Đại tướng Chu Huy Mân trong ký ức của Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương

Sinh thời, Đại tướng Chu Huy Mân, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và tôi có nhiều giai đoạn gắn bó, làm việc cùng nhau. Giờ đây, tôi đã ở tuổi bách niên, mà khi nhắc tới anh và những kỷ niệm xưa tôi như sống lại ký ức của một thời thanh niên hoạt động sôi nổi.

Tôi được biết anh Hai Mạnh, tức Đại tướng Chu Huy Mân (tên thật là Chu Văn Điều) từ đầu năm 1943 khi tôi bị thực dân Pháp bắt giam tại nhà lao tỉnh Quảng Nam. Lúc này anh Mân vừa trốn tù từ Đắk Tô về Vĩnh Điện (Quảng Nam) và làm giúp việc cho hiệu bánh kẹo của bà Đức Long, một gia đình rất có cảm tình với cách mạng. Làm công ở đây, khi đi bán kẹo lạc dạo anh tranh thủ tìm cách liên lạc với phong trào, với các cơ sở của Đảng đang hoạt động ở địa phương.

 Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương trò chuyện với phóng viên tại nhà riêng. Ảnh: TUẤN TÚ

Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương trò chuyện với phóng viên tại nhà riêng. Ảnh: TUẤN TÚ

Thời gian này, bọn quản giáo thường cho chính trị phạm ở nhà giam Vĩnh Điện ra sông Vĩnh Điện gánh nước về cho Tỉnh đường nên anh em tù gặp được anh Mân. Ban đầu chúng tôi còn nghi ngờ anh là Trostky nhưng sau được xác minh là một chiến sĩ cách mạng vượt ngục đang tìm liên lạc với Đảng. Sau khi nắm được lai lịch, chúng tôi báo cáo lên trên tiếp tục theo dõi để nắm thêm, từ đó củng cố khẳng định anh là một thanh niên xứ Nghệ, đóng vai người đi làm thuê đang ẩn thân để hoạt động. Đến đầu năm 1945, khi anh Trần Văn Quế và anh Nguyễn Giám ở nhà lao Buôn Ma Thuột bị giải về an trí ở Phú Bài (Huế), nhảy tàu về với Đảng bộ Quảng Nam, lập tỉnh ủy lâm thời. Tỉnh ủy quyết định mời đồng chí Chu Huy Mân tham gia tỉnh ủy.

Đó là vào một ngày tháng 5-1945, tại bến đò Ông Đốc, Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức hội nghị mở rộng. Hội nghị bổ sung anh Chu Huy Mân, Huỳnh Ngọc Huệ, Phan Bá (tức Phan Bình) và tôi-cũng vừa ra tù, vào Tỉnh ủy. Anh Chu Huy Mân được phân công phụ trách khu vực tỉnh lỵ Quảng Nam, anh Huệ phụ trách Đà Nẵng. Trong thời khắc vô cùng ý nghĩa này, anh xúc động xin được lấy bí danh là Lạc. Sau này tôi được anh kể, sở dĩ lấy bí danh là Lạc bởi lúc đó khi chưa tìm lại được cơ sở, anh đang bị lạc Đảng vì vậy anh đi bán kẹo lạc để tìm cách liên lạc với Đảng.

Đồng chí Chu Huy Mân khi mới ra khỏi nhà tù của thực dân Pháp, về hoạt động ở tỉnh Quảng Nam (năm 1945). Ảnh tư liệu

Đồng chí Chu Huy Mân khi mới ra khỏi nhà tù của thực dân Pháp, về hoạt động ở tỉnh Quảng Nam (năm 1945). Ảnh tư liệu

Sau hội nghị, anh Lạc-tức Chu Huy Mân tiếp tục gánh kẹo lên Mỹ Lược (Duy Xuyên, Quảng Nam) để bán. Từ đó anh có điều kiện xuôi ngược trên những chiếc đò của cơ sở cách mạng trên sông Ông Đốc-chợ Mỹ Lược xuôi dòng Thu Bồn, tuyên truyền vận động quần chúng ủng hộ Đảng cộng sản, tích cực chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Ngày 18-8-1945, Quảng Nam tự hào cùng

các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, là 4 tỉnh đầu tiên trong cả nước giành được chính quyền. Anh Mân ở lại một thời gian ngắn thì Trung ương điều về Quân khu 4. Suốt thời gian được cùng anh hoạt động ở Quảng Nam, tôi luôn thấy anh Mân hết lòng tận tụy với công việc, dành tình cảm gắn bó sâu đậm với nhân dân. Sinh thời anh từng nói với tôi, lúc gian khổ nhân dân Quảng Nam đã đùm bọc anh. Anh coi nơi đây là quê hương thứ hai của mình.

