Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp thông tin về tình hình dịch Covid-19

Liên tiếp trong các ngày từ 5-8/3, số lượng các ca nhiễm Covid-19 tại Pháp tiếp tục tăng mạnh. Ngày 5/3 tăng lên 423 ca nhiễm, ngày 6/3 tăng lên 613 ca, ngày 7/3 tăng lên 949 ca và ngày 8/3 tăng lên 1.126 ca, trong đó có 19 ca tử vong.

Con virus corona đang được phân tích tại Bệnh Viện Henri-Mondor ở à Créteil (ngoại ô Paris) ngày 6/3. (Ảnh: Thomas SAMSON/AFP)

13/13 vùng lãnh thổ Pháp có ca lây nhiễm

Đáng lưu ý 2 hạ nghị sĩ và 1 nhân viên phục vụ tại nhà hàng của Hạ viện Pháp đã bị nhiễm bệnh. Chủ tịch Hạ viện Pháp ra thông cáo cho biết, ngoài 3 ca này, hiện có 4 trường hợp bị nghi nhiễm.

Toàn bộ 13/13 vùng lãnh thổ Pháp chính quốc đã có ca lây nhiễm, 3 vùng lãnh thổ hải ngoại gồm Guadeloupe, Guyane và Martinique cũng có người lây nhiễm. Có 7 ổ dịch chính được xác định bao gồm: tỉnh Oise (bắc Paris); hai địa điểm thuộc tỉnh Haute-Savoie; nhóm người liên quan đến hội nghị truyền giáo diễn ra tại Mulhouse (Haut-Rhin); tỉnh Morbihan với 20 ca; nhóm người trở về từ Ai Cập; Ajaccio (thủ phủ đảo Corse). Có 6 vùng lãnh thổ hiện bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bao gồm: Grand- Est; Hauts-de-France, Ile-de-France; Franche-Comté và Auvergne-Rhône- Alpes.

Pháp vẫn duy trì giai đoạn 2/3 của phương án phòng chống dịch với các biện pháp tăng cường và cho biết chỉ chuyển sang giai đoạn 3 khi virus phát tán trên toàn bộ lãnh thổ mà không thể xác định rõ nguồn gốc với khoảng 3.000 người nhiễm bệnh.

Giới chức Pháp đặc biệt lo ngại đối với hai ổ dịch tại Haut-Rhin và Val-d’Oise. Tại Haut-Rhin, Bộ Y tế cho biết ổ dịch này có liên quan đến một hội nghị truyền giáo (tại thành phố Mulhouse gần biên giới với Đức và Thụy Sỹ) với hơn 2.500 người tham dự (trong đó có khoảng 400 trẻ em và hơn 2.000 người lớn). Nhân viên tàu điện ngầm tại Paris, hạ nghị sĩ Jean-Luc Reitzer và 5 trường hợp tại Guyane đều có liên quan đến ổ dịch này. Tại Paris, một nhân viên lái xe bus công cộng cũng được xác nhận nhiễm bệnh.

Các biện pháp ứng phó kịp thời

Chiều 6/3, Thủ tướng Pháp E. Philippe đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp với các Bộ trưởng Y tế, Sinh thái, Lao động, Nội vụ, Giáo dục để bàn biện pháp đối phó trước diễn biến nhanh chóng của bệnh dịch. Sau cuộc họp, Thủ tướng E. Philippe đã tham gia họp báo và tuyên bố đóng cửa trường học các cấp từ nhà trẻ trong vòng 15 ngày tại 2 tỉnh Oise và Haut-Rhin.

Tỉnh trưởng đảo Corse cũng thông báo đóng toàn bộ trường học tại thủ phủ đảo Corse. Bộ trưởng Giáo dục cho biết sẽ có hơn 150 trường học bị đóng cửa ảnh hưởng tới khoảng 45.000 học sinh, 3.000 giáo viên. Bộ Giáo dục Pháp đã yêu cầu các trường học áp dụng phương án giảng dạy trực tuyến nhằm đảm bảo chương trình trong điều kiện có thể.

