Dưới vòm cây mùa hạ

Hà Nội mùa hạ. Nắng rát như lửa táp. Trưa đứng bóng, mặt đường như tan chảy dưới chân người. Ấy vậy mà, chỉ cần bước dưới vòm cây xanh, cảm giác lập tức đổi khác. Một cơn gió nhỏ cũng đủ làm lá xào xạc, bóng cây chao nghiêng, nắng lọc qua tầng lá chỉ còn lại những đốm sáng. Mát. Và dịu. Như được ai đó nhẹ tay vỗ về.

Gốc trôi cổ thụ. Ảnh: Hà Thư.

Gốc trôi cổ thụ. Ảnh: Hà Thư.

Tôi vẫn thường tìm đường đi qua những con phố nhiều cây nhất Hà Nội: Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng… Mỗi con phố nhiều cây như một “hành lang xanh” dịu mát giữa chảo lửa đô thành. Những thân cây cổ thụ, rễ nổi lô xô, vỏ xù xì, cao vút, lặng lẽ vươn tán như những mái vòm chở che lặng thầm. Dưới những vòm lá ấy, tôi như được chậm lại một nhịp. Và rồi, bất giác nhớ.

Nhớ làng quê tôi thuở bé. Nơi cũng có những vòm cây. Cây đa đầu làng, cây gạo bên bờ đê, và cây trôi giữa đồng - những chứng nhân âm thầm của làng qua bao mùa gió bão. Mỗi mùa hè đến, lũ trẻ chúng tôi thường rủ nhau trốn ngủ trưa ra ngồi dưới gốc đa. Rễ đa trồi lên mặt đất như những con trăn cuộn mình, thân cây to đến mức 4 đứa ôm không xuể. Cây si già cũng tỏa vòm che nắng mưa nơi bờ bãi. Nhưng nhớ nhất vẫn là cây trôi giữa cánh đồng.

Cây trôi ấy, các cụ cao niên trong làng kể đã hơn bốn trăm năm tuổi, tán rộng vài chục mét, đứng đó từ thuở chưa có đê bao, chưa có điện lưới. Người làng gọi là “cụ cây”. Mỗi mùa cấy hái, người dân đi đồng ghé vào bóng cây nghỉ chân, uống ngụm nước chè xanh, buộc lại quai nón. Những đứa trẻ chăn trâu nằm ngửa dưới tán cây, gối đầu lên lưng trâu mà hát vu vơ. Dưới bóng cây trôi ấy, nhìn ra cánh đồng, tôi thường nhớ tới câu thơ: "Hạt gạo làng ta/ Có bão tháng bảy/ Có mưa tháng ba/ Giọt mồ hôi sa/ Những trưa tháng sáu/ Nước như ai nấu/ Chết cả cá cờ/ Cua ngoi lên bờ/ Mẹ em xuống cấy...”. Đó là những câu thơ trong bài “Hạt gạo làng ta” của nhà thơ Trần Đăng Khoa.

Một cảnh quê yên bình, như trong tranh phong cảnh, thấm đẫm hơi thở của đất.

Rồi tôi lớn. Rời làng ra phố. Đi học, đi làm, đi đây đi đó. Nhưng mỗi khi có dịp ngang qua một miền quê khác, hễ thấy một gốc cây cổ thụ giữa đồng, hay một bóng cây cổ thụ ở ven đường, tôi đều muốn dừng lại. Có lần giữa trưa nắng, tôi bắt gặp một cái chợ quê nhỏ nằm dưới tán cây đa cổ thụ ở một làng bên sông Hồng. Cây đa ấy to đến mức sinh ra tới 7-8 “gốc phụ”. Ban đầu chỉ là những cái rễ thả xuống để hút chất dinh dưỡng, sau lớn dần hóa thành thân cây. Tán cây đa xòa xuống như cái lọng lớn che cho cả chợ. Người bán ngồi lọt thỏm giữa những thân cây, bên mớ rau sắn vừa hái, bó măng tre, ít hoa thiên lý thơm nức. Một bà cụ tóc bạc bán rổ khế chín, cạnh đó là dăm nải chuối xanh, vài bó rau ngót xanh mướt... Cả chợ không tiếng còi xe, không tiếng máy móc, chỉ có tiếng người quê nói chuyện với nhau bằng thứ giọng thân thương, nhỏ nhẹ mà đằm sâu.

Tôi đứng đó rất lâu, như thể không nỡ rời. Vòm lá xao động trong gió trưa. Mùi khói bếp, mùi rơm rạ từ đâu đó thoảng qua. Cảnh ấy khiến tôi nhớ làng mình da diết.

Có lẽ, vì thế mà tôi luôn thấy những vòm cây là một phần không thể thiếu của ký ức. Cây cối ở quê không chỉ là bóng mát, mà là nơi lưu giữ hơi thở của làng, là nơi quấn quýt hồn người, nơi những mùa tháng trôi qua in dấu. Vòm cây mùa hạ, dù ở đâu - giữa phố thị hay đồng quê - cũng khiến lòng người chùng lại. Mỗi khi đi dưới vòm lá, ta không chỉ mát mẻ, mà còn dịu mềm. Không chỉ bước trong bóng râm, mà còn bước lại trong chính tuổi thơ mình.

Bây giờ, sống giữa lòng phố thị, tôi biết ơn những vòm cây. Không chỉ vì cái mát tạm thời trong mùa hè chói chang, mà vì chúng cho tôi một khoảng lặng để nhớ về quê nhà. Nhớ những ngày thơ bé. Nhớ bóng mẹ trên đồng. Nhớ gió thổi trên lưng trâu. Nhớ cả tiếng gọi nhau í ới giữa ruộng lênh loáng nước. Những ký ức ấy, trong veo như giọt sương đầu lá. Và những vòm cây, như những cánh cửa bí mật, mở lối cho tôi trở về.

Thùy Liên

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/duoi-vom-cay-mua-ha-10311369.html