Đại sứ Nguyễn Thị Nguyệt Nga: Một cuộc đời tận hiến cho ngoại giao!
Đất nước và ngành Ngoại giao vừa tiễn biệt một nhà ngoại giao nữ xuất sắc - Đại sứ Nguyễn Thị Nguyệt Nga. Sự ra đi của chị để lại niềm tiếc thương sâu sắc trong lòng bạn bè, đồng nghiệp trong nước và quốc tế. Những giá trị mà chị vun đắp sẽ còn mãi, dịu dàng, sáng trong như chính cái tên Nguyệt Nga...

Dự lễ khai giảng ở ngôi trường nghèo xã Thanh Xá, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ (cũ), Đại sứ Nguyễn Thị Nguyệt Nga động viên các em học sinh quyết tâm học tập để có một tương lai tốt đẹp. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Bốn thập kỷ trọn vẹn với ước mơ
Hơn 40 năm gắn bó với ngoại giao cả song phương và đa phương, từ khi còn là “binh nhất” cho tới khi làm lãnh đạo đơn vị, chị Nguyễn Thị Nguyệt Nga luôn làm việc quên mình, đầy năng lượng, nhiệt huyết và rất giàu ý tưởng. Bất cứ ai từng tiếp xúc với chị đều cảm nhận được tinh thần trách nhiệm sâu sắc, còn chưa tìm ra “đáp án” thì còn trăn trở khôn nguôi.
Nhiều người hỏi nhau chị lấy đâu ra năng lượng để có thể dẻo dai như vậy? Mỗi người có câu trả lời của riêng mình, với tôi, tôi nhớ lại câu chuyện chị từng chia sẻ với báo chí năm xưa, khi ấy chị nói về ước mơ cuộc đời mình, ước mơ của một cô bé hơn 10 tuổi biết đến Hiệp định Paris năm 1973 - “lớn lên làm ngoại giao để cho đất nước luôn được hòa bình, để trẻ con không phải đi sơ tán, không phải sống xa cha mẹ…”. Có lẽ, năng lượng ấy bắt nguồn từ niềm say mê lý tưởng sống, khát vọng về hai chữ “hòa bình” thiêng liêng, được soi đường bởi “ánh sáng ngoại giao” của những bậc tiền bối mà chị hằng ngưỡng mộ.
Lặng lẽ, kiên trì, bền bỉ, hơn bốn thập kỷ được sống với ước mơ, chị đã có những dấu ấn mang tên mình. Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, từng làm việc trực tiếp với chị nhiều năm, khẳng định rằng nhắc đến Đại sứ Nguyệt Nga không thể không nhắc đến những đóng góp vào chủ trương, chính sách quan trọng của Việt Nam về hội nhập quốc tế và đối ngoại đa phương.
Nổi bật trong số đó có thể kể đến Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030... Gần 15 năm trên cương vị Vụ trưởng Vụ Hợp tác kinh tế đa phương, Cố vấn Ban thư ký quốc gia APEC 2017, những tư duy, chính sách và bước triển khai quan trọng của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế, hội nhập quốc tế và hợp tác đa phương, có lẽ đều có dấu ấn của chị.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng nhớ lại những kỷ niệm khi vị tiền bối của mình đã dành biết bao công sức, trí tuệ để nghiên cứu, đúc kết và thúc đẩy những tư tưởng lớn về hội nhập quốc tế và đối ngoại đa phương. Đúc kết chặng đường hội nhập của Việt Nam từ năm 1995, khi Việt Nam gia nhập ASEAN, chị là người đã thúc đẩy mạnh mẽ chuyển biến tư duy từ “ký kết, tham gia” sang “đóng góp, xây dựng, định hình”.
Trong quá trình dự thảo Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, chị dặn “phải nhớ ba chữ cốt lõi là nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải”. Trên cương vị Phó Chủ tịch Nhóm Tầm nhìn APEC, khi xây dựng Tầm nhìn APEC sau 2020, chị nhấn mạnh APEC bắt buộc phải có ba yếu tố “hòa bình, tự cường, kết nối”… Những đúc kết đó đã đóng góp quan trọng vào việc định hình chủ trương, chính sách của Việt Nam về hội nhập quốc tế và đối ngoại đa phương trong hơn thập kỷ qua.
