Đại tá, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý - người mang nợ 'Trường Sơn'

Đối với Đại tá, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, Trường Sơn không chỉ là một miền thi ca, mà đó còn là miền ám ảnh, ghi dấu những kỷ niệm của những người lính một thời xông pha trong lửa đạn…

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý sinh ra tại Bố Trạch, Quảng Bình, một miền quê nghèo khó đến nỗi trăng lên soi từng vú cát. Năm 1974, Nguyễn Hữu Quý xếp bút nghiên lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc, gia nhập Binh đoàn Trường Sơn. Ở cái giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến, chàng thanh niên tuổi vừa đôi mươi, hàng ngày tận mắt chứng kiến biết bao gian khổ, khó khăn, mất mát, đau thương của quân và dân ta trước tội ác của giặc Mỹ… Và dường như điều đó đã khảm khắc mãi trong tâm trí người lính Trường Sơn ấy, tạo nên nhà thơ Nguyễn Hữu Quý luôn mộng tưởng trong những suy nghĩ về cái chết, về số phận chung con người.

 Đại tá, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý phỏng vấn một bà mẹ có con hy sinh ở Thành cổ Quảng Trị.

Đại tá, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý phỏng vấn một bà mẹ có con hy sinh ở Thành cổ Quảng Trị.

Trong sự nghiệp sáng tác, Nguyễn Hữu Quý viết rất nhiều về đề tài chiến tranh và đặc biệt viết rất sâu về thương binh, liệt sĩ. Không điệu đà, không trau chuốt, những câu thơ mộc mạc là tiếng lòng, là những dòng nước mắt kìm nén của người còn sót lại khi nhớ về người đồng chí, đồng đội mình đã ngã xuống "Một thời chia lửa chia bom/ Tiếng thơm quyện lấy tiếng thơm, một thời/ Máu truyền cho máu đỏ tươi/ Nuôi nhau từng trận sốt với lá ngàn” (Nén nhang đồng đội).

Càng sống gần Nguyễn Hữu Quý sẽ càng cảm động trước cái tâm đằm thắm, đôn hậu và nhân từ của anh. Tính cách của Nguyễn Hữu Quý là tính cách của dải cát trắng miền Trung: Dù sục sôi nắng lửa đến đâu vẫn yên bình, lặng thầm qua bao giông tố. Tôi vẫn nhớ chuyến công tác tại Quảng Trị vào tháng 7- 2017, khi lần đầu được gặp nhà thơ Nguyễn Hữu Quý. Những ngày cuối cùng của chuyến công tác, đoàn quyết định ghé thăm Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Sáng hôm đó, người chiến sĩ này cảm thấy lạ lắm: Mờ sáng đã dậy tắm gội, chọn cho mình bộ quân phục mới nhất, thỉnh thoảng đi ra đi vào đứng trước gương, tỉ mỉ chỉnh sửa diện mạo bản thân. Khi được hỏi thì nhà thơ cười mỉm “hôm nay tôi có hẹn với bạn gái năm xưa”. Và tất cả như chết lặng khi thấy Nguyễn Hữu Quý đặt bó cúc vàng ươm nơi tấm bia đá khắc tên Liệt sĩ Nguyễn Thị Liên, quê quán: Thanh Trạch, Bố Trạch, Bình Trị Thiên (Quảng Bình)… “Đây là cô gái mà hôm nay tôi hẹn gặp. Chúng tôi là những người bạn từ thuở thiếu thời. Ngày xưa, Liên của tôi có nụ cười đẹp lắm…” Suốt buổi hôm đó, người lính già cứ thủ thỉ cùng Liên, như trút hết tất cả nỗi niềm bao lâu "Xa nhau/ Khoảng thời gian chưa một lần gặp mặt/Không lá thư đi- về/Tôi chẳng quên đâu giọng cười của bạn/ Giọng cười đem cái thương, cái mến/Chia đều cho mỗi chúng tôi" (Nhớ về tuổi học trò của một liệt sĩ).

Những câu hát mà nhà thơ Nguyễn Hữu Quý hát vang khi xe dần lăn bánh rời miền đất lửa ấy vẫn ám ảnh tôi đến bây giờ “Quảng Trị ơi/Mới vừa xa mà lòng nhớ khôn nguôi/Làm sao quên những ngày đông tháng hạ/Làm sao quên chiều Đông Hà - Cam Lộ/Bến Hải buồn hoang vắng bãi bồi xa …” (Hẹn về Quảng Trị - Phạm Bá Nhơn). Một con người sao mà sâu sắc, bình tâm, nhân ái đến vậy.

 Đại tá, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý thăm Trung tâm điều dưỡng thương bệnh binh Thuận Thành (Bắc Ninh).

Đại tá, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý thăm Trung tâm điều dưỡng thương bệnh binh Thuận Thành (Bắc Ninh).

Nguyễn Hữu Quý dành tình cảm rất lớn cho những người lính mãi nằm yên cùng non nước; sự tri ân sâu sắc những người mẹ, người vợ, người con của liệt sĩ. Vì vậy dường như trang viết nào của anh cũng in đậm dấu ấn Trường Sơn. Sự mất mát của chiến tranh hằn lên trong thơ anh như một vết xước. "Mười nghìn Trường Sơn trong một Trường Sơn/ Mười nghìn lời ca trong bài ca lớn/ Mười nghìn cái tên đêm đêm mẹ nhắc/ Mười nghìn giấc mơ của mẹ chờ ta/ Mười nghìn con đò thương về bến đợi/ Mười nghìn hạt giống chưa về phù sa..." (Khát vọng Trường Sơn). Những câu thơ thật rung động và lắng lòng ở chiều sâu những góc khuất, không trực diện. Bài thơ đã lật tráo được từ dưới lòng đất, từ trong lòng người những ám ảnh về chiến tranh. Chỉ riêng mỗi Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn mà có biết bao người đồng đội của anh, bạn bè anh, thậm chí Liên của anh cũng nằm yên nơi đó. Vậy còn bao nhiêu nữa những người con được đất mẹ ôm trọn?

Người lính Trường Sơn năm xưa đã chứng kiến những gì để giờ đây, anh cứ mãi thổn thức đến vậy. "Tôi có những thằng bạn lính/đứa trở về nghèo đói chửa buông tha/đứa lỡ ngủ... đến bây giờ chưa tỉnh/góc chiến hào năm ấy đã đơm hoa" (Bạn lính). Có lẽ câu trả lời sẽ được thể hiện qua những câu thơ mộc mạc của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý. Một con người luôn trầm yên, lặng thinh, chỉ để tiếng nói từ tâm vọng ra, những câu chữ, vần thơ cứ nảy mầm....

PHÙNG TRANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/dai-ta-nha-tho-nguyen-huu-quy-nguoi-mang-no-truong-son-581710