Đại tá hồi hưu

Tin Đại tá Vượng và vợ về nghỉ hưu tại quê nhà đã làm ông Miện, Chủ tịch xã nhảy cỡn lên như phát rồ. Thêm nữa, lại nghe nói đương kim quan đầu huyện ta và cả đương kim phó quan đầu tỉnh, cũng đều là các sĩ quan cấp dưới của ông Vượng xưa, thì mừng rung que rung cọng.

Ông phóng xe máy chạy đuổi theo đoàn xe chở gia đình Đại tá Vượng, hổn hển như một đứa trẻ quê hiếu kỳ. Ông Vượng đi biệt từ khi nhập ngũ, sau giải phóng có về mấy hôm, quân hàm Trung úy. Rồi nghe nói đi chiến trường Campuchia, chưa ráo chân, ông đã lại ra chiến trường biên giới phía Bắc. Ơn phúc tổ tiên, hòn tên mũi đạn tránh ông. Của đáng tội, nghe nói có mấy lần bị thương nhưng không nguy hiểm.

Cáo chết ba năm vẫn quay đầu về núi, huống chi con người ông Vượng, tuổi thơ thấm đẫm bùn đất quê nhà. Lớn lên trong rổ khoai của mẹ, người mốc thếch bùn vũng trâu đằm, tóc vàng hoe khét nắng leo cây bắt chim, mùa gió Lào hun hút, giờ chính thức được nghỉ, ông liền về quê.

Ngồi trên xe cùng vợ nhưng ông Vượng cứ thắc thỏm nhoi ra cửa kính, ngắm nơi chôn nhau cắt rốn sau bao năm xa cách. Đâu rồi, vùng rừng đồi mênh mông từ Lòi Toi, Úp Lịp, chạy miết về Rú Phường, Nhà Trạng, Rú Tróc, Lòi Miệu? Nơi những ngả rừng ông theo chị gái chăn bò, tập tành việc củi lá.

Tháng ba giông rền, ven đồi tím thẫm những lùm dâu rừng chín ngọt thanh. Dưới ruộng, lúa làm đòng, cơ man lũ chim nước béo tròn béo trục vì tôm tép, đã hút hồn ông ranh ma cài bẫy. Tháng năm, chiếc nón lá rách tưa tướp, vì nhúi vào rủ những chùm muồng chín đen, ngọt như đường. Mùa sim chín, nụ cười đứa nào cũng tím ngắt hàm răng mới thay. Chiều, hoàng hôn buông màn nhung, nhanh tay buộc trâu hoang cỏ, cùng nhau vác đuốc đốt tổ ong vò vẽ, lấy những tảng nhộng ong nặng tay. Tuổi già nhớ lại, ông Vượng vẫn thấy nhột nhạt, sướng rêm...

Khi xe vào hẳn trong sân, viên Đại tá nhà quê rủng rải bước ra, đã thấy Miện hai tay chộp lấy bàn tay lấm chấm da mồi của ông, giọng hào hởi. "Chào quan bác"! Ông Miện thẽ thàng nói: "Em là Miện, Chủ tịch xã, được hai bác về nghỉ hưu ở làng, coi như một chiếu cố với quê hương. Lãnh đạo xã mừng khôn xiết. Phải! Mừng lắm! Thay mặt xã nhà, em đến...".

Hầy!.. Đại tá Vượng cắt ngang sự vồn vã của ông Miện. "Bày đặt! Già lui về vườn dưỡng lão, có chi mà trịnh trọng thế nớ?". "Hì hì... Mừng lắm chớ bác!" - Ông Miện vẫn chưa thôi nỗi nắc nỏm sướng vui. Có hai bác về, là năm nay tăng trưởng GDP xã ta vượt lên rõ rệt...

