Đại tá Nguyễn Viết Huấn và ký ức đánh chiếm Bộ tổng tham mưu ngụy

Những ngày tháng 4 lịch sử của dân tộc, tại căn nhà nhỏ trên phố Khâm Thiên (Đống Đa, Hà Nội), Đại tá Nguyễn Viết Huấn lại nhớ về những ngày hành quân thần tốc, trực tiếp tham gia đánh chiếm Bộ tổng tham mưu ngụy, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tuổi 18 hòa vào vận mệnh dân tộc

Gần 70 tuổi, gương mặt đã lốm đốm những nốt đồi mồi, bước đi không còn nhanh nhẹn, nhưng “chất lính” trong ông Nguyễn Viết Huấn vẫn vẹn nguyên. Với chất giọng đanh thép, dứt khoát, ông kể cho chúng tôi nghe về ký ức cùng đồng đội tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.

Tháng 10 năm 1974, vừa tròn 18 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Viết Huấn viết đơn tình nguyện nhập ngũ, quyết tâm xung phong vào chiến trường miền Nam, góp sức giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Khi ấy, ông là chiến sĩ thuộc Tiểu đội 1 (Trung đội 1, Đại đội 1, Tiểu đoàn 12, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2). Sau 3 tháng huấn luyện, ông cùng đơn vị hành quân vào Nam, mang theo ba lô, súng đạn và một ý chí sục sôi. “Chúng tôi đều nhận thức rõ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc chuẩn bị bước vào giai đoạn quyết định, vì thế tất cả đều lên đường với tinh thần: Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”, ông Huấn xúc động nhớ lại.

Từ huyện Phú Bình, tỉnh Bắc Thái (nay là huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) đơn vị ông di chuyển bằng tàu hỏa đến thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An), rồi tiếp tục hành quân bằng ô tô theo đường mòn Hồ Chí Minh, qua thành phố Đông Hà (tỉnh Quảng Trị), thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), tiến vào mặt trận, tham gia chiến đấu trong chiến dịch giải phóng Tây Nguyên.

 Cựu chiến binh Nguyễn Viết Huấn.

Cựu chiến binh Nguyễn Viết Huấn.

Sau khi giải phóng Tây Nguyên, chiến sĩ Nguyễn Viết Huấn được biên chế về Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 28, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3). Là người lính trinh sát, anh có nhiệm vụ hành quân tác chiến, trực tiếp tham gia cùng với bộ binh, vừa dẫn đường, vừa chiến đấu.

“Lính trinh sát cần có sức khỏe dẻo dai, sự nhanh nhẹn và mưu trí để vượt qua các chướng ngại vật và hệ thống phòng thủ của địch, bảo đảm 'đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng'. Bên cạnh đó, cần phải thành thạo trong việc sử dụng vũ khí, trang bị như: Súng, dao găm, bản đồ, ống nhòm, la bàn, dây móc… Điều quan trọng nhất vẫn là bản lĩnh chính trị vững vàng, tư duy chiến thuật sắc bén, và khả năng quan sát, phán đoán chính xác”, ông Huấn nhấn mạnh.

Ngày 27-4-1975, sau khi đến vị trí tập kết tại khu vực Lộc Ninh, tỉnh Tây Ninh, ông Nguyễn Viết Huấn cùng đơn vị chuẩn bị bước vào trận chiến. Bộ đội được cấp bổ sung quân tư trang, vũ khí trang bị và thực hiện các nội dung bảo đảm hậu cần theo kế hoạch. Mỗi cán bộ, chiến sĩ để lại ba lô cá nhân, có ghi đầy đủ họ tên, tuổi, phiên hiệu đơn vị, đồng thời nhận một gùi hành quân chiến đấu, bên trong chỉ mang theo võng, tăng, vật phẩm y tế thiết yếu và cơ số đạn dược.

