Đại thắng mùa xuân 1975 trong con mắt người nước ngoài

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 kết thúc bằng Chiến thắng lịch sử ngày 30.4.1975 là mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Sự kiện này còn tạo ra tiếng vang rộng lớn trên khắp thế giới.

10 giờ 45 ngày 30.4.1975, cán bộ, chiến sĩ ta yêu cầu toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn, buộc Dương Văn Minh phải lên Đài Phát thanh Sài Gòn tuyên bố đầu hàng cách mạng không điều kiện Ảnh: TTXVN

10 giờ 45 ngày 30.4.1975, cán bộ, chiến sĩ ta yêu cầu toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn, buộc Dương Văn Minh phải lên Đài Phát thanh Sài Gòn tuyên bố đầu hàng cách mạng không điều kiện Ảnh: TTXVN

Chiến thắng vĩ đại

Đánh giá về tầm vóc và ý nghĩa sự kiện lịch sử này, Đại hội lần thứ IV của Đảng đã khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của Nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.

Đối với bạn bè quốc tế, đây được coi là một sự kiện “chấn động địa cầu”. Ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngày 3.5.1975, báo Nhân dân lao động của Myanmar có đoạn: “Với việc giải phóng Sài Gòn, cuộc chiến tranh cuối cùng ở Đông Dương đã chấm dứt… Thất bại của Mỹ là một bằng chứng cho thấy rằng thời đại chính sách dựa vào sức mạnh đã qua rồi”. Ngày 4.5.1975, báo Phẩm giá - cơ quan ngôn luận của Đảng Dân chủ Guinea khẳng định: “Thắng lợi này của nhân dân Việt Nam là một đóng góp vô giá, một tấm gương lịch sử đối với cách mạng thế giới mà các thế hệ ngày nay và mai sau mãi mãi khâm phục, chiêm ngưỡng và cần phải học tập”. Trong khi đó, tại Mỹ, tờ Điện tín New York cho rằng, việc Mỹ dính líu vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam là “một sự hy sinh vô ích về sinh mạng và tiền của người Mỹ”, còn các bản tin hằng ngày gọi sự kiện ngày 30.4.1975 là “một chương bi thảm trong lịch sử nước Mỹ”.

Trong con mắt các nhà lãnh đạo một số nước xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ, đây là sự kiện lịch sử đầy ý nghĩa. L.I.Brê-giơ-nép, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô khẳng định “Thắng lợi tuyệt diệu ở miền Nam Việt Nam mở ra một giai đoạn quan trọng, nước Việt Nam độc lập, hòa bình, thống nhất và giàu mạnh”. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc, độc lập tự do được khôi phục, đó là tiền đề để Việt Nam bước vào giai đoạn mới, giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước. Đại thắng mùa xuân là bước ngoặt lịch sử, đưa dân tộc Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn cả nước quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, vì cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam được coi là cuộc “đụng đầu lịch sử” giữa nhân dân Việt Nam và thế giới yêu chuộng tự do, hòa bình với âm mưu bá quyền thế giới của Mỹ nên thắng lợi của cuộc kháng chiến này không chỉ ở tầm quốc gia mà có tầm quốc tế. Chính vì vậy, Chủ tịch Cu-ba Phi-đen Ca-xtơ-rô đánh giá đại thắng mùa xuân 1975 là “một trong những chiến công oanh liệt vĩ đại nhất của loài người”, “một trong những sự kiện vĩ đại nhất trong lịch sử hiện đại, sau thắng lợi của cách mạng Tháng Mười, sau chiến thắng chủ nghĩa phát xít”, là dấu mốc quan trọng trong tiến trình lịch sử cách mạng thế giới. Chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành khẳng định đại thắng mùa xuân năm 1975 “là thắng lợi chung của tất cả nhân dân cách mạng trên thế giới, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh chống đế quốc, giải phóng dân tộc của các dân tộc bị áp bức”.

Nó không chỉ là thắng lợi của một dân tộc bị áp bức (Việt Nam) chống lại chủ nghĩa thực dân mới, giành độc lập cho dân tộc mình mà là thắng lợi chung của các dân tộc bị áp bức trên thế giới trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông khẳng định “Thắng lợi của các đồng chí đã cổ vũ hết sức mạnh mẽ tất cả các dân tộc và nhân dân bị áp bức đang đấu tranh, nêu gương sáng chói cho sự nghiệp cách mạng chống đế quốc Mỹ của nhân dân toàn thế giới”.

Như vậy, thế giới đánh giá rất cao sự kiện Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 cả trên bình diện quốc gia và quốc tế. Đại thắng mùa xuân đã trở thành một dấu mốc quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới.

Nguyên nhân thắng lợi

Đại thắng mùa xuân năm 1975 cũng giống như chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, làm chấn động địa cầu, rung chuyển cả thế giới khi đó, khiến nước Mỹ bàng hoàng, thế giới kinh ngạc. Tổng thống Mỹ Ních-xơn phải chua chát thú nhận “Tấm thảm kịch Việt Nam đã làm tổn thương nước Mỹ, làm tổn hại chúng ta trong con mắt bạn bè nước ngoài, hạ thấp chúng ta trong con mắt đối phương. Nhưng nó làm tổn thương chúng ta nhiều nhất ở trong nước. Sự thất bại của chúng ta ở Việt Nam làm hổ thẹn một nước mà không mấy khi thất bại”.

