng cố, phát huy và đưa quan hệ Việt Nam-Lào đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, trong phạm vi phụ trách, tôi cho rằng cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan của hai nước, thúc đẩy triển khai hiệu quả các thỏa thuận cấp cao, cơ chế hợp tác song phương. Trên tinh thần đó, Đại sứ quán sẽ tập trung vào các ưu tiên sau:

Một là, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, bộ, ngành, địa phương liên quan, tiếp tục đưa quan hệ chính trị đi vào chiều sâu, là nòng cốt định hướng tổng thể quan hệ hai nước; tập trung trao đổi về hợp tác trong các vấn đề chiến lược, chủ trương, chính sách liên quan đến an ninh và phát triển của mỗi nước; tăng cường trao đổi về lý luận, chia sẻ kinh nghiệm về những vấn đề mới trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, mở rộng quan hệ, hội nhập quốc tế; tăng cường tham mưu, điều phối trao đổi đoàn các cấp và giao lưu nhân dân; phối hợp triển khai hiệu quả các thỏa thuận cấp cao, tuyên bố chung và các hiệp định đã ký giữa hai nước; tập trung thúc đẩy các bộ, ban, ngành, địa phương thực hiện tốt các cơ chế hợp tác giữa hai bên; phối hợp tổ chức tốt kỷ niệm các ngày lễ, sự kiện quan trọng của hai Đảng, hai nước trong năm 2025.

Hai là, tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch hợp tác về quốc phòng - an ninh, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, an ninh, trật tự an toàn xã hội ở mỗi nước; hợp tác chặt chẽ trong phòng chống “cách mạng màu”, “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ” và tội phạm xuyên quốc gia, nhất là tội phạm về ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao; phối hợp ứng phó với các an ninh phi truyền thống; phối hợp nghiên cứu, tham mưu các bộ, ngành, địa phương kết hợp chặt chẽ, linh hoạt giữa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Ba là, phối hợp nghiên cứu, tham mưu với Lãnh đạo cấp cao, các bộ, ban, ngành, địa phương về các giải pháp, cơ chế hợp tác đồng bộ, chính sách ưu đãi nhằm tạo điều kiện, giải phóng nguồn lực cho doanh nghiệp, nhân dân hai nước hợp tác đầu tư, kinh doanh, kết nối mạnh mẽ về thể chế, tiền tệ, cơ sở hạ tầng, giao thông, năng lượng, du lịch, viễn thông và nâng tầm hợp tác kinh tế để tương xứng với tổng thể quan hệ hai nước; phối hợp, hỗ trợ các cơ quan liên quan trao đổi kinh nghiệm về quản lý kinh tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; phối hợp thúc đẩy các mô hình hợp tác mới để tận dụng tiềm năng, thế mạnh của hai nước và các đối tác phát triển; tận dụng các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam và Lào là thành viên để tăng cường hiệu quả hợp tác thương mại, mở rộng thị trường và thu hút đầu tư vào hai nước; nghiên cứu, tham mưu để giải quyết dứt điểm các khó khăn, tồn tại cho một số dự án hợp tác song phương còn tồn đọng; phối hợp tìm kiếm, thu hút nguồn lực để đẩy mạnh kết nối cơ sở hạ tầng chiến lược, hạ tầng năng lượng, công nghệ.

Bốn là, tập trung tham mưu, phối hợp với các bộ, ban, ngành và địa phương trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục, đào tạo phát triển nguồn nhân lực; thúc đẩy hợp tác văn hóa, y tế, để đáp ứng các nhu cầu về phát triển của mỗi nước trong tình hình mới.

Tôi tin rằng, Việt Nam và Lào sẽ tiếp tục vững bước bên nhau cùng phát triển giàu mạnh trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiếp tục củng cố và tăng cường quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, góp phần tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới.

Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam giúp Lào tại thị xã Phonsavan, huyện Muang Pek, tỉnh Xieng Khouang, tháng 10/2024.

Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam giúp Lào tại thị xã Phonsavan, huyện Muang Pek, tỉnh Xieng Khouang, tháng 10/2024.

Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có nhiều chuyển biến khó lường, cộng đồng người Việt Nam tại Lào đã có những hoạt động gì nhằm vun đắp “giữ lửa” cho tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào vững bền?

Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có nhiều biến chuyển khó lường, cộng đồng người Việt Nam tại Lào có nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa tiếp tục góp phần vun đắp “giữ lửa” cho tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào vững bền.

Với vai trò là cơ quan đại diện Việt Nam tại Lào, Đại sứ quán cùng các Tổng Lãnh sự quán luôn bám sát Kết luận 12/KL-TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới để hỗ trợ, đồng hành cùng cộng đồng người Việt Nam tại Lào triển khai tổ chức nhiều hoạt động với mong muốn thông qua các hoạt động góp phần giáo dục các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hai nước, về tính chất đặc biệt của mối quan hệ Việt Nam-Lào, đồng thời, khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm gìn giữ, phát huy mối quan hệ này phát triển hơn nữa trong tương lai.

Nổi bật là các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane, Chủ tịch Souphanouvong luôn được tổ chức với nhiều hình thức phong phú và đạt được những kết quả quan trọng như dâng hoa nhân dịp Kỷ niệm Ngày sinh nhật Bác tại Khu Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bản Xiengvang, huyện Noongbok, tỉnh Khammuane; dâng hoa trước Tượng đài của Chủ tịch Kaysone Phomvihane và thăm Khu lưu niệm Chủ tịch Souphanouvong tại Thủ đô Vientiane và trên nhiều tỉnh của Lào.

