Đại sứ Nguyễn Quang Khai 'bật mí' nguyên nhân Hamas ồ ạt tấn công Israel

Cuộc tấn công 'bất ngờ với quy mô chưa từng có' của Hamas vào Israel có thể sẽ leo thang và lan rộng ra toàn khu vực. Báo Thế giới và Việt Nam phỏng vấn Đại sứ Nguyễn Quang Khai, người từng có 37 năm 'lăn lộn' tại Trung Đông về sự kiện nóng bỏng này...

Hamas đồng loạt nã tên lửa vào lãnh thổ Israel ngày 7/10. (Nguồn: Al Jazeera)

Hamas đồng loạt nã tên lửa vào lãnh thổ Israel ngày 7/10. (Nguồn: Al Jazeera)

Xung đột giữa Palestine và Israel tại “chảo lửa Trung Đông” lại bất ngờ bùng phát, nguyên nhân nào dẫn đến cuộc tấn công với “quy mô chưa từng có” này thưa Đại sứ?

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến cuộc xung đột kéo dài đã mấy chục năm giữa Palestine và Israel. Một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10 cũng như các cuộc xung đột giữa hai bên trước đây bắt nguồn từ việc Israel không tuân thủ Nghị quyết 181 của Liên hợp quốc chia cắt vùng lãnh thổ Lịch sử của Palestine do Anh ủy trị từ năm 1947.

Cuộc tấn công mới nhất này cũng trùng hợp với ngày bùng phát cuộc chiến ngày 6/10/1973 giữa Arrab-Israel hay còn gọi là Cuộc chiến Tháng 10. Cuộc chiến khởi phát khi quân Ai Cập và Syria bất ngờ đồng loạt tấn công Israel trong ngày lễ Yom Kippur, ngày lễ thiêng liêng của người Do Thái.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai.

Ngày 13/9/1993, tại Washington, nhà lãnh đạo Palestine Yasser Arafat và Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin ký “Tuyên bố nguyên tắc” lịch sử, còn gọi là Hiệp định Oslo vạch ra kế hoạch 5 năm để người Palestine ở Bờ Tây và Dải Gaza tự quyết vận mệnh. Thế nhưng, thỏa thuận này đã đổ vỡ, không được thực hiện.

Nguyên nhân sâu xa nữa đó là để giải quyết vấn đề Palestine-Israel, Liên hợp quốc (LHQ) đã thông qua hàng trăm nghị quyết, rất nhiều sáng kiến trong đó có các nghị quyết của Hội đồng Bảo an, đặc biệt là các Nghị quyết 242 năm 1947 và Nghị quyết 338 năm 1973 nhưng tất cả đều không được Israel thực hiện.

Theo nguyên tắc của LHQ, thì các nghị quyết đã được thông qua thì các bên liên quan phải thực hiện, nếu một bên liên quan không thực hiện thì LHQ và cộng đồng quốc tế phải có biện pháp buộc phải thực hiện. Thế nhưng, LHQ cũng như các nước liên quan có vai trò đã không có biện pháp gì để ép Israel phải tuân thủ các nghị quyết này.

Nguyên nhân trực tiếp, mới nhất, theo tôi là việc Israel tiếp tục mở rộng, cho xây thêm các khu định cư tại Bờ Tây. Theo tôi biết, hiện có tới 151 khu định cư của người Israel ở Bờ Tây và họ đã đưa hơn 800.000 người Israel đến ở. Người Palestine không thể chấp nhận được điều này.

Một nguyên nhân trực tiếp làm “giọt nước tràn ly” đó là vào ngày 1/10 vừa qua, 200 người Do Thái đã xông vào Thánh đường Al-Aqsa của người Hồi giáo. Mà theo quy định của người Hồi giáo, thì người ngoại đạo không được tự ý vào Thánh đường khi họ đang hành lễ, cầu nguyện. Điều này đã gây bất bình cho người Hồi giáo Palestine. Đây là những giọt nước tràn ly, khiến người Palestine phải phản kháng, dẫn đến cuộc tấn công vào Israel ngày 7/10.