Sáng 28-4, cả đơn vị tập trung trong rừng cao su để nhận nhiệm vụ, nghe phổ biến mệnh lệnh, quán triệt tinh thần chiến đấu. Giữa không khí trang nghiêm và khẩn trương, những người lính trẻ lặng lẽ siết lại dây gùi, chỉnh súng bên vai, sẵn sàng bước vào trận đánh lịch sử. “Khi ấy, cảm giác nhớ nhà, buồn, vui lẫn lộn, nhưng hơn cả là khí thế hừng hực. Chúng tôi hiểu giờ phút quyết định của dân tộc đang đến gần và mình là một phần trong đó”, ông Huấn xúc động.

Thọc sâu đánh chiếm Bộ tổng tham mưu ngụy

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, đơn vị của Nguyễn Viết Huấn (Trung đoàn 28) được Bộ tư lệnh Quân đoàn 3 và chỉ huy Sư đoàn 10 giao đánh chiếm Bộ tổng tham mưu ngụy. Đơn vị có nhiệm vụ vận động tiến công thọc sâu theo Đường 15 vào phía Bắc Sân bay Tân Sơn Nhất, hiệp đồng chặt chẽ với Trung đoàn 24 đánh chiếm sân bay, sau đó phát triển đánh chiếm Bộ tổng tham mưu ngụy.

Đúng 6 giờ 30 phút ngày 29-4, từ vị trí tập kết ở khu vực Bến Tranh (Dầu Tiếng, Bình Dương), đơn vị của ông được lệnh xuất quân. Đoàn quân gồm 80 xe cơ giới các loại di chuyển theo đường công binh cắm lộ tiêu, tiến về xã Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi) để vào Đường 15. Trên đường hành tiến, Trung đoàn lần lượt tiêu diệt các điểm chốt chặn của địch ở xã Phú Hòa Đông, xã Tân Thạnh Tây (huyện Củ Chi)… Sau đó, đơn vị theo Đường 15 tiến qua Tân Thạnh Đông (huyện Củ Chi) về huyện Hóc Môn.

“Vừa chiến đấu, tôi vừa tự nhủ: Phải chiến đấu không chỉ vì mình mà còn vì những người đã ngã xuống”, ông Huấn xúc động. Ảnh: NVCC

“Vừa chiến đấu, tôi vừa tự nhủ: Phải chiến đấu không chỉ vì mình mà còn vì những người đã ngã xuống”, ông Huấn xúc động. Ảnh: NVCC

“Trưa hôm ấy, khi chiếc xe tăng thứ 3 vượt qua cầu Sáng, thì bất ngờ cầu sập, xe tụt xuống kênh, đoàn xe bị tắc. Chúng tôi phải quay lại ngã tư Tân Quy, rồi rẽ qua Đồng Dù, vào Hóc Môn. 18 giờ 30 phút thì chúng tôi được lệnh tạm dừng triển khai sẵn sàng chiến đấu tại ngã tư Quang Trung”, ông Huấn nhớ lại.

Đúng 4 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, pháo binh Sư đoàn 10 cùng các đơn vị khác nổ vang trời, báo hiệu một cuộc tấn công quyết liệt. Trung đoàn 28 bắt đầu cơ động về phía Tây Bắc Sân bay Tân Sơn Nhất. Gần 9 giờ sáng, khi Trung đoàn 24 đã chiếm một phần Sân bay Tân Sơn Nhất và đang trên đà tiến công thuận lợi, thì đơn vị của ông được lệnh nhanh chóng theo Đường 1 tiến vào đánh chiếm Bộ tổng tham mưu ngụy. “Khoảng 9 giờ, chúng tôi đến ngã tư Bảy Hiền. Đến 9 giờ 30, khi Trung đoàn tôi vừa qua Lăng Cha Cả được khoảng 200 mét, thì địch từ các tòa nhà cao tầng hai bên đường bắt đầu bắn chặn. Khói bụi mịt mù, nhiều đồng đội ngã xuống ngay trước mắt tôi. Đau xót lắm nhưng lúc ấy, chúng tôi chỉ biết tiến lên, vừa chiến đấu vừa tự nhủ: Phải chiến đấu không chỉ vì mình mà còn vì những người đã ngã xuống”, ông Huấn nghẹn ngào kể lại.