Xa anh một thời gian dài, mãi đến đầu năm 1965, khi tôi được điều về Tây Nguyên (Mặt trận B3) lại được gặp anh Mân khi ấy ở cương vị Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận, tôi là Phó chính ủy. Thật vui mừng vì anh em được ôn lại bao kỷ niệm của những ngày chung một cấp ủy trước Cách mạng Tháng Tám. Những ngày gian lao, nguy hiểm nhưng chúng tôi luôn hăng say, dũng cảm, đoàn kết, gắn bó với quần chúng, trong tay không có một tấc sắt vẫn đi đầu trong toàn quốc giành được chính quyền đã có gần 100 năm tuổi do thực dân Pháp tạo dựng. Những kinh nghiệm của 20 năm trước vẫn còn nóng hổi với Tây Nguyên bấy giờ. Là Đảng bộ xa Trung ương nhưng với sự thống nhất cao trong cấp ủy, chúng tôi vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng trong điều kiện cụ thể của địa phương và đã phát huy được thời cơ để giành thắng lợi.

Còn nhớ, tháng 5-1965, tôi từ Nam Lào sang Tây Nguyên. Chân ướt, chân ráo nhưng tôi tin tưởng khi được làm việc cùng với anh Chu Huy Mân, bắt tay vào chuẩn bị mở chiến dịch Plei Me theo chủ trương của Trung ương tìm cách đánh đau quân ngụy, sẵn sàng đánh thắng quân Mỹ ngay từ đầu, góp phần đánh bại chiến lược "đánh nhanh, giải quyết nhanh" trong chiến tranh cục bộ của Mỹ. Quá trình chuẩn bị chiến dịch này được tổ chức tỉ mỉ, cụ thể vì tương quan lực lượng giữa ta và địch quá chênh lệch. Phải tìm được phương án tối ưu, chắc thắng vì Plei Me là tiền đồn phòng ngự nam Pleiku, vị trí nhạy cảm cả về chiến thuật và chiến dịch nên việc bố trí của địch, nhất là kế hoạch chi viện, phối hợp giữa Plei Me và các đơn vị cơ động của Mỹ rất chặt chẽ. Hơn nữa, làm thế nào để diệt được một bộ phận của Mỹ cỡ tiểu đoàn trở lên cũng là vấn đề hóc búa. Bàn đi tính lại, cuối cùng Bộ chỉ huy Chiến dịch dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của anh Chu Huy Mân cũng tìm ra được cách đánh, "nắm thắt lưng địch". Anh Nguyễn Chánh, tôi và anh Nam Hà được phân công đi tiên phong mở màn chiến dịch: Bao vây Plei Me, diệt viện binh của ngụy trên Đường 21. Trước khi ra trận, anh Mân còn cẩn thận trao đổi thêm với chúng tôi thời gian bao vây Plei Me, thời gian mở vây và việc khẩn trương chấn chỉnh lực lượng để đánh Mỹ vào giai đoạn 2. Chiến dịch Plei Me kết thúc thắng lợi đã khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội ta ngay trong trận đầu đánh quân Mỹ trên chiến trường Tây Nguyên…

Đồng chí Chu Huy Mân cùng đoàn công tác của Tổng cục Chính trị thăm cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 3, tháng 3-1976. Ảnh tư liệu

Đồng chí Chu Huy Mân cùng đoàn công tác của Tổng cục Chính trị thăm cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 3, tháng 3-1976. Ảnh tư liệu

Cuối năm 1966 tôi được điều về Tây Bắc, kinh nghiệm ở chiến trường Tây Nguyên kết hợp với những điều tôi học được từ phong cách chỉ đạo chiến dịch của anh Mân đã giúp tôi có những quyết định phù hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo tác chiến, góp phần vào thành công của nhiều chiến dịch tôi được tham gia như: Nậm Bạc, Cánh Đồng Chum, Mường Sủi, Mường Sài...

Khi chiến tranh ở biên giới phía Bắc (1979) nổ ra, tôi được điều trở về Quân khu 2 (sau hai năm ra giữ trọng trách Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), lại được gặp anh Mân ở cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Tôi nhớ một lần kết thúc chuyến công tác, trước khi về, anh gặp tôi và nhắc: "Trong kháng chiến chống Mỹ, ở Tây Bắc và Lào, anh và Vũ Lập đã đoàn kết, làm việc tốt, rất hiệu quả. Nay anh về cùng anh Lập tiếp tục phát huy tinh thần làm việc cũ, giữ vững vùng chiến lược nhạy cảm ở biên giới phía Bắc".

Sau đó, tôi còn được nhiều dịp trao đổi với anh Mân về đường lối, quan điểm xây dựng quân khu trong tình hình mới. Quan trọng là chế độ một thủ trưởng, bỏ chế độ chính ủy. Anh Mân trăn trở, chưa thật đồng tình, song thổ lộ là cũng có nhiều khó khăn trong việc đề nghị lập lại cơ chế này. Những ngày đã nghỉ công tác, trong lúc đất nước còn nhiều khó khăn, anh rất lo lắng về nạn quan liêu, tham nhũng, phẩm chất sa sút trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, một số việc nổi cộm làm ảnh hưởng đến đoàn kết trong Đảng. Anh tích cực góp ý kiến với Trung ương để chấn chỉnh tình hình. Những suy nghĩ và hành động của anh cho thấy anh là người đảng viên được rèn luyện lâu năm trong Đảng, luôn lo sự tồn vong của Đảng. Anh là tấm gương sáng để chúng ta học tập, noi theo.

SONG THANH-BẢO LINH (ghi)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/dai-tuong-chu-huy-man-trong-ky-uc-cua-thieu-tuong-huynh-dac-huong-721649