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú

Ông Vượng ngớ ra, chưa hiểu chi môn khoai tấm mén. Chủ tịch xã vẫn dư dật sự hởi lòng hởi dạ một cách đắc thắng, nói tiếp, năm ngoái, bên xã Đông Hòa có hai vị Trung tá hồi hưu, mà GDP của nó vượt mặt xã mình đấy. Được biểu dương toàn huyện về thành tích tăng trưởng GDP. Bây giờ, hai quan bác về, cả hai cùng lon Đại tá, sẽ đưa GDP xã nhà vụt lên, vượt qua nó, không mừng răng được? Có khi còn được cả Bằng khen nữa đó, nhá?

Vị Đại tá lờ mờ hiểu ra. Bao năm lo việc binh đao, nào biết tính toán tăng trưởng kinh tế kiểu gì. Giờ mới biết, lương hưu nhà nước trả cho mỗi người, cũng được tính vào tăng trưởng GDP của địa phương đó. Ông thấy cái này cũng không thật sướng, vì thực ra là mình lấy tiền từ túi này bỏ sang túi kia thôi. Đâu phải tổ chức sản xuất kinh doanh chi? Nhưng thôi, cách tính thế nào của mỗi quốc gia, đều dựa vào cái biểu chung trên thế giới...

Thế đấy, cái sự mừng như cha chết sống lại của ông Miện có căn nguyên như vậy. Nhưng thoạt đầu nghe phong thanh, rằng hai vợ chồng Đại tá Vượng về quê nghỉ hưu, ông Miện còn ngờ ngợ, bán tín bán nghi. Vì xưa nay, ai cũng chọn nơi phố phường đô hội, tiện nghi đầy đủ để an hưởng tuổi già. Mấy ai về quê xa hẻo lánh, đêm nằm nghe ếch nhái ca cải lương rền rẫm, buồn thúi ruột?

Nhưng khi thấy xe pháo trên huyện rộn rực về đổ nhựa trục đường liên thôn chạy qua làng, không xa ngõ vườn xưa nhà Đại tá Vượng thì sự tin đã quá nửa. Rồi tháng sau, lại xe pháo lính tráng về dựng lều, xây nhà trên vườn cũ của Đại tá thì đã chắc như đinh đóng cột. Quan đầu huyện đã làm đường lớn thì quan đầu xã ngồi nhìn sao? Ông Miện cũng cho đổ bê tông đoạn từ đường trục vào ngõ nhà viên Đại tá...

Trong khi vợ con chuyển đồ đạc sắp vào nhà, ông pha trà móc câu Thái Nguyên. Trà thơm bốc khói, tỏa hương ngạt ngào căn phòng khách sang trọng. Cả hai thư thái dựa ngả ra ghế sa lông gỗ gõ lên nước vàng sậm, vẻ an nhàn.

Đại tá Vượng chợt bật dậy, khi con trai bê thẩu rượu ngâm thuốc màu cánh dán từ ngoài xe đi vào. Phải rồi, rượu ngon lại gặp bạn hiền. Ông rót ra một hươu để lên bàn cùng hai ly con, rỉ rủm nói, như nói với mình. "Hà hà... Có khách sang, phải tiếp rượu quý!". "Hả á? Rượu chi mà sang thế nớ, hả bác?"- Ông Miện soi mắt vào be rượu.

Đại tá Vượng tủm tỉm cười không đáp, tay nhẹ rót ra hai ly con. Mùi rượu nồng nàn thứ hương rất lạ. Vừa dịu ngọt thoảng thơm, vừa cay nồng luyến lắc, quen lạ đan cài. Hai người cụng ly. Vị Đại tá chưa nói ngay loại rượu gì, được coi là một câu đố dành cho vị quan đầu xã.

Khi ngụm rượu từ từ đi qua cổ họng, vị Chủ tịch xã sững lại, nhấp nhấp đầu lưỡi mấy cái. Hệt động tác mấy bà nhà quê nếm nước mắm ngoài chợ. Đoạn gật gù, nói chậm rãi: "Rượu ngâm sâm!.. Đích thị! Rượu đậm, mùi sâm ngậy lên, ngòn ngọt đầu lưỡi. Vị cay se, nồng nuột thanh tao, của thứ men vùng Gia Hưng, Gia Tịnh xứ ta xưa, được chưng cất từ loại nếp dẻo thơm... Rượu không có trên thị trường! Rượu quý!..".