Hệ thống "Vòm sắt" của Israel đã không thể ngăn chặn được tên lửa của Hamas. (Nguồn: Al Jazeera)

Hệ thống "Vòm sắt" của Israel đã không thể ngăn chặn được tên lửa của Hamas. (Nguồn: Al Jazeera)

Sau vụ tấn công, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã yêu cầu chuẩn bị cho một “cuộc chiến lâu dài” và cho rằng, cuộc xung đột lần này sẽ lan rộng ra toàn khu vực. Đại sứ bình luận gì về nhận định này của Thủ tướng Israel?

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và chính phủ của ông được cho là chính phủ theo cực hữu. Ông cũng là thủ lĩnh đảng Likud, một đảng có xu hướng cực hữu. Ông Netanyahu cũng mới tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Israel lần thứ 6 năm 2022. Nội các của Thủ tướng Netanyahu cũng được cho là có các thành viên có xu hướng chống Palestine mạnh nhất, trong đó có Bộ trưởng An ninh và Bộ trưởng Tài chính. Hai vị này từng sống trong khu định cư của người Israel và trước đây đã "dính vào một số hoạt động khủng bố” và bị một số nước phương Tây cấm nhập cảnh…

Trong khi đó, Thủ tướng Netanyahu cũng đang phải đối mặt với một số vấn đề nội bộ trong đảng và cá nhân ông. Trong bối cảnh đó, việc Thủ tướng Netanyahu tuyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ cuộc tấn công và “chuẩn bị cho cuộc chiến lâu dài, có thể lan rộng ra khu vực” cũng có thể là một động thái hướng dư luận khỏi tình hình hình nội bộ Israel và những vấn đề trong nội các của ông.

Trong bối cảnh như thế, cuộc xung đột này rất có thể sẽ tiếp tục leo thang, được đẩy lên mức căng thẳng, phức tạp hơn vì cả hai bên đều có những mục tiêu khác nhau. Và rõ ràng, Israel thì đang thực sự trong trong tình trạng chiến tranh rồi. Hamas bắn hàng ngàn quả tên lửa, hơn 300 người đã thiệt mạng, bắt làm con tin hàng trăm người, tình hình đang rất nóng bỏng.

Nếu tình hình này tiếp tục leo thang, chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực đến hòa bình ở khu vực. Trung Đông vốn hết sức phức tạp, nếu xung đột tiếp tục leo thang và kéo dài thêm thì có thể sẽ lôi kéo thêm các tổ chức Hồi giáo cực đoan vào cuộc. Phía Israel cũng sẽ phải đáp trả mạnh mẽ và trong tình hình như thế, có thể sẽ có sự tham gia của các nước khác trong khu vực. Ví dụ như Lebanon, lực lượng Hezbollah ở Nam Lebanon đã bắn tên lửa vào Israel rồi…

Ngoài ra, Syria có thể tham gia, vì Syria cũng có quan hệ thù địch với Israel và luôn tìm cớ gây hấn với Israel. Ở Syria cũng có rất nhiều tổ chức thân Palestine hiện diện ở đó. Đặc biệt, cũng không loại trừ sự tham gia của Iran vì nước này có quan hệ mật thiết với Hezbollah và Hamas. Iran thường ủng hộ Hamas và Hezbollah… Do đó, tôi cho rằng, nếu chiến sự tiếp tục leo thang, không loại trừ sẽ có sự tham gia của Iran, ở hình thức này hay hình thức kia, và như vậy, thì xung đột giữa Palestine và Israel sẽ lan rộng và đẩy lên một cấp độ khác.

Lực lượng vũ trang Hamas bất ngờ bắn hàng ngàn tên lửa vào lãnh thổ Israel khiến hàng trăm người thiệt mạng ngày 7/10. (Nguồn: Amir Levy/Getty)

Lực lượng vũ trang Hamas bất ngờ bắn hàng ngàn tên lửa vào lãnh thổ Israel khiến hàng trăm người thiệt mạng ngày 7/10. (Nguồn: Amir Levy/Getty)

Cuộc tấn công của Hamas vào Israel có gửi đi thông điệp gì cho đối phương và cộng đồng quốc tế không, thưa Đại sứ?

