Đại sứ Việt Nam tại Anh: Chủ động vắc-xin, sẵn sàng ứng phó với nguy cơ đại dịch
Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh Nguyễn Hoàng Long chia sẻ kế hoạch về việc chủ động vắc-xin Covid-19 trong năm 2022, vận động đối tác chuyển giao công nghệ, hỗ trợ Việt Nam xây dựng năng lực tự sản xuất vắc-xin trong nước và nhiều dự định xa hơn thế...
(NLĐO)- Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh Nguyễn Hoàng Long chia sẻ kế hoạch về việc chủ động vắc-xin Covid-19 trong năm 2022, vận động đối tác chuyển giao công nghệ, hỗ trợ Việt Nam xây dựng năng lực tự sản xuất vắc-xin trong nước và nhiều dự định xa hơn thế...
Vương quốc Anh là nơi khởi nguồn của nhiều phát minh khoa học kỹ thuật, công nghệ làm thay đổi cả nền văn minh nhân loại với những thế mạnh về y tế, khoa học đời sống. Trao đổi với Báo Người Lao Động, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh Nguyễn Hoàng Long cho biết trong năm 2022, bên cạnh việc tiếp tục tìm kiếm các nguồn cung vắc-xin cho Việt Nam, vận động chuyển giao công nghệ để sản xuất vắc-xin trong nước, Sứ quán sẽ đẩy mạnh hơn nữa hợp tác, làm sâu sắc quan hệ với các cơ quan, trung tâm nghiên cứu, doanh nghiệp Anh trong những lĩnh vực này, vừa tiếp tục góp phần hỗ trợ cuộc chiến chống Covid-19 hiện tại, vừa giúp chuẩn bị ứng phó với nguy cơ các đại dịch khác trong tương lai.
- Phóng viên: Thưa Đại sứ, công tác ngoại giao vắc-xin của Đại sứ quán Việt Nam tại Anh thời gian qua đã đạt nhiều thành tựu, đặc biệt thể hiện trong chuyến thăm làm việc tại Anh của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Mong Đại sứ chia sẻ về các thành tựu này?
+ Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh Nguyễn Hoàng Long: Triển khai chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về việc "Khẩn trương tập trung triển khai Chiến lược vắc-xin, đặc biệt là việc cung ứng, sớm thực hiện tiêm vắc-xin diện rộng để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh" cùng với việc đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và lây lan nhanh, ngoại giao vắc-xin đã trở thành nhiệm vụ cấp bách, chiến lược trong hoạt động của Sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh thời gian vừa qua.
Cùng với sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ, trực tiếp của Lãnh đạo Cấp cao và của các Bộ, Ban ngành, dưới sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, công tác ngoại giao vắc-xin được Đại sứ quán Việt Nam tại Anh triển khai thần tốc, khẩn trương đã góp phần giúp Việt Nam tìm kiếm, tiếp cận và mở rộng các nguồn cung vắc-xin, chuyển giao kịp thời lượng vắc-xin đã cam kết; đồng thời mở ra cơ hội chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc-xin.
Tựu chung lại, có thể kể đến năm kết quả nổi bật sau:
Đầu tiên là việc vận động, thúc đẩy thành công để công ty AstraZeneca (Anh) bàn giao sớm hợp đồng mua vắc-xin trong bối cảnh dịch ở Việt Nam bùng phát mạnh. Theo đó, trong khi nguồn cung vắc-xin còn khan hiếm trên toàn cầu, Việt Nam đã được ưu tiên trong kế hoạch bàn giao vắc-xin của AstraZeneca cho các đối tác, bàn giao đủ 10 triệu liều vắc-xin trong tháng 8 và đã tăng số lượng cung ứng trong các tháng 9, 10 để bảo đảm hết tháng 12-2021 sẽ bàn giao đủ 30 triệu liều ta đã đặt mua, kết thúc trước thời hạn bàn giao là Quý I/2022. Đến ngày 18-8-2021, trong tổng số khoảng 19 triệu liều vắc-xin Covid-19 mà Việt Nam đã nhận được từ nhiều nguồn, 8,6 triệu liều vắc-xin (chiếm 60%) là vắc-xin Oxford-AstraZeneca.
Số vắc-xin này được chuyển giao rất kịp thời đóng vai trò quan trọng trong đẩy mạnh tiêm chủng ở các "điểm nóng", ổn định tâm lý cho người dân khi mà Việt Nam đang ở thế "nước sôi lửa bỏng", số ca nhiễm trong cộng đồng bùng phát mạnh, có lúc tưởng như không kiểm soát được trong khi lượng vắc-xin được cam kết cung ứng không đáp ứng đủ nhu cầu.
