'Đại tá Mạc' ở Abyei-Bài 2: Người góp phần 'mở đường thắng lợi' (Tiếp theo và hết)
Đại tá Mạc Đức Trọng là một trong hai sĩ quan đầu tiên của Việt Nam tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình (GGHB) Liên hợp quốc (LHQ).
Với cương vị chỉ huy đơn vị đầu tiên tham gia một Phái bộ mới, loại hình mới là công binh, Đại tá Mạc Đức Trọng một lần nữa trở thành người tiên phong “mở đường” chinh phục những chặng đường mới trong quá trình Việt Nam tham gia sứ mệnh quốc tế và cùng với tập thể đơn vị có một nhiệm kỳ thành công, được LHQ đánh giá cao, bạn bè quốc tế khâm phục, yêu mến.
Những con đường hòa bình ghi dấu ấn
Tuyến đường huyết mạch Phân khu Bắc ở Abyei sau mùa mưa, có đoạn ngổn ngang các loại xe chở hàng, chở nhiên liệu ùn tắc thời gian dài, xe bị hỏng hóc, chết máy, có đoạn ngập sâu cả mét, đường sụt lún, hệ thống thoát nước bị hỏng...
Đội Công binh số 1 đã nhanh chóng sửa chữa sớm thông tuyến và nâng cấp làm cho con đường to đẹp, rộng rãi hơn, bảo đảm khả năng tốt nhất chống chọi với mùa mưa tiếp theo, góp phần hồi sinh cho khu vực sau một thời gian dài đường sá tê liệt, khiến nhiều vùng bị chia cắt vì lũ lụt.
Nhiệm vụ mở mới 15 tuyến đường tuần tra xuyên rừng dài tổng cộng 281km cũng được đơn vị hoàn thành vượt tiến độ, bảo đảm chất lượng tốt nhất, được Chỉ huy Phái bộ, Phòng Công binh Phái bộ, các cơ quan Phái bộ và các đơn vị bộ binh đánh giá rất cao. Đây là những tuyến đường không chỉ tạo thuận lợi cho hoạt động tuần tra bảo đảm an ninh, an toàn của Phái bộ mà còn giúp cho hoạt động đi lại, thông thương của người dân địa phương dễ dàng hơn.
Chia sẻ bí quyết thi công vượt tiến độ tất cả các tuyến đường trong điều kiện khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro an ninh, an toàn, Thiếu tá Lê Hồng Quân, Phân đội trưởng Phân đội Công binh Cầu đường (Đội Công binh số 1), khẳng định: “Khâu tổ chức, bố trí lực lượng là quan trọng. Chỉ huy đơn vị luôn có mặt cùng anh em đi khảo sát, trinh sát thực địa để đưa ra quyết định phương án thi công và bố trí lực lượng nhân sự phù hợp”.
Chỉ đạo quyết liệt, có mặt trong mọi nhiệm vụ khó khăn nhất, trực tiếp tham gia các khảo sát hiện trường... là phong cách làm việc của Đại tá Mạc Đức Trọng. Cống hiến cho hoạt động Gìn giữ hòa bình LHQ từ những ngày đầu, trải qua nhiều nhiệm vụ thực địa khó khăn nhất ở Nam Sudan năm 2014 như áp tải, bảo vệ hàng cứu trợ hoặc chiến dịch quân sự dài ngày, Đại tá Mạc Đức Trọng dù ở cương vị chỉ huy nhưng vẫn mang phong cách của một sĩ quan liên lạc gần 10 năm trước. Không ngại vất vả, anh cùng anh em lăn lộn thực địa trong các nhiệm vụ làm đường xuyên rừng, cứu kéo xe sa lầy, hay làm việc với các cơ quan Phái bộ, thương lượng với người dân, các lực lượng địa phương...
