Đại sứ Phạm Quang Hiệu: Kỳ vọng về dấu ấn Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng
Trả lời phỏng vấn Báo Thế giới & Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu đề cao ý nghĩa và chia sẻ kỳ vọng về việc Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tại Hiroshima, Nhật Bản.
Xin Đại sứ đánh giá ý nghĩa sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tại Hiroshima, Nhật Bản?
Nhận lời mời của Chính phủ Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Hiroshima và làm việc tại Nhật Bản từ ngày 19-21/5.
Trong khuôn khổ tham dự Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tiến hành hội đàm song phương với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước.
Có thể nói, Hội nghị thượng đỉnh G7 và Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng là hoạt động đối ngoại quan trọng của Nhật Bản trong năm nay. Nhật Bản đang tích cực chuẩn bị để đảm bảo thành công của Hội nghị, thể hiện vai trò có trách nhiệm của Nhật Bản đối với các vấn đề của khu vực và thế giới.
Đây là lần thứ ba Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng và là lần thứ hai Việt Nam được mời với tư cách là quốc gia, không đại diện cho một tổ chức hay một nhóm nước trong khu vực. Đây cũng là lần thứ hai Nhật Bản mời Thủ tướng Chính phủ ta dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng.
Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế nói chung, của Nhật Bản và các thành viên G7 nói riêng với vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Việt Nam tiếp nối nỗ lực chủ động, tích cực đóng góp vào các vấn đề chung của quốc tế như phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh năng lượng...
Với quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, sự kiện là minh chứng rõ ràng cho quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước đang phát triển rất tốt đẹp; thể hiện sự kỳ vọng của Chủ tịch luân phiên của G7 với vai trò, tiếng nói đa phương tích cực, rộng mở của Việt Nam.
Trong thư mời gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Kishida cũng khẳng định Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong triển khai tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, đồng thời bày tỏ tin tưởng sự tham dự của Thủ tướng ta tại Hội nghị G7 mở rộng năm nay, là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Nhật Bản lên tầm cao mới.
Chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng lần này sẽ tập trung vào những nội dung gì? Dự kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham gia đóng góp như thế nào vào chương trình nghị sự đó? Kỳ vọng của Đại sứ vào sự tham gia của Việt Nam tại Hội nghị?
Trước bối cảnh cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt với khủng hoảng nối tiếp khủng hoảng và kinh tế thế giới phục hồi chậm, trên cương vị chủ nhà G7, một trong những mục tiêu trọng tâm của G7 mà Nhật Bản ưu tiên là đẩy mạnh sự tham dự và đóng góp của các nước đang phát triển cũng như tăng cường quan hệ đối tác của G7 với các nước đang phát triển trong việc ứng phó với các thách thức toàn cầu như phát triển bền vững, an ninh năng lượng và lượng thực, biến đổi khí hậu, y tế, môi trường và bình đẳng giới, vì một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng; phục hồi kinh tế và an ninh kinh tế, không phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân…
Trong khuôn khổ Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ chia sẻ cách tiếp cận và những bài học kinh nghiệm của Việt Nam, với tư cách là một nước đang phát triển tại khu vực, về phát triển bền vững cũng như cách thức đối phó với các thách thức, đảm bảo an ninh lương thực và an ninh môi trường cho thế giới.
Vừa qua, Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp tổng thể, toàn diện trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, tuần hoàn; đã thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban nhằm triển khai cam kết nhằm thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 đến 2050, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và được các thành viên G7 thống nhất đưa Việt Nam vào danh sách các nước G7 ưu tiên hợp tác năng lượng.
Do đó, Hội nghị sẽ là cơ hội để ta tiếp cận với nguồn đầu tư này, đồng thời tăng cường hợp tác với các nước G7 để chuyển đổi mô hình kinh tế và phục hồi kinh tế hậu Covid-19.
Với thông điệp rõ ràng về định hướng phát triển, các lĩnh vực ưu tiên phù hợp với quan tâm chung, tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ ghi dấu ấn sâu đậm tại Hội nghị, thể hiện hình ảnh một người bạn, đối tác tin cậy và thành viên trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, nỗ lực đóng góp vì thành công chung của Hội nghị cũng như phối hợp triển khai kết quả Hội nghị, hướng đến một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
Năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN- Nhật Bản và 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản. Việt Nam đã và sẽ tích cực đóng góp, vun đắp cho quan hệ song phương và quan hệ khu vực của ASEAN với Nhật Bản ra sao?
Năm 2023 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản, đồng thời kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản.
Với Nhật Bản, có thể khẳng định rằng quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ và toàn diện. Nhật Bản đã trở thành đối tác chiến lược sâu rộng, tin cậy, quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Trong 50 năm qua, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực, cả chính trị, kinh tế, văn hóa, thể thao, từ cấp lãnh đạo quốc gia tới cấp cơ sở.
Với những tiền đề tốt đẹp như vậy, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản được cho là có “tiềm năng vô hạn”. Hàng loạt hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm nay sẽ là dịp để nhìn lại quan hệ hai nước, kiến tạo nền tảng cho mối quan hệ ấy phát triển vượt bậc hơn nữa hướng tới tương lai, vươn tầm khu vực và thế giới với tư cách là những đối tác có vị thế ngang bằng cùng mang lại lợi ích cho nhau. Là Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, tôi vinh dự và có trách nhiệm đóng góp cho sự phát triển đó.
Với ASEAN, Nhật Bản là đối tác đầu tiên và luôn là đối tác tin cậy, quan trọng hàng đầu, đóng góp tích cực và hiệu quả cho đối thoại và hợp tác vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại khu vực.
Là thành viên chủ động, tích cực của ASEAN, Việt Nam luôn phối hợp chặt chẽ cùng các nước ASEAN và Nhật Bản đóng góp vào sự phát triển vững mạnh của mối quan hệ hai bên.
Trong giai đoạn 2018-2021, Việt Nam vinh dự đảm nhận và đã hoàn thành tốt vai trò điều phối quan hệ ASEAN-Nhật Bản, góp phần tăng cường và làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện hai bên, với nhiều thành quả quan trọng, mặc dù bối cảnh khu vực và thế giới còn nhiều khó khăn, phức tạp.
Việt Nam ủng hộ và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN và Nhật Bản nhằm bảo đảm tổ chức thành công Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản tháng 12/2023 sắp tới tại Tokyo. Tôi tin rằng sự kiện này sẽ tạo dấu mốc lịch sử, góp phần thúc đẩy và nâng tầm mối quan hệ lâu đời, bền chặt và hiệu quả giữa ASEAN và Nhật Bản trong chặng đường phát triển tiếp theo.