Đại tá Trần Huy Khuông và 3000 bức ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Tôi học được rất nhiều từ anh Văn. Tôi chưa bao giờ thấy anh cáu với tôi, hay là cáu với những cán bộ cấp dưới'.
Đại tá Trần Huy Khuông đã có thời gian hơn 30 năm chụp ảnh cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Giờ đây, khi đã ở tuổi gần 90, ông đã cần mẫn sắp xếp lại hơn 3000 tấm ảnh của Đại tướng, đưa vào 20 cuốn album và trao lại gia đình Đại tướng như một kỉ vật vô giá.
Đại tá Trần Huy Khuông chia sẻ với phóng viên VOV về công việc của ông trong thời gian làm việc gần gũi với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cũng như những tình cảm của ông giành cho vị Tổng tư lệnh của Quân đội nhân dân Việt Nam.
PV: Thưa bác, được biết bác đã có thời gian rất dài làm việc gần gũi bên Đại tướng Võ Nguyên Giáp?
Đại tá Trần Huy Khuông: Tôi bắt đầu làm việc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ năm 1980, khi đó tôi chụp ảnh hộ chiếu đầu tiên để Đại tướng đi nước ngoài. Và tập ảnh cuối cùng tôi chụp là ngày tang lễ của Đại tướng.
Khi ấy tôi đang làm công tác giáo dục văn hóa cho bộ đội ở Bộ tổng tham mưu. Bên Văn phòng Tổng tư lệnh cần một người chụp ảnh, mà nghề chụp ảnh thì tôi biết rất kỹ, nên tôi được giao nhiệm vụ phụ trách phòng ảnh của Bộ tổng tham mưu. Khi đó mọi người thống nhất là khi đến nhà thì không gọi là đồng chí hay Đại tướng, mà gọi là Anh.
PV: Khi nhận được vị trí công việc như vậy, bác có suy nghĩ như thế nào ?
Đại tá Trần Huy Khuông: Tôi không sợ về trách nhiệm, nhưng vì Đại tướng là người mà toàn quân kính trọng, uy tín của ông rất lớn nên tôi cũng có phần ngại. Thế nhưng đồng chí Chủ nhiệm chính trị động viên tôi rằng: “Không sợ đâu, Đại tướng của chúng ta rất gần với chiến sĩ, rất yêu thương chiến sĩ. Chúng ta là cấp dưới, Cụ lại càng gần”. Vì vậy tôi rất yên tâm sang nhận nhiệm vụ. Khi tôi gặp Đại tướng, tôi có báo cáo rằng cơ quan cử tôi sang giúp việc Anh. Đại tướng nói: “Vậy tốt rồi. Cậu sang đây giúp mình thì có người có việc. Sẽ nhiều việc đấy, chịu khó nhé”. Tôi trả lời “Vâng!”.
Trong thời gian đó, tôi đã đi theo Cụ trong rất nhiều chuyến đi, đặc biệt là những chuyến đi xa đã để lại trong tôi nhiều kỉ niệm đẹp, nhất là tình cảm của quần chúng nhân dân đối với Đại tướng là không sao kể xiết.
Tôi nhớ có chuyến đi lên Hà Tuyên – khi đó Hà Giang và Tuyên Quang là một. Tình hình biên giới lúc đó căng thẳng, đường đi cỡ 160km, phải đổi xe 2 lần. Khi đó cả đoàn đi vào một cửa hàng quốc doanh bán tạp hóa. Đại tướng hỏi cặn kẽ các mặt hàng, giá cả ra làm sao, bán hàng như thế nào… Họ trả lời nhưng không nhận ra đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đến khi cả đoàn về rồi, tôi có quay lại để mua ngòi bút cho con trai của tôi, khi đó cháu học lớp 3. Các chị bán mậu dịch đang xôn xao với nhau, rằng trong đoàn cán bộ vừa rồi có ông Võ Nguyên Giáp đấy. Các chị quay ra hỏi tôi: “Anh bộ đội ơi, có phải trong đoàn vừa rồi vào đây có Đại tướng Võ Nguyên Giáp không?”. Tôi nói rằng: “Tôi không biết (vì lúc đó phải giữ bí mật). Nhưng nếu có Đại tướng thì các chị làm gì?”. Các chị bảo: “Chúng tôi phải nhìn kỹ để xem Đại tướng thế nào!”. Khi về, tôi kể lại câu chuyện đó cho Đại tướng. Anh ấy bảo: “Sao cậu không nói rằng – Chúng tôi trẻ đẹp thế này sao các chị không xem mà xem một ông già như thế làm gì!”.