Chắc chắn là Hamas thông qua cuộc tấn công này muốn gửi đi một số thông điệp. Thứ nhất, cuộc tấn công ồ ạt của Hamaz vào lãnh thổ Israel đã gửi thông điệp mạnh mẽ đến Tel Aviv rằng họ không thể sử dụng sức mạnh quân sự để đè bẹp được phong trào kháng chiến của Hamas. Nếu so sánh lực lượng, thì Israel mạnh hơn Palestin rất nhiều. Từ 2005 đến nay, giữa hai bên đã nổ ra hàng chục cuộc xung đột, lần nào Israel cũng tuyên bố cứng rắn là Hamas sẽ phải trả giá đắt và sẽ tiêu diệt Hamas nhưng ngược lại, lực lượng Hamas lại ngày càng lớn mạnh. Điều này cho thấy Israel không thể đè bẹp được phong trào giải phóng Hamas của người Palestine.

Thông điệp thứ hai mà Hamas muốn gửi đến cộng đồng quốc tế rằng cuộc xung đột ở Trung Đông vẫn đang rất nóng bỏng. Thời gian qua, dường như cộng đồng quốc tế và các nước liên quan quan trọng tập trung hơn vào cuộc xung đột ở Ukraine mà lãng quên một cuộc xung đột khác đang rất nóng bỏng và khốc liệt không kém ở Trung Đông.

Thông điệp thứ ba là Hamas và Palestine muốn gửi đến các nước Arab. Gần đây 4 nước Arab là Morocco, UAE, Sudan và Bahrain đã ký thỏa thuận bình thường quan hệ với Israel. Saudi Arabia cũng đang đàm phán để ký thỏa thuận hòa bình với Israel. Thế nhưng, qua cuộc tấn công này, Riyadh chắc chắn sẽ phải xem lại việc đàm phán bình thường hóa quan hệ với Israel.

Theo Đại sứ, cuộc xung đột lần này giữa Palestine và Israel sẽ đi về đâu?

Tình hình Trung Đông luôn luôn phức tạp và căng thẳng, đặc biệt sau khi Mỹ giảm sự có mặt quân sự tại khu vực này, nhiều nhóm ly khai hoạt động mạnh trở lại khiến tình hình căng thẳng hơn. Cuộc xung đột chính ở Trung Đông hiện nay là giữa Israel và Palestine, thế nhưng, lực lượng Israel có vẻ bất ngờ trước cuộc tấn công của Hamas. Israel dường như đã không đoán trước được, không ngăn chặn được hiệu quả tên lửa của Hamas bắn sang. Hệ thống phòng thủ được mệnh danh là “Vòm sắt” của Israel đã không ngăn chặn được tên lửa của Hamas. Mà họ bắn tới 5.000 quả thì làm sao mà ngăn chặn được!.

Như thế, theo tôi thì tình hình sắp tới rất khó để có thể trở lại bình thường được. Không thể hòa dịu được vì nguyên nhân gốc rễ, sâu xa vẫn không được giải quyết. Đặc biệt việc Hamas và Hezbollah tự sản xuất được tên lửa, họ công bố có tới 150.000 tên lửa, nếu căng thẳng leo thang thì tình hình sẽ rất khốc liệt. Hamas và Hezbollah chắc chắn sẽ không để cho Israel yên nếu Tel Aviv leo thang hành động đáp trả.

Khu định cư của Israel tại Bờ Tây. (Nguồn: Al Jazeera).

Khu định cư của Israel tại Bờ Tây. (Nguồn: Al Jazeera).

Vai trò trung gian của Mỹ và các bên liên quan quan trọng bên ngoài thế nào trong vấn đề Palestine và giải quyết xung đột lần này, thưa Đại sứ?

Theo tôi, giải pháp duy nhất cho cuộc xung đột này vẫn là hai bên hai bên cần chấm dứt leo thang quân sự, quay lại đàm phán, tìm ra giải pháp hợp tình hợp lý, trên cơ sở các Nghị quyết đã có của LHQ và các Nghị quyết của Hội đồng bảo an LHQ. Đặc biệt là tuân thủ Sáng kiến hòa hình Arab năm 2002 tại Thượng đỉnh các nước Arab ở Beirut.

