Đại tá Hồ Hữu Lạn - danh thơm lần giở tri ân

TS. Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên HuếTrong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng với biết bao địa danh kiên cường của Tổ quốc, dải đất Trị Thiên - một chiến trường đầy ác liệt, gian khổ và chói lọi vinh quang đã hun đúc, tôi luyện nên nhiều tập thể và cá nhân tiêu biểu xuất sắc. Trong đó, có Trung đoàn 3/Sư đoàn 324 (e3/f324) là một tập thể Anh hùng; Lương y, đại tá - nguyên Trung đoàn trưởng e3/f324 Hồ Hữu Lạn - một trong những cán bộ chỉ huy chiến đấu xuất sắc điển hình.

Chỉ huy đánh thắng nhiều trận chiến

Những địa danh như Thành cổ Quảng Trị, Đường 9 - Khe Sanh, Đắc Tô - Tân Cảnh, A Sầu - A Lưới... trở thành vùng “tử địa” vì đạn bom. Lằn ranh giữa sự sống và cái chết rất đỗi mong manh, có khi chỉ là một cái chớp mắt, nhưng người lính Cụ Hồ vẫn giữ trọn tình yêu với Tổ quốc, quê hương. Có lẽ, đây cũng là động lực để người lính Cụ Hồ - Hồ Hữu Lạn không quản ngại hy sinh, gian khổ chiến đấu và chiến thắng.

Bí thư Huyện ủy A Lưới Nguyễn Thị Sửu với Cựu Chiến binh sư 324 tại Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày Chiến thắng A Bia năm 2019

Bí thư Huyện ủy A Lưới Nguyễn Thị Sửu với Cựu Chiến binh sư 324 tại Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày Chiến thắng A Bia năm 2019

Ông từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Lào, chiến trường Bắc Quảng Trị, chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968) ở TP. Huế. Trong Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào (1971), ông là Tiểu đoàn trưởng chỉ huy đơn vị đánh thắng nhiều trận, góp phần vào chiến thắng chung của Sư đoàn 324 cũng như của toàn Mặt trận. Năm 1972, trên cương vị là Trung đoàn phó, ông đã cùng các đồng chí chỉ huy e3/f324, tổ chức chỉ huy đánh địch trên đường 12 - Động Tranh thắng lớn. Đặc biệt, tháng 5.1974, e3/f 324 được giao nhiệm vụ vào Tây Nguyên tham gia chiến dịch tiến công giải phóng Quận lỵ Đắc Pét (Kon Tum). Tiếp đến, từ tháng 7.12.1974, e3/f324/Quân đoàn 2 phối hợp với f304/ Quân đoàn 2 tiến công giải phóng Chi khu quân sự và Quận lỵ Thượng Đức (Quảng Nam). Rồi kiên cường phòng ngự bảo vệ vùng giải phóng Thượng Đức trước sự phản kích điên cuồng, quyết liệt của Sư đoàn dù quân ngụy.

Trên cương vị là Trung đoàn trưởng, đại tá Hồ Hữu Lạn đã có công lớn cùng tập thể Đảng ủy, Thủ trưởng Trung đoàn 3 chỉ huy đơn vị vượt qua mọi khó khăn, ác liệt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chiến dịch Đắc Pét và Chiến dịch Thượng Đức có ý nghĩa rất lớn cả về chiến thuật, chiến dịch trong bước phát triển mới của cuộc chiến - tạo đà, thế, tiền đề và tạo niềm tin vững chắc cho một thời kỳ mới - tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Uy tín và niềm tin - “quả ngọt” trong lòng nhân dân

50 năm đã trôi qua. Với thời gian, tầm vóc của Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh cũng như những hy sinh to lớn mà quân và dân ta đã phải đánh đổi càng được nhận diện rõ nét hơn bao giờ hết. Sức mạnh dân tộc, trong những thời khắc gian nguy của lịch sử đã được huy động, kết tinh để làm nên những chiến thắng phi thường. Tranh đấu ấy, máu đào đẫm đất ấy chính là để cho những ngày hòa bình tươi đẹp sẽ luôn được gìn giữ trên dải đất đã phải gánh chịu quá nhiều đau thương, mất mát này. Do đó, để tri ân cũng như ghi công lớp lớp người đã hi sinh xương máu, Đảng, Nhà nước đã và có nhiều chủ trương, chính sách thiết thực. Trong đó, việc phong tặng các danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho các cá nhân, tập thể có nhiều công lao, đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc là một minh chứng.

Thật đáng tự hào, mới đây, Ban Liên lạc Hội Cựu Chiến Binh e3/f324 TP. Hà Nội, khu vực phía Bắc đã thống nhất đề nghị cấp thẩm quyền phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ đối với tập thể Trung đoàn e3/f324 (lần 2) và một số cá nhân, trong đó có đại tá Hồ Hữu Lạn. Qua trò chuyện thân tình, và qua chính những bài viết, sách Hồi ký của ông, không chỉ riêng cá nhân tôi, mà rất nhiều bạn trẻ cảm thấy vô cùng kính phục trí tuệ, sự can trường và nghĩa tình đồng đội của người chỉ huy một thời chiến trận. Quả như lời ông tâm sự: “Tôi năm nay 84 tuổi đời, 59 tuổi Đảng, 43 tuổi quân, đã có một quá trình cống hiến trong Quân đội. Lương tâm tôi cảm thấy mình không hổ thẹn. Tôi đau đáu thương nhớ đồng đội, mà không mảy may nghĩ tới sự hy sinh thiệt hơn của bản thân mình”.

Và cũng thật chân thực như nhận định của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu về Trung đoàn 3 và cá nhân đại tá Hồ Hữu Lạn trong lời giới thiệu cuốn Hồi ký mà ông viết: “Dải đất Trị Thiên là một chiến trường đầy ác liệt, gian khổ và chói lọi vinh quang. Trải qua hàng chục năm chiến đấu quyết liệt, trên dải đất này đã hun đúc, đào luyện nên nhiều tập thể và cá nhân tiêu biểu xuất sắc, trong đó có Trung đoàn 3 Sư đoàn 324 là một tập thể Anh hùng; đồng chí Hồ Hữu Lạn là một cán bộ chỉ huy chiến đấu xuất sắc”. Nhận xét này đã ghi nhận đầy đủ những điều cần nói về một trung đoàn, về một con người.

Trải qua những năm tháng chiến đấu, đại tá Hồ Hữu Lạn đã được khen thưởng nhiều Huân Huy chương cao quý, nhiều Huân chương chiến công trong chiến đấu, đặc biệt là Huân chương Độc lập hạng Ba.

Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Quân nhân, khi đã ở tuổi ngoài 60, ông lại chinh phục một đỉnh cao khác, đó là làm nhiệm vụ cao cả “lương y như từ mẫu” tại trường Y học Cổ truyền Tuệ Tĩnh Hà Nội từ năm 2000 - 2002 để cứu người và sống đời từ tâm, nhân đức. Gần 20 năm hành nghề y, ông đã gặt hái nhiều quả ngọt trong lòng nhân dân, đó là uy tín và niềm tin.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/dai-ta-ho-huu-lan---danh-thom-lan-gio-tri-an-i345893/