Tâm huyết, tinh thần trách nhiệm, kinh nghiệm và kỹ năng làm nhiệm vụ tại địa bàn cùng những hiểu biết về các hoạt động của Phái bộ LHQ của Đại tá Mạc Đức Trọng khiến anh trở thành chỗ dựa tinh thần tin cậy và khuyến khích anh em toàn đơn vị luôn đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Khi sửa tuyến đường huyết mạch Phân khu Bắc, với những đoạn đường ngập nước sâu, không chờ nước rút mới làm, anh em chủ động đổ đất dần dần tới khi nước rút cũng là lúc công trình hoàn thành và các phương tiện giao thông có thể đi lại được.
Có lần cần lấy đất, lấy cát làm đường, nhưng người dân không hiểu, gây khó dễ cho đơn vị, Đại tá Mạc Đức Trọng cùng cán bộ dân vận làm đủ mọi cách để chứng tỏ sự công tâm, giải thích là đang làm việc có ích cho chính họ, nhưng vẫn chưa thuyết phục. Khi các chức sắc của địa phương và cộng đồng tới đơn vị, anh đã dẫn họ đi vòng quanh doanh trại nhiều chỗ còn lầy lội bùn đất, chỉ vào đôi giày bám kín bùn đất, nói rằng: “Chúng tôi lấy đất làm đường cho dân, không phải cho đơn vị vì chúng tôi chỉ ở đây có một năm, người dân mới cần hơn”.
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trọng tâm, khẳng định trình độ chuyên môn bằng chất lượng các công trình được LHQ và chỉ huy Phái bộ đánh giá là “làm thay đổi diện mạo ở Abyei”, Đội Công binh số 1 đã tạo những ấn tượng tốt đẹp về trình độ, năng lực của lực lượng mũ nồi xanh Việt Nam.
Phó tổng thư ký LHQ Jean-Pierre Lacroix phụ trách hoạt động GGHB cho biết, trong chuyến công tác tới Abyei, ông đã được nghe các báo cáo về kết quả hoạt động chuyên môn và việc làm giúp đỡ cộng đồng ý nghĩa của Đội Công binh Việt Nam, giúp mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho cộng đồng.
“Hãy ở lại với chúng tôi!”
Các hoạt động chuyên môn và việc làm nhân đạo của Đội Công binh số 1 đã tạo ấn tượng và tình cảm đặc biệt với người dân địa phương cũng như thiện cảm của đồng nghiệp quốc tế. Hình ảnh tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, uy tín của Việt Nam lan tỏa rộng khắp toàn bộ khu vực thị trấn Abyei. Thị trưởng thị trấn Abyei đã gửi lời khen ngợi và cảm ơn Bộ đội Công binh Việt Nam tới lãnh đạo Phái bộ UNISFA.
Thiếu tướng Benjamin Olufemi Sawyerr, Quyền Trưởng Phái bộ kiêm Tư lệnh Phái bộ UNISFA-người từng nhiều lần đề nghị Đại tá Mạc Đức Trọng tiếp tục ở lại Abyei làm nhiệm vụ cùng ông, đánh giá cao quan điểm tiếp cận các cộng đồng địa phương, gắn liền với truyền thống và bản sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam-“Quân đội của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân” của Đội Công binh Việt Nam. Ngài Tư lệnh cũng từng nhấn mạnh “hòa bình từ trong lòng dân” khi dành những khen ngợi và cảm ơn các hoạt động nhân đạo của Đội Công binh Việt Nam mà ông gọi là “những sứ giả hòa bình tại khu vực Abyei”.
Ngài Benjamin Olufemi Sawyerr coi những kết quả nổi bật đạt được đó đã thể hiện vai trò lãnh đạo, chỉ huy và sự nỗ lực, quyết tâm cao của cán bộ, nhân viên Đội Công binh Việt Nam, góp phần thực hiện thắng lợi sứ mệnh GGHB LHQ.
Ngài Tư lệnh còn nói rằng “sẽ gửi thư lên trụ sở LHQ ở New York đề nghị kéo dài nhiệm kỳ” của Đại tá Mạc Đức Trọng và nói vui rằng “Thủ đô Khartoum đang đánh nhau, ông không về được đâu!”. Thời điểm Đội Công binh số 1 chuẩn bị về nước cũng là khi Sudan bùng phát nội chiến khiến kế hoạch về nước của đơn vị gặp trở ngại.
