Đái tháo đường gây hàng loạt biến chứng
Việt Nam hiện có khoảng 7 triệu người mắc bệnh đái tháo đường. Đáng lo ngại là số ca mắc và biến chứng đang có xu hướng gia tăng
Bác sĩ chuyên khoa II Hứa Anh Đức, Khoa Dịch kính - Võng mạc Bệnh viện Mắt TP HCM, cho biết biến chứng đái tháo đường (tiểu đường) lên mắt dẫn đến các bệnh lý võng mạc, thậm chí mù lòa, thường gặp ở những người mắc bệnh lâu năm và ít được kiểm soát tốt.
Có thể gây mù lòa
Ông P.V.T (57 tuổi, ngụ TP HCM) có tiền sử mắc bệnh tiểu đường 15 năm. Tuy nhiên, ông cho rằng điều trị đường huyết ổn thì sẽ không có biến chứng. Gần đây, ông cảm thấy mắt mờ nhưng nghĩ là do dấu hiệu tuổi tác nên không thăm khám sớm. Chỉ đến khi mắt không nhìn rõ, ông mới đến Bệnh viện Mắt TP HCM kiểm tra.
Tại đây, bác sĩ chẩn đoán ông bị bệnh lý võng mạc do biến chứng từ tiểu đường. Ông T. được chỉ định liệu trình tiêm thuốc trực tiếp vào mắt, nhằm ngăn chặn sự tiến triển của bệnh và giảm nguy cơ mù lòa. Mỗi tháng, ông phải tiêm một mũi thuốc. Do bị biến chứng ở cả hai mắt, ông phải đến bệnh viện tiêm vào 2 ngày khác nhau. Hiện thị lực của ông đã dần cải thiện. Tuy nhiên, bác sĩ khuyến cáo ông cần tái khám định kỳ để theo dõi tình trạng bệnh, vì bệnh có thể tái phát nếu không kiểm soát tốt.
Bác sĩ Đức cũng cho biết bệnh võng mạc tiểu đường là nguyên nhân phổ biến gây mù lòa ở người mắc bệnh. Bệnh tiến triển qua nhiều giai đoạn - từ sớm, tăng sinh, chảy máu, phù hoàng điểm, mù lòa. Ở giai đoạn sớm, bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng và chỉ được phát hiện qua việc khám soi đáy mắt định kỳ. Các triệu chứng thấy rõ khi bệnh tiến triển nặng như nhìn mờ, bong thủy tinh thể, bong võng mạc, mất thị lực một phần hoặc toàn bộ. Khi có triệu chứng như mờ mắt thì bệnh đã trở nặng, việc điều trị lúc này trở nên phức tạp, tốn kém hơn.
Bác sĩ Đức nhấn mạnh nguy cơ chính của bệnh võng mạc tiểu đường là thời gian mắc bệnh. Với những người mắc tiểu đường từ 10 năm trở lên, khả năng biến chứng võng mạc ở mức 30%; sau 30 năm, con số này tăng lên 90%. Ngoài ra, việc kiểm soát đường huyết, huyết áp không tốt cũng như cùng mắc các bệnh lý khác như suy thận, tiểu đường thai kỳ cũng ảnh hưởng lớn đến diễn tiến của bệnh.
Phương pháp điều trị bệnh võng mạc tiểu đường phổ biến là tiêm thuốc trực tiếp vào mắt, kết hợp với laser và phẫu thuật nếu cần thiết. Thời gian tiêm thuốc còn tùy cơ địa của mỗi người. Bệnh nhân cần tuân thủ điều trị trong thời gian dài, trung bình mỗi tháng, chi phí để tiêm thuốc bao gồm đi lại, ăn ở, thuốc dao động 5 - 7 triệu đồng, gây khó khăn cho nhiều người về mặt tài chính.
Điều trị đúng cách
Các bác sĩ khuyến cáo việc phát hiện sớm và điều trị đúng cách là chìa khóa để ngăn ngừa mù lòa do biến chứng tiểu đường lên mắt. Những người mắc bệnh nên khám mắt định kỳ mỗi năm để kiểm soát bệnh.
Bác sĩ chuyên khoa I Đỗ Tiến Vũ, Khoa Nội tiết - Đái tháo đường Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TP HCM), cho biết bệnh tiểu đường nếu không kiểm soát tốt đường huyết sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm như suy thận, suy tim, tổn thương võng mạc, nhiễm toan ceton, cắt bỏ bàn chân. Để kiểm soát tốt đường huyết, người bệnh cần duy trì thói quen ăn uống và hoạt động thể chất lành mạnh mỗi ngày.
Bên cạnh đó, cần tái khám nhiều lần, ít nhất 4 lần/năm, đồng thời chủ động theo dõi đường huyết thường xuyên, dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Tùy tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh kiểm tra mắt, chức năng thận, tổn thương thần kinh, bệnh tim, bàn chân để phát hiện và điều trị sớm các biến chứng. Đặc biệt, không hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc nhiều biến chứng nguy hiểm. Ngoài ra, hạn chế ăn chất béo bão hòa từ động vật, chất béo chuyển hóa (mỡ heo, da gà, da heo, bơ, sữa…), đồ ăn mặn, uống rượu bia làm tăng cholesterol trong máu, gây biến chứng về tim mạch, đột quỵ…
Ưu tiên sử dụng mỡ giàu axít béo
Các bác sĩ lưu ý nên ưu tiên sử dụng các loại mỡ giàu axít béo chuỗi dài như mỡ cá và dầu hạt thay vì mỡ động vật. Lượng muối nêm nếm nên hạn chế ở mức dưới 2 - 3 g/ngày, tốt nhất là không chấm thêm muối, nước tương hoặc nước mắm khi ăn. Để tạo vị ngọt trong món ăn, có thể sử dụng các loại chất điều vị thay thế cho đường. Người bệnh cần tránh xa các loại nước ngọt, bánh kẹo hoặc thực phẩm chứa nhiều đường. Nên tập trung vào 3 bữa ăn chính trong ngày và tránh ăn vặt, đặc biệt quan trọng đối với bệnh nhân đang sử dụng thuốc tiêm insulin.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dai-thao-duong-gay-hang-loat-bien-chung-196240928185419309.htm