Việc AstraZeneca sớm giao vắc-xin đã cam kết, để cùng với các nguồn vắc-xin khác, góp phần giảm tải cho hệ thống y tế và thực hiện mục tiêu tiêm chủng, mở ra giai đoạn thích ứng an toàn, từng bước đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Thứ hai, đó là việc ta vận động thành công Chính phủ Anh viện trợ 415.000 liều vắc-xin Oxford/AstraZeneca cho Việt Nam trong bối cảnh ta đang trải qua làn sóng Covid-19 nghiêm trọng nhất. Việt Nam được ưu tiên trao tặng vắc-xin ngay trong đợt thứ nhất Chính phủ Anh triển khai gói viện trợ song phương tới 16 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là sự viện trợ vắc-xin rất ý nghĩa, đúng lúc và kịp thời đối với Việt Nam. Bên cạnh đó, Chính phủ Anh cũng đã viện trợ cho Việt Nam số trang thiết bị y tế trị giá 500.000 bảng Anh. Cuối tháng 11-2021, Chính phủ Anh đã viện trợ thêm 200.000 liều vắc-xin cho Việt Nam.
Thứ ba, trong chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Anh tháng 11-2021, công ty AstraZeneca đã ký hợp đồng bán 25 triệu liều vắc-xin thế hệ mới cho Việt Nam, đồng thời sẵn sàng ký dự án hợp tác, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin Covid-19 tại Việt Nam. Đây là kết quả mang tính đột phá và cũng là vấn đề chiến lược về y tế vừa phục vụ trong nước cũng như xuất khẩu.
Thứ tư là việc chủ động, tích cực nghiên cứu, tham mưu, khuyến nghị cho các cơ quan trong nước liên quan đến kinh nghiệm của Anh trong xử lý đại dịch (về y tế, kinh tế, xã hội,…), tiêm chủng, mở cửa nền kinh tế, số chung với đại dịch.
Thứ năm, Sứ quán cũng đã rất nỗ lực vận động các đối tác Anh và cộng đồng người Việt Nam tại Vương quốc Anh hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch Covid-19 trong nước, nổi bật là Quỹ Facing the World trao tặng Việt Nam 28 máy monitor theo dõi bệnh nhân, trị giá 540.000 USD; Tổ chức Khalsa Aid trao tặng các vật tư, thiết bị y tế trị giá 156.000 bảng Anh; Tập đoàn Jardine Matheson ủng hộ 3 triệu USD; Tập đoàn New World Fashion ủng hộ 1 tỉ đồng hỗ trợ phòng chống Covid-19; Công ty Vidotour và các công ty du lịch đối tác Vương quốc Anh ủng hộ 1 tỉ đồng hỗ trợ phòng chống Covid-19…
- Để đạt được kết quả đó, các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và bản thân Đại sứ đã thực hiện một khối lượng công việc lớn, vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại, nắm bắt những thời cơ quyết định... để tiếp cận, thỏa thuận mua hoặc vận động tài trợ vắc-xin, thuốc điều trị Covid-19 cho Việt Nam.
Xin Đại sứ cho biết đã nắm bắt những thời cơ, vượt qua những khó khăn chính nào để đạt được kết quả đó?
+ Sứ quán cũng đã gặp cũng không ít khó khăn trong quá trình vận động, triển khai chính sách "ngoại giao vắc-xin", trong đó phải kể đến 5 khó khăn sau.
Thứ nhất, đó là áp lực chạy đua với thời gian, thúc đẩy để mang được các liều vắc-xin về Việt Nam sớm nhất, với số lượng nhiều nhất có thể trong bối cảnh dịch tại Việt Nam bùng phát mạnh kể từ tháng 5-2021.
Thứ hai là yêu cầu phải phân tích và đánh giá đúng tình hình, hiệu quả vắc-xin để có kiến nghị phù hợp về chủng loại và số lượng mua.
Thứ ba, trong nửa đầu năm 2021, Việt Nam vẫn là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp do kiểm soát tốt dịch bệnh nên không được nằm trong danh sách ưu tiên phân phối vắc-xin của Anh.
Thứ tư là trong thời gian đầu, các nước cùng khó, khan hiếm nguồn cung, nhiều nước đã đặt mua vắc-xin từ sớm nên đều đẩy mạnh vận động chính phủ và các đối tác Anh sớm giao hàng. Thứ năm, chính phủ Anh cũng như các đối tác đều cam kết viện trợ vắc-xin qua kênh COVAX, đảm bảo minh bạch trong việc phân phối nên việc ta vận động để sớm có được vắc-xin cung ứng trong nước cũng hết sức tế nhị.
Tuy nhiên, để đạt các thành tích nói trên, quá trình triển khai cũng có nhiều thuận lợi. Có thể nói rằng, chưa bao giờ quan hệ Việt Nam - Vương quốc Anh lại tốt đẹp như hiện nay, Anh thực sự coi trọngvai trò của Việt Nam tại khu vực. Sự đan xen lợi ích kinh tế - chiến lược giữa hai nước thực sự đã tạo thế cho Sứ quán khi đi vận động. Sự hỗ trợ của Chính phủ Anh là minh chứng cho mối quan hệ "Đối tác chiến lược" đang phát triển tốt đẹp, mang ý nghĩa bao trùm giữa Việt Nam và Vương quốc Anh trong hơn 10 năm qua, đồng thời thể hiện quyết tâm của Chính phủ hai nước cùng đẩy lùi đại dịch Covid-19 trên toàn cầu trên tinh thần "không một ai an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn".
