'Thổi' sức sống mới cho di sản
Những năm gần đây, công cuộc số hóa đang được thực hiện mạnh mẽ tại các điểm di tích, bảo tàng... trên địa bàn tỉnh. Không chỉ mang đến luồng gió mới cho hoạt động trải nghiệm, tăng hấp dẫn đối với du khách tham quan, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ còn giúp các di sản, di tích thêm gần gũi, sống động, góp phần lưu trữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử. Song, để việc ứng dụng công nghệ trong quảng bá, giới thiệu di sản, di tích trở nên đồng bộ, bài bản và chuyên nghiệp thì còn nhiều vấn đề cần làm.

Với ứng dụng thuyết minh tự động, gần 100 câu chuyện được tích hợp trong mã quét QR, giúp du khách dễ dàng tiếp cận được thông tin khi đến với Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Lăng Khoa.
Gia tăng sức hút
Chỉ cần một chiếc smartphone, sử dụng thao tác quét mã QR đơn giản, du khách đã có một trải nghiệm mới mẻ khi tham quan một số điểm di tích, bảo tàng ở Thái Nguyên. Anh Triệu Tiến Cường, khách tham quan Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (TP. Thái Nguyên), cho hay: Việc quét mã QR rất thuận tiện, mọi thông tin về các hiện vật tại Bảo tàng đã được số hóa, giới thiệu sinh động. Chúng tôi dễ dàng tìm hiểu thông tin mà không cần đến hướng dẫn viên.

Từ năm 2005, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã bắt đầu ứng dụng công nghệ trong hoạt động nghiệp vụ. Khởi nguồn là phần mềm quản lý hiện vật, màn hình cảm ứng, website, tiếp đến là âm thanh kỹ thuật số hỗ trợ các tổ hợp trưng bày để phục vụ khách tham quan. Cho đến nay, nhiều hạng mục của bảo tàng đã được số hóa, mã hóa thành các QR code, ứng dụng phần mềm công nghệ thực tế ảo (VR), thuyết minh tự động… giúp du khách dễ dàng tìm hiểu.
Bên cạnh đó, Bảo tàng đã ứng dụng công nghệ trong trưng bày bằng các phần mềm: Audioguide, khám phá đa phương tiện, chinh phục thử thách và khám phá thực tại ảo. Các ứng dụng khám phá được tích hợp tại máy tính bảng đặt trong các phòng trưng bày để phục vụ khách tham quan. Ngoài ra, trên 200 video về văn hóa phi vật thể của 54 dân tộc cũng được số hóa lên mạng internet qua website: Disanso.vn.
Bà Tô Thị Thu Trang, Giám đốc Bảo tàng cho biết: Để đưa công nghệ vào các hoạt động của bảo tàng như hiện nay, chúng tôi đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm kiếm các đối tác về công nghệ. Chỉ với một vài thao tác đơn giản trên thiết bị điện tử thông minh, khách tham quan ở bất kỳ đâu cũng có thể tìm hiểu các góc trưng bày, chiêm ngưỡng các hiện vật, vừa nghe thuyết minh kèm âm thanh phụ trợ, xóa đi giới hạn về không gian…

undefined
Góp sức trong hoạt động số hóa di sản, di tích trên địa bàn tỉnh còn có hoạt động tích cực của Tỉnh đoàn và các cơ sở đoàn thanh niên. Gần đây nhất, Tỉnh đoàn đã tổ chức khánh thành, đưa vào hoạt động công trình thanh niên cấp tỉnh số hóa Khu di tích lịch sử Quốc gia địa điểm lưu niệm các thanh niên xung phong Đại đội 915, ở phường Gia Sàng (TP. Thái Nguyên). Việc số hóa, tích hợp thông tin, hình ảnh về Khu di tích bằng công nghệ VR360 đã mang đến trải nghiệm chân thực cho người sử dụng. Bên cạnh đó, công trình còn cài đặt lời thoại giới thiệu song ngữ tự động.