Ha ha ha!.. Đại tá hồi hưu bật cười hả hê - "Thì hẳn là rượu quý rồi! Khách quý mời rượu quý mà!". Có thể trong ngôi biệt thự mới mọc trên nền đất cũ quê nhà, ngoài mơ ước, lại gặp khách là quan đầu xã quý mình, cùng chén rượu ngâm thuốc réo rắt trong người, Đại tá Vượng rỉ rả nói, đôi mắt đã ngời lên những tia lấp lánh. Rượu ngâm sâm đến độ, mỗi giọt đi qua họng, ngấm vào huyết quản, ngậy lên sức trai tráng! Ông nháy mắt, dừng một giây, như để ông Miện nhận ra. Đoạn nói tiếp, "nhưng mà... là loại sâm chi, ngâm với thứ rượu gì, Chủ tịch xã biết không?".

Ông Miện ngồi lặng, mút lưỡi trầm ngâm. Rồi khẽ lắc đầu: "Chịu!". Dù nổi tiếng thần lưu ly xã này nhưng ông quanh năm một thứ cuốc lủi dân nấu trong vùng. Đôi khi lên huyện họp thì phần lớn uống bia. Thảng hoặc có ai đi xa về xin giấy đăng ký kết hôn hoặc chứng nhận lý lịch, biếu chai rượu ngoại thì uống sặc mùi cồn. Nên chừ chạm phải thứ rượu uống vừa đậm, vừa thơm, vừa ngòn ngọt đầu lưỡi, thì ông bó tay! "Rượu này..." - Cuối cùng vị Đại tá thỏn thẻn nói, "chưng từ nếp dẻo hoa vàng, tức nếp Nam Xoan xưa. Tôi gửi mua ngoài Bắc về, ủ với thứ men truyền thống Gia Hưng, Gia Tịnh xứ mình đó...".

Vị Chủ tịch xã giật mình, trố mắt ngạc nhiên. Nếp dẻo hoa vàng đã từng xuất phát từ làng Nam Liêu này, và làm mưa làm gió cả cái tỉnh này. Thuở ông Vượng còn thanh niên choai, chưa vào lính. Còn ông Miện đang là một thằng oắt ở truồng chạy rông, tóc khét nắng. Nhưng thứ nếp dẻo hoa vàng đã ăn sâu ký ức hai người, bởi sự thơm dẻo hiếm có của bánh chưng bánh tét, của xôi đóng oản, của bánh gai giã chày rinh cả cối, của bánh in đóng khuôn ngày lễ Tết.

Ngày thường, ở đâu lừng thơm mùi hương xôi nếp dẻo hoa vàng bay theo gió, là biết ngay nhà đó đang có giỗ. Chiến tranh ở hầm ở hố cách biệt dưới lòng đất, ai muốn nấu chùng vụng một nắm xôi, cũng không thể qua lọt. Mùi hương xôi nếp đi mách khắp làng...

Giống nếp này ở tận ngoài Bắc, do anh Xoan ở thôn Nam Liêu, ra học trung cấp nông nghiệp ngoài đó mang về. Xoan bí mật gọi đó là giống nếp Nam Xoan. Sau vụ thứ hai, giống nếp Nam Xoan tràn ngập đồng làng. Rồi vài vụ sau tràn ra cả xã này. Và từ đó, dân tứ xứ trong tỉnh tìm về, ăn chực nằm chờ để mua cho được giống nếp Nam Xoan.

Giống nếp Nam Xoan rễ chùm ăn sâu, phát triển mạnh. Thân cây cao, nhiều bông, bông nào bông nấy to trĩu như đuôi trâu, trổ hoa vàng rực cánh đồng. Hương lúa thơm nồng nàn trong gió, lũ ong bay về rào rào như mưa giông. Vì nó, các giống nếp xưa cũ khác, vừa năng suất thấp, vừa không bì được độ thơm dẻo, đã không có chỗ đứng, bị tuyệt chủng.