Bộ Y tế Pháp thông báo các biện pháp khẩn cấp bổ sung gồm: tuyên bố khởi động “kế hoạch trắng” trên toàn hệ thống các bệnh viện theo đó các bệnh viện sẽ thành lập cơ chế khủng hoảng có quyền huy động các nguồn nhân vật lực sẵn có, giải phóng tối đa giường bệnh sẵn sàng cho tình huống dịch tễ khẩn cấp; thông qua sắc lệnh cho phép các nhà thuốc tự chế dung dịch sát khuẩn cung cấp ra thị trường nhằm giảm áp lực cung ứng của các nhà sản xuất; cho phép lấy mẫu xét nghiệm bên ngoài bệnh viện, cơ sở y tế để đưa tới cơ sở xét nghiệm theo quy trình dịch tễ giảm áp lực tiếp nhận cho các bệnh viện (trước đây phải qua bệnh viện).

Các y tá đeo khẩu trang FFP2 tại bệnh viện Nhi Lenval, thành phố Nice, miền nam nước Pháp. (Nguồn: Reuters)

Viện Pasteur Pháp đang triển khai thử nghiệm vaccine chống Covid-19 trên chuột. Theo chuyên gia của viện này, do hai virus này cùng họ nên viện đã kết hợp bộ gen của Covid-19 với vaccine chống sởi sẵn có nhằm tạo ra vaccine phát sinh mới. Hướng đi này sẽ giúp hầu hết các quốc gia có thể tự sản xuất vaccine do đã có năng lực chế tạo vắc xin phòng sởi. Theo tính toán của Viện này, nếu Covid-19 trở thành cúm mùa với tỷ lệ tử vong như hiện nay thì mỗi năm sẽ có khoảng 100.000 người Pháp tử vong.

Sáng ngày 6/3, Tổng thống E. Macron khi thăm nhà dưỡng lão tại quận 13 Paris tuyên bố, trong những ngày tới sẽ chuyển sang giai đoạn mới trong chống dịch Covid hàm ý việc chuyển sang giai đoạn 3 trong kịch bản chống dịch 3 giai đoạn. Theo phân tích của các chuyên gia dịch tễ Pháp và phát biểu của Tổng Cục trưởng Y tế, Pháp thực tế đang dần chuyển sang giai đoạn 3 và đây là kịch bản tất yếu có thể dự đoán trước trong vài ngày hoặc tuần tới.

Đánh giá về ảnh hưởng kinh tế, Bộ Lao động cho biết đã có hơn 900 doanh nghiệp vừa và nhỏ nộp đơn đề nghị hỗ trợ cơ chế “thất nghiệp từng phần” trong khuôn khổ tình trạng “bất khả kháng” do chính phủ tuyên bố trước đó. Theo bộ này, có khoảng 15.000 người lao động trong lĩnh vực du lịch, nhà hàng - khách sạn bị ảnh hưởng và chính phủ sẽ phải hỗ trợ bằng ngân sách khoảng 52 triệu Euro.

Chiều ngày 8/3, Tổng thống Macron triệu tập Hội đồng quốc phòng bất thường lần thứ 3 trong 8 ngày để đánh giá tình hình dịch bệnh và quyết định các phương án đối phó. Trước đó, các quan chức chủ chốt bao gồm Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng, Ngoại giao, Y tế, Kinh tế được yêu cầu không đi công tác xa Paris để có thể kịp thời nhóm họp khẩn cấp để đối phó bệnh dịch.

Sau cuộc họp kéo dài hơn 1 tiếng rưỡi so với dự kiến, Bộ trưởng Y tế đã họp báo công bố: Pháp sẽ duy trì giai đoạn 2 trong kế hoạch nhằm làm chậm việc lây nhiễm trên lãnh thổ quốc gia; thực hiện chính sách cách ly, ứng phó cục bộ và tương ứng với tình hình tại mỗi địa phương; cấm các hoạt động có 1.000 người tham dự; kêu gọi người dân tiếp tục áp dụng các khuyến cáo của chính quyền đã được công bố; yêu cầu người dân tránh thăm người lớn tuổi, người đang mắc bệnh, đang điều trị tại bệnh viện; ban hành sắc lệnh mới nới lỏng các điều kiện khám bệnh từ xa; ban hành sắc lệnh tăng trần giờ làm việc ngoài giờ đối với nhân viên y tế.

QT.

(theo Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dai-su-quan-viet-nam-tai-phap-thong-tin-ve-tinh-hinh-dich-covid-19-111154.html