Đài tưởng niệm trên công trình Thủy điện Hòa Bình

Những ngày cuối tháng 7, giữa ánh nắng chói chang đổ xuống lòng hồ thủy điện Hòa Bình, Đài tưởng niệm Thủy điện Hòa Bình vươn lên uy nghiêm giữa đại ngàn sông núi. Đứng từ đỉnh công trình thủy điện nhìn xuống, tòa tháp trắng sáng như búp hoa đuôi chồn lặng lẽ giữa vùng trời xanh biếc, nơi ấy là trái tim, ký ức của hàng vạn con người từng góp sức xây dựng Thủy điện Hòa Bình.

Đài tưởng niệm được thiết kế hình tháp với 6 cánh vươn rộng, mô phỏng hình dáng của tua-bin tổ máy, biểu tượng của sức mạnh, năng lượng và sự hồi sinh. Bao quanh chân tháp là vòng tròn gắn 168 tấm bia đá, khắc tên, năm sinh, quê quán, ngày hy sinh của từng người. Tấm bia chính uy nghi khắc dòng chữ: “Tổ quốc ghi công các bạn”.

 Đài tưởng niệm Thủy điện Hòa Bình bên bờ sông Đà.

Đài tưởng niệm Thủy điện Hòa Bình bên bờ sông Đà.

Trong suốt 15 năm xây dựng công trình Thủy điện Hòa Bình (từ năm 1979 đến 1994), hàng vạn cán bộ, công nhân, bộ đội Việt Nam đã sát cánh cùng hơn 300 chuyên gia, kỹ sư Liên Xô. Trên công trường khắc nghiệt, nơi mùa hè thì nắng rát cháy da, đông đến lại lạnh thấu tủy, họ đã “xẻ núi, ngăn sông”, dốc sức dựng nên công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ. Thế nhưng, kỳ tích ấy không chỉ được làm nên từ thép, xi măng hay máy móc, mà còn phải đánh đổi bằng xương máu. 168 người đã ngã xuống trong quá trình thi công, trong đó có 11 chuyên gia Liên Xô; 15 cán bộ, chiến sĩ Đoàn 565, Binh đoàn 12-Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn; 142 cán bộ, kỹ sư, công nhân các đơn vị tham gia thi công. Trong số 168 người đã ngã xuống ấy có 15 người là phụ nữ.

 Người dân tham quan, dâng hương tưởng nhớ các chuyên gia, cán bộ, kỹ sư, công nhân đã hy sinh trong quá trình thi công Thủy điện Hòa Bình (1979-1994).

Người dân tham quan, dâng hương tưởng nhớ các chuyên gia, cán bộ, kỹ sư, công nhân đã hy sinh trong quá trình thi công Thủy điện Hòa Bình (1979-1994).

Ông Nguyễn Tùng Lâm, nguyên cán bộ Bảo tàng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, xúc động nhớ lại: “Có người mới đôi mươi như anh Lâm Quang Hùng, quê Lương Sơn, Hòa Bình (nay là Phú Thọ); Trần Văn Bính, quê ở Hà Tây (nay là Hà Nội) vừa bước vào tuổi thanh xuân đã vĩnh viễn nằm lại dưới lòng hồ. Người đầu tiên hy sinh là anh Lê Xuân Lý, mới 20 tuổi, mất năm 1972 khi đang khảo sát địa hình. Người cuối cùng là kỹ sư Đậu Tiến Thọ, cũng chính là người phụ trách xây dựng chính công trình Đài tưởng niệm, hy sinh chỉ một tuần trước ngày khánh thành”. Đặc biệt, 11 chuyên gia Liên Xô đã ngã xuống trên công trường, họ để lại cho Việt Nam không chỉ kỹ thuật mà còn cả tấm chân tình sâu nặng. Tên họ được khắc trang trọng trên 11 tấm bia liền kề, nằm sát nhau, như một biểu tượng vĩnh cửu cho tình hữu nghị Việt-Xô.

Nhiều năm trở lại đây, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình trở thành biểu tượng cho bước chuyển mình của đất nước từ thuở nghèo khó sang thời kỳ đổi mới. Trong ánh sáng rực rỡ phát ra từ các tổ máy, vẫn như có hơi ấm từ 168 trái tim đã ngừng đập vì Tổ quốc.

Lòng hồ sông Đà giờ đây thật hiền hòa, trong xanh, ngày ngày soi bóng Đài tưởng niệm, ghi công những người đã hy sinh cho công trình vĩ đại này. Tiếng đàn balalaika của các chuyên gia Liên Xô như vẫn ngân nga đâu đó, ru giấc ngủ ngàn thu cho những đóa hoa bất tử đã hóa thân vào dòng điện quốc gia, cho các thế hệ hôm nay và mãi mãi mai sau...

Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/dai-tuong-niem-tren-cong-trinh-thuy-dien-hoa-binh-838816