Khi giống nếp dẻo hoa vàng thắng tuyệt đối, anh chàng Xoan trong một lần rượu vào lời ra, đã thỏ thẻ kể về chuyện đặt tên giống nếp, bằng cách gắn tên thôn với tên mình. Mọi người té ngửa, òa lên không chịu. Từ đó, tên Nam Xoan chìm xuống, chỉ còn tên chung: nếp dẻo hoa vàng.

"Thời xa vắng rồi, bác nạ!" - Chủ tịch xã trầm ngâm, khẽ lắc đầu. "Vì răng nên nỗi, rứa?"- Vị Đại tá thảng thốt, hỏi giọng quê kiểng.

"Do thời thế! Khi hợp tác xã tan rã, ruộng đất chia năm xẻ bảy về từng hộ gia đình, làm ăn riêng lẻ. Ai lo nồi nấy. Trở lại tự túc tự cấp, hạt gạo tẻ lên ngôi số một để chống đói, nếp dẻo hoa vàng dù thơm dẻo mấy, cũng chỉ dùng trong ăn chơi Tết, lễ, thành xa xỉ, đành nhường chỗ.

Lúc đầu, mỗi nhà còn cấy trồng một đám. Nhưng cái giống lúa nếp dẻo hoa vàng gieo gặt đến sáu tháng và phải được trồng trên cánh đồng mẫu lớn, cùng gieo cấy một lần, cùng gặt hái một lúc, mới thắng được lũ chim, lũ chuột. Đằng này mỗi gia đình cấy trồng lác đác, khi các giống lúa tẻ gặt xong, nếp dẻo hoa vàng đang phơi mao.

Và khi nó chín, những mảnh ruộng nếp dẻo hoa vàng chỉ còn đứng trơ đây đó, một mình loi thoi trên cánh đồng. Không đủ làm mồi cho chim và chuột, vì thứ gạo này thơm miệng chúng lắm. Thành ra thất bát, rồi cuối cùng không ai còn trồng nữa, tuyệt giống..." - ông Miện buồn rầu kể.

"Hầy zà!" - Cả hai bất giác cùng thở dài, nghĩ về một giống lúa nếp quý bị thất truyền. Nhưng ly rượu ngâm sâm vẫn còn thơm réo rắt trong lòng. Chợt ông Miện thóc thảy chuyển gam, nhìn vào mắt ông Vượng, nhỏ nhẹ, "rứa... sâm ni là giống chi, ở mô, bác?". "Hà hà..." - Ông Vượng khẽ cười, tất nhiên không phải sâm Cao Ly, sâm Tàu. Vị Đại tá hồi hưu dừng lại một giây, cố ý kéo dài sự chờ đợi của vị Chủ tịch xã. "Cũng không phải sâm Ngọc Linh Quảng Nam, hay sâm Bố Chính Trung Thuần, mà là sâm nhà mình đấy!".

"Hả..? Xứ miềng làm chi có sâm, bác?" - Chủ tịch xã sướng lên, giọng sặc nhà quê. "Răng không?" - Ông Vượng tắc tỏm nói, "cả dãy Ba Rền, kéo dài từ núi Vụ Quang ngoài tê, vô đến núi Giăng Màn, qua U Bò, Đầu Mâu, rồi vào vùng rừng Trường Xuân...". "Rứa hắn là loại sâm chi, răng ở miềng không ai biết, hỉ?". "Hà hà..." - Ông Vượng sảng khoái, "là giống sâm cau đó, tốt không kém các loài sâm khác, nó ưa thích chất đất rừng núi quê mình...".

