Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức hội thảo về nâng cao kỹ năng làm phóng sự tài liệu phát thanh
Ngày 14/6, Liên Chi hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) phối hợp với Chi hội nhà báo Ban Văn hóa - Xã hội (VOV2), tổ chức Hội thảo chủ đề 'Phóng sự tài liệu phát thanh: Kỹ năng và giải pháp'.
Phát biểu tại hội thảo, nhà báo Phạm Mạnh Hùng - Phó Tổng Giám đốc VOV cho biết, VOV là “anh cả” trong ngành phát thanh cả nước, có rất nhiều thể loại báo chí mà chúng ta mới chỉ được tiếp cận được trong vài năm trở lại đây, trong đó, phóng sự tài liệu phát thanh không phải là thể loại được nhiều đơn vị truyền thông của Đài có thể thực hiện một cách nhuần nhuyễn. Khi tham gia giải thưởng ABU của Hiệp hội phát thanh - truyền hình châu Á - Thái Bình Dương, nơi quy tụ 270 đài phát thanh, truyền hình lớn nhất thế giới đến từ 70 quốc gia và vùng lãnh thổ thì chúng ta mới tiếp cận với thể loại này.
“Hội thảo sẽ cung cấp thông tin, kỹ năng, giúp các đồng nghiệp VOV có thêm kinh nghiệm để thực hiện các phóng sự tài liệu phát thanh. Hy vọng các sản phẩm phát thanh này sẽ xuất hiện ngày càng nhiều trên các kênh của VOV và trên các nền tảng số”, nhà báo Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Tại hội thảo, nhiều tham luận đã được các PV, BTV của VOV trình bày, chia sẻ những kỹ năng, kinh nghiệm sản xuất một tác phẩm Phóng sự tài liệu phát thanh.
Theo phóng viên Bá Duy - Chi hội nhà báo Ban Văn hóa - Xã hội (VOV2): “Phóng sự tài liệu phát thanh là một dạng của phóng sự phát thanh, được kể bằng ngôn ngữ phát thanh, có thời lượng đủ dài và tập trung tái hiện về con người, sự việc, sự kiện xảy ra trong đời sống xã hội ở cả quá khứ và hiện tại. Nó không đơn thuần là tường thuật lại sự kiện, sự việc, con người mà tập trung khai thác sâu về chủ đề với những chi tiết cụ thể, chân thực, sinh động, lối kể chuyện hấp dẫn, chân thực và có tác động mạnh mẽ cảm xúc của người nghe, từ đó đưa ra thông điệp hoặc một giải pháp cụ thể”.
Phóng viên Nguyễn Trần Anh Thu - Chi hội nhà báo Ban Văn hóa - Xã hội (VOV2) thì cho biết, chị rất thích làm phóng sự tài liệu phát thanh. “Khi sản xuất phóng sự tài liệu phát thanh, tôi cảm giác mình gần như phải học lại từ đầu kỹ năng làm báo như cách thuyết phục, cách phỏng vấn… Đặc biệt, khi thực hiện tác phẩm “Minh Minh” vừa rồi, tôi nghĩ sau khi hoàn thành tác phẩm tôi có thể đi làm tư vấn tâm lý hoặc là nhân viên bán hàng được rồi. Vì tôi phải nghiên cứu tâm lý nhân vật, ứng biến khi nhân vật phản ứng, rồi cách thuyết phục để nhân vật mở lòng… Tôi như sống cuộc đời của chính họ”.