Đại sứ Trần Thị Thu Thìn: Lan tỏa sức mạnh mềm vô giá của Việt Nam tại Mozambique
Chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Mozambique Trần Thị Thu Thìn cho biết, Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và Đại thắng mùa Xuân năm 1975 không chỉ có ý nghĩa lớn lao đối với nhân dân Việt Nam mà còn là sự kiện lịch sử vĩ đại, có ảnh hưởng mang tầm thế giới, đặc biệt là các nước châu Phi thuộc địa cũ, trong đó có Mozambique.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Tổng thư ký Đảng FRELIMO Chakil Aboobabcar có chuyến thăm làm việc tại Việt Nam và tham dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước từ ngày 26/4-1/5. (Nguồn: TTXVN)
Hướng về đất nước trong không khí hào hùng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đại sứ có thể chia sẻ cảm xúc khi nhìn lại chặng phát triển của đất nước kể từ thời khắc lịch sử 30/4/1975?
Với mỗi người dân Việt Nam, ngày 30/4 hàng năm là ngày đặc biệt thiêng liêng, ghi dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử hào hùng của dân tộc ta, ngày kết thúc chiến tranh, non sông liền một dải, Bắc-Nam sum họp, mở ra kỷ nguyên mới của của độc lập, tự do, thống nhất và phát triển trong hòa bình.
Trong thời khắc tràn đầy cảm xúc nhìn lại hành trình nửa thế kỷ đã qua, cùng cả nước cùng hướng về Đại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), là một người con đất Việt, và hơn thế nữa, là người đang đại diện cho đất nước tại nước ngoài, trong tôi trào dâng niềm xúc động và tự hào sâu sắc: Xúc động trước những hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh đã chiến đấu vì nền độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ và tự hào khi nhìn lại hành trình phát triển đầy bản lĩnh, trí tuệ và ý chí kiên cường của cả dân tộc.
Việt Nam của chúng ta năm 2025 đã khác biệt rất nhiều so với Việt Nam của năm 1975. Từ một đất nước nghèo nàn, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Việt Nam ngày nay đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, đạt được những thành tựu vĩ đại. Chúng ta đã hàn gắn vết thương chiến tranh, giữ vững ổn định chính trị, ghi dấu ấn với nền kinh tế phát triển ấn tượng, đời sống người dân được nâng cao. Về đối ngoại, chúng ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, giữ vai trò chủ động, tích cực trong các cơ chế đa phương và khu vực. Việt Nam ngày nay không chỉ là bạn, là đối tác tin cậy, mà còn là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Sinh thời, Bác Hồ kính yêu của chúng ta, khi bàn về mối tương quan chặt chẽ giữa thế và lực của đất nước với hiệu quả của công tác ngoại giao, đã nhấn mạnh “Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to, tiếng mới lớn”. Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước ta ngày càng được nâng cao đã tạo thuận lợi rất lớn đối với những cán bộ ngoại giao chúng tôi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được phân công.
Những thành tựu ấy có được là nhờ sự kế thừa, phát huy tinh thần Chiến thắng 30/4, tinh thần đoàn kết, độc lập tự chủ, khát vọng hòa bình và phát triển, góp phần củng cố niềm tin của toàn dân ta vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc.
Đây là thời khắc để mỗi người Việt Nam chúng ta nhận thức rõ hơn ý thức trách nhiệm và quyết tâm phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc, đưa đất nước giành được nhiều thành tựu vĩ đại hơn nữa, hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, vì hạnh phúc của nhân dân trong kỷ nguyên giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, đưa đất nước vươn mình, cất cánh, “sánh vai với các cường quốc năm châu” như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và khát vọng của toàn dân tộc.

Lễ kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) và 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Mozambique (25/6/1975-25/6/2025) tại thủ đô Maputo (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Mozambique)
Trên cương vị Đại sứ, bà cảm nhận như thế nào về sự quan tâm của bạn bè quốc tế, đặc biệt là Mozambique, đối với những dấu mốc lịch sử quan trọng của Việt Nam như Chiến thắng Điện Biên Phủ và Đại thắng mùa Xuân năm 1975?
Có thể nói, Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là hai dấu mốc chói lọi trong lịch sử đấu tranh giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam. Những chiến thắng ấy không chỉ có ý nghĩa lớn lao đối với nhân dân Việt Nam mà còn là sự kiện lịch sử vĩ đại mang tầm thế giới.
