Đại sứ, TS. Lê Thị Tuyết Mai: Sức mạnh từ kiến thức luật pháp, sự mềm mỏng, tinh thần kiên định
Nắm được tính chất pháp lý-chính trị, biết vận dụng các nguyên tắc luật quốc tế để triển khai và bảo vệ chủ trương của Đảng và Nhà nước ta nhằm mục tiêu tối cao là bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc là phương châm mà Đại sứ, TS. Lê Thị Tuyết Mai luôn coi trọng.
Nhà ngoại giao đam mê luật quốc tế
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai là nhà ngoại giao chuyên nghiệp với hơn 30 năm hoạt động trong ngành Ngoại giao, đồng thời là chuyên gia luật pháp quốc tế. Bà tốt nghiệp Tiến sỹ về luật kinh tế quốc tế tại Đại học quốc gia Yokohama, Nhật Bản và Cử nhân Đại học Ngoại giao Việt Nam (nay là Học viện Ngoại giao).
Với đam mê luật quốc tế từ khi bước vào Đại học năm 1983, trong suốt cuộc đời công chức của mình, bà Lê Thị Tuyết Mai gắn bó với luật quốc tế và ngoại giao; với công tác ở Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao, từng đảm nhiệm vị trí Vụ trưởng Vụ này. Bà là Ủy viên Ban chấp hành Hội Luật quốc tế Việt Nam (VSIL).
Là người có kiến thức rộng và kinh nghiệm thực tiễn về luật quốc tế, ngoại giao và công tác pháp chế, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai đã đóng góp tích cực cho công tác tư vấn các vấn đề pháp lý quốc tế trong quan hệ đối ngoại, công tác xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật trong nước, pháp chế ngành Ngoại giao, hoạch định chính sách, đàm phán, ký kết và thực hiện điều ước quốc tế song phương và đa phương, giải quyết khiếu nại và tranh chấp quốc tế liên quan đến Nhà nước, Chính phủ, tổ chức và cá nhân của Việt Nam.
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai từng là Trưởng đoàn đàm phán, đại diện Việt Nam tham dự nhiều Hội nghị quốc tế về các vấn đề pháp lý, tham gia đàm phán về nhiều điều ước quốc tế, đặc biệt là các hiệp định biên giới với các nước láng giềng của Việt Nam.
Bà cũng đã tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập, Hội đồng thẩm định nhiều dự án luật như Luật Quốc phòng, Luật An ninh mạng, Luật Điều ước quốc tế, Luật Thỏa thuận quốc tế, Luật Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Bà Lê Thị Tuyết Mai được Chủ tịch nước phong hàm Đại sứ bậc I năm 2019 (còn gọi là hàm Đại sứ suốt đời). Bà đã đảm nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Na Uy (2013-2016). Từ ngày 8/2/2020 đến nay, bà đảm nhiệm cương vị Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, Thụy Sỹ (gọi tắt là Phái đoàn Việt Nam tại Geneva).
Không chỉ là người tham mưu và trực tiếp tổ chức vận dụng luật quốc tế và tổ chức thực thi pháp luật trong nước trong lĩnh vực ngoại giao, bà đồng thời là nhà nghiên cứu, giảng dạy và phổ biến luật quốc tế, pháp luật trong nước.
Theo Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, ngoại giao luật pháp có thể hiểu là thảo luận, tư vấn, xây dựng chủ trương, cũng như tiến hành tham vấn, thương lượng, đàm phán ngoại giao song phương và đa phương về các vấn đề pháp lý trong đối ngoại song phương, đa phương giữa các quốc gia.
Luật pháp quốc tế vừa là công cụ vừa là kết quả của quan hệ ngoại giao, là cơ sở pháp lý quốc tế giúp triển khai vững chắc tiến trình hội nhập quốc tế, thúc đẩy hợp tác quốc tế khu vực và quốc tế, góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền và lợi ích quốc gia dân tộc, quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân của Việt Nam.
