Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam: Kỳ vọng cao vào Việt Nam

Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam Tanee Sangrat hy vọng, với trách nhiệm 'kép' vừa là Chủ tịch ASEAN 2020, vừa là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam sẽ có thể trở thành cầu nối đưa Đông Nam Á tới gần hơn với các diễn đàn đa phương trên thế giới…

Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam Tanee Sangrat.

Quan hệ song phương không ngừng phát triển

Hai nước khởi động năm 2019 bằng cuộc gặp mặt giữa Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trong Kỳ họp lần thứ ba Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác Việt Nam-Thái Lan. Tại kỳ họp lần này, hai nước cùng đồng ý nâng cao bản chất của mối quan hệ song phương trong việc triển khai thành công Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược giai đoạn 2014-2018; nhất trí phối hợp chặt chẽ để sớm hoàn thành và ký kết Chương trình hành động giai đoạn tiếp theo.

Theo Đại sứ, Thái Lan hiện là bạn hàng số một của Việt Nam trong ASEAN và quan hệ thương mại giữa hai nước đang có những bước phát triển đều đặn. Việt Nam cũng là điểm đến đầu tư đầy hứa hẹn đối với Thái Lan. Tính đến nay, các doanh nghiệp của Thái Lan đã đầu tư khoảng 10 tỷ USD vào thị trường Việt Nam, nằm trong danh sách 10 các nhà đầu tư lớn nhất. Đó là chưa kể đến các thương vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp liên doanh Thái Lan - Việt Nam và nguồn đầu tư từ các công ty Thái Lan có trụ sở ở nước ngoài vào Việt Nam. Vậy nên, có thể nói con số thực tế có thể còn cao hơn thế.

Không những vậy, quan hệ giữa người dân hai nước mạnh mẽ không kém, nhất là trong lĩnh vực du lịch. Trong năm 2019, số lượng khách du lịch Việt Nam tới Thái Lan đã tăng đáng kể, với hơn 1.000.000 lượt. Ngược lại, số lượng khách Thái Lan tới Việt Nam tăng 50% so với năm 2018, với khoảng 500.000 lượt.

Thế nhưng, nét nổi bật nhất trong quan hệ song phương trong năm 2019 phải kể đến các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước. Hồi tháng Giêng, hai nước đồng tổ chức có cuộc họp của Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác song phương tại Thái Lan. Từ ngày 23-24/1, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan, Đại tướng Prawit Wongsuwan có chuyến thăm Việt Nam và có cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch.

Vào tháng Tám, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam dự Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN lần thứ 40 (AIPA 40) và thăm chính thức Thái Lan, theo lời mời của ông Chuan Leekpai, Chủ tịch Hạ viện Vương quốc Thái Lan, Chủ tịch Đại hội đồng AIPA 40. Trong chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có cuộc gặp gỡ và nói chuyện với cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan.

Một năm tuyệt vời của đất nước Nụ cười

Năm 2019, “đất nước Nụ cười” rất bận bịu trong việc chuẩn bị và tiến hành cuộc tổng tuyển cử nhằm bầu ra lưỡng viện và thủ tướng mới. Ngay sau khi bầu cử kết thúc, chính phủ mới đã bắt tay ngay vào công việc làm Chủ tịch ASEAN năm 2019 và Thái Lan có một năm thành công trên cương vị này.

Chia sẻ với TG&VN, Đại sứ Tanee Sangrat cho biết, thành tích có ý nghĩa nhất mà Thái Lan đạt được trong năm qua phải kể đến việc các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa ASEAN và năm đối tác thương mại đã kết thúc tốt đẹp vào cuối năm 2019, sau bảy năm đàm phán đầy khó khăn với hơn 28 vòng đàm phán. Để đạt được điều này, Thái Lan đã rất nỗ lực thúc đẩy các cuộc đàm phán diễn ra gần như mỗi tháng một lần trong suốt năm qua, cùng với sự hỗ trợ đắc lực đến từ các thành viên ASEAN, trong đó có Việt Nam. Đại sứ Sangrat hy vọng, trong năm 2020, dưới sự lãnh đạo của Việt Nam, ASEAN có thể kéo Ấn Độ trở lại bàn đàm phán và chính thức tham gia RCEP.

Chủ đề chính thức của năm Thái Lan làm Chủ tịch ASEAN 2019 là “Thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững”. Qua đó, với sự hỗ trợ của các nước thành viên, ASEAN đã có thể thông qua Kế hoạch Hành động ASEAN về chống lại mảnh vỡ biển. Ngoài ra, các nước ASEAN đã công bố một tài liệu quan trọng mang tên Quan điểm của ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thực hiện Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN 2025 và đồng thời ra mắt Trung tâm Đối thoại và Nghiên cứu Phát triển Bền vững ASEAN. Tất cả thành tựu này đều thuộc ba trụ cột của ASEAN.