Chờ cho cái miệng há ra ngạc nhiên của vị Chủ tịch xã khép lại, Đại tá Vượng rỉ rủm nói thêm - "Đôi khi tui nghĩ, Thượng đế ban cho mỗi vùng đất một loài sâm, để bồi bổ sức khỏe người dân trong vùng. Tại dân mình trọng của ngoại, cứ hong hóng sâm Cao Ly, sâm Tàu, nên bỏ qua nó".

"À!.. Chừ bác nói, tui mới lờ mờ hiểu ra. Nếu miềng quảng bá rộng rãi, người dùng thấy tốt, sẽ xúm đến. Tức là có nhu cầu cao. Mà cầu lớn, thì cung phát triển. Và rồi trở thành thương hiệu!"- Ông Miện nói như sách vở kinh doanh. "Chí phải!.." - Ông Vượng vỗ đùi, hoan hỉ.

Nhưng giây sau, vị Chủ tịch xã xịu mặt xuống, giọng trầm thầm thì - "Bác ạ... Chuyện nớ... muốn nên sự nghiệp lớn, phải dài lâu, có khi năm ba chục năm, chừ quê miềng gay go lắm...".

Tâm hoan hỉ của hai người yêu quê hương tha thiết, bỗng như quả bóng xì hơi. Không khí lặng ắng. Vị Đại tá chưa hiểu sự gay go quê nhà chừ đây, là cái gì. Chiến tranh trên bom dưới đạn, làng xã được phong tặng danh hiệu anh hùng, giờ bước vào thời kỳ đổi mới, có chi trở ngại?

Như hiểu được tâm trạng ông Vượng, Chủ tịch xã dè dặt lên tiếng - "Chừ... bác như người trong nhà... Ông Miện ngắc ngứ cổ họng, em xin nói rõ để quan bác hiểu cho. Xã ta vùng bán sơn địa, nửa ruộng nửa rừng đồi. Ruộng không thể sánh ngang các cánh đồng hai huyện xứ Quảng Ninh, Lệ Thủy, nên cố gắng dân đủ ăn. Còn vùng rừng đồi mênh mông thời nhỏ bác biết đó, chim chóc, chồn cheo, heo khỉ, nhiều miên man. Chừ không còn một mống.

Chiến tranh rồi con người, tàn phá sạch. Thành đồi trọc. Hơn chục năm trước, chủ trương trồng cao su tiểu điền. Đất miềng cũng hạp cây cao su lắm. Trồng xuống là lên phơi phới, cây to mập mạp, tán phủ sum suê. Tám năm đã cho mủ, sản lượng cao. Nông dân mừng lắm, sáng nào sau khi cạo mủ xong, chí ít có vài ba trăm ngàn bỏ bâu.

Nhưng mừng chưa kịp no, ông trời đã cướp mất. Hai cơn bão mạnh trong hai năm liên tiếp, đã xóa đi tất cả. Đồi trọc trở lại đồi trọc, manh mún các luống khoai từ, khoai tía leo ngoeo, khoai sắn lơ thơ. Sản phẩm bán ế ẩm ở chợ quê...".

Cuộc đón tiếp, gặp gỡ vị Đại tá hồi hưu quê nhà, của quan đầu xã, bỗng chốc thành cuộc tâm sự sâu kín và nan giải. Cả hai lặng đi hồi lâu. Với ông Vượng, cả hai vợ chồng lương Đại tá nghỉ hưu, chẳng mấy lo lắng. Rồi cuốc xới lại mảnh vườn, trồng đám rau luống củ, gọi là rau sạch, cho mỗi bữa ăn gia đình. Rứa là ổn. Nhưng tâm sự của vị Chủ tịch xã, đã cuốn ông vào vòng xoáy không có lối ra, cho đời sống người dân quê nhà...

Hết cách rồi răng? Cuối cùng, vị Đại tá hồi hưu thở dài, buồn rầu buông câu hỏi vô vọng.