Đó là một chuyện, còn chuyện nữa mà tôi nhớ mãi. Có một đồng chí chụp ảnh người dân tộc thiểu số, nói với tôi rằng muốn mời Đại tướng mặc quần áo dân tộc, chụp chung với 4 cô gái người dân tộc để họ đưa trưng bày tại Bảo tàng dân tộc. Tôi báo cáo với Đại tướng, Anh cười và bảo rằng: “Cứ chuẩn bị đi, mình ra chụp ngay!”. Vậy là bức ảnh này sau đó được lưu giữ tại bảo tàng dân tộc của tỉnh.
PV: Quả thực đó là những câu chuyện rất thú vị, và có lẽ chưa bao giờ được tiết lộ!
Đại tá Trần Huy Khuông: Vâng, còn nhiều câu chuyện vui như thế. Tôi học Đại tướng, chăm đọc sách. Tôi có 4 tủ sách, nhưng cũng chưa bằng 1/10 số sách của Đại tướng. Có những lúc chúng tôi đàm đạo về sách vở rất vui vẻ. Ví như khi tôi đọc về tứ đại mỹ nhân của Trung Quốc, anh ấy rất lắng nghe và bảo, cậu cứ kể chi tiết đi. Chúng tôi bàn về thân phận người phụ nữ khi xưa khổ như thế nào, và người phụ nữ ngày nay đã có những tiến bộ ra sao… Những câu chuyện như thế có khi kéo dài cả tiếng đồng hồ.
PV: Trong quá trình làm việc gần gũi bên Đại tướng, đi cùng với Đại tướng trong rất nhiều hành trình, bác đã học tập được nhiều điều từ Đại tướng phải không ạ?
Đại tá Trần Huy Khuông: Tôi học được rất nhiều từ anh Văn. Tôi chưa bao giờ thấy anh cáu với tôi, hay là cáu với những cán bộ cấp dưới. Nếu có điều gì chưa đúng, anh nhắc rằng vấn đề này cậu phải xem lại. Đặc biệt, Đại tướng có cái rất hay là nếu có điều gì sai thì Đại tướng nhận ngay chứ không tranh cãi. Có lần Đại tướng nói chuyện với rất nhiều cán bộ về tình hình mặt trận ở Nga, và đã nói sai về thời gian. Sau đó tôi có nói với anh rằng anh đã nói sai, sự kiện đó diễn ra vào tháng 12/1944 chứ không phải tháng 2/1944.
Đại tướng nói: “Mình nhớ là tháng 2. Vậy cậu về xem lại sách của cậu, còn mình sẽ xem lại sách của mình nhé”. Tôi cứ nghĩ chuyện nhỏ thế thì sẽ qua đi, nhưng đến hôm sau anh chủ động bảo tôi rằng: “Hôm qua cậu đúng, mình sai. Là tháng 12 chứ không phải tháng 2”. Anh nói rất thoải mái, và dặn rôi rằng: “Nếu thấy điều gì sai thì phải góp ý ngay, đừng cứ để đấy rồi lại tiếp tục sai. Cái sai và cái đúng như bên trái và bên phải của con người vậy, nó thường xuyên diễn ra. Cần phải biết sửa sai thì mới tìm được cái đúng”.
Đại tướng là một người yêu sách, yêu trí thức, yêu những kiến thức hiểu biết của con người. Tôi thường xuyên bắt gặp những lúc Đại tướng đang đọc sách. Mỗi khi hỏi điều gì có trong sách vở, Đại tướng nhớ rất rõ và bảo “Cậu tìm cuốn sách ấy mà đọc, nó có nội dung đó đấy. Nếu không tìm được sách thì đến bảo chị Hà (là bà Đặng Bích Hà, vợ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – PV) tìm cho”. Hay có lần tôi mua sách để biếu Đại tướng. Tôi để trên cái gác của xe đạp, không may trời mưa bị ướt sách vì lúc đó không dùng túi nilon như bây giờ. Khi đến, thấy cuốn sách bị ướt, Đại tướng nhắc tôi lần sau phải chú ý giữ gìn. Đại tướng vẫn dạy, sách là người bạn trung thành nhất, luôn luôn ở bên mình, cho mình những điều hay nhất, không bao giờ mình bị động, lúc nào mình cần đều có ngay, cho nên phải yêu sách.