Qua đó, Việt Nam cùng các quốc gia thúc đẩy hợp tác quốc tế, đồng thời cũng bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, giảm thiểu các sức ép của kẻ mạnh, hạn chế căng thẳng, tranh chấp leo thang; thúc đẩy hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực và quốc tế.
Thông qua hoạt động đối ngoại tại các diễn đàn đa phương, thảo luận, đàm phán nhiều bên, kết hợp với thảo luận, đàm phán song phương, với tư cách đại diện Việt Nam, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai đã tham gia vận dụng luật pháp quốc tế, xây dựng chuẩn mực, quy tắc hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực và vận dụng các nguyên tắc, chuẩn mực, quy tắc cụ thể để cùng thúc đẩy hợp tác quốc tế giải quyết các thách thức chung, giải quyết các vấn đề vướng mắc, tranh chấp, quản lý xung đột tiềm tàng.
Ví dụ như thúc đẩy vận dụng Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ), Hiệp định WTO, các Công ước, Hiệp định về nhiều lĩnh vực chuyên môn; Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), đàm phán trong khuôn khổ LHQ về văn kiện pháp lý quốc tế về đa dạng sinh học ở vùng biển ngoài phạm vi quyền tài phán quốc gia (BBNJ).
Dấu ấn trong nhiều hoạt động
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai cho hay, các vấn đề luật pháp quốc tế trong ngành Ngoại giao nói riêng và chính sách, pháp luật trong nước nói chung mang tính chuyên môn sâu, có quan hệ tác động qua lại giữa luật pháp quốc tế và chính sách, pháp luật trong nước.
Ngôn ngữ pháp lý vừa chặt chẽ, chính xác nhưng cũng đòi hỏi người xử lý vấn đề không được cứng nhắc. Phải nắm được tính chất pháp lý-chính trị, biết vận dụng các nguyên tắc luật quốc tế để bảo đảm triển khai thực hiện và bảo vệ chủ trương của Đảng và Nhà nước ta nhằm mục tiêu tối cao là bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.
Các vấn đề luật quốc tế, trong đó có tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật trong nước có liên quan đến yếu tố nước ngoài; tư vấn giải quyết khiếu nại, tranh chấp quốc tế, việc đàm phán, xây dựng, ký kết và thực hiện các văn kiện pháp lý quốc tế đều phải đáp ứng được các yêu cầu khắt khe nhất về pháp lý-chính trị. Đây cũng là phương châm mà bà và các đồng nghiệp luôn coi trọng.
Từng trực tiếp tham gia đàm phán, xây dựng nhiều điều ước quốc tế quan trọng, cũng như đàm phán, vận động nhiều vấn đề quan trọng tại các diễn đàn đa phương, nữ Đại sứ, Trưởng Phái đoànViệt Nam tại Geneva nhấn mạnh, trong quá trình đàm phán, thương lượng, bên cạnh yêu cầu phải nắm vững tình hình, quan tâm, ưu tiên của đối tác, điều quan trọng tối thượng là các vấn đề chủ trương, mục tiêu vì lợi ích quốc gia, dân tộc luôn là nguyên tắc bất di bất dịch.
“Tuy nhiên, với tính cách phụ nữ, ở bên ngoài tôi luôn thể hiện sự bình tĩnh, mềm mại, uyển chuyển, trong khi bên trong thì luôn giữ khí chất kiên định, mạnh mẽ để vừa vận động, thuyết phục, đấu tranh và tìm khả năng hợp tác”, bà cho biết.
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai chia sẻ, với tư cách trưởng của nhiều đoàn đàm phán, tham dự các cuộc họp song phương hay hội nghị quốc tế toàn cầu, bà nhận thấy phụ nữ có một số lợi thế như tính mềm mại mà kiên trì, uyển chuyển mà kiên định, trong khi khó có thể là đối tượng để đối phương dọa nạt hay gây sức ép thô bạo. Ngoài ra, sự mềm mỏng mà kiên định nguyên tắc, nắm chắc vấn đề thì sẽ thuyết phục được đối tác.