Vị Chủ tịch xã chợt sáng mắt lên, như thể chờ đợi nút thắt này đã lâu. Có lẽ ông chờ đợi câu hỏi này từ khi nghe tin vị Đại tá sẽ hồi hưu quê nhà, nhưng không ngờ nó đến ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên này. Ông Miện khúc khắc ho khan, chậm rãi và khẽ khàng, tìm cách truyền đạt ý đồ sao cho hiệu quả.

"Chưa!.. Còn một cách... Bác nạ!..". "Cách chi, răng không áp dụng sớm?" - Ông Vượng hốt háy nói. "Dạ thưa, cách ni... phi quan bác, không ai giúp được!". Ông Miện dừng lại một giây, cho ngấm vấn đề, nói tiếp - "Quan bác đi đây đi đó, học cao hiểu sâu, quen nhiều biết rộng, hy vọng lần ni về, giúp được dân miềng đỡ khó khăn...". Hầy!.. Ông Vượng nén cơn hồi hộp, thỏn thẻn nói - "Vì quê hương, tui tiếc chi chút sức mọn...".

Ông ngỡ về quê an phận dưỡng già, ai ngờ được lãnh đạo địa phương vị nể, trọng thị thăm hỏi như thế. Giờ lại đặt lên vai trọng trách lớn của làng xã, dù chưa biết cụ thể môn khoai, lòng ông cũng rộn rạo niềm hứng khởi sẵn sàng dốc hết nhiệt tình ra nhận lời...

*

Đoàn cán bộ chủ chốt của xã đi tỉnh, gồm lãnh đạo các ban, ngành trọng yếu. Hẳn nhiên, không thể không có mặt vị Đại tá hồi hưu quê nhà. Một xe 15 chỗ ngồi sơn màu nhũ bạc đến đón trước cổng nhà Đại tá. Nghe còi toe toe, ông Vượng đĩnh đạc bước ra, quân phục đại lễ trắng tinh thẳng nếp. Ngù vai quân hàm quân hiệu vàng chóe. Mũ mão oai nghiêm, giày đinh bóng lộn. Hai phía ngực áo lấp lánh các loại Huân chương cao quý. Khuôn mặt tươi rói, phởn phơ hồng hào, ngời ngời phong vận.

Chủ tịch xã cóm nóm chạy đến mở cửa xe, vồn vã mời Đại tá lên ngồi ghế trước. Nhìn Đại tá Vượng oai phong đường bệ, đám cán bộ xã xuýt xoa đầy tự hào và tự tin. Sự cung kính trọng vọng của họ khiến ông Vượng có chút lâng lâng. Ông dựa ngả mình ra thành ghế lót nệm, mắt thiu thiu mơ màng.

Sau một tuần thăm đồng, quả thật, quê hương ông vẫn như người đi bộ, chân đất đầu trần. Chỉ mỗi không còn bom đạn, nhưng xem ra sự lam lũ còn đeo bám con người. Gạo đã đủ ăn, dân không đói, nhưng nhà cửa đơn sơ, đồng bãi manh mún. Trẻ con đến trường lem luốc, bàn ghế chen chúc. Cái thế thuần nông nơi đồng bãi bán sơn địa, thật khó ngoi lên. Bí, ông theo kế "xuất tướng" của họ, mong được chút tấm mén dân quê đỡ đần...

Cuối cùng, phái đoàn cán bộ xã cũng tìm được trụ sở Ủy ban tỉnh. Ngỡ là được trực tiếp gặp ngay vị phó quan đầu tỉnh, vốn là sĩ quan cấp dưới của Đại tá Vượng. Nhưng tay Phó văn phòng ra hiệu mời vào phòng chờ, đoạn lịch sự hỏi han sau trước. "Thưa, đoàn ta đã đăng ký thời gian gặp lãnh đạo tỉnh chưa ạ?".