Bên cạnh đó, với việc tận dụng tất cả các mối quan hệ, qua các kênh giới thiệu, Sứ quán đã may mắn gây dựng, thúc đẩy và củng cố quan hệ hợp tác trực tiếp với lãnh đạo cao nhất các cấp trong các cơ quan y tế của Chính phủ Anh, các đối tác và công ty như Giáo sư Jonathan Van - Tam, Phó Giám đốc Cơ quan y tế Anh, Giáo sư Jeremy Farrrar, Giám đốc Quỹ Nghiên cứu Y tế Wellcome Trust của Anh, Tiến sỹ Richard Hatchett, Giám đốc điều hành Liên minh đổi mới sáng tạo ứng phó dịch bệnh (CEPI), là cơ quan đồng lãnh đạo cơ chế COVAX (cơ chế cung cấp vắc xin), Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Pascal Soriot, Phó Chủ tịch Shaun Grady của AstraZeneca,...
- "Ngoại giao vắc-xin" sẽ tiếp tục được thúc đẩy như thế nào trong hợp tác Việt Nam - Anh trong thời gian tới, thưa Đại sứ?
+ Việc tiêm phòng được xem là phương thuốc hiệu quả hiện nay để các nước dỡ bỏ dần các hạn chế, nối lại di chuyển quốc tế, bảo đảm kết nối chuỗi cung ứng, khôi phục kinh tế. Giám đốc Y tế của Anh cho rằng sẽ mất 5 năm để có được vắc-xin mà có thể kiểm soát được các biến thể của Covid-19. Các nước đẩy mạnh tiêm phòng các mũi tăng cường và cho trẻ em để đối phó với đại dịch và các biến chủng mới. Các nước đã xác định sẽ có khả năng phải tiêm vắc-xin hàng năm. Nhà khoa học tạo ra vắc-xin AstraZeneca cho rằng Covid-19 chưa phải đại dịch cuối cùng và đợt dịch tiếp theo có thể sẽ tồi tệ hơn. Theo đó, nhu cầu sử dụng vắc-xin Covid của các nước sẽ rất lớn và lâu dài.
Trong bối cảnh đó cùng với việc ta đang tích cực triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin lớn nhất trong lịch sử với những nỗ lực để thực hiện mục tiêu kép của đất nước trong điều kiện bình thường mới, ngoại giao vắc-xin tiếp tục sẽ là một nhiệm vụ ưu tiên, chiến lược của Sứ quán trong thời gian tới và sẽ được triển khai quyết liệt, với 3 trọng tâm:
Thứ nhất là tiếp tục tiếp cận các đối tác, tìm kiếm các nguồn cung vắc-xin hiệu quả, an toàn, chất lượng cho Việt Nam. Trong đó, Sứ quán sẽ tiếp tục thúc đẩy để AstraZeneca sớm giao liều vắc-xin đã cam kết, góp phần đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin. Bên cạnh đó, tìm hiểu, nghiên cứu thông tin và tiếp xúc các đối tác về các loại vắc-xin có khả năng chống lại các biến thể mới của Covid-19 cũng sẽ được quan tâm. Hiện một số công ty của Anh đang thử nghiệm nhiều loại vắc-xin và thuốc chữa Covid-19 có kết quả khả quan. Đây sẽ là một hướng tốt để chúng ta tiếp cận sớm hơn, bảo đảm được phân phối sớm các loại vắc-xin, thuốc hiệu quả trong tương lai.
Trọng tâm thứ hai là vận động, trao đổi để các đối tác chuyển giao công nghệ, hỗ trợ Việt Nam xây dựng năng lực tự sản xuất vắc-xin trong nước. Với một nước đông dân như Việt Nam thì ta cần chủ động nguồn cung cho vắc-xin để bảo đảm cuộc sống bình thường và duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội lâu dài. Nhiều quốc gia châu Âu hiện nay không chủ động được nguồn lực để tự sản xuất vắc-xin, nhu cầu nhập khẩu vắc-xin Covid-19 rất lớn. Theo đó, nếu Việt Nam có thể tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin thì không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà đây sẽ trở thành thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Từ đó, có thể đưa Việt Nam thành trung tâm khu vực về sản xuất vắc-xin.
Thứ ba, Vương quốc Anh là nơi khởi nguồn của những phát minh khoa học kỹ thuật, công nghệ làm thay đổi cả nền văn minh nhân loại với những thế mạnh về y tế, khoa học đời sống. Do đó, Sứ quán sẽ đẩy mạnh hơn nữa hợp tác, làm sâu sắc quan hệ với các cơ quan, trung tâm nghiên cứu, doanh nghiệp Anh trong những lĩnh vực này, vừa tiếp tục góp phần hỗ trợ cuộc chiến chống Covid19 hiện tại, vừa giúp chuẩn bị ứng phó với nguy cơ các đại dịch khác trong tương lai.
- Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!
Một số hình ảnh về hoạt động của Đại sứ Nguyễn Hoàng Long cũng như Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh trong năm 2021 và đầu năm 2022:
Dương Ngọc thực hiện