Đại tướng Mai Chí Thọ - nhà lãnh đạo trọn đời vì nước, vì dân (*): Người lãnh đạo chủ trương 'xé rào'

Xé rào trong mua bán lương thực, xé rào, bung ra trong sản xuất không chỉ lo cho đời sống của nhân dân, doanh nghiệp mà còn phá thế cô lập ngăn sông cấm chợ thời điểm sau giải phóng, đặc biệt là phá thế bao vây cấm vận của Mỹ

Trong thời kỳ làm Chủ tịch UBND thành phố, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, rồi Bí thư Thành ủy TP HCM (giai đoạn 1976 đến 1986), ông Mai Chí Thọ cùng tập thể lãnh đạo Thành ủy đã đưa ra những chủ trương "xé rào", bung ra làm tiền đề cho đất nước bước vào cuộc đổi mới mạnh mẽ từ Đại hội Đảng lần VI năm 1986.

Đột phá vào thực tiễn

Theo ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM, sau giải phóng, TP HCM đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách. Đó là tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội phức tạp, số người thất nghiệp quá lớn, tệ nạn xã hội đầy rẫy và một nền kinh tế vận hành bằng thiết bị, máy móc, nguyên liệu, vật tư… từ các nước tư bản chủ nghĩa. Toàn bộ nền sản xuất công nghiệp của thành phố bị đình đốn, hoạt động cầm chừng. Nguyên vật liệu, xăng dầu cạn dần, viện trợ từ các phía bị cắt đứt, máy móc phương tiện thiếu phụ tùng thay thế nên bị hỏng hóc liên miên, một số thiết bị phải "đắp chiếu" triền miên, cơ sở vật chất xuống cấp nhanh chóng.

Đứng trước thực trạng đó, những người đứng đầu thành phố khi ấy là Bí thư, Chủ tịch đều phải ra tay. Ông Mai Chí Thọ cùng lãnh đạo Thành ủy đã mạnh dạn cho phép nhà máy, xí nghiệp thử nghiệm "Kế hoạch 3 phần". Theo đó, kế hoạch A là doanh nghiệp nhận vật tư nguyên nhiên liệu nhà nước giao, rồi sản xuất xong giao lại tất cả sản phẩm cho nhà nước thông qua thương nghiệp quốc doanh. Kế hoạch B là thành phố hợp tác với doanh nghiệp nhà nước nhằm tận dụng công suất thừa và lao động của nhà máy chưa đủ việc làm. Cụ thể, thành phố huy động vàng, ngoại tệ trong dân để nhập nguyên liệu từ nước ngoài về sản xuất; sau khi trừ chi phí và nghĩa vụ với nhà nước thì thành phố thu về những sản phẩm đó trao đổi lấy nông sản ĐBSCL và các tỉnh khác đưa đi xuất khẩu thu ngoại tệ để nhập thêm vật tư nguyên liệu cho sản xuất liên tục. Kế hoạch C là nhà máy tổ chức cho người lao động tự sản xuất thêm nhằm tăng thêm thu nhập.

Như vậy, việc thực hiện kế hoạch 3 phần theo chủ trương của Thành ủy là bảo đảm hài hòa 3 lợi ích, đó là lợi ích của nhà nước, lợi ích của thành phố, cùng với lợi ích của doanh nghiệp và người lao động.

Các CLB giám đốc thường xuyên có cuộc trao đổi với lãnh đạo thành phố. Từ những cuộc trao đổi về cách làm, về các sáng kiến, thành phố đã có cơ chế phổ biến, phát động học tập cái mới, ủng hộ cái mới. Nhờ vậy mà sức sản xuất của thành phố được "bung ra"; cho ra đời những đơn vị như: Dệt Thành Công, Thắng Lợi, Phong Phú, Xí nghiệp Thuốc lá, Dược phẩm 2-9, bột giặt Viso…

Ông Mai Chí Thọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP HCM (áo sậm) tham quan triển lãm về thành tích 3 năm xây dựng và phát triển TP HCM (1975-1978). Ảnh: TƯ LIỆU

Ông Mai Chí Thọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP HCM (áo sậm) tham quan triển lãm về thành tích 3 năm xây dựng và phát triển TP HCM (1975-1978). Ảnh: TƯ LIỆU

Phá thế ngăn sông cấm chợ

Cũng theo ông Phạm Chánh Trực, trong việc cứu đói, một câu chuyện đến nay vẫn thường xuyên được nhắc đến đó là thành phố cấp tiền thu mua lương thực cho bà Nguyễn Thị Ráo, tức bà Ba Thi, Giám đốc Công ty Lương thực TP HCM đi ĐBSCL mua gạo với giá thỏa thuận của bà con nông dân.

