Đại thủy nông Ayun Hạ, sức sống cho vùng chảo lửa khô cằn

Các huyện phía Đông Nam tỉnh Gia Lai, trong lưu vực sông Ayun, từng là chảo lửa khô cằn, người dân chật vật khó khăn. Nhưng từ năm 2002, khi công trình đại thủy nông Ayun Hạ hoàn thành, chảo lửa cằn khô ngàn năm ấy đã nhanh chóng đổi vận, trở thành bồn địa tươi xanh, bạt ngàn lúa 2 vụ.

Thủy nông Ayun Hạ và vùng canh nông trù phú trong lưu vực tưới, xứng đáng là điểm nhấn thành tựu của Đảng bộ, nhân dân Gia Lai trong 50 năm kể từ ngày đất nước thống nhất.

Ayun Hạ là công trình thủy lợi khai thác tổng hợp nguồn nước lớn nhất Tây Nguyên có mặt nước lên tới 37 km², dung tích 253 triệu m³.

Ayun Hạ là công trình thủy lợi khai thác tổng hợp nguồn nước lớn nhất Tây Nguyên có mặt nước lên tới 37 km², dung tích 253 triệu m³.

Ông Rmah Dmeo, một nông dân ở làng RBai, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai đang thu hoạch lúa vụ đông xuân. Cùng các hộ dân trong làng canh tác mô hình cánh đồng lớn, nên năng suất lúa của gia đình Rmah Dmeo cũng như các hộ khác, đều đạt gần 8 tấn/1ha. Ông chia sẻ, làm lúa bây giờ rất thuận lợi nhờ nguồn nước không bao giờ khô cạn từ thủy lợi Ayun Hạ. Cùng với đó, bà con đã biết sử dụng những giống lúa năng suất cao, cơ giới hóa trong làm đất, gieo cấy và thu hoạch.

“Hiện nay làm lúa rất thuận lợi, không khó khăn như trước nữa, nước tưới tiêu đến tận ruộng đồng, bà con thì làm đồng bằng máy móc hiện đại. Mong muốn bà con tiếp tục siêng năng làm ăn, học hỏi, tiếp tục có những giống lúa mới để năng suất tiếp tục được nâng cao. Ngày xưa thì bà con chỉ làm một vụ lúa thôi, nhưng bây giờ bà con đã làm được hai vụ rồi”, ông Rmah Dmeo cho hay.

Từ Phú Thọ vào lập nghiệp ở thôn Đoàn Kết, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện gần 30 năm, ông Nguyễn Văn Việt cảm nhận rõ đổi thay mà Ayun Hạ tạo nên cho vùng đất khô cằn. Tầng đất mặt ở vùng này quá mỏng, không thể trồng cây công nghiệp.

Ayun Hạ ăm ắp nước trong cao điểm mùa khô Tây Nguyên

Ayun Hạ ăm ắp nước trong cao điểm mùa khô Tây Nguyên

Trong suốt mấy năm đầu mới định cư, gia đình ông chỉ trồng được lúa một vụ mùa mưa, còn mùa khô thì ruộng đồng xác xơ, nứt nẻ. Nhưng từ năm 2002, khi công trình Ayun Hạ đi vào hoạt động, cây lúa đã nhanh chóng làm chủ cả thung lũng rộng lớn. Và từ đó, với 2ha ruộng, gia đình ông Việt thu hàng chục tấn thóc mỗi năm. Riêng vụ đông xuân 2024-2025, ông thu 35 tấn, kinh tế đã đủ đầy.

“Từ khi có kênh của Ayun Hạ, có nước thì nhân dân phát triển được cây lúa nước, ổn định, làm nên sản phẩm, người dân có thu nhập phát triển kinh tế gia đình, sắm sửa được nhà cửa, cuộc sống con cái ăn học đầy đủ”, ông Việt cho hay.

