Đại sứ Phạm Sanh Châu: Việt Nam là đối tác quan trọng của Ấn Độ trong ASEAN

Nhân chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh từ ngày 11-13/2, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu đã trả lời phỏng vấn riêng cho TG&VN.

Đại sứ Phạm Sanh Châu cùng cán bộ Đại sứ quán tiền trạm một số địa điểm đón tiếp đoàn Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, ngày 8/2 tại thủ đô New Delhi. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Ấn Độ)

Xin Đại sứ cho biết mục đích, ý nghĩa và những nội dung chính của chuyến thăm lần này của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh?

Nhận lời mời của Phó Tổng thống Ấn Độ Venkaiah Naidu trong chuyến thăm chính thức tới Việt Nam tháng 5/2019, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thăm chính thức tới Ấn Độ từ ngày 11-13/2/2020.

Chuyến thăm nhằm thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, duy trì đà trao đổi đoàn cấp cao, trao đổi thông tin về tình hình kinh tế, xã hội và thảo luận các biện pháp cụ thể để thúc đẩy quan hệ song phương.

Chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh sẽ tham dự buổi lễ khai trương chính thức đường bay thẳng đã đi vào hoạt động giữa Delhi với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Sau 2 tháng hoạt động với số lượng khách trên 80%, Vietjet đã nâng tần suất chuyến bay từ 1 chuyến / ngày thành 2 chuyến / ngày. Cũng nhân dịp này, hãng Vietjet sẽ công bố mở đường bay mới giữa Đà Nẵng với Delhi và Mumbai vào tháng 3/2020.

Ngoài ra, trong khuôn khổ chuyến thăm, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cũng sẽ tham dự buổi lễ khai trương Văn phòng đại diện của VOV tại Ấn Độ. Đây là cơ quan thường trú thứ 13 của VOV tại nước ngoài. Việc mở cơ quan thường trú của VOV tại Ấn Độ đóng một vai trò quan trọng khi Ấn Độ và Việt Nam đã trở thành Đối tác chiến lược toàn diện và nhu cầu tìm hiểu về văn hóa , lịch sử, xã hội… giữa nhân dân hai nước đang ngày càng gia tăng.

Tại hội đàm với Phó Tổng thống Ấn Độ V. Naidu, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh sẽ nêu một số vấn đề mà Việt Nam quan tâm trong các lĩnh vực như an ninh quốc phòng, thương mại, kinh tế, đầu tư, giáo dục và giao lưu nhân dân. Đặc biệt, Phó Chủ tịch nước sẽ đề nghị phía Ấn Độ sớm hỗ trợ để giải tỏa 300 container hương tồn kho do Ấn Độ áp đặt lệnh cấm nhập khẩu hương.

Qua chuyến thăm, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cũng chuyển lời mời Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thăm chính thức Việt Nam và dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN và các nước có liên quan.

Thưa Đại sứ, Việt Nam và Ấn Độ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1972. Kể từ đó đến nay, mối quan hệ giữa hai nước đã không ngừng phát triển trên mọi lĩnh vực. Đại sứ đánh giá thế nào về sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, đặc biệt kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ từ Đối tác chiến lược lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9/2016?

Quan hệ Việt Nam và Ấn Độ tiếp tục phát triển thuận lợi trên tất cả các lĩnh vực, tin cậy chính trị gia tăng, trao đổi đoàn ở cấp cao và các cấp từ trung ương tới địa phương được duy trì. Giữa hai nước có nhiều điểm tương đồng trên các lĩnh vực chiến lược cả song phương và đa phương.

Trong nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống Narendra Modi, Việt Nam tiếp tục là một trụ cột quan trọng trong chính sách Hành động hướng Đông và là đối tác quan trọng của Ấn Độ trong ASEAN, là một trong những ưu tiên cao nhất trong nỗ lực tăng cường quan hệ của Ấn Độ với châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt khi uy tín của ta ngày càng tăng trên cương vị Chủ nhà của ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đón tiếp Phó Tổng thống Ấn Độ Venkaiah Naidu thăm Việt Nam, tháng 5/2019. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

n Độ và Việt Nam đã đi một chặng đường dài trong mối quan hệ ngoại giao. Trong một thập kỷ tới đây, phía Việt Nam hình dung mối quan hệ này sẽ phát triển tiếp như thế nào?