Việc thu mua gạo thực sự khó khăn, bởi cơ chế ràng buộc, bị phê phán là thu mua phá giá khi giá lúa được quy định khoảng 5 hào/kg trong khi tổ thu mua giá 3 đồng; địa phương thì cho là phá hoại gây mất đoàn kết. Vất vả, khó khăn nhưng thời điểm đó, mệnh lệnh cao nhất là "không được để dân chết đói".

"Xé rào" trong mua bán lương thực cứu đói không chỉ lo đời sống của dân mà còn phá thế cô lập "ngăn sông cấm chợ" thời gian đó. "Với sự năng động sáng tạo, phát huy sáng kiến của lãnh đạo Thành ủy và Chủ tịch UBND TP HCM Mai Chí Thọ, từ đó kinh tế thành phố bắt đầu gượng dậy phát triển, duy trì phát triển sản xuất của trung tâm công nghiệp này cung cấp sản phẩm hàng hóa cho toàn miền Nam và cả nước. Có hàng hóa, của cải vật chất đã làm sống động thị trường, tạo sinh khí mới cho nền kinh tế. Qua thực tiễn thay đổi cách nghĩ, cách làm của thành phố, trung ương thấy rằng quy luật phát triển của nền kinh tế nước ta trong giai đoạn hiện nay phải là "Nền kinh tế hàng hóa có sự quản lý của nhà nước". Từ đó, Đảng ta đã khởi xướng đường lối đổi mới được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI thông qua" - ông Phạm Chánh Trực nói.

Theo ông Phạm Chánh Trực, những chủ trương chính sách "xé rào", "bung ra" như trên là không đúng quy định nhà nước nhưng nó rất phù hợp thực tiễn, phù hợp quy luật phát triển, nên đã gỡ được khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện đời sống công nhân và nhân dân, làm cho nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ.

"Những chủ trương "xé rào", "bung ra" của Thành ủy trong giai đoạn 1976 - 1986 và những năm tiếp theo có dấu ấn không nhỏ của Chủ tịch UBND TP HCM Mai Chí Thọ" - ông Phạm Chánh Trực cho biết.

Đổi mới thủ tục hành chính xuất nhập cảnh

Theo ông Võ Viết Thanh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, nguyên Chủ tịch UBND TP HCM, những năm sau giải phóng 1975, trong bối cảnh dòng người Việt Nam vượt biên ngày càng gia tăng, lãnh đạo Tổng cục An ninh đề xuất với Bộ trưởng Mai Chí Thọ giải pháp ngăn chặn vượt biên. Một là, cấp hộ chiếu phổ thông cho tất cả người Việt Nam có nhu cầu xuất cảnh ra nước ngoài về việc riêng. Hai là, với Việt kiều và người nước ngoài ở những nước chưa có sứ quán Việt Nam, muốn vào Việt Nam thì được bay thẳng về sân bay Nội Bài hoặc sân bay Tân Sơn Nhất và được thị thực nhập cảnh tại phi trường với lệ phí 50 USD. Hai đề xuất này được Bộ trưởng Mai Chí Thọ đồng ý ngay và sau đó được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng) chấp thuận cho thực hiện.

Đổi mới thủ tục hành chính xuất nhập cảnh, Việt kiều và người nước ngoài vào Việt Nam ngày càng gia tăng, góp phần khởi sắc kinh tế trong nước. "Xóa bỏ thủ tục hành chính không cần thiết rất được lòng dân trong nước và người nước ngoài, giảm gánh nặng và tai tiếng tiêu cực cho bộ phận nghiệp vụ trong ngành công an bởi cơ chế "xin cho" không minh bạch trong khâu xuất nhập cảnh" - ông Võ Viết Thanh nói.

Q.Anh

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 13-7

Ký tới: "Chủ tịch gạo"

Trường Hoàng

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/dai-tuong-mai-chi-tho-nha-lanh-dao-tron-doi-vi-nuoc-vi-dan-nguoi-lanh-dao-chu-truong-xe-rao-2022071319473318.htm