Chủ tịch xã Miện gãi tai - "Phải đăng ký trước ư?". Đại tá Vượng hiểu ra vấn đề, nhanh chóng đứng lên dàn xếp chỗ sơ sót. "Báo cáo đồng chí!.. Tôi là bạn chiến đấu của đồng chí... Hôm nay phái đoàn của xã lên tỉnh, thỉnh trình một nội dung quan trọng, về quốc kế dân sinh xã nhà. Ở xa, lại không nắm quy chế, chưa kịp có văn bản đăng ký trước. Mong văn phòng Ủy ban tận tình giúp đỡ, bố trí cho đoàn gặp đồng chí...".

Tay Phó văn phòng Ủy ban nhìn qua sắc phục vị Đại tá, thì lưỡng lự giây lát. Đoạn, khẽ khàng nói: "Về nguyên tắc, xã phải trình nội dung và đăng ký trước thời gian để văn phòng báo cáo và sắp lịch. Nhưng cán bộ cơ sở của ta, đôi khi không tường tận, lại từ xa đến đây...". Anh chàng có vẻ ái ngại, muốn tìm cách linh động. Lát sau, anh nói xin xã cho tôi xem qua nội dung cần trình...

Chủ tịch Miện mừng húm, lập cập mở xắc cốt tìm công văn trao cho anh chàng Phó văn phòng Ủy ban. Công văn dày năm trang giấy, dấu son đỏ tươi. Phó văn phòng Ủy ban mở ra, ngay lập tức đập vào mắt, đầu đề chữ in to và đậm nổi bật: ĐƠN XIN CÔNG NHẬN XÃ NGHÈO.

Đoàn cán bộ xã nín thở. Cả ông Vượng cũng nín thở, hồi hộp theo dõi sắc mặt anh chàng Phó văn phòng Ủy ban tỉnh. Bởi nếu được công nhận xã nghèo, người dân trong xã có biết bao nhiêu cái lợi. Thuế má giảm, các khoản đóng góp giảm, khám chữa bệnh cũng được hưởng bảo hiểm phần đa. Rồi xã sẽ được trên đầu tư xác đáng xây dựng trường học các cấp, trạm y tế, nhà mẫu giáo, nhà gửi trẻ. Người dân khỏi phải đóng góp xây dựng. Ngoài ra còn các chương trình đầu tư theo mục tiêu nữa. Thành ra, cái chứng chỉ xã nghèo là đích phấn đấu của các quan xã mấy năm nay...

Xem xong năm trang giấy đánh máy một cách kiên nhẫn, cuối cùng viên Phó văn phòng Ủy ban tỉnh ngẩng mặt lên, khẽ nheo mắt cười cười. Cả phái đoàn quan xã ai nấy thở ra nhè nhẹ. Miệng cười khấp khởi. Dư dật hy vọng.

Nhưng viên Phó văn phòng Ủy ban tỉnh gãi tai, cúm núm nhìn vị Đại tá đáng kính như người có lỗi. Đoạn kính cẩn nhìn vị sĩ quan cao cấp, thẽ thọt nói, thưa Đại tá!.. Cái ni e... đi ngược quy luật phát triển mất rồi!..

Tay Phó văn phòng Ủy ban tỉnh, biết là các vị quan xã này chưa thủng vấn đề, liền thỏ thẻ giãi bày. "Dạ thưa, cuộc sống luôn vận động phát triển, đi về phía trước. Mỗi tổ chức, cá nhân đời người cũng vậy. Đó là quy luật! Từ khó khăn đói nghèo, vươn lên đủ ăn, rồi khá giả. Từ khá giả, vươn lên giàu có. Tổ chức nào, cá nhân nào cố tình đi ngược lại, là trái quy luật phát triển, sớm muộn cũng trả giá.

Nhà nước có chủ trương quy định hộ nghèo, địa phương nghèo, là xem xét khó khăn khách quan đặc biệt, trong một giai đoạn nhất định, nhằm có giải pháp đưa hộ đó, địa phương đó, đi nhanh vào ngang vạch xuất phát chung, để từ đó vươn lên. Không thể có địa phương, hay cá nhân, đang ở trên vạch xuất phát, lại xin xuống đứng dưới vạch xuất phát. Như thế là nghĩ ngắn, nhìn gần. Thiếu ý chí, ngồi chờ bú vào bầu sữa nhà nước không mấy dư dật. Cho nên, cái chứng chỉ xã nghèo, đâu phải danh hiệu vẻ vang, nếu không nói là... có sự xấu hổ?".

