Đại sứ Phạm Quang Vinh: Ngoại giao - nơi ấy tôi trưởng thành

Với tôi, ngành Ngoại giao rất đặc biệt, gắn với các thời kỳ, của đất nước dân tộc và cục diện thế giới, khu vực...

Cái duyên may của tôi với ngành Ngoại giao đến từ... 45 năm trước. Miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất. Năm 1975 là năm thế hệ chúng tôi tốt nghiệp phổ thông và thi vào đại học. Một chiều, có người của Bộ và trường Đại học Ngoại giao đến nhà, cùng với một câu hỏi: Gia đình có đồng ý cho cháu vào học Đại học Ngoại giao? Bộ và trường sẽ làm mọi thủ tục và chuyển hồ sơ. Khi đó, tôi đã đăng ký và thi vào Đại học Bách khoa (khoa Điện). Bố mẹ gật đầu (lúc đó mình 17 tuổi, biết gì).

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh.

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh.

Cái duyên may cá nhân… và sự nghiệp một đời

Tiếp đó là cả một hướng đi mới: 5 năm Đại học Ngoại giao và hơn 38 năm trong Ngành. Vị chi là 43 năm có lẻ. Vào thời điểm đất nước độc lập thống nhất, ngành Ngoại giao cũng bước vào thời kỳ mới, nhiều cơ hội nhưng cũng còn vô vàn thách thức. Và, dịp đó, thế hệ chúng tôi nhiều người vào Ngành, gắn bó với Ngành cũng chính bằng cái duyên may như vậy.

Nhớ lại, cách đây hai năm, cuối 2018, khi nhận quyết định nghỉ hưu, thật xúc động, chỉ phát biểu vài ý ngắn, nhưng cũng có thể xem là nói hết lòng mình: Mỗi một người đều có những kỷ niệm riêng, riêng với tôi, đó là 43 năm trong số 60 năm tuổi của mình. Lại là tuổi trưởng thành và lập nghiệp. Thế thì lớn lắm - một đời người và một sự nghiệp.

Những tấm gương sáng của tinh thần dân tộc và bản lĩnh đối ngoại

75 năm Ngành là 75 năm ngoại giao đóng góp vào các dấu mốc của đất nước dân tộc: độc lập và thống nhất, phá vây, gỡ bỏ bao cấp và đổi mới, phát triển, hội nhập và vị thế. Có nhiều cái tên, hội nghị quốc tế lớn gắn với vận mệnh đất nước, như các hội nghị Fontainebleau, Geneva, Paris hay Cuộc gặp không chính thức tại Jakarta (JIM1, JIM2), rồi các sự kiện quốc tế lớn đậm dấu ấn Việt Nam trong các khuôn khổ ASEAN, APEC, Hội đồng Bảo an, hay Thượng đỉnh Mỹ-Triều, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU (EVFTA)…

Ngày nay, chúng ta đã và đang được hưởng những cơ đồ tươi sáng của một đất nước Việt Nam mới, phát triển, thịnh vượng, hội nhập và vị thế. Đối ngoại có những khó khăn mới, nhưng thuận thì nhiều lắm. Do vậy, với lớp chúng tôi, được nghe kể và thực sự cảm phục các thế hệ đi trước, vững vàng vượt qua sóng gió, thời còn “tứ bề thọ địch”, gian nan với bên ngoài, khó khăn ở trong nước, cuộc sống công tác của cán bộ ngoại giao, vì thế, càng khó khăn.

Đơn cử, khi đó đi công tác, đi nhiệm kỳ nước ngoài, đâu có gì, vài ba đồng công tác phí một ngày, hay dăm chục tiền sinh hoạt phí một tháng, đến những năm 1990, cũng mới chỉ trên dưới trăm đô la một tháng, ăn ở ghép chung chật hẹp… Phương tiện cũng chỉ là cây bút, máy gõ chữ, in rô-nê-ô, mỗi lần sai, mà phải sửa, thì khốn luôn.

Vậy mà… đã biết bao kỳ tích. Những câu chuyện đấu trí tại các hội nghị lớn như Geneva hay tại Paris để chấm dứt chiến tranh, giành lại độc lập cho đất nước. Hay những câu chuyện phá vây và mở cửa hội nhập, như cuối những năm 1980 đầu những năm 1990, giải quyết vấn đề Campuchia, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ, tham gia ASEAN... đều là những đột phá vô cùng quan trọng.

Biết bao bài học, kinh nghiệm về đấu trí đối ngoại, về vận mệnh dân tộc, bản lĩnh ứng phó, với thời cuộc và với các nước lớn.

Nói lớn, đó là nền Ngoại giao và các thế hệ ngoại giao Hồ Chí Minh. Còn gần gũi, thì đó là các cô bác anh chị. Vĩ đại và góp phần làm rạng danh Ngành, đất nước, dân tộc. Xuyên suốt chặng đường đó là những tên tuổi lớn như cố Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch; cố Thứ trưởng Lê Mai; cố Thứ trưởng Trần Quang Cơ; nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Cầm; nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan… nhiều nữa, luôn được kính trọng và gọi là những cây đại thụ của Ngành.

