Đại tiện ra máu, đi khám mới phát hiện polyp 'khổng lồ'
Hầu hết polyp đại trực tràng là vô hại nhưng một số có thể phát triển thành ung thư đại tràng khiến bệnh nhân tử vong nếu được phát hiện ở giai đoạn muộn.
Khoa Nội soi và Thăm dò chức năng, Bệnh viện ung bướu Đà Nẵng vừa thực hiện ca phẫu thuật cắt polyp "khủng" ở trực tràng cho bệnh nhân Nguyễn Văn Đ., 57 tuổi, sống tại Quảng Nam.
Bệnh nhân Nguyễn Văn Đ. là thương binh, bị tâm thần phân liệt, có nhiều bệnh lý nội khoa đi kèm. Thời gian gần đây, bệnh nhân có triệu chứng đại tiện ra máu bầm lẫn máu tươi. Sau khi thăm khám, bệnh nhân được chỉ định thực hiện nội soi đại trực tràng.
Nội soi phát hiện: bệnh nhân có 3 polyp ở đại tràng sigma kích thước từ 1,3-2,5cm và 1 polyp lớn ở trực tràng – cách rìa hậu môn 6-7cm, chiếm hết lòng trực tràng. Trên hình ảnh CTscan cho thấy khối u này có kích thước 3,5x6cm. Bệnh nhân đã được tiến hành cắt polyp qua nội soi và đã ổn định và xuất viện.
Giải phẫu bệnh khối u sau khi được cắt cho kết quả: U tuyến ống nghịch sản độ cao – một loại tổn thương tiền ung thư.
ThS.BS Nguyễn Ngọc Sơn, là bác sĩ thực hiện cắt polyp cho bệnh nhân Đ., cho biết: "Bệnh nhân có khối polyp lớn ở trực tràng đang chảy máu, vì vậy cần phải xử trí can thiệp. Nếu tiến hành phẫu thuật thì rất nặng nề cho bệnh nhân vì bệnh nhân có nhiều bệnh nền, bị tâm thần phân liệt. Thêm vào đó, với vị trí khối u ở trực tràng như vậy, khi phẫu thuật, bệnh nhân có khả năng rất cao phải mang hậu môn nhân tạo vĩnh viễn. Việc thực hiện thành công cắt polyp qua nội soi đã tránh cho bệnh nhân một cuộc phẫu thuật nặng nề".
Bác sĩ Sơn thông tin thêm, phần lớn ung thư đại trực tràng là có nguồn gốc từ polyp, do đó việc phát hiện và xử lý polyp qua nội soi sẽ giúp ngăn chặn được quá trình phát triển thành ung thư. Những người có các yếu tố nguy cơ cao như: trên 50 tuổi, có tiền sử gia đình bị ung thư hoặc polyp đại trực tràng, hút thuốc, uống rượu bia nhiều… nên nội soi đại trực tràng để tầm soát ung thư.
Ung thư đại tràng có thể phòng tránh được thông qua thói quen ăn uống lành mạnh.
Có nhiều yếu tố nguy cơ mà mọi người có thể phòng tránh được như: Các loại thịt đỏ (thịt bò, thịt cừu) được xem là có liên quan mật thiết đến ung thư đại tràng. Ăn khoảng 160g/ngày hoặc chế độ ăn với thịt quá 5 lần/tuần có nguy cơ cao gấp 3 lần. Dưới hình thức chiên, nướng, thịt xông khói, dăm bông, xúc xích, chất đạm sẽ làm tăng yếu tố sinh ung thư, còn mỡ sẽ bị chuyển hóa bởi vi khuẩn trong lòng ruột, làm tăng sản các tế bào biểu mô bất thường và phát triển thành ung thư. Ăn nhiều thịt, mỡ, đạm, ít chất xơ dễ dẫn đến béo phì và có nguy cơ cao gây ung thư đại tràng, nên cần thay đổi chế độ ăn khoa học hơn để phòng bệnh.
Trong khi đó, các thức ăn chứa nhiều chất xơ (rau xanh, trái cây) giúp làm giảm nguy cơ này vì chất xơ giúp gia tăng tiêu thụ acid folic, gia tăng kết hợp chất xơ với các yếu tố sinh ung thư dẫn đến việc loại khỏi lòng ruột sớm vì giảm thời gian ứ đọng phân. Ngoài ra, chất xơ làm giảm pH trong lòng đại tràng và tăng sản xuất các acid béo chuỗi ngắn và yếu tố vi lượng chống hiện tượng ôxy hóa. Các loại nước uống chứa cồn làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng. Thuốc lá được biết đến như là những “sát thủ” của bệnh lý tim mạch hay ung thư phổi. Gần đây nó được công nhận là những yếu tố nguy cơ rất quan trọng gây ung thư đại tràng cho cả hai giới, nhất là khi kết hợp với rượu bia. Ngoài ra, hoạt động thể lực, vận động hay luyện tập thể dục cũng làm giảm nguy cơ mắc ung thư đại tràng.
Minh Hoa (t/h)