Đi tìm nguyên nhân tại sao Mỹ lại thua cuộc tại Việt Nam luôn là vấn đề đau đáu của cả chính giới và những nhà nghiên cứu Mỹ. Sau hơn 20 năm khi cuộc chiến tranh ở Việt Nam kết thúc, R. Mắc Na-ma-ra - Bộ trưởng Quốc phòng thời kỳ Giôn-xơn làm tổng thống, trong hồi ký "Nhìn lại quá khứ, tấm thảm kịch và bài học Việt Nam" nhận ra sai lầm rằng nước Mỹ “đã đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc thúc đẩy Việt Nam đấu tranh và hy sinh cho lý tưởng và các giá trị của nó”. Nước Mỹ tiến hành xâm lược Việt Nam nhưng chưa hiểu biết sâu sắc, đầy đủ về con người, văn hóa Việt Nam. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam chính là nhân tố quyết định sự tồn vong, hưng thịnh của dân tộc Việt Nam. Dân tộc Việt Nam đã trụ vững và tiếp tục tồn tại, phát triển trước biết bao cơn phong ba, bão táp của lịch sử là nhờ biết phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc trong mỗi con người Việt Nam. Chủ nghĩa yêu nước, ý chí, quyết tâm giữ vững độc lập dân tộc, tinh thần tự cường của người Việt Nam đã được hun đúc và bồi đắp qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Đó là vũ khí tinh thần để người Việt Nam có thể đương đầu với những kẻ thù xâm lược lớn mạnh hơn mình gấp nhiều lần.

Nữ nghệ sĩ điện ảnh nổi tiếng người Mỹ Giên Phon-đa, trong thư gửi báo ảnh Việt Nam ngày 22.7.1972 thừa nhận “chúng tôi đã tự hỏi tại sao và làm thế nào mà một nước nhỏ bé về mặt địa lý như Việt Nam lại không sợ sức mạnh kỹ thuật của Mỹ và có thể ngăn chặn một cuộc tiến công mạnh mẽ của đủ loại vũ khí Mỹ. Chúng tôi đã đứng trước một sự thật là: bởi vì các bạn biết tại sao các bạn đang chiến đấu…”. Nếu như trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, lính Mỹ tham gia vì những bảo đảm vật chất nên họ dễ bị mất tinh thần, hoang mang, dao động, trở nên yếu đuối trước khó khăn, thất bại thì mỗi người Việt Nam đi vào cuộc chiến đấu và lao động một cách tự giác, vô tư, không đòi hỏi, với quyết tâm bảo vệ quê hương, đất nước khỏi sự nô dịch và phụ thuộc, về với quê hương, với niềm tin sâu sắc vào cuộc sống tương lai nên họ không dễ bị lung lạc về tinh thần khi gặp khó khăn, thất bại. Vì con người sống có lý tưởng cao đẹp, biết được mình đang chiến đấu, hy sinh vì cái gì, mục đích gì nên họ mạnh mẽ hơn, kiên quyết hơn và dũng cảm hơn. Và vì mỗi người Việt Nam đều có chung một ý chí, lý tưởng là kiên quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giành lại độc lập, tự do cho đất nước, họ tìm thấy lợi ích riêng trong lợi ích chung đó nên họ đã gắn kết chặt chẽ với nhau tạo thành một khối thống nhất, một sức mạnh tổng lực để vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Tại sao Việt Nam lại có đủ sức mạnh để đương đầu với Mỹ? Bí mật sức mạnh đó đã được các nhà nghiên cứu tìm ra ở sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc trong mỗi con người Việt Nam. Nhưng chỉ đó thôi dường như vẫn chưa đủ. Họ còn tìm thấy ở người Việt Nam trí tuệ, thông minh, khả năng sáng tạo, linh hoạt. Nữ văn sĩ Mỹ Ma-ri T. Mác Các-ti đã ghi vào sổ cảm tưởng của Viện Bảo tàng cách mạng Việt Nam ngày 20.3.1968: “Tôi rất xúc động trước sức mạnh sinh tồn của họ, sức mạnh này dường như bắt nguồn từ sự kết hợp trí thông minh, mưu lược và lòng tự hào”. Trí tuệ và sự thông minh tuyệt vời giúp người Việt Nam thắng Mỹ. Đó là trí tuệ của một dân tộc có truyền thống “lấy yếu đánh mạnh”, “lấy ít địch nhiều”, biết khoét sâu chỗ yếu của địch, phát huy chỗ mạnh của mình, biết làm suy yếu sức mạnh của địch và tăng cường sức mạnh cho mình. Trí thông minh, sự sáng tạo tuyệt vời ấy của dân tộc thể hiện tập trung ở sự lãnh đạo của Đảng, của Bộ Chính trị, Bộ Tổng tư lệnh của cuộc kháng chiến. Đó là nguyên nhân tạo nên sức mạnh Việt Nam…

T. H (tổng hợp)

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/chinh-tri/dai-thang-mua-xuan-1975-trong-con-mat-nguoi-nuoc-ngoai-202240