Dấu ấn của Phó Chủ tịch Nhóm Tầm nhìn APEC, theo Giám đốc điều hành Ban thư ký APEC, ông Eduardo Pedrosa khi lục lại những ký ức từng làm việc với chị, “thể hiện rất rõ phẩm chất lãnh đạo, dẫn dắt thảo luận, định hình mục tiêu và định hướng dài hạn cho APEC”.
Trên mặt trận đối ngoại, Đại sứ Nguyệt Nga được ví như “nhà ngoại giao của đàm phán”, “bóng hồng thép” sau những hiệp định, sự kiện kinh tế đa phương. Dẫu trước khi đi xa, chị còn nhiều trăn trở, dự định dở dang nhưng chị đã sống trọn với ước mơ thủa nào, một hành trình đáng tự hào, đủ để chị mãn nguyện buông tay như “cày xong thửa ruộng”. Những gì gieo trên “mảnh đất” ấy sẽ tiếp tục vươn mầm lớn lên như nguyện ước của chị.
Người chị, người Thầy của chúng tôi!
Tin chị Nguyệt Nga ra đi mãi mãi như một nốt lặng... một mất mát to lớn, nhất là đối với những ai gắn bó và yêu mến công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại đa phương.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao “vẫn in đậm kỷ niệm về một con người cả cuộc đời tận tụy cống hiến cho sự nghiệp đối ngoại, cho đất nước”, không chỉ là điển hình của một nhà ngoại giao đầy bản lĩnh, kiên định, luôn nỗ lực cao nhất để vươn tới sự hoàn thiện, mà còn là “người chị lớn, luôn quan tâm chỉ bảo, động viên, hỗ trợ, giúp tôi tự tin hơn và hoàn thành tốt các trọng trách được phân công”. Đại sứ Nguyệt Nga quan tâm đến hoàn cảnh của từng đồng nghiệp, tận tình chỉ bảo từng ly từng tí, tỉ mỉ, chăm sóc từ việc nhỏ tới việc lớn, từ nghiên cứu đề xuất ý tưởng, sáng kiến của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương cho tới từng bữa ăn ngoài giờ cho anh chị em khi phải làm việc quá muộn ở cơ quan...
Chia sẻ cảm giác như “một khoảng trống lớn vừa mở ra trong trái tim và ký ức”, Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco Hoàng Anh Tuấn nghẹn ngào “nhớ về một nhà ngoại giao bản lĩnh, trí tuệ, nghiêm túc kỷ luật, đầy năng lượng sáng tạo và luôn đặt lợi ích quốc gia lên trên hết”. Đại sứ Nguyệt Nga không chỉ là người đàm phán giỏi, mà còn là người truyền cảm hứng, mở đường cho thế hệ ngoại giao trẻ.
Đại sứ Ngô Thị Hòa cùng chia sẻ nhận định trên, với niềm nhớ sâu sắc về tháng năm mới vào Bộ, công tác tại Vụ Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương và được chị Nguyệt Nga hướng dẫn rất tận tình những kỹ năng như tổng hợp tin, làm đại sự ký, viết báo cáo tổng hợp, báo cáo chuyên đề… Bất cứ công việc nào, chị làm hết sức chuyên nghiệp, khoa học và hiệu quả.
Gần 10 năm làm việc cùng chị Nguyệt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại Nguyễn Hương Trà nhớ nhất những ngày tháng cùng “làm chính sách”, phải bắt đầu từ nghiên cứu nghiêm túc, thực chất, chứ không phải để “trả bài” theo đặt hàng hằng năm của Phòng Khoa học... Không lâu sau khi đảm nhận Vụ trưởng Vụ Hợp tác kinh tế đa phương, chị lập Phòng Nghiên cứu chính sách cho một đơn vị vốn thiên về “tác chiến” đa phương. Chị đã hướng dẫn những cán bộ ngoại giao trẻ đi những bước đi đầu tiên trên con đường nghiên cứu, tham mưu và hoạch định chính sách hội nhập quốc tế và đối ngoại đa phương.
Với phương châm “ngoại giao là chuyện của ngày mai, bắt đầu từ hôm nay”, Đại sứ Nguyệt Nga luôn khuyến khích cán bộ trẻ phát triển tư duy độc lập, lấy nghiên cứu làm nền tảng, tôn trọng sự khác biệt. Nhiều cán bộ từng được chị hướng dẫn nay đang đảm nhận vị trí quan trọng tại Bộ Ngoại giao, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức quốc tế...