10 giờ, Tiểu đoàn 3 và xe tăng, thiết giáp đánh thẳng vào cổng chính Bộ tổng tham mưu ngụy. Một số xe tăng và xe bọc thép của địch bị bắn cháy, nhiều tên địch bị tiêu diệt tại chỗ. Đại đội địch bảo vệ cổng chính Bộ tổng tham mưu phải đầu hàng, những tên còn lại hoảng loạn tháo chạy. Tận dụng thế chủ động, đơn vị của ông tiếp tục tiến vào trung tâm tổng hành dinh ngụy quyền Sài Gòn. Trước sức mạnh áp đảo của ta, quân địch chỉ kịp chống cự yếu ớt rồi nhanh chóng bỏ lại các vị trí. Lúc này, ông Huấn cùng đồng đội được giao nhiệm vụ lùng sục địch trong tòa nhà chỉ huy tại trung tâm và các ngôi nhà xung quanh.

“Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, lá cờ Giải phóng hiên ngang tung bay trên cột cờ chính giữa nóc nhà Sở chỉ huy của Bộ tổng tham mưu ngụy. Giây phút lịch sử ấy, cảm xúc trong tôi trào dâng nghẹn ngào, khó diễn tả thành lời. Vừa trào dâng niềm vui chiến thắng, Bắc - Nam nối liền một dải, vừa nhớ thương đồng đội vì đã anh dũng hy sinh, không thể cùng chúng tôi chứng kiến giờ phút vinh quang ấy”, ông Huấn bồi hồi.

 Sau khi nghỉ hưu, trở về địa phương, cựu chiến binh, Đại tá Nguyễn Viết Huấn vẫn tích cực tham gia công tác xã hội, đóng góp trí lực cho các phong trào ở cơ sở và luôn gương mẫu phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.

Sau khi nghỉ hưu, trở về địa phương, cựu chiến binh, Đại tá Nguyễn Viết Huấn vẫn tích cực tham gia công tác xã hội, đóng góp trí lực cho các phong trào ở cơ sở và luôn gương mẫu phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.

Sau khi đất nước thống nhất, từ 1976 đến 1985, Nguyễn Viết Huấn được cử đi học tại Trường Sĩ quan Lục quân 1. Sau đó, ông tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc cho đến năm 1986. Từ 1986 đến 2001, ông học tập và công tác tại các đơn vị như: Học viện Lục quân Đà Lạt, Trường Sĩ quan Lục quân 1 và Học viện Quốc phòng. Năm 2001, ông là Phó tham mưu trưởng Sư đoàn 350, Quân khu 3. Đến năm 2002, ông trở thành Trưởng khoa Giáo dục Quốc phòng tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, và tiếp tục công tác cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2014, với quân hàm Đại tá.

Trong suốt quá trình chiến đấu và công tác, Đại tá Nguyễn Viết Huấn đã có nhiều đóng góp quan trọng trên các chiến trường bảo vệ Tổ quốc, cũng như trong công tác huấn luyện, đào tạo cán bộ cho quân đội. Những cống hiến đó đã được Đảng, Nhà nước và Quân đội ghi nhận bằng việc trao tặng 6 Huân chương, Huy chương các loại và 1 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Ở tuổi 69 với 45 năm tuổi đảng, 51 năm tuổi quân, người chiến sĩ năm xưa vẫn luôn phát huy phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ, son sắt niềm tin với Đảng và mãi nhớ về khoảnh khắc non sông thu về một mối. Đại tá Nguyễn Viết Huấn mong rằng, những âm vang của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 sẽ luôn được giữ gìn trong tâm trí của các thế hệ, đặc biệt là giới trẻ. Qua đó, thế hệ trẻ sẽ tiếp bước và phát huy truyền thống vẻ vang mà cha ông đã để lại.

Bài, ảnh: HẢI LY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/50-nam-dai-thang-mua-xuan-1975/dai-ta-nguyen-viet-huan-va-ky-uc-danh-chiem-bo-tong-tham-muu-nguy-824695