Tại Geneva, địa bàn ngoại giao đa phương quan trọng với trụ sở thứ hai của LHQ và hơn 30 tổ chức quốc tế liên chính phủ trên các lĩnh vực, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai đang tích cực bảo vệ chính sách, pháp luật của Việt Nam, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương của ta, tăng cường hợp tác quốc tế, thúc đẩy lợi ích quốc gia, dân tộc, phát huy vai trò của Việt Nam, đồng thời thúc đẩy vận dụng luật pháp quốc tế, nhất là các công ước quốc tế về các quyền con người, các hiệp định về thương mại, đầu tư, thuế quan và tham gia phát triển luật pháp quốc tế như đàm phán quy tắc mới trong WTO, tìm hiểu quan điểm các bên về đàm phán văn kiện quốc tế mới của Tổ chức Y tế thế giới về sẵn sàng ứng phó với đại dịch trong tương lai.
Bà đã đóng góp tích cực vào nhiều dấu ấn ngoại giao đa phương, trước hết phải kể đến “ngoại giao vaccine”, tích cực vận động để Việt Nam tăng cường tiếp cận vaccine và hỗ trợ kỹ thuật chống Covid-19, tham gia chia sẻ kinh nghiệm chống Covid-19.
Cùng với đó, thúc đẩy hợp tác y tế, thúc đẩy để Việt Nam được tham gia tiếp nhận chuyển giao công nghệ vaccine mRNA ngừa Covid-19 với hiệu quả cao và có thể phát triển vaccine hiệu quả cao chống các bệnh dịch khác.
Bên cạnh đó, với sự tích cực tham dự trực tiếp của Đại sứ Tuyết Mai tại Đại hội Liên minh Bưu chính thế giới (UPU), diễn ra ở Bờ Biển Ngà (tháng 8/2021) và sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị liên quan của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Ngoại giao, Việt Nam đã lần đầu tiên được bầu làm thành viên của Hội đồng khai thác bưu chính (POC) nhiệm kỳ 2022-2025, và còn vượt kế hoạch, được bầu làm Đồng Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính bưu chính thuộc POC của UPU.
Tại Geneva, Đại sứ Tuyết Mai đã tích cực góp phần đẩy mạnh sự đóng góp của Việt Nam tại các tổ chức quốc tế, trong đó có việc Việt Nam ứng cử Hội đồng nhân quyền của LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 với tư cách ứng viên của ASEAN.
Đại sứ còn đảm nhận vai trò Chủ tịch Nhóm công tác của WTO về thương mại và chuyển giao công nghệ, Phó Chủ tịch Cuộc họp Nhóm chuyên gia pháp lý về bảo vệ người tiêu dùng, thuộc khuôn khổ Hội nghị của LHQ về Thương mại và Phát triển, Ủy viên Hội đồng Quỹ Trung tâm hành động bom mìn nhân đạo Geneva, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường đảm nhiệm thành công vai trò Đồng chủ trì Hội nghị cấp Bộ trưởng về chống rác thải nhựa đại dương, tổ chức tại Geneva vào tháng 9/2021, đóng góp vào xây dựng đồng thuận về đàm phán thỏa thuận toàn cầu về chấm dứt ô nhiễm nhựa của Chương trình Môi trường của LHQ (UNEP).
Với nỗ lực đóng góp trong công tác, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai đã vinh dự được nhận nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, mới đây nhất là Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vì thành tích ngoại giao vaccine (năm 2021); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vì đã có thành tích xuất sắc vận động thành công Việt Nam được bầu làm thành viên Hội đồng khai thác của Liên minh Bưu chính thế giới (năm 2022); Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (tháng 10/2020) vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác nữ của Bộ Ngoại giao và thúc đẩy hợp tác quốc tế về bình đẳng giới giai đoạn 2015-2020; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (năm 2022) vì có thành tích đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành tài nguyên và môi trường trong giai đoạn 2002-2022.