Khu di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm lưu niệm các thanh niên xung phong Đại đội 915, ở phường Gia Sàng (TP. Thái Nguyên) được số hóa, tích hợp thông tin, hình ảnh bằng công nghệ VR360.
Đồng chí Phạm Thị Thu Hiền, Bí thư Tỉnh đoàn thông tin: Đến thời điểm này, đoàn thanh niên trong tỉnh đã triển khai số hóa hơn 100 địa chỉ đỏ và số hóa các di tích. Trong đó, một số di tích được ứng dụng công nghệ hiện đại, đem đến trải nghiệm chân thực hơn cho du khách, góp phần thuận lợi hơn trong việc lưu giữ cũng như quảng bá các giá trị văn hóa của tỉnh.
Còn nhiều việc phải làm
Không chỉ là xu hướng tất yếu để bảo tồn, giữ gìn và phát huy di sản trong đời sống đương đại, việc số hóa các di tích, di sản còn giúp tăng tương tác giữa công chúng với di sản, hình thành những sản phẩm du lịch kết hợp với công nghệ.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Đại Từ, thông tin: Từ năm 2021, chúng tôi đã phối hợp với các đơn vị truyền thông trong và ngoài tỉnh để số hóa các di tích. Bước đầu là những di tích, danh thắng có giá trị tiêu biểu của địa phương, hình thành cơ sở vật chất đầy đủ, có khả năng thu hút, hấp dẫn du khách.

Đoàn viên thanh niên là một trong những lực lượng tích cực trong công tác số hóa di tích, di sản trên địa bàn tỉnh.
Dù đã đạt được những kết quả tích cực, song hành trình số hóa di tích, di sản vẫn còn không ít việc phải làm. Thực tế ở Thái Nguyên nói riêng, các tỉnh, thành trên cả nước nói chung, công tác số hóa di sản đã được triển khai nhưng chưa thực sự chuyên sâu. Đa phần mới chỉ dừng ở việc lưu trữ tư liệu, hình ảnh mà chưa có các bản quét chi tiết phục vụ công tác phục dựng. Việc ứng dụng công nghệ mang tính tự phát, do các đơn vị, địa phương chủ động phối hợp với các đối tác công nghệ thực hiện, dẫn tới thiếu đồng bộ.
Bà Vũ Thị Thu Hường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho hay: Hiện nay, việc thực hiện số hóa di sản do UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh thực hiện theo phân cấp quản lý, chủ yếu bằng nguồn xã hội hóa. Tùy theo năng lực xã hội hóa cũng như năng lực của đơn vị thực hiện, nên chất lượng số hóa một số di tích, di sản chưa cao, thiếu tính đồng bộ.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay, việc số hóa di sản của tỉnh Thái Nguyên đang gặp khó ở cả lĩnh vực văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Cụ thể, theo Quyết định 2026/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình số hóa di sản Việt Nam giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ có giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng hệ thống nền tảng số, kho dữ liệu dùng chung, quy định quy chuẩn về thông số lưu trữ cũng như chịu trách nhiệm về tham mưu các văn bản quy phạm pháp luật, căn cứ pháp lý để triển khai số hóa. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, Bộ vẫn chưa triển khai được các nội dung này, do vậy, tỉnh Thái Nguyên chưa có cơ sở để triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Việc thiếu nền tảng công nghệ thống nhất dễ khiến công tác số hóa di sản rơi vào tình trạng “mạnh ai nấy làm”, khi kết nối sẽ không liên thông được bởi không tương thích, đi kèm với đó sẽ là lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc.
Bên cạnh đó, việc thực hiện còn hạn chế do thiếu nhân lực chuyên môn, kinh phí và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan. Trong bối cảnh thiết bị và công nghệ đang thay đổi từng ngày, từng giờ, việc đầu tư ứng dụng công nghệ nếu không có sự tính toán thì rất nhanh chóng bị lạc hậu, gây lãng phí.

Thực tế đã chứng minh việc sử dụng công nghệ trong quảng bá, giới thiệu và tái hiện di tích, di sản là hướng đi đúng đắn và tất yếu trong thời buổi hiện nay, được kỳ vọng sẽ góp phần tích cực vào sự phát triển ngành “công nghiệp không khói”. Vì thế, cần được thực hiện theo lộ trình bài bản, khoa học và có sự phối hợp linh hoạt giữa cơ quan chuyên môn với các địa phương, cơ quan, đơn vị và cần thiết có một kế hoạch chung, có sự phối hợp đồng bộ từ trên xuống dưới… Có như vậy, việc số hóa di tích, di sản mới thực sự bài bản và đạt hiệu quả mong muốn.
Tháng 12-2021, Chính phủ ban hành Quyết định 2026/QĐ-TTg về Phê duyệt Chương trình số hóa di sản Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Quyết định đề ra mục tiêu: 100% các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO ghi danh; các di tích quốc gia đặc biệt; các bảo vật quốc gia... phải được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số. Ngoài ra, 100% người làm công tác chuyên môn trong ngành Di sản văn hóa được đào tạo, đào tạo lại, cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số.
Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202504/thoi-suc-song-moi-cho-di-san-ad83d7a/