Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người anh cả của quân đội cách mạng, vị Đại tướng của Nhân dân

Trong đường lối kháng chiến với sự lãnh đạo của Đảng ta cùng với tư tưởng quân sự của Hồ Chí Minh, đằng sau những thắng lợi mang tính thời đại của Nhân dân và Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng, Võ Nguyên Giáp là một động lực. Những chiến công vĩ đại đã góp phần làm nên những kỳ tích vẻ vang mang tính quyết định trong lịch sử cách mạng đều gắn liền với tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2021)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - một trong những học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh cả của quân đội cách mạng, vị đại tướng của Nhân dân, một nhà văn hóa lớn của Việt Nam. Tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với những mốc son chói lọi lịch sử của dân tộc. Thế giới đánh giá về Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một chuyên gia hàng đầu về đường lối chiến tranh Nhân dân của phong trào giải phóng dân tộc trong nước và trên thế giới; tư duy khoa học về xây dựng lực lượng quân sự rất độc đáo, sáng tạo và toàn diện; một vị tướng sắc sảo nhất về nghệ thuật khoét sâu chỗ yếu của địch; về tài thao lược và thế giới xem Đại tướng Võ Nguyên Giáp là bậc thầy về chiến lược, chiến thuật quân sự. Đối với mỗi người dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành một biểu tượng tài đức vẹn toàn, gắn liền với chiến công đánh bại chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc.

Ngay từ những ngày đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Ngày 22/12/1944, đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Đảng đọc “Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân” của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Dưới cờ đỏ sao vàng, 34 chiến sĩ đã đọc “Mười lời thề danh dự”. Toàn Đội quyết tâm sẵn sàng “hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để tiêu diệt bọn phát xít Nhật - Pháp và bọn Việt gian phản quốc, làm cho nước Việt Nam trở nên một nước độc lập và dân chủ ngang hàng với các nước dân chủ trên thế giới”. Dưới sự trực tiếp chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã mưu trí, táo bạo thực hiện chiến công đầu tiên, hạ đồn Phay Khắt (ngày 24/12) và Nà Ngần (ngày 25/12) trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn với phương châm “ăn mỗi ngày một bữa, đánh mỗi ngày hai trận”, đánh nhanh tiêu diệt gọn.

Đội Việt Nam giải phóng quân có vai trò rất quan trọng trong cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám, ngày 13/8/1945, từ cây đa Tân Trào, đơn vị chủ lực Việt Nam giải phóng quân đã tiến về thị xã Thái Nguyên, mở đầu cho Tổng khởi nghĩa toàn quốc. Lực lượng võ trang đã hỗ trợ đắc lực cho lực lượng chính trị, tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Chỉ trong 15 ngày, chế độ đế quốc hàng trăm năm, chế độ phong kiến hàng ngàn năm đã bị lật đổ.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí Võ Nguyên Giáp là Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy các chiến dịch lớn, mà đỉnh cao chính là Chiến dịch Điện Biên Phủ (13/3 - 7/5/1954), với quyết định thay đổi phương châm tác chiến, từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa thể hiện tư duy quân sự sắc sảo, bản lĩnh của người cầm quân, đồng thời cũng thể hiện việc quán triệt sâu sắc, chấp hành ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “đánh chắc thắng”, sau 56 ngày đêm chiến đấu quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giáng đòn quyết định, tạo bước ngoặt lịch sử.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp liên tiếp giữ các chức vụ Tổng Tư lệnh, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Thủ tướng Chính phủ. Đồng chí là người sớm có kiến nghị và dành nhiều tâm sức để xây dựng quân đội, xây dựng nền quốc phòng vững mạnh. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, cùng với sự chỉ đạo của Bí thư thứ nhất Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị với Bộ Chính trị về kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam và trực tiếp chỉ đạo các cơ quan Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tư lệnh tiền phương chỉ huy toàn quân thực hiện thắng lợi quyết tâm chiến lược và kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp không qua một trường lớp quân sự nào, mà chủ yếu học trong thực tế là chính. Chiến tranh luôn ẩn chứa nhiều yếu tố ngẫu nhiên không thể biết và lường trước được hết. Đại tướng Võ Nguyên Giáp không xử trí chiến thuật quân sự bằng những “giải pháp quân sự cố định học đường”, mà luôn xuất phát từ thực tế chiến trường để giải quyết mọi tình huống ngoài dự kiến và lật ngược thế cờ.

Hơn 30 năm chỉ huy quân sự, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chưa bao giờ phạm sai lầm về chiến lược, đã buộc 10 danh tướng của Pháp, Mỹ mắc sai lầm về chiến lược và thua trận, trong đó có 7 đại tướng Pháp và 3 đại tướng Mỹ. Mặc dù trước đó chưa một ngày được mang trên mình các cấp hàm của quân đội, nhưng đồng chí Võ Nguyên Giáp thụ phong quân hàm Đại tướng vào ngày 28/5/1948 theo sắc lệnh 110/SL ký ngày 20/1/1948. Đồng chí trở thành Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam khi bước sang tuổi 37. Sau này, khi trả lời phóng viên nước ngoài về tiêu chí phong tướng, Bác Hồ đã thâm thúy nói: “Người nào đánh thắng đại tá thì phong đại tá, đánh thắng thiếu tướng thì phong thiếu tướng, đánh thắng trung tướng thì phong trung tướng, đánh thắng đại tướng thì phong đại tướng”.

Nét đẹp cao quý tập trung nhất về nhân cách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tinh thần dĩ công vi thượng, khiêm tốn, sống giản dị, thanh cao, quyết đoán, dân chủ, bao dung, nhân hậu, là một thiên tài quân sự. Với Đại tướng, Tổ quốc, dân tộc và Đảng là trên hết, không gì thiêng liêng và cao quý hơn. Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn tỏ rõ là một vị tướng tài đức song toàn, là một tấm gương sáng cho các thế hệ sau này tự hào và noi theo, nỗ lực học tập, tích cực phấn đấu, cống hiến sức lực, trí tuệ, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

ĐỒNG DAO

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/chinh-tri/dai-tuong-vo-nguyen-giap-nguoi-anh-ca-cua-quan-doi-cach-mang-vi-dai-tuong-cua-nhan-dan-100135.aspx