Nhớ về nhà ngoại giao kỳ cựu, ông Eduardo Pedrosa nhắc đến một ký ức khó phai mờ là bữa trưa ngoài trời đầy ấm áp mà Đại sứ Nguyệt Nga đã sắp xếp cho ông, giới thiệu tỉ mỉ từng món ăn Việt Nam, quan tâm xem ông có ngon miệng không. Đại sứ Nguyệt Nga còn khiến một người nước ngoài như ông cảm thấy mình là một phần trong nhóm, là người trong cuộc chứ không phải người ngoài. “Đó là một nét rất riêng của Đại sứ Nguyệt Nga, người luôn biết cách kết nối con người, luôn biết làm cho người khác cảm thấy được trân trọng”, ông ngậm ngùi nhớ lại và mong rằng, “ở nơi yên nghỉ, chị sẽ thanh thản khi biết rằng di sản của mình vẫn tiếp tục lan tỏa, không chỉ ở Việt Nam mà còn vượt xa hơn thế”.
Đại sứ Nguyệt Nga luôn say sưa, tâm huyết với công tác nữ, cả hợp tác quốc tế về bình đẳng giới, đoàn kết nữ ASEAN, đến gắn kết chị em nữ của ngành Ngoại giao. Chị thành lập Nhóm Phụ nữ Cộng đồng ASEAN tại Hà Nội (ACWH) và là Chủ tịch danh dự đầu tiên của Nhóm, với biết bao sáng kiến, dấu ấn của “lần đầu tiên”.
Người chị, người Thầy ấy đã đi xa nhưng trái tim yêu thương, nhân hậu, nhiệt huyết ấy còn đập mãi trong tâm trí của nhiều thế hệ ngoại giao, không quên những giá trị mà chị gửi lại để viết tiếp những trang sử ngoại giao đầy bản lĩnh, nhân văn và trí tuệ Việt Nam.
Nụ cười đó... còn mãi!
Với báo chí, Đại sứ Nguyệt Nga là gương mặt đặc biệt. Nhiều phóng viên đối ngoại luôn dành cho chị sự kính trọng và ngưỡng mộ.
Tại nhiều sự kiện lớn, dù lịch trình dày đặc, chị Nguyệt Nga chưa từng quên đồng hành cùng báo chí. Chị luôn tranh thủ thời gian trước hoặc sau chương trình để trả lời phỏng vấn, giải đáp tận tình mọi câu hỏi, không quên dặn dò: “Nếu các em còn gì chưa rõ thì cứ liên hệ trực tiếp với chị nhé!”.
Phóng viên ảnh Nguyễn Hồng (Báo Thế giới và Việt Nam) từng có nhiều dịp làm việc cùng chị qua các cuốn sách ảnh. Từ những lần đó, Hồng chia sẻ sự biết ơn khi học được từ Đại sứ Nguyệt Nga cả kỹ năng lưu trữ tư liệu, kiến thức về hội nhập quốc tế, các cuộc đàm phán, câu chuyện phía sau những dấu mốc đối ngoại quan trọng và đặc biệt là tinh thần làm việc sáng tạo, đầy tâm huyết.
Nhà báo Dương Ngọc (Báo Người Lao động) chia sẻ, năm 2015, khi mới bước vào lĩnh vực báo chí đối ngoại, anh đã có cơ hội phỏng vấn riêng chị Nguyệt Nga. Chị cởi mở chia sẻ công việc và cuộc sống, luôn giữ nụ cười rạng rỡ. “Ấn tượng về chị trong tôi từ đó đến nay vẫn nguyên vẹn”, anh nói.
Không ít lần, chúng tôi hỏi chị bí quyết giữ nụ cười tươi, chị “bật mí” nhẹ nhàng: Cần phát huy sự nữ tính, biết coi trọng, làm đẹp cho bản thân. Theo chị, làm đẹp giúp chị em cân bằng trạng thái những khi công việc căng thẳng.
Nụ cười đó… sẽ còn mãi trong tâm khảm chúng ta, những người yêu quý, kính trọng, ngưỡng mộ và cảm phục chị. Chị đã sống một cuộc đời thật rực rỡ, trọn vẹn, tận hiến với ước mơ và lý tưởng đời mình!
Đâu đó có câu nói rằng: “Ai sống trọn với ước mơ, người đó thật sự hạnh phúc”, tin rằng, đó là một hành trình hạnh phúc chị đã đi qua!