Bạn bè quốc tế, đặc biệt là các nước từng trải qua chiến tranh giành độc lập hoặc đang nỗ lực phát triển sau thời kỳ thuộc địa từ châu Á, châu Phi đến châu Mỹ Latinh, luôn dành sự kính trọng và ngưỡng mộ sâu sắc đối với tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường của dân tộc Việt Nam cũng như sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Việt Nam đã nêu tấm gương sáng ngời và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho người dân các nước trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, giành quyền độc lập và tự do, là biểu tượng của thắng lợi của chính nghĩa trước áp bức, xâm lược.
Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và Đại thắng mùa Xuân năm 1975 không chỉ là thắng lợi của một dân tộc nhỏ bé chống lại cường quốc thực dân, đế quốc, mà còn là thắng lợi của chân lý, của khát vọng độc lập, tự do, hòa bình, phát triển, mở ra một thời đại mới cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Sự hiện diện của đông đảo bạn bè quốc tế tại Lễ kỷ niệm tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 30/4 vừa qua là minh chứng rõ nét cho điều này.
Trong nhiều năm qua, các thế hệ lãnh đạo và nhân dân Mozambique luôn thể hiện sự ngưỡng mộ, khâm phục đối với tinh thần bất khuất và ý chí tự cường, vượt qua khó khăn để giành chiến thắng của dân tộc Việt Nam. Năm 1977, ngay khi mới giành độc lập, Tổng thống đầu tiên của Mozambique là Samora Moisés Machel đã quyết định đặt tên Hồ Chí Minh cho Đại lộ lớn ở thủ đô Maputo dài hơn 1 km, chạy qua Tòa thị chính và ngay gần quảng trường Độc lập.
Có thể nói cuộc đấu tranh chính nghĩa và những chiến thắng lịch sử của nhân dân Việt Nam để lại những bài học kinh nghiệm có giá trị sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn đối với sự nghiệp cách mạng, là nguồn cổ vũ, động viên to lớn cho nhân dân Mozambique đấu tranh giành độc lập dân tộc. Tình cảm đặc biệt này là nền tảng quý báu giúp củng cố mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, truyền thống và hợp tác giữa hai nước trong suốt thời gian qua.
Dù mới đến nhận nhiệm vụ tại Mozambique được hơn 2 tháng, nhưng qua các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi, tôi cảm nhận sâu sắc sự cảm phục của lãnh đạo, chính giới, người dân Mozambique đối với các chiến thắng vĩ đại mang tầm vóc lịch sử của Việt Nam, sự kính trọng và yêu mến đặc biệt đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trân trọng sự ủng hộ chí tình của Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập trước đây và sự nghiệp xây dựng, kiến thiết đất nước ngày nay cũng như ngưỡng mộ trước những thành tựu trong xây dựng và phát triển đất nước của Việt Nam sau chiến tranh.
Trong lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước do Đại sứ quán tổ chức ngày 24/4 vừa qua, đông đảo bạn bè Mozambique và quốc tế đã đến dự, theo dõi rất chăm chú và bày tỏ sự cảm phục, ngưỡng mộ đối với Việt Nam khi được xem đoạn phim tư liệu về Đại thắng mùa Xuân năm 1975 và những thành tựu lịch sử Việt Nam đạt được sau 50 năm thống nhất đất nước.

Quốc vụ khanh phụ trách đối ngoại và cộng đồng Mozambique ở nước ngoài Maria de Fatima Simao Manso dẫn đầu đoàn đại biểu Chính phủ Mozambique đến TP. Hồ Chí Minh dự Lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Mozambique)
Trong dịp Đại lễ vừa qua, Mozambique cũng cử hai đoàn đại biểu đến Thành phố Hồ Chí Minh chia vui cùng Việt Nam: Đoàn đại biểu Chính phủ Mozambique do Quốc vụ khanh phụ trách đối ngoại và cộng đồng Mozambique ở nước ngoài Maria de Fatima Simao Manso dẫn đầu và Đoàn Đại biểu cấp cao Đảng Mặt trận giải phóng Mozambique (FRELIMO) do Tổng thư ký Chakil Aboobacar dẫn đầu.
Quốc vụ khanh Maria De Fatima Simao Manso cho biết, cá nhân bà “từ lâu đã có tình cảm đặc biệt với đất nước, con người Việt Nam; tình cảm ấy được vun đắp từ sự hiểu biết về lịch sử đấu tranh của Việt Nam và trở nên lớn hơn nhờ vào chính công việc mà bà đã, đang và sẽ tiếp tục làm trong việc thúc đẩy hợp tác song phương Việt Nam - Mozambique”.