Sáng kiến Hòa bình Arab năm 2002 nêu rõ, các nước Arab “sẵn sàng công nhận Israel, sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Israel sau khi đạt được một giải pháp cho cuộc xung đột, thành lập một nhà nước Palestine độc đập bên cạnh Israel (giải pháp hai nhà nước). Tuy nhiên gần đây, một số nước Arab đã “bình thường hóa” quan hệ với Israel trước khi đạt được thỏa thuận, trước khi các bên có được một giải pháp hòa bình cho vấn đề Palestine.

Do đó, chừng nào chưa có giải pháp “Hai nhà nước”, thành lập một nhà nước Palestine độc lập bên cạnh Israel thì Israel chưa thể có an ninh, xung đột Palestine-Israel sẽ còn tiếp tục.

Cái bắt tay lịch sử giữa nhà lãnh đạo Palestine Arafat (phải) và Thủ tướng Israel Rabin trước sự chứng kiến của Tổng thống Bill Clinton (giữa) tại Washington, năm 1993. (Nguồn: AFP)

Cái bắt tay lịch sử giữa nhà lãnh đạo Palestine Arafat (phải) và Thủ tướng Israel Rabin trước sự chứng kiến của Tổng thống Bill Clinton (giữa) tại Washington, năm 1993. (Nguồn: AFP)

Tại sao vấn đề Palestine và Israel lại được coi là "phức tạp và khó giải quyết nhất thế giới", thưa Đại sứ?

Tại sao giải pháp để chấm dứt xung đột Palestine-Israel lại khó đến thế, bởi vì chính quyền Israel thay đổi. Trong khi đó, lực lượng cực hữu ở Israel có ảnh hưởng rất lớn trong chính trường, ngay cả ở Israel cũng như ở Mỹ. Năm 1993, Thủ lĩnh Công đảng (Labour Party), Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin ký với Lãnh đạo Palestien (PLO) Yasser Arafat Hiệp định Hòa bình Oslo. Thế nhưng, lực lượng cực hữu tại Israel lại chống lại thỏa thuận này. Năm 1995, Thủ tướng Yitzhak Rabin đã bị ám sát để phá vỡ thỏa thuận này. Bởi thế Hiệp định Hòa bình Oslo bị đổ vỡ, không thực hiện được, vấn đề Palestine và Israel lại rơi vào bế tắc.

Còn ở bên ngoài, ngay cả trong nội bộ Mỹ cũng có các luồng chính kiến khác nhau về vấn đề Palestine. Dưới thời Tổng thống Obama và Phó Tổng thống Biden ủng hộ giải pháp hai nhà nước. Trong khi đó, Đảng Cộng hòa dưới thời Tổng thống Donald Trump lại hủy bỏ thỏa giải pháp hai nhà nước, đưa ra “thỏa thuận thế kỷ” ủng hộ giải pháp “một nhà nước” của Israel. Quan trọng nhất, Mỹ với vai trò là người trung gian hòa giải trong vấn đề Palestine – Israel, thế nhưng, suốt 30 năm qua không tiến triển gì vì Mỹ “thiên vị Israel”, không có hành động gây sức ép đối với Israel trong việc tuân thủ các Nghị quyết của LHQ.

Trong bối cảnh này, một giải pháp có thể đề cập trong việc giải quyết vấn đề Palestine-Israel là phải khôi phục hoạt động của nhóm Bộ tứ (LHQ -Nga- EU và Mỹ). Nga cũng muốn thể hiện vai trò của mình trong vấn đề Palestine còn lãnh đạo Trung Quốc hồi tháng 6/2023 cũng đã mời Tổng thống Palestine Mahmud Abbas đến thăm và Tổng thống Abbas đã đến Bắc Kinh trong chuyến thăm kéo dài 4 ngày. Những dấu hiệu này cho thấy, Nga và Trung Quốc có thể sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong giải quyết vấn để Palestine-Israel cùng với nhóm Bộ tứ.

Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Đức Trí

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dai-su-nguyen-quang-khai-bat-mi-nguyen-nhan-hamas-o-at-tan-cong-israel-245349.html