Không những vậy, năm 2019 là lần đầu tiên, các thành viên ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí hoàn tất rà soát lần thứ nhất văn bản đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Trong năm 2020, Thái Lan hy vọng Việt Nam, với sự hỗ trợ của các thành viên ASEAN, có thể đạt được nhiều thành tựu nhất có thể, trong đó có thể là hoàn tất rà soát COC lần thứ hai.

Vai trò cầu nối tới diễn đàn đa phương

Việt Nam trong năm 2020 phải đảm nhận trách nhiệm “kép” khi vừa là Chủ tịch ASEAN và vừa là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tuy trách nhiệm cao, nhưng bù lại Việt Nam được kỳ vọng rất nhiều, nhất là việc trở thành cầu nối giữa khu vực Đông Nam Á và châu Á – Thái Bình Dương tới diễn đàn đa phương thế giới.

Theo đó, Việt Nam sẽ mang tới các diễn đàn đa phương thế giới và làm rõ những vấn đề chung của khu vực, nhất là về an ninh. Việt Nam còn có thể đẩy mạnh hợp tác giữa Liên hợp quốc và ASEAN khi mà chúng ta là một trong những khối khu vực đi đầu trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhờ đó, vai trò trung tâm của ASEAN sẽ ngày càng được đẩy mạnh.

Đại sứ Sangrat cho rằng, tất cả chúng ta đều trong quá trình học hỏi, từ học hỏi kinh nghiệm của các thành viên cho đến học hỏi cách làm lãnh đạo một tổ chức lớn như ASEAN. Năm 2019 vừa qua, Thái Lan cũng đã học hỏi rất nhiều từ các thành viên ASEAN để đẩy mạnh những nỗ lực hợp tác khu vực. Việt Nam đã luôn sát cánh và giúp đỡ Thái Lan trong năm Chủ tịch ASEAN 2019.

Theo Đại sứ Sangrat, Việt Nam năm nay đã chọn chủ đề rất hợp lý và hợp thời là “Gắn kết và Chủ động thích ứng”. Đại sứ cho rằng Việt Nam năm nay sẽ tập trung vào tính trung tâm và bản sắc của ASEAN. Bởi nhiều khi, những nỗ lực và thành tựu của ASEAN chưa được người dân các quốc gia trong khối biết đến nhiều.

Ngoài ra, Việt Nam sẽ cố gắng đẩy mạnh năng lực của ASEAN, nhất là cách các thành viên hợp tác với nhau để có thể đạt được kết quả xác đáng hơn trong tương lai, trong bối cảnh thế giới đang biến động không ngừng và ASEAN đang đối mặt với nhiều thách thức như các cuộc chiến thương mại và tình hình tại Biển Đông.

“Tất cả những vấn đề này đều cần phải được đưa ra thảo luận tại các cuộc họp của ASEAN trong năm Việt Nam làm Chủ tịch”, Đại sứ Sangrat nhấn mạnh.

Một Việt Nam khác lạ mà thân quen

Đại sứ Tanee Sangrat trình Thư ủy nhiệm tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vào tháng 8/2019, nhưng tính đến nay, ông đã chuyển sang và làm việc tại Việt Nam được khoảng một năm. Trước đó, ông từng nhiều lần đặt chân tới Việt Nam qua những chuyến công tác nên ông cũng không lạ lẫm gì với đất nước hình chữ S.

Thế nhưng, đây là lần đầu tiên Đại sứ Sangrat được trải nghiệm cuộc sống tại Việt Nam. Đại sứ không gặp mấy khó khăn trong việc thích nghi với Hà Nội, bởi cuộc sống ở đây và Bangkok cũng không khác nhau nhiều. Hà Nội có tắc đường thì Bangkok cũng có tắc đường, thậm chí ở Hà Nội, ông còn có thể lấy xe ô tô riêng chở vợ con đi chơi vòng quanh thành phố. Ngoài ra, thời tiết ở Hà Nội còn dễ chịu hơn nhiều so với cái nóng ở Bangkok.

Dù vậy, niềm mong muốn lớn nhất của ông là có thể có một chuyến du lịch xuyên Việt, đến thăm các dãy núi hùng vĩ ở miền Bắc, thăm những bãi biển thơ mộng ở miền Trung để có thể cảm nhận được hết cái đẹp của Việt Nam. Hơn hết, Đại sứ Sangrat muốn có cơ hội được thăm và nói chuyện cùng với người dân tộc Việt Nam, nhất là những người có gốc Thái Lan và có thể nói tiếng Thái.

Thái Lan cũng được nghỉ Tết Âm lịch giống như Việt Nam và ông dự định sẽ cùng vợ và các con về thăm ông bà ở Chiang Mai. “Nhân dịp Năm Mới, tôi kính chúc bạn đọc của TG&VN lời chúc năm mới an khang, thịnh vượng và tràn đầy sức khỏe”, Đại sứ Tanee Sangrat chia sẻ.

(ghi)

Duy Quang

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dai-su-thai-lan-tai-viet-nam-ky-vong-cao-vao-viet-nam-108145.html