Tổng thư ký FRELIMO Chakil Aboobacar, trong tất cả các cuộc hội kiến, làm việc với các Lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam, luôn bày tỏ ngưỡng mộ trước niềm tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước mãnh liệt của người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ; mong muốn học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam trong việc khơi dậy, duy trì và phát huy niềm tự hào, tự tôn dân tộc, lòng yêu nước trong người dân, nhất là thế hệ thanh niên.
Trong thư chúc mừng gửi Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch nước Lương Cường nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Tổng thống Mozambique, đồng thời là Chủ tịch FRELIMO Daniel Chapo bày tỏ ngưỡng mộ hành trình của nhân dân Việt Nam bắt đầu từ Cách mạng tháng 8/1945 đến Chiến thắng năm 1975 thống nhất đất nước, nhấn mạnh quan hệ hợp tác giữa hai Đảng, hai nước được hình thành trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do.
Tổng thống Mozambique khẳng định Chiến thắng 30/4/1975 là “cột mốc có ý nghĩa to lớn đối với tất cả các dân tộc đang đấu tranh cho quyền tự quyết, chủ quyền và công lý xã hội, truyền cảm hứng cho các phong trào tiến bộ trên toàn thế giới” và những thành tựu của Việt Nam ngày nay là “ví dụ đáng ngưỡng mộ về khả năng phục hồi và chuyển đổi, trong khi giữ vững đường lối xã hội chủ nghĩa, đồng thời định vị Việt Nam là một quốc gia hiện đại, năng động, hội nhập khu vực và quốc tế”.

Giải bóng đá hữu nghị nhân kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Mozambique. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Mozambique)
Theo Đại sứ, Việt Nam có thể làm gì để quảng bá giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc đến gần hơn với người dân Mozambique nói riêng và châu Phi nói chung?
Việt Nam chúng ta có nền văn hóa đặc sắc, giàu bản sắc và truyền thống lịch sử. Tuy nhiên, thời gian qua, việc quảng bá giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc đến gần hơn với người dân Mozambique nói riêng và châu Phi nói chung còn khá khiêm tốn do nhiều yếu tố. Để đưa hình ảnh đất nước đến gần hơn với người dân khu vực này, chúng ta cần chủ động và sáng tạo hơn nữa trong công tác ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại và thúc đẩy giao lưu nhân dân.
Theo đó, cần triển khai thường xuyên các hoạt động thiết thực như giới thiệu ẩm thực, trình diễn nghệ thuật truyền thống, chiếu phim Việt Nam, triển lãm tranh ảnh, sách báo… về Việt Nam đồng thời tích cực tham gia các lễ hội văn hóa, sự kiện giao lưu văn hóa, lịch sử do sở tại tổ chức nhằm góp phần lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc, tăng cường thiện cảm và sự hiểu biết sâu sắc hơn của bạn bè sở tại về Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác với các kênh truyền hình, báo chí sở tại để cung cấp thông tin, hình ảnh, video về văn hóa, lịch sử, đất nước và con người Việt Nam. Một kênh truyền tải thông điệp văn hóa, lịch sử hiệu quả và bền vững nữa mà chúng ta cần quan tâm thúc đẩy là hợp tác giữa các tổ chức đoàn thể, hữu nghị, thanh niên, sinh viên, các đoàn nghệ thuật, địa phương hai nước để tăng cường giao lưu nhân dân và thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau.
Cuối cùng, tôi cho rằng lối sống, cách ứng xử, sự hội nhập tích cực và thành công, những đóng góp thiết thực tại nước sở tại của mỗi người Việt Nam ở nước ngoài, những “sứ giả văn hóa”, dù là cán bộ ngoại giao, trí thức, chuyên gia, doanh nhân, kiều bào… sẽ là cầu nối quan trọng góp phần lan tỏa hình ảnh một đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, hiếu khách, có bề dày lịch sử và nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Đây chính là sức mạnh mềm vô giá, giúp gắn kết nhân dân các nước với Việt Nam, từ đó làm sâu sắc thêm tình cảm hữu nghị và thúc đẩy hợp tác thực chất, hiệu quả trên mọi lĩnh vực.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Đại sứ Trần Thị Thu Thìn trả lời phỏng vấn báo chí Mozambique. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Mozambique)