Giữ gìn nét đẹp trang phục truyền thống của Tày

Trang phục và thổ cẩm của người Tày không chỉ mang giá trị văn hóa, lịch sử mà còn là biểu tượng của sự sáng tạo và tâm hồn dân tộc qua từng hoa văn, màu sắc đặc trưng. Bà Hoàng Thị Lợi, sinh năm 1951, một trong những người con dân tộc Tày ở thôn Trung, xã Bằng Lang, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang đang hàng ngày nối dài những giá trị văn hóa đó cho tương lai.

Theo lời kể của bà Hoàng Thi Lợi, khi còn nhỏ, bà thường theo mẹ lên nương vào rừng để tìm kiếm những nguyên liệu tự nhiên cho công việc nhuộm vải. Mẹ bà không chỉ dạy bà cách chọn lựa nguyên liệu, mà còn truyền dạy những kỹ thuật dệt đặc trưng của dân tộc Tày. Từng đường kim mũi chỉ, bà Lợi được hướng dẫn tỉ mỉ và cẩn thận. Mẹ bà cũng kể cho bà nghe về ý nghĩa và biểu tượng của từng họa tiết trên những tấm vải thổ cẩm, giúp bà hiểu sâu hơn về văn hóa và truyền thống của dân tộc mình. Từ năm 1984 bà bắt đầu bén duyên với nghề và mở cửa hàng, qua từng năm tháng, sự khéo léo và tâm huyết của bà ngày càng được nâng cao, sản phẩm bà làm ra luôn mang đậm bản sắc dân tộc, vừa tinh tế vừa đẹp mắt. Những sản phẩm do bà Lợi tạo ra không chỉ là những bộ quần áo truyền thống của dân tộc Tày, mà còn là những tác phẩm nghệ thuật thổ cẩm tinh xảo.

Bà Hoàng Thị Lợi tỉ mỉ những đường kim, mũi chỉ bên khung dệt.

Bà Hoàng Thị Lợi tỉ mỉ những đường kim, mũi chỉ bên khung dệt.

Đến năm 2007, bà Lợi quyết định mở một tiệm dệt, cắt may trang phục truyền thống phục vụ nhu cầu người dân địa phương, cũng như tăng thêm nguồn thu, trang trải cuộc sống gia đình. Bà nhập vải chàm của người dân trong làng và vải của xưởng nhuộm ở Tân Quang (Bắc Quang). Các sản phẩm dệt, may thổ cẩm của bà khá đa dạng, phong phú, như: Khăn, mặt chăn, địu, trang phục dân tộc... Trước đây, mỗi ngày cố gắng, bà Lợi cũng may được 2 – 3 bộ váy áo hay mặt địu. Một bộ váy áo truyền thống của người Tày có giá cả triệu đồng/bộ. Nhờ sự khéo léo, tỉ mỉ cũng như năng khiếu bẩm sinh và sự sáng tạo, các sản phẩm của bà làm ra được nhiều người trong và ngoài huyện “nghe tiếng” tìm đến tận nơi đặt hàng. Nhờ sự cần mẫn và sự khéo léo, mỗi năm, thu nhập từ nghề truyền thống của bà lên đến hơn 50 triệu đồng. Con số này không chỉ thể hiện sự thành công về mặt kinh tế, mà còn là minh chứng cho sự tồn tại và phát triển bền vững của nghề truyền thống trong cuộc sống hiện đại.

Chia sẻ về nghề, bà Lợi cho hay: “Hiện nay nhịp sống hiện đại và bận rộn hơn trước, thế hệ trẻ không còn mặn mà với công việc nhuộm vải, cắt may trang phục truyền thống. Vì vậy tôi mong muốn những việc làm của mình góp phần lưu giữ được giá trị truyền thống của dân tộc Tày”.

Bà Lợi không chỉ đóng góp về mặt kinh tế mà còn là người truyền lửa, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. Bà luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng và lòng đam mê của mình cho mọi người trong làng, mong muốn những giá trị truyền thống của dân tộc Tày sẽ được gìn giữ và phát huy mãi mãi.

Anh Vàng Văn Tấn, Phó Chủ tịch UBND xã Bằng Lang cho biết: Bà Hoàng Thị Lợi là một trong số ít người phụ nữ còn giữ nghề may trang phục truyền thống dân tộc Tày tại địa pương. Việc bà Lợi đang làm cần được khuyến khích và nhân rộng, qua đó góp phần bảo tồn, lưu giữ nét đẹp trong văn hóa truyền thống của các dân tộc vùng cao.

Bà Hoàng Thị Lợi là minh chứng sống động cho việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của dân tộc Tày. Sự cống hiến và tâm huyết của bà không chỉ làm đẹp thêm bức tranh văn hóa của địa phương, mà còn góp phần vào việc giữ gìn bản sắc dân tộc, để những giá trị truyền thống luôn tỏa sáng trong cuộc sống hiện đại.

Bài, ảnh: Hồng Cừ - Trung Hậu

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/van-hoa/219367/giu-gin-net-dep-trang-phuc-truyen-thong-cua-tay