Đó là những tấm gương sáng, về bản lĩnh, trí tuệ, tầm nhìn và sự tận tâm với Ngành, với đất nước. Lớp chúng tôi luôn lấy đó để học hỏi và rèn mình. Không một trường lớp, sách vở nào có thể mang lại. Thực sự, mỗi một cán bộ ngoại giao, đều đầy ắp trong mình, những kỷ niệm, câu chuyện, bài học và kinh nghiệm đối ngoại.

Đại sứ Phạm Quang Vinh phát biểu trong một buổi chia tay với bạn bè và chính giới Mỹ trước khi kết thúc nhiệm kỳ.

Đại sứ Phạm Quang Vinh phát biểu trong một buổi chia tay với bạn bè và chính giới Mỹ trước khi kết thúc nhiệm kỳ.

Cuộc cờ dân tộc… Ngoại giao tiên phong trong bối cảnh mới

Thế giới đang đổi thay sâu sắc. Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, phát triển và hội nhập mới. Đất nước ổn định và vững mạnh là cái căn bản. Gươm súng… dành để phòng vệ. Hòa bình cần dựa trên sức mạnh tổng thể. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần môi trường bên ngoài thuận lợi, cho hòa bình, xây dựng và phát triển đất nước. Đối ngoại, ngoại giao nhận trọng trách và cũng là vinh dự mới, đó là nâng tầm và tiên phong.

Theo đó, chúng ta vừa phải phát triển các mối quan hệ, vừa phải thúc đẩy hội nhập, đóng góp vào xây dựng các khuôn khổ, luật chơi có lợi cho đất nước và góp phần hóa giải các thách thức nảy sinh. Đương nhiên, Ngành sẽ có những báo cáo, đề xuất mới, về chủ trương, chiến lược, hướng đi, bao gồm cả về công tác cán bộ… đúng theo cái mà chúng ta vẫn nói, đó là ngang tầm nhiệm vụ mới.

Chúng ta hiện có đội ngũ cán bộ, nhiều thế hệ, rất có năng lực về nhiều mặt, được cập nhật các kỹ năng hiện đại, của thời đại số. Thế hệ trẻ năng động và có nhiều khát vọng. Đó là tài sản và thế mạnh của Ngành, khi đất nước bước sang giai đoạn phát triển và hội nhập mới, cao hơn.

Suy cho cùng, cũng sẽ quay quanh điều cốt yếu mà các thế hệ đi trước đã đúc rút - đó là xây dựng đội ngũ cán bộ có tâm và có tầm. Tâm là nhân cách, tầm là đối ngoại, hai cái gắn với nhau.

Cá nhân tôi, nếu được góp thêm, cũng chỉ xin nêu bài học đã học của các bác, anh chị, đó là: Bản lĩnh đối ngoại. Trong bối cảnh mới, cái này không phải lúc nào cũng dễ. Ví như, soi vào cạnh tranh Mỹ-Trung, đâu là cái lợi ích dân tộc, giờ nó khác trước nhiều lắm. Hay cái việc hội nhập, giờ cao hơn, nhiều chiều hơn, lại cả góp phần định hình, dẫn dắt… thì khi nào làm gì, làm thế nào cho đúng. Bản lĩnh bắt đầu ngay từ việc đổi mới tư duy, ngay từ việc dám vượt qua thông lệ, bên trong và bên ngoài, để đề xuất và tham mưu.

Tâm là nhân cách, tầm là đối ngoại, hai cái gắn với nhau. (Đại sứ Phạm Quang Vinh)

Kinh nghiệm cho thấy, trước những vấn đề mới, vấn đề nảy sinh hay cần một điều đột phá, cái đầu tiên đòi hỏi chính là tạo được sự đồng thuận nội bộ. Khi đó, sẽ đòi hỏi cả về cái tâm, cái tầm, trí tuệ, và cả về bản lĩnh. Đặc biệt, chúng ta có rất nhiều tấm gương sáng trong Ngành, để mà học hỏi và rèn mình.

75 năm Ngành, với tôi, đó cũng là 43 năm được phục vụ và gắn bó, vậy là cũng được chứng kiến và học hỏi quá nửa thời gian đó. Nay đúng dịp kỷ niệm Ngành, thực sự rất xúc động và nhiều cảm xúc. Khó lòng nói hết. Ngoại giao - Đó là Ngành và Người.

Với bốn thập kỷ, từ lúc học việc, đến lúc tập nghề, rồi gắn bó và một phần đóng góp của mình trong sự nghiệp chung của Ngành. Ngôi nhà ngoại giao chính là chiếc nôi cho mình trưởng thành và gắn bó với đối ngoại. Vào Ngành, vì vậy, luôn là... cái duyên may của cuộc đời. Tôi không đặt lại vấn đề, ví như mình vẫn theo học Bách khoa thì giờ sao nhỉ, mà chỉ tự suy ngẫm: Thật may đã được sống và làm trong Ngành.

75 năm ngoại giao - Niềm vinh dự và tự hào cho cán bộ các thế hệ của Ngành - một ngành luôn trăn trở và gắn với cuộc cờ lợi ích dân tộc!

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dai-su-pham-quang-vinh-ngoai-giao-noi-ay-toi-truong-thanh-125201.html