PV: Xin quay trở lại công việc chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp của bác. Bác có thể chia sẻ về một bức ảnh mà bác nhớ nhất?
Đại tá Trần Huy Khuông: Tôi chụp ảnh Đại tướng với quần chúng nhân dân rất nhiều. Nhưng nếu nói về một bức ảnh chân dung mà tôi thích nhất, đó là bức ảnh được chụp vào một dịp gần Tết nguyên đán, khi Đại tướng đang ngồi viết thiếp chúc Tết. Anh ngước lên hỏi tên của một đồng chí để viết vào tấm thiếp, và tôi bấm máy ngay lúc đó. Bức ảnh ấy Đại tướng cũng rất thích, đã được đưa vào trong một cuốn sách của Đại tướng mang tựa đề “Những bài viết chọn lọc trong thời kỳ đổi mới”.
Ngay lần đầu tiên chụp ảnh cho Đại tướng, tôi đã thấy anh có tính khôi hài. Khi ấy chụp ảnh hộ chiếu cho Đại tướng, cần phải chỉnh thế ngồi thật cẩn thận. Anh trêu tôi là “Sao cậu làm khổ mình thế!”. Sau đó, Đại tướng nói rằng, chụp những bức ảnh chân dung rất khó, làm kỹ như vậy là đúng. Đại tướng luôn khen cấp dưới như vậy.
PV: Đó là những bức ảnh có nhiều kỉ niệm đẹp. Còn những bức ảnh cuối cùng thì sao, thưa bác?
Đại tá Trần Huy Khuông: Đó là những bức ảnh tôi chụp trong những ngày tang lễ của Đại tướng, khi trong lòng rất đau xót. Những năm tháng còn trẻ, hay cả khi Cụ đã già yếu, thì Cụ vẫn ngồi được, thầy trò vẫn nói chuyện được với nhau. Nhớ lại những tình thương yêu mà Đại tướng dành cho mọi người cho những cán bộ cấp dưới như tôi, lòng tôi đau như cắt. Tôi giơ máy lên chụp mà nước mắt cứ chảy dài. Những ngày ấy, quần chúng nhân dân đến viếng Đại tướng, xếp hàng dài từ Lăng Bác, trong không khí trầm mặc, cuốn theo nỗi buồn của tôi. Tôi vẫn cố gắng để ghi lại hình ảnh những người dân với gương mặt đau buồn, người thì khóc thành tiếng, người thì lặng lẽ nước mắt tuôn rơi… Đó là những ngày buồn nhất, đau xót nhất trong cuộc đời cầm máy chụp Đại tướng của tôi.
PV: Có khi nào bác ngồi lật giở lại những bức ảnh cũ và nhớ lại những giai đoạn làm việc bên cạnh Đại tướng không ạ?
Đại tá Trần Huy Khuông: Trong những năm tháng gần đây, tôi tập trung nhiều vào việc soạn những bức ảnh của Đại tướng, ghi chú rồi ép plastic để lưu giữ trong các cuốn album. Tôi cũng gần 90 tuổi rồi, giờ không làm thì cũng không ai làm được. Ngắm mỗi tấm ảnh chụp Đại tướng, tôi vẫn thấy buồn và nhớ. Tôi vẫn nói với đồng chí vệ sĩ của Đại tướng rằng, anh Văn đi xa chúng mình đã lâu nhưng không có tuần nào, tháng nào chúng tôi không nhắc đến cụ. Cách đây tầm 10 ngày, con út của Đại tướng là anh Võ Hồng Nam có đến, và tôi đã trao cho gia đình Đại tướng cỡ tầm 3.000 tấm ảnh, đã được in ra cỡ 12x18, đưa vào gần 20 cuốn album.
PV: Vâng, xin cảm ơn bác về những chia sẻ rất cảm động về Đại tướng Võ Nguyên Giáp!./.