Đại Từ xây dựng xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Với mục tiêu nâng cao chất lượng xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, thời gian qua, huyện Đại Từ đã triển khai nhiều giải pháp và đạt được những kết quả tích cực.
Xã Phúc Lương là địa phương dẫn đầu huyện về tổng số điểm đánh giá các tiêu chí xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Ông Vũ Thanh Hưng, Chủ tịch UBND xã Phúc Lương, cho biết: Để xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, UBND xã có kế hoạch và phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ, công chức chuyên môn phụ trách từng tiêu chí; đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức và người dân về ý nghĩa của việc xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Kết quả, năm 2022 xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật với tổng điểm đánh giá 5 tiêu chí là 100 điểm. Hiện tại, các giải pháp vẫn đang được chúng tôi thực hiện thường xuyên với mục tiêu duy trì thứ hạng trong các năm tiếp theo.
Xác định việc xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là nhiệm vụ quan trọng, hàng năm, Phòng Tư pháp tham mưu UBND huyện xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai; tích cực hướng dẫn các địa phương thực hiện các tiêu chí xã, thị trấn đạt chuẩn pháp luật; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở và tăng cường khả năng tiếp cận thông tin về pháp luật cho người dân, gắn với thực hiện Luật Tiếp cận thông tin.
Từ đầu năm đến nay, các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn đã tổ chức trên 1.500 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp cho người dân. Trong đó, Phòng Tư pháp huyện đã tổ chức 60 hội nghị tuyên truyền tại các xã, thị trấn, tập trung vào các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, với gần 7.300 lượt người tham gia…
Trong năm, huyện đã tổ chức biên soạn, cấp phát 60.000 tờ gấp tìm hiểu về các thủ tục hành chính, Luật Thực hiện dân chủ cơ sở; trên 1.500 tài liệu tuyên truyền Luật Hòa giải ở cơ sở… Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện, hệ thống loa truyền thanh cơ sở thực hiện hàng nghìn tin, bài tuyên truyền về các văn bản pháp luật hiện hành.
Bên cạnh đó, huyện đã công nhận 408 tuyên truyền viên pháp luật của xã, thị trấn; 100% tuyên truyền viên được cập nhật kiến thức pháp luật và bồi dưỡng kỹ năng tuyên tuyền, phổ biến pháp luật.
Việc đánh giá xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn cũng được các địa phương quan tâm và thực hiện nghiêm túc, đúng trình tự theo quy định. UBND các xã, thị trấn sẽ tự đánh giá, chấm điểm, sau đó lập hồ sơ trình Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật huyện. Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND huyện ban hành quyết định công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định hiện hành.
Năm 2022, huyện Đại Từ có 29/29 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Nhiều địa phương có tổng điểm cao, dao động từ 90-100 điểm, như: Tiên Hội, Yên Lãng, Phú Xuyên, Cù Vân, Hùng Sơn…
Bà Phạm Thị Lựu, Trưởng Phòng Tư pháp huyện, thông tin: Liên tục trong 2 năm (2021 và 2022), 100% xã, thị trấn của huyện đều được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Có thể nói rằng, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở đã đi vào nề nếp. Nhận thức về nhiệm vụ xây dựng chuẩn tiếp cận pháp luật của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, công chức các xã, thị trấn ngày càng được nâng lên.
Theo đánh giá của Sở Tư pháp đầu tháng 11 vừa qua, về mức độ đạt chuẩn các tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới do Sở Tư pháp phụ trách, 100% xã của huyện Đại Từ đủ điều kiện được công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; huyện đủ điều kiện được công nhận huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.