Trong thập kỷ tới đây, cá nhân tôi hình dung quan hệ Việt Nam và Ấn Độ sẽ phát triển rất mạnh vì hai nước có mối quan hệ hợp tác truyền thống, độ tin cậy chính trị cao và đã gia tăng kết nối nhờ đường bay thẳng. Việt Nam và Ấn Độ đều đang tiến hành các biện pháp đổi mới về kinh tế và tăng cường hội nhập quốc tế. Tiềm năng hợp tác song phương lớn và quan hệ giữa hai nước sẽ phát triển ngày càng tươi sáng.

Trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (COVID-19), tất cả các thị trường cung cấp khách du lịch tới Việt Nam, đặc biệt từ Trung Quốc, đã giảm sút nghiêm trọng. Tuy vậy, lượng khách du lịch Việt Nam từ Ấn Độ vẫn tiếp tục gia tăng. Trong tương lai, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến để giới thượng lưu Ấn Độ tổ chức đám cưới, nghỉ dưỡng và mua sắm. Ấn Độ là một đất nước với hơn 5.000 năm lịch sử, có bề dày về lịch sử, văn hóa và kiến trúc cũng sẽ thu hút khách du lịch Việt Nam.

Trong năm 2020, hai bên sẽ mở cửa thị trường hơn nữa cho các mặt hàng nông phẩm như trái cây, thủy sản và thịt. Hai bên cũng tăng cường đầu tư song phương đặc biệt khi hai nước đã tích cực cải thiện môi trường đầu tư.

Hợp tác kinh tế - thương mại là một trong những trụ cột của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ. Hai nước hướng tới sớm nâng kim ngạch thương mại song phương lên 15 tỷ USD vào năm 2020. Theo Đại sứ, để đạt được mục tiêu trên, hai nước cần triển khai những chương trình, hành động cụ thể nào?

Về hợp tác kinh tế, hai nước đang duy trì đà tăng trưởng tốt với kim ngạch thương mại song phương năm 2019 đạt 11,2 tỷ USD, tăng 4,7% so với mức 10,69 tỷ USD năm 2018. Để đạt được mục tiêu kim ngạch song phương đạt 15 tỷ USD, hai nước cần tiếp tục kết nối, xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch, tháo gỡ các khó khăn và giúp khai thông các vấn đề đã bị đình trệ lâu năm.

Để đạt được mục tiêu đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã tổ chức hiệu quả hàng loạt các hoạt động xúc tiến, hỗ trợ kết nối doanh nghiệp hai nước trên các lĩnh vực như nông thủy sản, dệt may, cao su, máy móc thiết bị, thủ công mỹ nghệ…

Ngoài ra, sứ quán cũng tổ chức các chương trình giới thiệu, tuyên truyền về môi trường kinh doanh và đầu tư của Việt Nam thông qua các buổi nói chuyện của Đại sứ tại các Phòng Thương mại – Công nghiệp, các hội nghị thương mại, xúc tiến kinh doanh do Ấn Độ tổ chức tại các bang/thành phố khác nhau.

Vừa qua, Hãng hàng không Ấn Độ IndiGo đã mở đường bay thẳng từ Kolkata tới Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Đại sứ đánh giá như thế nào về cơ hội hợp tác đầu tư, du lịch Việt Nam - Ấn Độ trong thời gian tới?

Tôi đánh giá đây là bước ngoặt mang tính đột phá trong quan hệ hai nước. Sau khi mở các đường bay thẳng, lượng khách du lịch giữa hai bên đã tăng 50%. Không chỉ du lịch, các lĩnh vực khác như thương mại, đầu tư, giáo dục và giao lưu nhân dân cũng phát triển.

Việc mở đường bay thẳng sẽ giúp kim ngạch song phương sớm đạt được 15 tỷ USD như cam kết của hai nước, đầu tư sớm vượt 1 tỷ USD và thúc đẩy giao lưu nhân dân.

Tựu chung lại, sau quá trình vận động mạnh mẽ của Đại sứ quán, việc mở đường bay thẳng đóng vai trò then chốt trong phát triển quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong tương lai.

Xin cảm ơn Đại sứ!

Diễn Tú

(thực hiện)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dai-su-pham-sanh-chau-viet-nam-la-doi-tac-quan-trong-cua-an-do-trong-asean-109366.html