Các hoạt động này đều có sự tham dự của đại diện chính quyền, người dân Lào và đông đảo bà con người Việt Nam tại Lào để tỏ lòng kính trọng, sự ngưỡng mộ và tưởng nhớ tới những nhà lãnh đạo đã có công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng hai nước Việt Nam-Lào và mối quan hệ đặc biệt Lào-Việt Nam, cũng như đối với hòa bình khu vực và thế giới.

Tổng hội người Việt Nam tại Lào cùng tỉnh/thành hội trên khắp nước Lào hoạt động thường xuyên, đa dạng với nhiều chương trình ý nghĩa. Các hoạt động thể thao - văn hóa gắn liền với hoạt động từ thiện nhân đạo luôn thu hút đông đảo cộng đồng người Việt và cả người dân Lào tham gia, hưởng ứng, góp phần gắn kết tình cảm giữa nhân dân hai nước. Như các hoạt động mừng Tết Nguyên đán của Việt Nam và Tết Bunpimay của Lào, tổ chức Lễ giổ tổ Hùng Vương, dâng hoa tưởng nhớ các vị lãnh tụ vĩ đại của hai nước, các Anh hùng Liệt sĩ của hai nước vào các dịp lễ lớn của hai dân tộc.

Giải bóng đá thanh niên Việt Nam tại Lào được tổ chức hàng năm là một phần không thể thiếu trong các hoạt động thể dục thể thao của người Việt, đồng thời là nơi vận động nguồn lực hỗ trợ cho các trẻ em khiếm thính, khiếm thị, khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn ở Lào.

Tết Nguyên đán sắp tới, bên cạnh hoạt động của các tỉnh/thành hội được tổ chức thường niên, dự kiến Tổng hội người Việt Nam tại Lào sẽ lần đầu tiên tổ chức chương trình Tết cộng đồng cho người Việt Nam tại Lào với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực. Trong đó, có sự quan tâm sẻ chia, tặng những phần quá tới phụ nữ nghèo các tỉnh/thành hội và các gia đình liệt sĩ Lào-Việt Nam.

Hoạt động của các ngôi chùa Việt ở Lào phù hợp với phong tục tập quán của Lào và Phật giáo. Tất cả các chùa đều là thành viên của Liên minh Giáo hội Phật giáo Lào. Các hoạt động văn hóa, tâm linh và Phật giáo tại các ngôi chùa Việt Nam ngày càng thu hút đông đảo cộng đồng người Việt Nam và người Lào tham gia. Các chùa cũng là nơi tập hợp, đoàn kết bà con, động viên và hỗ trợ bà con giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, học tiếng Việt, lập tủ sách tiếng Việt phục vụ miễn phí cho bà con kiều bào và các bạn Lào đồng thời thúc đẩy vai trò cầu nối quan hệ hữu nghị nhân dân và Phật giáo giữa hai nước Việt Nam-Lào.

Với sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Đại sứ quán, cộng đồng người Việt Nam tại Lào hết sức quan tâm đến việc xây dựng, củng cố, lan tỏa, phát triển phong trào dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng, gìn giữ và tôn vinh tiếng Việt. Cộng đồng người Việt Nam tại Lào đã luôn đồng hành cùng với Trường song ngữ Lào-Việt Nam Nguyễn Du trong việc dạy và học tiếng Việt để các em học sinh bên cạnh tiếng Lào cũng có thể nói được tiếng Việt, hiểu được về lịch sử, văn hóa Việt Nam và các em học sinh gốc Việt luôn nhớ về quê hương, tổ quốc. Các hoạt động để các em nâng cao và phát triển tiếng Việt thường xuyên được tổ chức như “Chúng ta cùng nói tiếng Việt”, “Cuộc thi hát ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh”, phong trào làm báo tường bằng tiếng Việt.

Cuộc thi Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức đã được Đại sứ quán phát động và tại Thủ đô Vientiane có 2 thí sinh xuất sắc đạt giải Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài năm 2023 và 2024. Đặc biệt, thí sinh đạt giải năm 2024 là cô gái người Lào, qua đó giúp cho người Việt và người Lào có thêm tình yêu với tiếng Việt, từ đó góp phần lan tỏa các giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Hoạt động của Tổng hội cùng các tỉnh/thành hội không chỉ giúp nâng cao vị thế của cộng đồng Việt Nam tại Lào, mà còn góp phần xây dựng cộng đồng người Việt Nam tại Lào đoàn kết, vững mạnh, đóng góp tốt hơn vào việc xây dựng đất nước Lào phồn vinh, hướng về Tổ quốc Việt Nam và chung tay vun đắp tình mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào. Đồng thời, những hoạt động ý nghĩa này cũng khẳng định mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvongg kính yêu đặt nền móng xây dựng, được các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai nước dày công vun đắp là nền tảng để cộng đồng người Việt Nam tại Lào cùng nhân dân hai nước phát huy truyền tiếp cho các thế hệ mai sau.

Xin cảm ơn Đại sứ!

"Tôi tin rằng, Việt Nam và Lào sẽ tiếp tục vững bước bên nhau cùng phát triển giàu mạnh trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiếp tục củng cố và tăng cường quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, góp phần tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới". (Đại sứ Nguyễn Minh Tâm)

Thu Trang

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dai-su-nguyen-minh-tam-quyet-tam-va-uu-tien-cao-nhat-thuc-day-hop-tac-toa-n-dien-viet-nam-la-o-297439.html