Các đơn vị bạn ở Phái bộ UNISFA dành cho Đội Công binh Việt Nam cũng như người chỉ huy đơn vị sự kính trọng và nể phục. Có thể nói, “Đại tá Mạc” và Đội Công binh Việt Nam đã góp phần mang lại bầu không khí hữu nghị và tình đoàn kết quốc tế ở Phái bộ UNISFA. Chỉ huy đơn vị Trung Quốc đã viết thư điện tử gửi Đại tá Mạc Đức Trọng bày tỏ sự ngưỡng mộ và mong muốn hợp tác với Đội Công binh Việt Nam trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Còn với chỉ huy đơn vị Pakistan, Trung tá Manan, Đại tá Mạc Đức Trọng là người bạn “thân thiết như anh em”. Hai đơn vị luôn dành cho nhau sự ủng hộ và hỗ trợ tích cực, nhất là phối hợp thực hiện các hoạt động từ thiện, nhân đạo tại địa phương. Trung tá Manan nói vui, nhưng cũng là mệnh lệnh với cấp dưới của ông rằng: “Chỉ huy đơn vị Việt Nam yêu cầu điều gì thì đó cũng là mệnh lệnh của tôi!”. Có những nhiệm vụ xa đơn vị, lực lượng của Việt Nam thường phải nhờ đơn vị Pakistan hỗ trợ nơi ăn, ở, bảo vệ an ninh và luôn nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình.
Tại buổi tiệc chia tay Đại tá Mạc Đức Trọng do đơn vị Pakistan tổ chức, Trung tá Manan đã tuyên bố: “Tôi không hề xấu hổ khi nói rằng mình học tập Đại tá Mạc Đức Trọng!”. Đơn vị Pakistan cũng mong muốn làm theo đơn vị Việt Nam trong các dự án vì cộng đồng, nhưng gặp khó khăn do cách tiếp cận khác nhau. Ngoài đơn vị Pakistan, đơn vị Ấn Độ cũng tổ chức tiệc chia tay chỉ huy Đội Công binh Việt Nam với sự tham gia của các đơn vị, cơ quan trong Phái bộ UNISFA.
Còn với người dân Abyei, khi nghe tin Đội Công binh Việt Nam sắp kết thúc nhiệm kỳ về nước, thành từng tốp rất đông, họ kéo đến căn cứ Highway, nơi đơn vị đóng quân với tâm trạng lo lắng. Đại tá Mạc Đức Trọng cho biết, người dân ở Abyei không biết sẽ có một đơn vị Công binh khác của Việt Nam đến thay thế nên họ rất buồn. Họ tưởng rằng sẽ không có đơn vị của Việt Nam ở địa bàn nữa thì sẽ không còn ai giúp mình. Khi được nghe giải thích sẽ có một đơn vị khác của Việt Nam tới Abyei, họ mới hiểu ra và yên tâm hơn.
Với Đại tá Mạc Đức Trọng cũng như tập thể đơn vị, phản ứng tự nhiên đó của người dân Abyei đã mang lại niềm vui và hạnh phúc lớn lao. Gần đến ngày về, chứng kiến tình cảm mà bạn bè quốc tế và người dân ở Abyei dành cho mình, người chỉ huy đơn vị tâm sự rằng: “Chúng tôi giúp đỡ họ, nhưng họ cũng giúp chúng tôi để có thêm nhiều động lực và tinh thần hoàn thành sứ mệnh. Đối với người lính GGHB như chúng tôi, đó chính là niềm tự hào to lớn vì hai chữ “Việt Nam” được lan tỏa cùng những giá trị tốt đẹp của đất nước, của Quân đội nhân dân Việt Nam; được làm những việc giúp ích cho đời, cho cuộc sống của người dân nghèo khổ bằng những việc làm nhỏ bé của mình”.
MỸ HẠNH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý" xem các tin, bài liên quan.