Hồ Ayun Hạ có mặt nước 37 km², dung tích 253 triệu m³, tưới cho 13.500 ha lúa nước và cung cấp nước sinh hoạt cho hàng chục nghìn hộ dân. Lấy cây lúa làm điểm tựa, người dân các huyện Đông Nam tỉnh Gia Lai dần đa dạng hóa hệ sinh thái nông nghiệp, xây dựng được vùng nguyên liệu mía, phát triển cây ăn trái, chăn nuôi bò… Cơ giới hóa và khoa học kỹ thuật đã được áp dụng rộng rãi, giúp nâng cao năng suất và giá trị nông sản. Ông Phạm Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện, khẳng định Đại thủy nông Ayun Hạ có vai trò quyết định trong những đổi thay này.

Bà con đưa cơ giới hóa vào sản xuất để tăng năng suất và sản lượng lúa

Bà con đưa cơ giới hóa vào sản xuất để tăng năng suất và sản lượng lúa

“Kể từ khi có công trình thủy lợi Ayun Hạ thì bà con đã thay đổi được tập quán canh tác từ nước trời không ổn định và từng bước chuyển đổi sang các loại cây trồng theo hướng chuyên canh, giúp bà con thay đổi nếp nghĩ cách làm để tạo ra những mô hình sản xuất nông nghiệp ổn định mang lại hiệu quả kinh tế cao. Công trình thủy lợi Ayun Hạ cũng giúp bà con nông dân sản xuất nông nghiệp được chủ động về nguồn nước tưới, sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, ổn định, cải thiện thu nhập, kinh tế phát triển khởi sắc góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững”, ông Lượng nói.

Thủy lợi Ayun Hạ không chỉ tưới mát vùng mía, vùng lúa và cây ăn quả rộng lớn ở Đông Nam tỉnh Gia Lai mà còn giúp nảy mầm những thương hiệu. Như thương hiệu “Gạo Phú Thiện”, bây giờ đã có mặt ở khắp thị trường trong nước được người tiêu dùng đánh giá cao. Thương hiệu yến sào ở thung lũng này đang được xây dựng. Ông Ral Lan Chung, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cho biết, tỉnh đang kiến nghị nâng cấp công trình, phục vụ kế hoạch của tỉnh về mở rộng các cánh đồng lớn chuyên canh, cơ giới hóa.

“Tỉnh đánh giá đây là công trình thủy lợi mang lại lợi ích vô cùng to lớn cho bà con nhân dân. Tỉnh cũng đang đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường nâng mức hồ đập lên để tiếp tục phục vụ cho những nơi trước đây là vùng cao, khô cằn, nước không lên tới, khi nâng mức hồ đập lên thì nguồn nước này sẽ phục vụ tưới tiêu cho toàn bộ diện tích lâu nay nước chưa về tới”, ông Ral Lan Chung khẳng định.

Thương hiệu "Gạo Phú Thiện" nổi tiếng trên thị trường, được người tiêu dùng đánh giá cao

Thương hiệu "Gạo Phú Thiện" nổi tiếng trên thị trường, được người tiêu dùng đánh giá cao

Đại thủy nông Ayun Hạ không chỉ mang nước tưới về cho những cánh đồng khô hạn, mà còn mang đến cả một cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho hàng nghìn hộ dân. Những cánh đồng lúa xanh mượt, những trang trại trù phú, và những nụ cười mãn nguyện của người dân chính là minh chứng sống động cho sự đổi thay kỳ diệu trên vùng đất này. Trong tương lai, với kế hoạch mở rộng và nâng cấp, công trình Ayun Hạ hứa hẹn tiếp tục là nguồn lực quan trọng để phát triển nông nghiệp bền vững, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho sự thịnh vượng của vùng Đông Nam tỉnh Gia Lai.

Hoàng Qui/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/dai-thuy-nong-ayun-ha-suc-song-cho-vung-chao-lua-kho-can-post1193973.vov