Vị Đại tá hồi hưu giật nảy người, mặt đỏ tía tai, khẽ gật đầu chào viên Phó văn phòng Ủy ban tỉnh, đùng đùng bước ra ngoài. Cả phái đoàn quan xã lật đật chạy theo, ai cũng bất ngờ và đều không hé răng nửa lời, thâm tâm, nghĩ là ông Vượng sẽ kì kèo xin xỏ, ai ngờ ông phẩy tay bỏ đi.

Xe chạy hàng cây số, trong xe vẫn im như thóc. Thậm chí không có lấy một tiếng ho hen, hay quay qua quay về, tựa thể xe đang chở những con robot bằng xương thịt người. Đại tá Vượng ngồi thẳng đơ, mặt đỏ hờng hậy, cảm thấy bộ quân phục đại lễ nặng trĩu, bó chặt người. Hẳn ông đang rất giận. Nhưng giận ai? Giận chủ tịch Miện cùng dàn lãnh đạo xã nghĩ ngắn, chỉ thấy trước mắt? Hay giận mình? Nông nổi và cả tin, không nghĩ thấu đáo, bị kéo vào một công việc dở hơi. Từng đánh Đông dẹp Bắc trên các chiến trường, kẻ địch nghe tên đã khiếp vía, thế mà chốc lát, mắc cạn ở xó quê?

Khi xe về đến địa phận xã, đồng quê làng mạc yên bình, không hề hay biết có phái đoàn quan xã lên tỉnh thất bại trở về. Trong lòng ai nấy có chút thẹn thò, nhưng giờ đã trở nên nhẹ nhõm. Đại tá Vượng phần nào nguôi vơi nỗi buồn bực, thương người dân quê nghèo, cái khó bó mất cái khôn.

Xe đi giữa các cánh đồng xanh lục, sương chiều rây ngút ngát, hoàng hôn loang từng vệt màu hồng nhạt. Xa xa phía Tây là vùng đồi mênh mông, nhuốm ký ức tuổi thơ màu xanh lam. Vị Đại tá hồi hưu chợt mỉm cười, mặt rói tươi trước một phát hiện. Sao không nhanh chóng dồn điền đổi thửa, tạo nên những cánh đồng mẫu lớn, đưa giống nếp Nam Xoan về trồng thâm canh, tạo mặt hàng xuất khẩu có giá trị? Và cả vùng đồi mênh mông kia nữa, sao không đưa các giống gỗ quý về trồng? Huệnh, gỏ, trường, dổi, dẻ, táu, lim. Cả cây xoan nữa. Khi cây còn nhỏ, xen canh sắn khoai, và trồng các giống sâm trong nước hợp khí hậu thời tiết, sâm cau Ba Rền, sâm Bố Chính Trung Thuần, sâm Ngọc Linh xứ Quảng Nam...

Vài chục năm sau, trên cao cây lấy gỗ khép tán, quê nhà đã có những cánh rừng như đại ngàn xưa. Giúp ngăn bão lụt, hạn hán. Lại đủ cho chim muông ríu ran gọi đàn san tổ, đủ cho trăm ngàn đàn ong kết mật. Dưới mặt đất, các loài sâm quý đủ thành thương hiệu. Hẳn nhiên, đi kèm với nó, sẽ có các loại rượu ngon gốc gác Gia Tịnh, Gia Hưng, Kẻ Vạn ngâm sâm. Chúng cũng sẽ thành thương hiệu nổi tiếng, réo rắt lòng người...

Đồng Hới, 8-2020

Truyện ngắn của Hữu Phương

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/truyen/dai-ta-hoi-huu-608243/